Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2018

Khủng hoảng ngoại giao Việt Nam với EU đã lan tới Ba Lan

Thiền Lâm

Tháng Tám năm 2017 : Đức.

Tháng Năm năm 2018 : Slovakia

Tháng Sáu năm 2018 : Ba Lan ?

Khi vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ nổ ra vào cuối tháng Bảy năm 2017 tại Berlin, gần như cầm chắc giới chóp bu chỉ thấy một không thấy hai ở Việt Nam đã không thể tưởng tượng ra tương lai của vụ bắt cóc – giống như phim thời Chiến tranh lạnh – sẽ khiến phun trào ngọn núi lửa khủng hoảng ngoại giao giữa chính thể độc đảng ở Việt Nam với người Đức và có thể cả người Slovakia và người Ba Lan.

balan1

Ảnh lưu trữ của không lưu về lộ trình chuyến chuyên cơ của chính phủ Slovakia ngày 26/07/2017 (thoibao.de)

Tháng Sáu năm 2018, trang thoibao.de – tờ báo của cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa liên bang Đức – đã bổ túc tin tức về những dấu hiệu và mầm mống đang phát sinh về vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến Ba Lan :

Sau Cộng hòa Séc và Slovakia, Ba Lan là nước EU thứ ba có dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ba Lan đã cấp giấy phép cho chuyên cơ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh được bay ngang lãnh thổ Ba Lan. Để xin giấy phép này, Slovakia thông báo cho Bộ Ngoại giao Ba Lan, rằng chuyến bay này chở một phái đoàn Slovakia đến Moscow do ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và là Phó Thủ tướng Slovakia hồi đó, dẫn đầu.

Trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, báo chí Ba Lan đã rầm rộ đưa tin về một phát giác mới gây chấn động dư luận quốc tế : Chính phủ Ba Lan có dính líu đến nghi án Trịnh Xuân Thanh bị đưa lậu ra khỏi EU bằng chuyên cơ của Slovakia.

Tờ báo mạng Onet.pl của Ba Lan đã sưu tra ra vụ việc trên và cũng là tờ báo đầu tiên đăng tải tin tức này vào ngày 31/05/2018. Sau đó các trang báo mạng và tờ báo khác đã đồng loạt đưa tin.

Bài báo gây chấn động của tờ Onet mở đầu như sau : "Câu chuyện này giống như một bộ phim giật gân. Có một vụ bắt cóc ngoạn mục, nạn nhân bị đưa lậu qua biên giới của một số quốc gia. Có những dối trá tinh tế và mưu mô. Vấn đề là các cơ quan chức năng của một số nước đã tham gia vào việc vi phạm luật lệ. Có lẽ Ba Lan cũng vậy".

Thoibao.de cũng nhắc lại trước đây 1 tháng, tờ nhật báo Đức TAZ đã đưa tin Ba ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, lúc 11 :26 giờ sáng ngày 26/07/2017 bốn quan chức cao cấp của Bộ Công an Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Praha thủ đô Cộng hòa Séc, với chuyến bay của hãng hàng không Czech Airlines đến từ Paris. Họ muốn đến Bratislava thủ đô Slovakia để làm việc với Bộ Nội vụ Slovakia, ít nhất đó là nguyên cớ chính thức.

Đúng ra, bốn người này định đến Vienna thủ đô Áo vào buổi sáng và từ đó tới Bratislava. Phía Slovakia đã lo chuẩn bị xe limousine đón họ. Theo trình bày của phía Slovakia : Nhưng một ngày trước cuộc họp, phía Việt Nam đột ngột thay đổi lịch trình, họ nói rằng họ muốn được đón tại Praha và sau đó bay tới Moscow vì có một cuộc hẹn tiếp theo của Bộ trưởng Tô Lâm tại đó.

Vì vậy họ đã được Bộ Nội vụ Slovakia cung cấp một chiếc chuyên cơ Airbus A319 thuộc phi đội thường trực của chính phủ Slovakia.

Ngay sau 12g30 trưa ngày thứ Tư 26/07/2017, bốn người đàn ông nói trên từ Praha đã bay đến Bratislava trên một chiếc chuyên cơ Airbus A 319 của chính phủ Slovakia. Đúng 13g15 chiếc chuyên cơ hạ cánh trên sân bay Bratislava và ở đó 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Lúc 14g52 từ sân bay Bratislava chiếc chuyên cơ lại cất cánh bay đến Moscow thủ đô Nga, chuyến bay này chở một phái đoàn Việt Nam, không phải chỉ có 4 người nêu trên mà từ 4 người đã đột nhiên tăng lên 12 người. Người ta nghi ngờ rằng Trịnh Xuân Thanh đã được đưa "chui" lên chuyên cơ này để ra khỏi EU…

Cali Today cũng cần nhắc lại là vào tháng Tư và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Việt Nam tại Slovakia là ông Dương Trọng Minh. Sau hai tuần lễ lặng như tờ, rốt cuộc phía Việt Nam đã phải phản hồi sự thúc giục của Bộ Ngoại giao Slovakia. Ông Dương Trọng Minh đã trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’.

Nhưng làm thế nào để Bộ Ngoại giao Slovakia có thể tin tưởng được câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh có một giá trị nào đó ?

Trong thực tế, Dương Trọng Minh chỉ là một quan chức bậc trung, tương đương chức vụ trưởng hoặc vụ phó của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chẳng có quyền quyết định gì đối với những vấn đề mang tính sinh mạng chính trị của các quan chức cấp chính phủ và cấp bộ chính trị như Trịnh Xuân Thanh.

Câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh lại giống với một cách chơi chữ, chỉ đề cập ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Trong khi đó, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.

Cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam.

Còn với nước Đức luôn đề cao giá trị pháp quyền, họ không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, mà còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Đức đã đình chỉ quan hệ làm việc cấp cao với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trong tình huống này, Bộ Quốc phòng Việt Nam có vẻ bị ‘oan’, bởi cho tới nay không có thông tin nào về chuyện nhân viên Tổng cục II (Tổng cục tình báo) của Bộ Quốc phòng Việt Nam đi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức.

Giờ đây, không chỉ người Đức, Slovakia, Ba Lan, mà nhiều nước trong khối EU và cả ngoài EU hẳn đang phải khẩn cấp thiết lập một hàng rào ngăn chặn mật vụ Việt Nam thâm nhập Lục Địa Già, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam với phần lớn Châu Âu.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 07/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 722 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)