Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2018

Đặc khu : 'ai đồng ý, xin giơ tay !'

Ánh Liên

Câu chuyện đặc khu ngày càng gần kề, số phận của cả một dân tộc đều trông chờ vào cái nhấn nút thông qua hoặc không thông qua Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) của các vị đại biểu quốc hội, mặc dù không ít quan điểm (như của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh) tiên liệu : dù đang gây nhiều tranh cãi nhưng chắc sẽ được thông qua vì trên thực tế 'ván đã đóng thuyền'.

giotay1

Đại biểu quốc hội bấm nút (thay vì giơ tay như trước) biểu quyết một dự thảo luật - Ảnh minh họa

Nhưng câu chuyện tiếp người dân mong muốn là ai bỏ phiếu trắng, ai bỏ phiếu chống, và ai bỏ phiếu ủng hộ.

Nhà báo Mai Quốc Ấn, người trong một đăng tải ngày 02/06 chia sẻ lại một thông tin được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, theo đó, báo chí sẽ không được phép dự phiên thảo luận Quốc hội, bỏ phiếu miễn nhiệm một số nhân sự cũng như không được phép 'nghe' Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Những diễn biến này vấn diễn ra và sẽ diễn ra như một quy luật tất yếu, mặc dù Luật tổ chức Quốc hội không quy định 'cấm đoán' như vậy. Ngược lại, Điều 67 và Điều 70 đều nhấn mạnh tính công khai của tổ chức quốc Hội và coi đây là một minh chứng cho sự dân chủ. 

Từ đó, nhà báo Quốc Ấn cho rằng, cần phải minh bạch nút bấm, tức là thể hiện ai đã ủng hộ, không ủng hộ hoặc trung lập. Bởi cử tri cần biết người được ủy quyền có thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng hay ít nhất đảm bảo quyền lợi chính đáng của chính họ hay là không.

Thực ra, tâm tư và nguyện vọng của nhà báo Mai Quốc Ấn là tâm tư nguyện vọng của hàng triệu người, nhất là khi 'đặc khu' vẫn nóng bỏng trên mọi diễn đàn. Sự minh bạch luôn là điều kiện cần và đủ để để người dân có thứ mà hy vọng một tương lai sáng màu hơn cho quốc gia, dân tộc.

Trong điều kiện ngược lại, nếu minh bạch thiếu thốn nên người dân không thể kiểm soát hoặc giám sát quyền lực nhà nước, điều duy nhất mà người dân làm hiện nay chính là biết rõ ông/bà nghị sĩ nào đi ngược với tiếng kêu gào về 99 năm. Và họ sẽ ghi danh những con người đó vào sổ sách (hoặc tâm thức), và ít nhất là đảm bảo tính trách nhiệm về sau. Bởi nếu làm như vậy vậy, thì mệnh đề 'trách nhiệm toàn dân' lại được đặt ra khi đổ vỡ, và sau tất cả là... không ai chịu trách nhiệm cả.

Nhu cầu có thực này càng cho thấy tính khẩn thiết ở những vấn đề quốc gia, nó là phương cách giải đáp tốt nhất cho phương trình dài hơi mà các quan chức Việt nam hay mắc phải. Đó là bệnh 'tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh', là 'đá quả bóng trách nhiệm', và nay là bằng quan điểm 'đó là hệ quả do nhiệm kỳ trước/ của lịch sử để lại'...

'Ai đồng ý, xin giơ tay' cũng là thước đo của tính thẳng thắn, cho thấy cái tôi của Đại biểu quốc hội cũng như cách thức mà Đại biểu quốc hội thực sự làm chủ được cái biểu quyết của chính mình. Dù biểu quyết đi đúng hoặc ngược nguyện vọng nhân dân, thì điều quan trọng nhất là minh bạch thông tin (người biểu quyết) sẽ khiến cho bầu không khí của Hội trường Diên Hồng phản phất một chút gì đó trong sạch, chút gì đó vững mạnh, và chút gì đó dân chủ - như cách mà nhiều nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước cấp cao từng không ít lần nhấn mạnh.

Minh bạch hóa nhấn nút, minh bạch hóa Quốc hội cũng là phương cách tốt nhất giải quyết thực trạng làm màu ở quốc hội, thực trạng ‘đi họp xì xáo, về nhà hết màu’ thường diễn ra ở mỗi kỳ họp Quốc hội khiến người dân không ít lần ngán ngẩm.

Vấn đề là, Quốc hội cần thực thi quyền này và lắng nghe nguyện vọng này từ nhân dân. Bởi nếu Quốc hội không lắng nghe, không tuân thủ luật được đề ra bởi Luật tổ chức Quốc hội, thì tinh thần dân chủ trong Quốc hội đã không được tôn trọng. Và vì không được tôn trọng, nên Quốc hội dễ rơi vào trạng thái Quốc hội phi lập pháp, phi dân chủ. Những yếu tố này trực tiếp phá nát uy tín, danh dự Quốc hội (Cộng hòa) trong đời sống chính trị - xã hội trong tâm thức nhân dân.

Liệu các vị Đại biểu quốc hội, các vị lãnh đạo Quốc hội có thực tâm mong muốn thúc đẩy hơi thở dân chủ len lỏi trong dòng nóng chính trị ? Bởi, 'đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị ; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước'.

Một lần nữa, Quốc hội hãy tỏ ra sự dũng cảm, Đại biểu quốc hội hãy một lần dũng cảm !

Đặc khu : 'ai đồng ý, xin giơ tay !'

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 07/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 729 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)