Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2019

Nhìn lại 30 năm sau Bức tường Bá Linh sụp đổ

Lê Mạnh Hùng - Lê Phan

Nước Mỹ mất gì khi bức tường Berlin sụp đổ ?

Lê Mạnh Hùng, Người Việt, 13/11/2019

Khi bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 10 tháng Mười Một cách đây ba muơi năm, Tổng Thống Mỹ George H.W Bush không tỏ ra xúc động và vui mừng bao nhiêu. Và khi được các phóng viên báo chí vặn hỏi, ông Bush trả lời "Tôi không phải là loại người đa cảm" (I’m just not an emotional kind of guy).

30nam1

Tổng Thống George H. W. Bush và Thủ Tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Berlin hồi tháng Bảy, 2008. (Hình : Getty Images)

Một phần lý do là bản tính tự kiềm chế bẩm sinh của một con người điển hình thượng lưu của miền New England. Một phần khác là ông không muốn làm gì để động lòng Moscow vốn trong tình trạng dao động vì việc mất cả đế quốc tại Đông Âu. Nhưng nay sau ba mươi năm nhìn lại có thể rằng ông Bush đã linh cảm rằng việc sụp đổ của bức tường Berlin đã làm cho nuớc Mỹ mất nhiều hơn là được.

Người ta đã nói nhiều điều, những hậu quả không ngờ của sự sụp đổ của đế quốc Xô Viết đối với trật tự thế giới. Chúng ta đã biết đến việc nó thả ra khỏi cái chai các ông thần của tinh thần tôn giáo và dân tộc nguyên thủy. Người ta cũng nói đến sự xuất hiện của một nước Nga hận thù. Nhưng điều mà rất ít người nói đến là điều mà Mỹ bị mất trong sự sụp đổ này. Với sự sụp đổ của đế quốc Cộng Sản, nước Mỹ mất một kẻ thù có thể làm cho toàn dân đoàn kết. Ngày nào mà đất nước còn bị đe dọa bởi một kẻ ngoại thù, thì tự nhiên có một giới hạn cho những tranh chấp bên trong. Đẩy mâu thuẫn nội bộ lên đến quá mức là không ái quốc.

Thế nhưng một khi không còn đối thủ, hay ngay cả một kẻ cạnh tranh, người Mỹ bắt đầu bỏ các giới hạn trong việc tranh chấp phe đảng. Không có gì làm cho nước Mỹ chia rẽ hơn là khi vị thế độc tôn của Hoa Kỳ được xác định. Tinh thần phe đảng không phải đến khi Cộng Sản sụp đổ mới có, nhưng nó đã được đẩy lên đến đỉnh cao sau đó. Điều này có thể thấy qua việc lựa chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.

Trong số năm vị thẩm phán cuối cùng được đề cử trước năm 1989, có đến bốn người được tất cả Thượng Viện bỏ phiếu đồng ý. Từ đó đến nay, không một thẩm phán nào được toàn thể Thượng Viện chấp nhận. Trong vòng vài tuần nữa, có rất nhiều triển vọng rằng Tổng Thống Donald Trump sẽ bị Hạ Viện đàn hạch và đưa ra Thượng Viện xử. Nếu như vậy có nghĩa là chỉ trong vòng hơn hai chục năm đã có nhiều vụ đàn hạch hơn là cả hai trăm năm trước của lịch sử nước Mỹ.

Lịch sử không cho phép làm một thí nghiệm như trong vật lý. Chúng ta không thể biết tình trạng của chính trị Hoa Kỳ trong một thế giới mà vẫn còn một thế giới Cộng Sản vũ trang đe dọa đằng sau bức tường Berlin. Chúng ta chỉ quan sát những sự kiện và những sự kiện cho thấy rõ ràng là có một sự phân hóa gia tăng bắt đầu từ những năm 1990.

Sử gia Peter Beinart mô tả ông George H.W. Bush như là vị tổng thống chính đáng (legitimate) cuối cùng của nước Mỹ. Tuy rằng cử tri không chịu cho ông một nhiệm kỳ thứ hai nhưng không ai coi việc ông làm tổng thống là một vết nhơ cho đất nước. Trong số những người kế nhiệm ông, ba người bị các đối thủ tố cáo là trốn lính, một người bị tố cáo là không phải dân Mỹ. Có thể rằng có một thay đổi nào đó trong việc lựa chọn ứng cử viên kể từ năm 1992, nhưng rõ ràng là thấy sự thù nghịch gia tăng.

Không một tổng thống nào kể từ năm 1988 đạt được 400 phiếu cử tri đoàn ; không một người Cộng Hòa nào thắng tại hai bên bờ đại duơng và không một người Dân Chủ nào thắng ở miền Nam. Thành ra có thể nói kể từ sau Chiến Tranh Lạnh không có một vị tổng thống nào đại diện cho toàn quốc.

Trong truyện hoạt họa The Simpsons có một đoạn trong đó Homer bị gởi xuống địa ngục để chịu trừng phạt. Homer lúc nào cũng thèm ăn bánh "donut" thành ra cái sự trừng phạt của Homer là bị nhồi nhét chỉ ăn "donut" không cho ăn gì khác. Độc tôn đơn cực chính là sự trừng phạt của nuớc Mỹ. Sau gần nửa thế kỷ đấu tranh để đánh đổ đối thủ của mình, Hoa Kỳ cuối cùng có quá nhiều cái mà mình muốn.

Đế quốc Xô Viết là kẻ thù tốt nhất mà nước Mỹ có thể có. Nó cho người Mỹ một cảm giác an toàn nhất về mình và vị thế của mình trên thế giới. Nó cũng cho phép người Mỹ lái lòng thù hận ra phía ngoài thay vì quay vào trong xâu xé lẫn nhau. Giống như năng lượng trong đạo luật thứ nhất của nhiệt động lực học, nó không bị tiêu hủy mà chỉ chuyển biến. Một quốc gia càng ít hướng nó ra ngoài thì nó càng quay vào trong.

Chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh là một kỳ công cần phải được xưng tụng trong dịp kỷ niệm 30 năm sự sụp đổ của bức tường Berlin tháng này. Nhưng đó cũng là một chiến thắng mà nuớc Mỹ phải trả một giá quá đắt.

Lê Mạnh Hùng

Nguồn : Người Việt, 13/11/2019

*****************

Hướng về Việt Nam trong ngày kỷ niệm 30 năm bức tường Bá Linh sụp đổ

Tường An, RFA, 12/11/2019

Tại nơi này, không ai có thể tưởng tượng được là cách đây 30 năm, đã có một bức tường như thế đứng sừng sững, ngăn đôi Đông Bá Linh và Tây Bá Linh trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài 43 năm. Bức tường dài 155 cây số giờ chỉ còn là những hàng gạch được giữ làm kỷ niệm, một phần bức tường vẫn còn được giữ lại. Năm 2007, chính quyền Bá Linh cho xây dựng một tuyến đường cho xe đạp dọc theo bức tường năm xưa. Tại đây, một bảo tàng viện nhỏ cũng được xây lên để giữ lại những hình ảnh vượt biên của người từ Đông Bá Linh vượt tường sang Tây Bá Linh.

berlin1

Khoảng gần 3 triệu người đã trốn thoát khỏi Đông Đức sang Tây Đức, trong đó, có khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường bằng nhiều ngã khác nhau - Reuters

Nhiều người Việt từ khắp nơi cũng đã đến đây để thăm lại di tích lịch sử này, để sống lại một sự kiện đã làm thay đổi cục diện của thế giới, từ chế độ chủ nghĩa xã hội Đông Đức sang chế độ tự do của Cộng Hoà Liên bang Đức. 

Đến từ Paris, nhà báo Từ Thức cho biết lý do ông phải có mặt tại Berlin trong thời điểm này :

"Tôi muốn có mặt ở đây là vì ngày hôm nay là một ngày lịch sử, không phải chỉ riêng cho nước Đức mà cho khắp thế giới. Có hai điều :

- Điều thứ nhất : Ngày này chứng tỏ chế độ cộng sản chấm dứt ở Tây phương, người Tây phương đã vỡ mộng về chế độ cộng sản.

- Điều thứ hai : Bất cứ một chế độ độc tài nào, dù vững mạnh tới đâu đi chăng nữa, cũng có một ngày sụp đổ như bức tường này. Bức tường này là một biểu hiệu cho sự sụp đổ của bất cứ chế độ độc tài nào. 

Chúng ta hy vọng rằng, một ngày gần đây Việt Nam cũng ở trong hoàn cảnh đó, nghĩa là : chế độ cộng sản sụp đổ để cho người dân đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình".

Chẳng những người Việt ở hải ngoại quan tâm đến sự kiện lịch sử này, từ trong nước, một phái đoàn Việt nam cũng đã đến Bá Linh để một lần được nhìn thấy nơi đã xảy ra một sự thay đổi vô cùng quan trọng, Tại cổng thành Brandenburg, một khách du lịch đến từ Hà Nội mong ước :

"Tôi mong muốn Trung quốc phải sụp đổ như bức tường Bá Linh ấy ! Trung quốc bây giờ nó hầm hè Việt Nam ghê gớm. Ấy ! người ta thì cần hoà bình, cần hoà hợp, người ta cần chung sống, Trung quốc nó làm đủ chuyện !"

berlin2

Bức tường dài 155 cây số giờ chỉ còn là những hàng gạch được giữ làm kỷ niệm Reuters

Khoảng gần 3 triệu người đã trốn thoát khỏi Đông Đức sang Tây Đức, trong đó, có khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường bằng nhiều ngã khác nhau như trên không bằng khính khí cầu hay dưới nước qua những kênh đào hay đào đường hầm qua bức tường hoặc liều mạng leo qua tường. Chính quyền Cộng Hoà Dân chủ Đông Đức không thông báo con số chính xác về những người đã nằm lại dưới chân bức tường ở phía Đông. Nhưng không có người dân nào vượt tường từ Tây Đức sang Đông Đức

Phần lớn của bức tường giờ đây không còn nữa Tuy nhiên khoảng 1,3 km của bức tường cũng đã được giữ lại, trên đó - vào năm 1990 - thành phố Bá Linh đã mời các hoạ sĩ vẽ 106 bức họa đầy màu sắc nói lên sự mong muốn được tự do, yêu chuộng hoà bình và sự giải thoát khỏi chế độ cộng sản chấm dứt một thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ, nhà báo Từ Thức nhận xét :

"Sự thực xã hội Đông Đức thời đó, một cách tương đối họ cũng không đến nỗi đói khổ, nhưng người ta vẫn đứng dậy là vì không có sự tự do. Do đó, không có gì mà ngăn chận nỗi những người đi tìm Tự do. Người ta vẫn nói : thời đó, người dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân, bỏ phiếu bằng cách leo qua bức tường này để đến nơi tự do. Sau đó, nó đã kéo theo sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu.

Vì vậy, ngày hôm nay, đối với chúng ta là một ngày quan trọng cho tất cả mọi người, kể cả những người Việt Nam đang sống trong chế độ kiềm kẹp của chế độ cộng sản mà hiện giờ cả thế giới đang ruồng bỏ".

Sau thế chiến thứ hai, khoảng 2,5 đến 3 triệu người dân từ Đông Đức sang Tây Đức để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Đến năm 1961, mỗi ngày có đến khoảng 1.000 người Đông Đức tìm cách sang Tây Đức. Do vậy, Liên Xô và Đông Đức đã quyết định xây bức tường ngăn cách Đông – Tây Berlin vào ngày 13/08/1961 để chặn đứng dòng người vượt biên. 

Hai mươi tám năm sau, đêm 9/11 rạng sáng ngày 10/11/1989 những nhát búa đầu tiên đã được đập xuống bức tường ô nhục trong sự hân hoan của mọi người. Từng viên gạch văng tung toé, từng mảng tường rơi xuống. Người Đông Berlin và Tây Berlin đổ về phía bức tường, tràn qua các trạm kiểm soát, họ mở sâm- banh và hô vang : "Tor auf !" (Mở cửa đi !) Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ chấm dứt một cách ngoạn mục. Từ thủ đô Bá Linh nhìn về Việt Nam, chị Kiều Thị An Giang - một người Việt Nam từ Đông Bá Linh đã sang Bá Linh sinh sống cách đây 20 năm - chia sẻ :

"Việt Nam cũng có một lịch sử như nước Đức, nhưng Việt Nam thống nhất tốn rất nhiều xương máu. Nước Đức ngược lại, họ thống nhất không tốn một viên đạn nào.

Sau bao nhiêu năm nhìn lại, có những điều mà người Đức vẫn chưa hài lòng. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, hai bên chưa có thực sự bình đẳng. Cá nhân tôi là một người sống ở nước Đức đã 32 năm, tôi tự hào và kiêu hãnh về những gì mà chính phủ Đức đã làm cho một nước Đức thực sự thống nhất và bình đẳng. Nhìn lại quê hương mình, tôi chỉ dám nói hai từ "Mơ Ước".

Check point Charlie, trạm kiểm soát quan trọng nhất, cửa giao thông giữa Đông và Tây, một điểm kiểm soát nghiêm ngặt giữa Tây Berlin do người Mỹ kiểm soát và vùng Đông Berlin do Liên Xô kiểm soát, giờ là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch với bảo tàng viện Check Point Charlie, một mảng tường cũ cũng được đem về đây. Nhà bảo vệ của Trạm kiểm soát Charlie đã bị gỡ bỏ vào tháng 10/1990 và hiện đang nằm trong Bảo tàng Đồng Minh ở Zehlendorf, thủ đô Berlin. Phần còn lại của Check Point Charlie đã bị phá hủy vào năm 2000, chỉ còn chốt canh và hai tấm hình chụp người lính Mỹ và Liên Xô vẫn còn được giữ lại.

Ông Phạm Xuân Thủy, cũng là một người từ Đông vượt biên sang Tây Đức, hiện cư ngụ tại thành phố Stuggart bày tỏ mong ước :

"Trên thế giới này, loài người, và ngay cả bản thôi tôi đều mong muốn xóa bỏ chế độ độc tài để đưa toàn thế giới đến thành một Cộng đồng hòa hợp với nhau, có Tự do, Dân chủ cho tất cả mọi người".

Bên cạnh khoảng tường được giữ lại như một dấu ấn của lịch sử, cùng trò chuyện và nghe được mong ước của những người Việt đến từ khắp nơi, một người Đức hồ hởi chúc :

"Tôi chúc cho các bạn, một ngày nào đó trong tương lai, có được một đất nước Tự do, một thế chế không còn cộng sản, Tự do trên toàn thế giới. Chúc cho các bạn và đất nước các bạn những điều tốt đẹp nhất" !

Tường An

Nguồn : RFA, 12/11/2019

*********************

Ba mươi năm sau khi ‘Bức Tường Berlin sụp đổ’

Lê Phan, Người Việt, 10/11/2019

Cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 20 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, chúng tôi có được cái may có mặt trong ngày kỷ niệm.

30nam2

Pháo bông trên nền trời quảng trường Brandenburg ở thủ đô Berlin trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ hôm 9 tháng 11/2019. (Hình : Getty Images)

Lễ kỷ niêm 20 năm thật là một cuộc ăn mừng ngoạn mục, đầy ý nghĩa và vào lúc hoàng kim nhất của nền văn minh dân chủ Tây phương. Tâm điểm của nghi thức là Khải hoàn môn Brandenburg, nơi mà cách đó 20 năm, những người dân Berlin, Đông cũng như Tây tụ tập để nhảy múa trên đỉnh của bức tường và chào đón sự đột ngột sụp đổ của Bức Màn Sắt.


Khải hoàn môn nổi tiếng, mà trong giai đoạn còn bức tường đứng cô đơn trong một vùng "no man’s land", một thứ cấm địa, bao quanh bởi hàng rào kẽm gai và súng máy, hai mươi năm sau là nơi một cuộc trình diễn âm nhạc và đốt pháo bông nhớ lại những giây phút huy hoàng đó.

Một trong những nghi thức có ý nghĩa nhất là 1,000 tấm foam cao bằng đầu người như hình những quân cờ domino, được các thanh niên khắp thế giới vẽ và dựng lên dọc theo nơi trước kia là bức tường ngay trước Khải Hoàn Môn Brandenburg. Cựu lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết và cựu Tổng Thống Lech Walesa đã đẩy cái domino đầu tiên, một cách biểu tượng, lập lại sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Đông Âu. Tham gia với ông đã có khôi nguyên Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus từ Bangladesh, cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela và cựu Tổng Thống Cộng hòa Czech Vaclav Havel, vốn đã là lãnh tụ của cuộc Cách Mạng Nhung. Cùng với ông Walesa, ông Havel đã đóng góp cho sự sụp đổ của Liên Xô.

Thủ Tướng Angela Merkel, lớn lên ở Đông Đức, đã tiếp các vị khách, kể cả Ngoại Trưởng Hillary Clinton, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev và lãnh tụ của 26 quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu cho một bữa dạ tiệc chào mừng.

Vào mùa Hè năm 1989, chỉ vài tháng trước khi những người biểu tình tràn qua Checkpoint Charlie, trạm gác phân chia giữa Đông và Tây Berlin, Giáo sư Francis Fukuyama đã viết một bài trên tạp chí Nationa Interest mang cái tên "Sự chấm dứt của Lịch sử ?" vốn sau đó trở thành nền tảng cho cuốn sách của ông "Sự chấm dứt của lịch sử và con người cuối cùng".

Ông lý luận rằng cuộc tranh đấu chủ thuyết vĩ đại của thế kỷ thứ 20 – đầu tiên giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa phát xít và rồi giữa dân chủ tự do và cộng sản – đã kết thúc. Lịch sử, định nghĩa bởi nhà chính trị học Fukuyama là cuộc tranh đấu giữa những chủ thuyết vĩ đại, đã đến lúc kết thúc. Dân chủ tự do đã chiến thắng.

Ông viết : "Điều chúng ta có thể chứng kiến không phải là kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, hay sự đi qua của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử hậu chiến, nhưng là chấm dứt của chính lịch sử : tức là, chấm dứt của một tiến hóa chủ thuyết của nhân loại và việc phổ cập hóa nền dân chủ tự do Tây phương như là hình thức cuối cùng của chính quyền nhân loại".

Khi Bức tường Berlin sụp đổ vài tháng sau đó, ông Fukuyama đã có vẻ như là một nhà tiên tri hơn là một nhà chính trị học. Ngay cả 20 năm sau ông có vẻ vẫn còn đúng. Nhưng ngày nay thì sao ?

Ba mươi năm sau, lịch sử tự nó có vẻ đã bác bỏ "sự kết thúc của lịch sử". Trung Quốc, Nga và Việt Nam đã hồi sinh hay kéo dài chế độ độc tài bằng cách thích ứng tư bản chủ nghĩa theo khuôn mẫu của họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã tạo nên một hình thức chế độ độc tài sultan mới. Và ở Đông và Trung Âu, ông Walesa hẳn sẽ không nhận ra Ba Lan ngày nay mà cùng với Hungary (đã có thời là những điểm son của cuộc cách mạng năm 1989) lại một lần nữa chọn chế độ độc đảng dầu cho mang cái vỏ dân chủ. Đức quốc, có thời lãnh đạo Âu Châu, nay cũng đang bị xáo trộn vì chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Ngay cả Hoa Kỳ, nơi mà cố Tổng Thống Ronald Reagan đã từng gọi là "thành phố chiếu sáng ở trên một ngọn đồi" hồi tháng Giêng năm 1989, một vị tổng thống vốn muốn độc đoán hơn nay cai trị.

Những thí dụ này và nhiều nữa, đang thúc đẩy một chiều hướng nguy hiểm. Thanh niên ở phương Tây đang mất niềm tin vào các định chế dân chủ. Khoảng 75% người Mỹ sinh ra trong thập niên 1930 nói "cần thiết" sống trong một nền dân chủ, nhưng chỉ có 30% người Mỹ sinh ra trong thập niên 1980 chia sẻ quan điểm đó. Anh Quốc, Tân Tây Lan, Úc và Thụy Điển, những nền dân chủ bền vững cũng cho thấy như vậy.

Còn đáng lo sợ hơn nữa là ngày càng có nhiều người tính đến một giải pháp khác mà trước kia là lập trường không tưởng tượng được dành cho những kẻ bên lề. Năm 1995, 1 trong 16 người Mỹ nói quân đội cai trị là "tốt" hay "rất tốt". Đến năm 2014, con số đó đã trở thành 1 trong 6 người.

Nhưng cũng phải xin thêm ngay đó không phải là toàn thể câu chuyện. Một điều quan trọng là chiều hướng suy thoái hiện nay của chế độ dân chủ không phủ nhận sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các nền dân chủ trên thế giới từ Thế Chiến thứ 2.

Năm 1945, thế giới có 137 chế độ độc tài trong khi chỉ có 12 nền dân chủ. Đến năm 1989, số các nền độc tài giảm xuống 105 so với 51 nền dân chủ. Đến năm 2018 thì dân chủ đang dẫn trước với 99 so với 80. Dĩ nhiên phải xin thêm ngay định nghĩa dân chủ đây khá bao dung kể cả những nền dân chủ thực sự với những nền dân chủ tương đối không mấy cấp tiến. Nhà kinh tế học Max Roser của viện đại học Oxford tính là số người sống trong một nền dân chủ tăng gần gấp đôi giữa năm 1989 và 2015, từ 2 tỷ lên 4 tỷ.

Còn đáng chú ý hơn có lẽ chính là sự việc các nhà độc tài hậu 1989 cố trình bày mình là dân chủ. Nhiều nhà độc tài cố tình tổ chức những cuộc bầu cử thường xuyên và có vẻ dân chủ trong khi gian lận.

Họ cho phép báo chí bán tự do, bịt miệng khi cần. Họ giả vờ cai trị theo chế độ pháp trị, ít nhất trên giấy tờ. Và đó, theo ông Brian Klaas của nhật báo Washington Post, chính là lý do tại sao có nhiều cuộc bầu cử trên thế giới hơn bao giờ hết mặc dầu thế giới ngày càng ít dân chủ đi.

Chế độ độc tài và thiếu tự do không chết. Nhưng như chúng ta đọc, nghe và thấy hàng ngày, dân chúng lại xuống đường trên toàn thế giới, từ Hồng Kông đến Chile, Ecuador đến Algeria, Lebanon và Sudan. Lý do tại sao họ xuống đường khác biệt rất nhiều, nhưng điều họ đều chia sẻ là đòi một tiếng nói về những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình. Không một người nào tham gia vào các cuộc nổi dậy khổng lồ này đòi các nhà độc tài bảo họ phải làm gì.

Tất cả họ đều đang xuống đường theo chân của những người mà cách đây 30 năm, đã đẩy vào những bức tường, những bức màn của độc tài cho đến khi sau cùng chúng sụp đổ. Những người bảo vệ cho một xã hội tự do cởi mở tiếp tục chiến đấu, và họ vẫn còn có nhiều điều để tranh đấu.

Nhưng dầu sao chăng nữa, hứa hẹn của dân chủ vẫn còn kêu gọi như đã từng kêu gọi năm 1989. Nếu không thì những nhà độc tài đã không có lý do để sợ. Mà quả thật họ đang rất sợ. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 10/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Hùng, Lê Phan
Read 609 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)