Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2019

"Bộ Chính trị đã quyết" và đoạn kết nào cho Sơn Trà ?

Hoa Nghi

Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ban hành ngày 24/01/2019 đã đề cập đến Sơn Trà với cụm từ "xây dựng Khu du lịch quốc gia Sơn Trà".

sontra1

Bán đảo Sơn Trà

Sơn Trà, không chỉ mang yếu tố quân sự mà còn là khu vực có tính sinh học cao cần được bảo tồn. Thế nhưng, khi Đà Nẵng phát triển nóng về mặt du lịch, thì diện tích rừng bảo tồn đã giảm từ 4.000 ha xuống còn 2.500, 1.500 ha còn lại là phát triển phục vụ du lịch. Trong 1.500 ha "phát triển du lịch" đó, có không ít diện tích được sử dụng để xây biệt thự cho các đại gia.

"…Sơn Trà đã đánh động ý thức của cộng đồng, buộc họ phải nói lên tiếng nói của mình. Người dân Đà Nẵng phải nhận thức và lên tiếng vì quyền lợi của mình,…", một bài viết trên báo Lao Động ngày 8/4/2018. Và nhân vật kêu gọi sự bền bỉ lên tiếng vì giá trị Sơn Trà là ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vào thời điểm đó, người đã gây bão mạng xã hội và báo chí trong (ngoài nước) về ý chí bảo tồn Sơn Trà nhằm phát triển bền vững, và giữ gìn di sản thiên nhiên cho thế hệ sau của mình.

Nhưng những nỗ lực của ông Huỳnh Tấn Vinh, và cả những người dân muốn sự "bền vững" thực tế dường như chưa vọng đến Bộ Chính trị, những người mà mới đây đã quyết "xây dựng Khu du lịch quốc gia", thay vì bảo tồn. Và bản thân Nghị quyết 43 đã "đánh sập" quan điểm của Chính phủ trước đó, mà đại diện là ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi khẳng đình rằng : nếu cần bỏ Sơn Trà ra khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng đồng ý.

Nghị quyết 43, nếu theo cách nói của bà Chủ tịch Quốc Hội, thì "đã quyết", và phải bàn cho ra, không còn cái gọi là "đồng ý, ý kiến, không đồng ý" nữa.

Câu chuyện bán đảo Sơn Trà không chỉ là một vấn đề nóng hổi, mà nó còn đặt ra câu chuyện về cái gọi là, bảo tồn như thế nào cho thế hệ mai sau, tầm nhìn của những nhà lãnh đạo đến đâu, và mong muốn của người dân được lắng nghe như thế nào. Thế nhưng, Nghị quyết 43 vẫn là một Nghị quyết dựa trên tinh thần nhóm hơn là tinh thần quốc gia, những người nằm trong Bộ Chính trị "đã quyết" về Sơn Trà theo hướng du lịch hướng đến tầm nhìn "kinh doanh" hơn là giữ gìn di sản. Sự kiện này nhắc lại những lần quyết sai của Bộ Chính trị, bao gồm cả dự án Boxite ở Tây Nguyên, và gần đây nhất là "quyết" chuyện đặc khu. Điểm chung của các sự kiện này là sự nóng vội, đặt quyết tâm chính trị lên trên tâm lý xã hội, và nguyện vọng của người dân. Và lớn nhất là không lắng nghe sự đa chiều, trong đó có ý kiến của những chuyên gia phản biện độc lập. Hệ quả là các dự án rơi vào "lỗ theo kế hoạch", hoặc gây ra phản ứng lớn trong xã hội (đối với vấn đề đặc khu).

Với Nghị quyết 43 này, thì ở khía cạnh nào đó, văn bản của Đảng cộng sản Việt Nam thúc đẩy sự phát triển du lịch, nhưng lại bỏ quên yếu tố bảo tồn. Và trên cả, nó sẽ mở đầu cho hiện tương du lịch hóa ở các vùng di sản quan trọng, trong đó bao gồm cả Sơn Đoong ở Quảng Bình. 

Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam hiện tại trong Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963 đã nêu quan điểm rằng : Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. 

Đưa hoàn cảnh câu nói này vào trong Sơn Trà, thì quy hoạch thành khu du lịch, "là phá một ít", tương tự như Vịnh Hạ Long. Và hệ sinh thái sẽ vĩnh viễn biến mất, khi mà bảo tồn bị xếp hàng thứ yếu trong tư duy quản trị quốc gia của Bộ Chính trị.

Hãy rùng mình vì trong quyết tâm xây dựng "Khu du lịch quốc gia Sơn trà" thiếu vắng cả cụm chữ quan trọng nhất, "theo hướng bền vững".

Nếu Sơn Trà biến mất, nếu trên đó thay vào những Voọc chà vá chân nâu và cánh rừng xanh là hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán bar… Ai sẽ phải chịu trách nhiệm và trả lời trước con cháu về sự tước đoạt và cưỡng bức thiên nhiên này ? Hay chỉ đơn thuần là quan điểm, trách nhiệm chung, là Bộ Chính trị ?

"Giữ cho thế hệ tương lai một cái gì đó ở trên đất nước này", P. người thuộc NGOs môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Nhưng giữ bằng cách nào, khi tiếng nói của người dân không được lắng nghe một cách đầy đủ, khi mà Sơn Trà không còn là di sản mà trở thành "miếng mồi ngon" trong hoạch định chiến lược phát triển của lãnh đạo ?

Hoa Nghi

Nguồn : VNTB, 04/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 616 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)