Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/06/2018

Không biết chủ quyền ở đâu

RFA tiếng Việt

Ngư dân Việt thiệt hại nặng nề vì đàm phán kéo dài giữa Indonesia và Việt Nam

Trong khoảng 2 năm gần đây, ngày càng có nhiều ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở vùng biển gần đảo Hòn Cau ở phía Nam nơi có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với Indonesia, bị phía Indonesia bắt giữ với cáo buộc xâm phạm vùng nước của Indonesia. Tuy nhiên một số ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được lại nói rằng họ bị bắt giữ khi đang ở trong vùng nước của Việt Nam. Điều này cũng đã từng được những ngư dân khác nói với báo Tuổi Trẻ của Việt Nam trước kia. Thực hư câu chuyện ra sao ? Liệu có phải tuần duyên Indonesia đã vào sâu trong vùng nước của Việt Nam để bắt giữ ngư dân Việt ?

ngudan1

Hình chụp vào ngày 5/12/2014 : tàu cá Việt Nam bị Hải quân Indonesia bắn cháy vì đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng nước gần quần đảo Anambas - AFP

Ngạc nhiên vì bị Indonesia bắt

Chiều ngày 3/5/2017, tàu cá Kim Phúc BT 97986 TS của thuyền trưởng Nguyên Văn Vĩ thuộc tỉnh Bến Tre đang neo đợi ghe nhà đến bỏ cá ở vùng biển trong bãi rạn Côn Sơn, gần đảo Hòn Cau của Việt Nam thì các ngư dân phát hiện thấy một chiếc tàu quân sự tiến đến phía họ. Những ngư dân phát hiện chiếc tàu từ phương tiện phát hiện tầm xa ở khoảng cách trên 10 hải lý nhưng họ không biết đó là tàu của nước nào. Họ đinh ninh là tàu tuần duyên của Việt Nam vì họ nghĩ mình đang đánh bắt cá ở vùng biển Việt Nam. Nhưng khi chiếc tàu vào sát khoảng 2 cây số, các ngư dân mới giật mình phát hiện đó là tàu tuần duyên của Indonesia. Lúc đó đã quá muộn cho các ngư dân trên tàu cá Việt Nam có bất cứ phản ứng nào ngoài việc phải tuân thủ những yêu cầu từ phía các nhân viên tuần duyên Indonesia. Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ kể lại :

"Em vừa chạy chưa tới 1 hải lý thì họ tới, họ bắn tín hiệu qua. Họ cặp vào, rồi họ qua họ cặp tàu mình vào tàu họ. Em cặp xong thì ông Trung tá trưởng ông ấy kêu lên buồng lái tàu hải quân, ông ra dấu nói là biển của Indonesia. Em nói đây là biển Việt Nam, chỉ về hướng giàn khoan của mình đó. Nhưng ông ấy vẫn nói no (không), đây là biển của Indonesia. Họ ra tín hiệu cho mình chạy theo tàu của họ về bên bển".

Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ nói với Đài Á Châu Tự Do qua ứng dụng chat trên mạng từ trại giam hải quân Ranai, thuộc đảo Natuna của Indonesia rằng anh vẫn nhớ vào lúc đó tàu của mình chỉ cách giàn khoan Chim Sáo của Việt Nam khoảng 24 hải lý, tại tọa độ 7 độ 20’09 bắc và 107 độ 54’56 đông. Anh Vĩ chắc chắn mình đang ở vùng nước của Việt Nam nhưng không hiểu tại sao tuần duyên của Indonesia lại có thể vào đến đó để bắt vi phạm.

Câu chuyện của ngư dân Nguyễn Văn Vĩ cũng giống như những câu chuyện của một số ngư dân Việt Nam khác đã bị phía Indonesia bắt trước kia và đã từng được báo Tuổi Trẻ đưa tin, và một ngư dân khác mà đài ACTD cũng tiếp xúc được qua ứng dụng chat từ trại giam hải quân Ranai là ngư dân Võ Minh Tuấn thuộc tỉnh Vũng Tàu. Tất cả đều nói mình đang đánh bắt cá tại vùng biển Việt Nam. Anh Vĩ và anh Tuấn còn nói họ đánh bắt cá theo tọa độ, và sơ đồ đánh bắt được biên phòng Việt Nam cung cấp.

"Biên phòng họ có đưa cho mình sơ đồ những nơi nào của mình. Họ cung cấp cho mình bản đồ ranh giới của mình, hải phận của mình nên biết chớ. Hải quân, cảnh sát biển mình lâu lâu mình đi mình gặp mình vẫn hỏi tọa độ đó và họ vẫn khẳng định vậy".

Không biết chủ quyền ở đâu

Khu vực mà các ngư dân Việt Nam thường bị phía Indonesia bắt cũng là khu vực có vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia. Đó là vùng nước giữa Hòn Cau (Côn Đảo) của Việt Nam ở phía nam và phần phía bắc đảo Natuna của Indonesia.

Từ năm 1969 trở lại đây, hai nước đã đàm phán nhiều lần để phân định vùng chồng lấn. Đến năm 2003, sau 25 năm đàm phán, hai bên ký Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa tại vùng chồng lấn. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 29/5/2007. Tuy nhiên hiện tại hai nước vẫn tiếp tục đàm phán vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn tức là vùng mặt nước, nơi các ngư dân khai thác thủy sản.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới chính phủ, phía Việt Nam đã từng có đề nghị về việc dùng đường phân định thềm lục địa để phân chia ranh giới vùng đặc quyền kinh tế nhưng phía Indonesia không chấp nhận.

"Trong quá trình đàm phán, tôi được biết là phía Việt Nam cũng đề nghị dùng đường phân định đó để phân chia cho vùng nước ở trên tức là vùng đặc quyền kinh tế nhưng phía Indonesia không chấp nhận nên hai bên đang tiếp tục đàm phán để phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai bên của vùng biển này, chưa đi đến kết luận cuối cùng".

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, việc đánh bắt cá hay bắt giữ các tàu cá mang về nước mình từ vùng nước chồng lấn chưa phân định là không đúng với luật quốc tế.

‘Bất kỳ bên nào đơn phương tiến hành các biện pháp đánh bắt, áp dụng các biện pháp chế tài các vụ vi phạm đó đều không đúng với luật pháp quốc tế. Nghĩa là vùng chồng lấn thì muốn làm ăn ở đó thì hai bên phải có thỏa thuận tạm thời cùng khai thác chung, cùng quản lý chung. Nếu một bên đơn phương tiến hành khai thác, hoặc chế tài để xử lý thì đều sai cả".

Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ và Võ Minh Tuấn cho biết sau khi họ bị bắt, họ mới biết phía Indonesia đã tự đưa ra đường biên mới trên biển, mà theo các ngư dân thì đường biên này đã lấn sâu vào vùng biển Việt Nam, tạo lý do cho các tàu tuần duyên Indonesia vào bắt giữ các tàu cá Việt Nam. Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ cho biết :

"Riêng năm 2017 họ đã lọt vào trong 7 độ trên cái đường dài theo phía bờ, từ 7 độ 00, từ 109 dài xuống 106, giáp 105… Em nghĩ trong năm 2016 và 2017 họ đã lọt vào đường phân định của mình để bắt vài trăm tàu cá Việt Nam rồi, chứ tới em thì mức độ đã quá sâu. Sau em 3 ngày họ vào sâu thêm 3 hải lý để bắt 1 tàu cá, nhưng ảnh phản ứng quyết liệt không cho cặp tàu hải quân vào, và tàu cảnh sát biển của mình chạy ra kịp, nếu không họ vào sâu thêm vài hải lý nữa".

Những vụ tàu chấp pháp Indonesia liên tiếp bắt giữ tàu cá Việt Nam thời gian qua cũng làm ngư dân khó hiểu về vùng nước chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ nói tiếp :

"Chẳng hạn mỗi lần họ bắt một chiếc ghe là họ khẳng định chủ quyền họ ở đó, tụi em ra đó đánh nữa là họ bắt tụi em. Tụi em dời vào sâu 5 hải lý họ vào sâu bắt, tụi em vào 10 lý thì họ lại vào sâu 10 lý để bắt, nên nói thật em không biết chủ quyền của mình nó nằm ở đâu.

Theo thống kê được cập nhật hàng tháng trên trang mạng của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tính từ đầu năm tới tháng cuối tháng 4/2018, đã có gần 80 tàu cá với hơn 600 ngư dân Việt nam bị phía Indonesia bắt giữ. Đại sứ quán Việt Nam cho biết số liệu này có thể còn chưa chính xác vì có những tàu có thể sử dụng số hiệu giả. Trang web của đại sứ quán Việt Nam viết rằng ‘thời gian vừa qua đã có một số lượng lớn tàu thuyên và ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển Indonesia khai thác cá trái phép dẫn đến việc bị các lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ và bị đưa về các đảo căn cứ của lực lượng chức năng để xử lý’.

Chính phủ Indonesia trong hai năm trở lại đây đã gia tăng việc bắt giữ các tàu cá bị cáo buộc là vi phạm vùng nước của Indonesia gần đảo Natuna. Phía Indonsia đã rất mạnh tay trong việc xử lý tàu cá vi phạm bằng cách đánh chìm các tàu cá này. Theo Reuters, kể từ năm 2014 trở lại đây, Indonesia đã đánh chìm hàng trăm tàu cá nước ngoài vi phạm vùng nước của Indonesia.

Đụng độ

Vùng nước chồng lấn gây tranh cãi giữa hai nước cũng là nơi xảy ra những đụng độ giữa cảnh sát biển Việt Nam và tuần duyên Indonesia và đã có những trường hợp ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắn thương nặng.

Vào tháng 5 năm 2017, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã đụng độ với tàu tuần duyên của Indonesia khi phía Indonesia tìm cách bắt giữ 5 tàu cá Việt Nam bị phía Indonesia cáo buộc là đang đánh bắt cá trái phép tại vùng nước của Indonesia. Tàu cảnh sát biển đâm vào một tàu cá Việt Nam để tìm cách giải thoát cho các tàu này khiến một tàu bị chìm. Sau vụ đụng độ, phía Indonesia phải thả 5 tàu cá Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ một nhân viên thuộc tàu tuần duyên của Indonesia. Sự việc sau đó được giải quyết một cách hòa bình giữa hai nước khi Việt Nam thả nhân viên Indonesia và phía Indonesia không bắt giữ tàu cá nào của Việt Nam.

Theo Reuters, vào tháng 7 năm 2017, Hải quân Indonesia đã bắn bị thương 4 ngư dân Việt nam trên một tàu cá ở gần khu vực phía Bắc Natuna. 2 ngư dân trong số này bị cho là thương nặng. Các ngư dân này được đưa về Côn Đảo để cứu chữa.

ngudan2

Indonesia bắt tàu cá Việt Nam có sự chứng kiến của cảnh sát biển Việt Nam - Hình do ngư dân cung cấp

Nhưng đó chỉ là số ít những vụ ngư dân Việt Nam nhận được sự can thiệp kịp thời từ phía cảnh sát biển Việt Nam được báo chí đưa tin. Theo ngư dân Nguyễn Văn Vĩ, tàu của anh cũng đã được phía tàu cảnh sát biển Việt Nam tìm cách cứu nhưng không thành công. Còn tàu của ngư dân Võ Minh Tuấn bị bắt hôm 19/4/2017 thậm chí còn không có may mắn để gặp được tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Nói về tình trạng tàu cảnh sát biển Việt Nam tuần tra và giúp đỡ các ngư dân trên biển tại các vùng biển nhạy cảm như gần đảo Natuna của Indonesia, Thạc sĩ luật Hoàng Việt nói :

"Một trong những vấn đề của Việt Nam là lực lượng cảnh sát biển chưa đủ mạnh để thực thi các quyền trên biển. Có thể bây giờ Việt Nam đang tính việc dó, tăng cường sức mạnh của cảnh sát biển nhưng cũng cần có thời gian".

Mong có đường biên rõ ràng

Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ và Võ Minh Tuấn đã ở trại giam Ranai của Indonesia đã hơn 1 năm nay. 1 năm trời ròng rã, họ không thể ra khơi kiếm sống nuôi gia đình, ghe thì bị hủy. Ngư dân Võ Minh Tuấn buồn bã nói :

"Hỗ trợ thì không có vì ba em ở nhà là chủ ghe. Ghe mới đánh chuyến đầu tiên thì bị bắt luôn. Ba em có gửi đơn ra ngoài Bộ Ngoại giao rồi đó. Ba gửi cho cảnh sát biển nữa. Lúc nào họ cũng có tờ giấy nói là đã nhận được đơn và sẽ sớm giải quyết và đã và đang làm việc với phía Indonesia mà bên đây chả thấy gì hết. Bên đây nó vẫn kéo ghe của em ra hủy ghe xong".

Anh Tuấn cho biết anh không hiểu tiếng Indonesia nhưng được phía giới chức Indonesia bảo ký giấy tờ đã hủy ghe. Anh chỉ nhìn hình ảnh chụp, được phía Indonesia cung cấp và thấy ghe của mình bị cắt lỗ cho chìm. Ngư dân Võ Minh Tuấn cho biết giá trung bình của một chiếc ghe cũng trên 2 tỷ đồng. Các ngư dân mỗi lần đi đánh bắt cá thường đi một cặp ghe, tức hai cái. Nếu cả hai ghe bị bắt và bị hủy, họ mất từ 5 đến 7 tỷ đồng, chưa kể những hải sản đánh bắt được cũng bị hủy.

Các ngư dân hiện đang chờ ngày ra tòa, nhưng họ lại đang gặp phải nhiều bất lợi trước phiên tòa như lời của ngư dân Nguyễn Văn Vĩ.

"Tụi em ra tòa nói chung là chẳng có gì để làm bằng chứng hết, họ hủy hết. Có người chờ đến 1 năm mới lên tòa. Như em ở đây cũng gần 1 năm rồi, tài sản của mình họ lấy hết rồi, giờ mình chưa ra tòa. Đại sứ quán mình không tới, chẳng nhờ vả được ai, ra ngoài không được, họ không cho gặp người Việt".

Vào tháng 11 năm ngoái và tháng 3 năm nay, báo Tuổi Trẻ của Việt Nam cũng đã có loạt bài nói về những ngư dân Việt Nam ra tòa ở Indonesia. Các ngư dân này, theo Tuổi Trẻ, đều nói họ không vi phạm vùng nước của Indonesia nhưng họ bị phía giới chức Indonesia ép ký vào một số giấy tờ bằng tiếng Indonesia. Định vị của tàu được coi là bằng chứng để xác định tàu có vi phạm vùng nước của Indonesia hay không đã không được tòa xem xét.

Trả lời câu hỏi của báo chí về những phiên tòa xét xử ngư dân ở Indonesia và việc can thiệp giúp đỡ ngư dân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 14/12/2017 nói ‘căn cứ vào tình hình cụ thể, sứ quán sẽ cử cán bộ đến tham dự các phiên tòa tiếp theo với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân’

Mất của, mất thu nhập chỉ là một chuyện. Gia đình các ngư dân hàng tháng vẫn phải gửi tiền sang chu cấp cho họ tiền ăn vì trại giam chỉ cung cấp cho họ gạo. Một năm ròng rã không thu nhập, trong khi gia đình phải gửi thêm tiền, các ngư dân thực sự thấy mệt mỏi. Họ chỉ mong mau chóng được ra tòa, có kết quả, rồi sớm được về nước. Nhưng có lẽ một mong muốn chung mà cả hai ngư dân mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc đều chia sẻ chính là sự can thiệp của nhà nước, và kết thúc đàm phán với Indonesia về chủ quyền tại vùng nước chồng lấn, như lời của ngư dân Võ Minh Tuấn khi kết thúc cuộc nói chuyện với đài ACTD.

"Mong Việt Nam và Indonesia có đường biên rõ ràng để ngư dân đánh bắt hải sản chính trên vùng biển của mình chứ bây giờ phía Indonesia kêu đó là vùng biển của Indonesia, phía Việt Nam kêu vùng biển của Việt Nam. Mình đứng chính giữa mình bị mất hết của cải, chứ làm được gì"

Nguồn : RFA tiếng Việt, 08/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 857 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)