Lần này, Lá Thư Luân Đôn xin nói một chuyện vui tuy rằng cũng hơi dính dáng đến thời sự để quý độc giả giải trí.
Ban nhạc Jason Crest hát bài "Waterloo Road". (Hình : YouTube)
Đời sống một bài hát có nhiều khi có những biến hóa kỳ lạ mà người ta khó có thể tưởng tượng được. Bài "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang chẳng hạn, được viết cho phong trào du ca của Việt Nam Cộng Hòa nhưng nay bỗng trở thành bài hát được những thanh niên chống đối tại Hà Nội hát trong những lúc biểu tình phản đối. Một trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với bài hát coi như là bài hát chủ đề của phong trào "Gilets Jaunes" tại Pháp.
"Waterloo Road" là một bài hát xuất hiện tại Anh vào năm 1968 được viết cho một ban nhạc không lấy gì làm nổi tiếng lắm tại Anh tên là Jason Crest. Ban nhạc này được hãng Philip Records ký hợp đồng nhằm lợi dụng phong trào nhạc "pop" mới nhưng những bài hát mà ban nhạc này đưa ra đều không ăn khách. Trong số những bài hát này có bài "Waterloo Road".
Đây là một bài hát có gốc trong nhạc kịch, điệu nhảy giật với một giọng điệu tương tự như bài "Penny Lane" của ban Beatles. Bài hát mở đầu với một cô gái chào mời chàng ca sĩ của ban Jason Crest, Terry Clarke, hãy "đi theo đường Waterloo" nơi mà "bất cứ ngày đêm bạn sẽ tìm ra cái gì mà bạn muốn tìm". Một lời dụ dỗ khá trâng tráo nhưng mà tại đây thì chàng ta chỉ tìm thấy "một anh chàng vui vẻ đang chơi điệu cakewalk trên chiếc guitar của anh" (a happy feller playing cakewalks on his guitar). Cakewalk là một điệu nhạc nhảy của những người da đen nô lệ tại miền Nam nước Mỹ trong thế kỷ 19.
Nhưng không may cho Jason Crest, bài hát này cũng như những bài hát khác của ban nhạc không thu được bao nhiêu khách mua và chẳng bao lâu sau thì ban nhạc rã đám. Đối với những bài hát khác của ban nhạc thì cuộc đời đến đó là hết, nhưng "Waterloo Road" lại có một số mệnh khác.
Jason Crest - Waterloo Road 1969 - Tuy nhiên, bài hát bị "chết yểu" cho đến khi được làm lời mới và đổi tên thành "Les Champs-Elysées".
Có một cái gì trong điệu nhạc hấp dẫn những thính giả tại Châu Âu lục địa. Năm 1969 nó xuất hiện tại Hòa Lan dưới cái tên Hòa Lan "Oh Waterlooplein" với những lời mới không còn đi dọc theo con đường Waterloo Road ở Luân Đôn nữa mà về một khu chợ trời nổi tiếng ở Amsterdam nơi mà "người ta có thể mua được tất cả mọi thứ" và được cặp hài hước nổi tiếng của Hòa Lan Johnny Kraaijkamp và Rijk de Gooyer trình bày. Sau đó nó xuất hiện tại Slovenia dưới tên "Sustarski most", nói về một cây cầu cổ tại Liubliana do danh ca Majda Sepe của Slovenia trình diễn.
Nhưng đỉnh cao của nó đến tại Pháp khi nhạc sĩ Pierrer Delanoe làm lời mới cho nó và đổi tên "Waterloo Road" thành "Les Champs-Elysées". Được ca sĩ Joe Dassin trình bày và phát hành vào năm 1969, nó không còn dính dáng gì đến trận đánh mà quân đội Pháp thua một cách tủi nhục, mà chuyển sang con đường nổi tiếng tại Paris, nơi mà hằng năm vẫn có diễn binh biểu dương sức mạnh của quân đội Pháp.
Nhưng điệu và ý lời cũng không đổi. Dassin đóng vai trò một chàng công tử hào hoa khoác vai cô bạn gái đi bộ dọc theo đại lộ Champs-Elysées, một nơi phóng khoáng mà những người không quen biết có thể chỉ trong một đêm trở thành tình nhân và những hộp đêm chơi nhạc nhảy biểu diễn thâu đêm suốt sáng. Một Champs-Elysées lý tưởng của những năm 1960 chứ không phải Champs Elysées hiện nay với các tiệm bán hàng tàng tàng và quán ăn cho du khách.
Bài hát của Dassin nhảy vọt lên hàng đầu trong những bài hát được ưa thích tại Pháp và được các ca sĩ trên khắp các nước Châu Âu sử dụng. Ca sĩ Đan Mạch Daimi hát một bản dịch sang tiếng Đan Mạch. Ban nhạc Raymond Lefevre chuyển nó sang thành một điệu hòa âm "pops". Chính Dassin cũng hát bài này bằng tiếng Nhật, Đức và Ý. Và điều mỉa mai cho ban Jason Crest, Dassin còn trình diễn bài này bằng tiếng Anh.
"Les Champs-Élysées" nay trở thành bài hát phổ thông tại Pháp. Tại giải túc cầu thế giới năm ngoái, các "fan" Pháp sửa lời bài này thành bài ca tụng trung vệ Pháp N’Golo Kanté. Và nay thì nó trở thành bài hát chủ đề của những người phản đối "Gilets Jaunes" mà những biểu tình bạo động trên chính đường Champs-Elysées đã kích động một cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp. Và đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất tại Pháp kể từ các cuộc biểu tình chống de Gaulle của sinh viên năm 1968, năm "Waterloo Road" ra đời.
Cái mỉa mai của việc những người "Gilets Jaunes" hát bài Champs-Elysées là bài này ca ngợi một Paris lịch sự của những giới thượng lưu nhàn hạ chứ không phải là những người lao động như họ. Đáng lẽ họ nên lấy thẳng bài "Waterloo Road" với những mô tả một khu lao động của Anh thì đúng hơn.
Lê Mạnh Hùng
Người Việt, 01/05/2019