Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ tàu công vụ Trung Quốc tấn công ngư dân tàu cá Việt Nam hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 29/09/2024 là một nấc mới trong hành xử bạo lực của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tại sao Trung Quốc gia tăng mức độ bạo lực nhắm vào ngư dân Việt Nam vào thời điểm này ?

ngudan1

Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 19/08/2024. AP - Zhai Jianlan

Ngày 29/09, khoảng 40 người từ hai tàu công vụ của Trung Quốc đã xông lên một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, dùng gậy sắt đánh đập khiến 4 người bị thương nặng. Nhân viên Trung Quốc đã cướp đi toàn bộ hải sản đánh bắt, cùng trang thiết bị trên tàu, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Năm ngày sau vụ tấn công, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên tiếng "kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam". Về phần mình, Trung Quốc khẳng định "lực lượng Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp bắt giữ theo quy định của pháp luật, được thực hiện một cách có kiềm chế", và không thừa nhận có người bị thương.

"Phần nổi của tảng băng chìm"

Theo một số nhà quan sát, vụ việc mới nhất xảy ra có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Collin Koh, một chuyên gia cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát và Việt Nam đòi chủ quyền. Ông Koh cho biết thêm là có thể có nhiều trường hợp tương tự đã không được báo cáo hoặc "bị ỉm đi".

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, báo chí chính thức ở Việt Nam đã ghi nhận một số vụ tàu công vụ Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Chẳng hạn như vụ một tàu cá, cũng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động gần đảo Phú Lâm hồi cuối tháng 08/2024, đã bị tàu Hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công gây hư hại nặng, có người trên tàu bị thương. Tuy nhiên, vụ khoảng 40 nhân viên xông lên tàu đánh đập, cướp phá, đe dọa tính mạng của ngư dân trong vụ ngày 29/09 rõ ràng là một nấc thang bạo lực mới của Trung Quốc nhắm vào ngư dân Việt Nam. Viên thuyền trưởng của tàu cá bị tấn công kể lại đây là hành động tàn bạo nhất mà anh từng biết đến trong 15 năm hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa.

Về lý do của việc Trung Quốc gia tăng bạo lực, ông Benjamin Blandin, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Hội đồng Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Yokosuka, Nhật Bản, được SCMP trích dẫn, đã so sánh hành xử tàn bạo gia tăng của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam trong vụ mới nhất với mức độ gây hấn tăng cao của Bắc Kinh đối với tàu thuyền Philippines, bao gồm tàu công vụ, tại nhiều địa điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila trên Biển Đông, đặc biệt với việc triển khai với số lượng lớn tàu Hải quân, Hải cảnh và dân quân biển. Đỉnh điểm là vụ nhân viên Trung Quốc xông lên tàu công vụ Philippines đánh bị thương người, tước đi nhiều vũ khí hồi giữa tháng 06/2024.

Trung Quốc không hài lòng với tân lãnh đạo Việt Nam ?

Tuy nhiên, hành động bạo lực gia tăng của Trung Quốc nhắm vào ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa xảy ra vào một thời điểm đặc biệt, chỉ ít ngày sau chuyến đi Mỹ đầu tiên của tân tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, kế nhiệm cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa qua đời hồi tháng 07/2024. Theo nhiều nhà quan sát, chuyến đi này cũng được coi là một hoạt động ngoại giao quan trọng của tân lãnh đạo Việt Nam nhằm siết chặt quan hệ hợp tác với Mỹ.

Nhà báo Sebastian Strangio, chuyên về Đông Nam Á, trong một bài viết trên trang mạng Nhật Bản The Diplomat, trích nhận định của nhà nghiên cứu Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, lưu ý là vụ tấn công nhắm vào tàu cá Việt Nam xảy ra sau chuyến thăm của ông Tô Lâm tới Trung Quốc và Mỹ, cho thấy "Trung Quốc không hài lòng với nhà lãnh đạo mới của Việt Nam". Theo nhà nghiên cứu Alexander Vuving, tân lãnh đạo Việt Nam cũng tỏ ra "ít dễ dãi hơn với Trung Quốc".

Dàn xếp nội bộ với Trung Quốc hay mạnh mẽ khẳng định chủ quyền ?

Vụ tấn công "bạo lực" gây thiệt hại nặng cho ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa phải chăng là một hành động trắc nghiệm của Trung Quốc đối với tân lãnh đạo chế độ Hà Nội ? Việt Nam sẽ hành xử ra sao cuộc tấn công hiếm có này ? Theo chuyên gia Abdul Rahman Yaacob, nghiên cứu viên của chương trình Đông Nam Á, thuộc Viện Lowy, trụ sở tại Úc, Việt Nam có thể chọn cách gia tăng "lực lượng tuần duyên hoặc hải quân để bảo vệ ngư dân". Việt Nam cũng có thể có nhiều hành động khác mạnh mẽ hơn về pháp lý và hợp tác quốc tế, để khẳng định chủ quyền.

Nhưng cũng theo chuyên gia Viện Lowy, Hà Nội cũng có thể tiếp tục cách hành xử lâu nay, tức là tìm cách dàn xếp tranh chấp với Trung Quốc thông qua các đàm phán song phương. Một quan chức Việt Nam cho chuyên gia Viện Lowy biết "tranh chấp Biển Đông chỉ chiếm 1% trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, 99% còn lại là tốt, ta không nên để 1% đó ảnh hưởng đến 99% còn lại". Liệu các dàn xếp nội bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để giảm nhẹ căng thẳng có sẽ giúp ngư dân Việt Nam hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa tránh bị tấn công trong tương lai ?

Trọng Thành

********************************

Ngư dân Việt Nam bị hành hung : Tại sao Trung Quốc dùng tàu chấp pháp địa phương ?

BBC, 03/10/2024

Gần bốn ngày sau khi các ngư dân Quảng Ngãi bị lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công, hành hung và cướp tài sản, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng. Tuyên bố của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ và thẳng thắn hơn những lần trước, nhất là khi nêu đích danh Trung Quốc.

ngudan2

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tối 2/10 đã lên tiếng phản đối lực lượng Trung Quốc hành xử thô bạo với ngư dân Việt Nam

Theo thông báo tối 2/10, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 29/9 vừa qua đã xảy ra việc lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) "trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".

Trước khi có tiếng nói chính thức từ Bộ Ngoại giao, báo chí Việt Nam dù đưa tin về vụ tấn công nhưng đã không nêu rõ "tàu nước ngoài" hay "tàu lạ" là tàu Trung Quốc, dù những ngư dân gặp nạn kể rằng những chiếc tàu tấn công họ có treo quốc kỳ Trung Quốc và họ bị đánh bởi những người nói tiếng Trung.

Chỉ sau khi có tuyên bố của bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, báo chí mới chỉ đích danh tàu Trung Quốc là thủ phạm.

Một nhà báo trong nước tiết lộ rằng việc báo chí trước đó không nêu rõ tên Trung Quốc là vì quan ngại sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung.

Trong chuyến công du đến Trung Quốc với cương vị là người đứng đầu đảng và nhà nước, ông Tô Lâm đã đề nghị hai nước cần kiểm soát, xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển. Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập trong Tuyên Bố chung Việt-Trung sau chuyến đi.

'Có ít nhất hai vụ tấn công' cùng ngày

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, một dự án nghiên cứu độc lập tại Việt Nam, nói với BBC rằng theo những gì dự án này tổng hợp được, kết hợp với dữ liệu theo dõi tàu thuyền thì cho thấy đã có ít nhất hai vụ tấn công tàu cá Việt Nam xảy ra trong khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 29/9.

Vụ thứ nhất xảy ra trong khu vực Đá Chim Én là vụ tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên vào khoảng 9, 10 giờ sáng, làm bốn ngư dân bị thương, trong đó có người bị đánh gãy tay. Tàu cá bị cướp hết máy móc, ngư cụ và vài tấn cá, tổng thiệt hại sơ bộ khoảng 500-600 triệu đồng.

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên kể với cộng tác viên của BBC rằng, sau nhiều tiếng đồng hồ bị hai tàu Trung Quốc là Chấp Pháp Tam Sa 301 và Chấp Pháp Tam Sa 101 rượt đuổi, cuối cùng tàu của ông cũng bị tiếp cận và có khoảng 40 người Trung Quốc leo lên tàu ông.

"Chúng tôi vừa chạy thì chúng đánh từ đằng sau đánh tới, gặp đâu đánh đó. Chúng nhằm vào tôi là thuyền trưởng, hai thằng đánh vô lưng và vai làm tôi bất tỉnh. Trong khi tôi bất tỉnh nó đánh mấy anh em khác, một anh bị gãy tay là anh Huỳnh Tiến Công", ông Biên thuật lại.

Sau khi ông Biên bị đánh bất tỉnh và ông Công bị gãy tay thì lực lượng Trung Quốc dồn các ngư dân Việt Nam lại, bắt quỳ xuống rồi lấy những tấm bạt che lại để không ai biết Trung Quốc đang làm gì trên tàu.

Dự án Đại sự ký Biển Đông nói với BBC ngày 2/10 rằng họ tính toán nơi xảy ra sự cố của tàu ông Biên nằm trong khu vực Đá Chim Én.

ngudan3

Vụ tấn công tàu QNg 95739 TS của ông Nguyễn Thanh Biên được Dự án Đại sự ký Biển Đông xảy ra trong khu vực Đá Chim Én

Vụ tấn công thứ hai là đối với tàu Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90659 TS do ông Võ Thành Tân làm chủ tàu. Theo Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, vụ việc xảy ra vào lúc 15 giờ, cách Đá Chim Én hơn 22 hải lý.

Theo lời kể của thuyền trưởng Tân được báo chí trong nước trích dẫn, ông cũng bị hành hung và tàu bị lấy đi toàn bộ ngư cụ và lượng cá đã đánh bắt được với tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 300 triệu đồng.

Thành viên của Dự án Đại sự ký Biển Đông nhận định với BBC rằng đây là vụ nghiêm trọng nhất và đã được truyền thông rộng rãi.

"Đáng chú ý, trong vụ tấn công hết sức thô bạo này, Trung Quốc sử dụng các tàu Tam Sa Chấp pháp thuộc Lực lượng Chấp pháp Tổng hợp Tam Sa, tức là một lực lượng thực thi pháp luật địa phương.

"Dù lực lượng này được biết đến là phối hợp chặt chẽ và có thể chịu sự điều hành của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, trong sự cố lần này, chúng tôi đã không tìm được bằng chứng nào cho thấy Hải cảnh Trung Quốc cũng tham gia trực tiếp vào vụ việc.

"Bởi vậy có thể nghi ngờ rằng đây là một chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, trong đó lực lượng địa phương được sử dụng khi cần phô trương các hành động tàn bạo quyết liệt, thay vì lực lượng trung ương. Điều này cho phép lực lượng trung ương có thể chối bỏ trách nhiệm khi muốn", thành viên của Dự án Đại sự ký Biển Đông nhận định.

ngudan4

Thuyền trưởng tàu QNg 95739 TS, ông Nguyễn Thanh Biên, tường thuật cuộc tấn công và hành hung của Trung Quốc đối với ông và các ngư dân khác trên tàu

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hồi tháng 1/2024 nói với BBC News Tiếng Việt rằng Trung Quốc đang tiến hành chiến lược "tằm ăn dâu".

"Chiến lược ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam, Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc".

"Và trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh (cảnh sát biển), rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ".

Sự việc xảy ra với hai tàu cá QNg 95739 TS và QNg 90659 TS là vụ mới nhất trong số hàng loạt vụ lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, các thực thể địa lý mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm hữu và kiểm soát thực địa từ ít nhất hơn nửa thế kỷ qua.

Vào tháng 8/2024, tàu QNg 98852 TS do ông Nguyễn Quang Dự làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cũng bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 301 tấn công và lấy đi nhiều trang thiết bị và ba tấn hải sản, với tổng thiệt hại khoảng 143,5 triệu đồng.

ngudan5

Ngư dân trên tàu QNg 95739 TS, ông Huỳnh Tiến Công bị đánh gãy tay và bị thương ở chân

Việt Nam lên tiếng chậm nhưng mạnh mẽ

Trả lời Reuters vào ngày thứ Ba 1/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà không được chính phủ Trung Quốc cho phép và các cơ quan chính quyền Trung Quốc liên quan đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến vụ tấn công ngày 29/9.

"Các hoạt động tại khu vực mang tính chuyên nghiệp và có kiềm chế, không có ai bị thương", Reuters dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Đến tối 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng. Dù có phần chậm trễ nhưng tuyên bố chính thức của phía Việt Nam được cho là đã lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ, thẳng thắn hơn, ít nhất là so với năm 2023.

Trong tuyên bố vào tháng 8/2023, sau khi một ngư dân Việt Nam trình báo bị tấn công khi đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng phản đối "mọi hành vi sử dụng vũ lực" nhưng không nhắc đến Trung Quốc.

Lần này, ngôn từ của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ và trực diện hơn.

Thông điệp cụ thể của Bộ Ngoại giao như sau :

"Hành động của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.

"Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.

"Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự".

Nhà nghiên cứu của Dự án Đại sự ký Biển Đông nói với BBC rằng Việt Nam sẽ vẫn giữ cách tiếp cận cũ : ngoại giao âm thầm nhiều nhất có thể nhưng khi việc ngoại giao này thất bại, hoặc đối với những vụ việc nghiêm trọng, Việt Nam sẽ lên tiếng công khai.

"Tấn công ngư dân là một chiến thuật linh hoạt của Trung Quốc để thể hiện thái độ với Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn còn công cụ pháp lý chưa sử dụng và nếu Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu cá Việt Nam, Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc phải cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc.

"Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng với Việt Nam, có thể sẽ càng đẩy Việt Nam ra xa và càng khiến Việt Nam tích cực tăng cường mạng lưới quan hệ đối tác nhằm nâng cao thế đứng của mình, mở cửa cho nhiều đối tác có thể hiện diện ở Biển Đông".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của Đại sự ký Biển Đông cũng nhấn mạnh rằng từ ý chí cho đến thực tế cũng là một khoảng cách và việc Việt Nam có thể vững vàng trước những áp lực của Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào thực lực, năng lực chống chịu kinh tế của Việt Nam.

Tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng trong nhiều tháng qua với những xung đột trên thực địa giữa Trung Quốc và Philippines. Vụ việc tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam vào ngày 29/9 một lần nữa khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

Không những rủi ro bị tàu Trung Quốc tấn công hay xua đuổi, sinh kế của hàng ngàn ngư dân ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng trước lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của Trung Quốc tại vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 trở lên, từ ngày 1/5 đến 16/8 hằng năm.

Thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông nói với BBC rằng sự leo thang căng thẳng trên Biển Đông hẳn không nằm ngoài dự đoán của Việt Nam.

"Đây cũng là lý do Việt Nam đã tăng cường lấn biển xây đảo trong thời gian vừa rồi ở quần đảo Trường Sa, theo lời Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao - ông Lê Đình Tĩnh khi trả lời The Washington Post. Trung Quốc có nhiều lý do để không hài lòng với Việt Nam. Không dùng cách tiếp cận minh bạch quyết đoán như Philippines, nhưng những bước đi của Việt Nam trong thời gian gần đây tương đối mạnh bạo".

Thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông dẫn chứng việc Việt Nam nộp đệ trình thềm lục địa mở rộng khu vực trung tâm, vốn đã trì hoãn nhiều năm dù đã chuẩn bị xong hồ sơ từ năm 2009, mở rộng đảo quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa. Rồi đến việc lần đầu tiên tập trận với lực lượng cảnh sát biển Philippines, lần đầu tiên triển khai tàu Hải quân tới Úc tham gia tập trận cùng các nước phương Tây.

Về mặt chính sách, theo thành viên của Dự án Đại sự ký Biển Đông, nhà lãnh đạo mới lên của Việt Nam - ông Tô Lâm - cho thấy có nhiều tín hiệu cởi mở, như việc lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đối thoại với giới học giả quốc tế trong không gian mở tại trường Đại học Columbia. Ông Tô Lâm cũng đề nghị Mỹ giúp Việt Nam phát triển công nghệ trong những lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và máy tính lượng tử - đều là những lĩnh vực mà Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ…

Nguồn : BBC, 03/10/2024

Additional Info

  • Author Trọng Thành, BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

Một tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, và 10 ngư dân trên tàu bị thương, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 30/9.

tauca1

Tàu cá QNg 95739 TS về bờ sau chuyến biển đầy kinh hoàng.

Tờ Tiền Phong dẫn lời một viên chức địa phương tại xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tàu cá Việt Nam đã liên lạc qua radio hôm 29/9 để báo cáo về vụ tấn công, nói rằng ba ngư dân bị gãy chân tay và bảy ngư dân bị các thương tích khác.

Không rõ tàu của nước nào đã tấn công tàu Việt Nam và các viên chức ở Bình Châu nói với AP rằng họ không có thông tin gì hơn ngoài những gì Tiền Phong đã tường thuật.

Lực lượng biên phòng Việt Nam đang điều tra vụ việc nhưng vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào.

Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển phía đông của Việt Nam khoảng 400 km và cách tỉnh Hải Nam của Trung Quốc một khoảng cách tương đương về phía đông nam.

Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

Tiền Phong nói vụ tấn công tàu xảy ra ở vùng biển Việt Nam nhưng không nêu rõ chính xác địa điểm xảy ra vụ việc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, vùng biển chiến lược quan trọng, gây ra tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong việc theo đuổi các yêu sách của mình, khiến Trung Quốc phải đối đầu trực tiếp với Philippines và Việt Nam.

Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông, nhưng đã triển khai các phương tiện của Hải quân và Không quân để tuần tra tuyến đường thủy này, nơi có khoảng 5 nghìn tỷ đô la thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm.

Trung Quốc đã đe dọa sẽ có "hậu quả nghiêm trọng" vào năm ngoái sau khi Hải quân Hoa Kỳ điều một tàu khu trục đi vòng quanh quần đảo Hoàng Sa trong một "hoạt động tự do hàng hải" thách thức cái mà họ gọi là "các yêu sách hàng hải quá mức".

Quần đảo Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc kể từ năm 1974, khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ Việt Nam Cộng hoà trong một trận hải chiến ngắn.

Năm ngoái, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo thiết kế vào thời điểm đó, đường băng này có vẻ đủ lớn để chứa máy bay cánh quạt và máy bay không người lái nhưng không phải máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom.

Trung Quốc cũng đã có một bến cảng nhỏ và các tòa nhà trên đảo trong nhiều năm, cùng với một bãi đáp trực thăng và các đài radar.

Trung Quốc đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công trình xây dựng đảo của mình, ngoại trừ nói rằng mục đích của công trình này là thúc đẩy an toàn hàng hải toàn cầu.

Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đang quân sự hóa tuyến đường thủy này, một tuyến đường toàn cầu và an ninh quan trọng, cũng được cho là nằm trên các trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ.

AP

Nguồn : VOA, 01/10/2024

Additional Info

  • Author AP, VOA
Published in Việt Nam

Hôm 18 Tháng Tư, bản tin trên báo Tuổi trẻ có viết rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình 4 tỉnh đã để cho ngư dân của mình vượt lằn ranh trên biển, đi đánh bắt cá ở các vùng biển các nước lân bang, bị gọi tên "đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp".

ngudan0

Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình 4 tỉnh đã để cho ngư dân của mình vượt lằn ranh trên biển, đi đánh bắt cá ở các vùng biển các nước lân bang - Ảnh Tuổi Trẻ online 

4 vùng biển đó, là Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, bị coi là liên tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản từ đầu năm 2023 đến nay. Lý do của chuyện này, là ngành xuất khẩu hải sản của Việt Nam có thể bị Liên Âu (EU) phạt nặng, thậm chí dẫn đến chuyện phải ngừng xuất khẩu qua các quốc gia này. Việt Nam hiện bị Ủy ban Liên Âu (EC) áp dụng hình thức cảnh báo "thẻ vàng" trong hơn 5 năm qua vì tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và có nguy cơ tiếp tục bị phạt "thẻ đỏ" nếu không cải thiện tình hình. Và nếu bị phạt thẻ đỏ, Việt Nam phải đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

Sau đợt kiểm tra thứ 3 của EC, Thủ tướng Việt Nam đã gấp rút ban hành chương trình hành động 180 ngày quyết tâm gỡ "thẻ vàng" để chuẩn bị cho đợt kiểm tra tiếp theo của EC cuối tháng 4 năm nay. Nhiều quy định được ra cho ngư dân 4 tỉnh nói trên, là cho đến tháng Năm 2023, các cơ quan hữu trách sẽ liên tục điều tra và xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và cũng ra quyết định xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, cũng như công bố danh tính tàu và người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhưng tại sao là Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang ? Vì sao 4 tỉnh đó đứng đầu trong các vụ vượt lằn ranh biển quốc gia để liều lĩnh sang nước khác đánh bắt, bất chấp tàu bị bắt, người bị giam, tài sản bị hủy và thậm chí phải trả tiền chuộc mới về lại được quê nhà ?

Nếu theo dõi các câu chuyện tàu của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc đâm, người ta sẽ nhận ra ngay các mã hiệu của tàu gặp nạn đều hầu hết nằm trong 4 tỉnh nói trên. Nhiều năm nay, các bản tin thảng thốt trên báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ… nói về chuyện tàu Trung Quốc tràn ngập ở hải phận Việt Nam, thường bị bỏ qua trong các câu chuyện sốc nổi rùm beng của xã hội. Chuyện sống chết của người dân ra biển, chuyện âu lo của quốc gia… dường không mấy được sự quan tâm của công chúng nữa. Nhất là sau khi các vụ tức giận phản ứng biểu tình vì Trung Quốc xâm hại người, xâm phạm biển Việt Nam lại bị trấn áp bằng những đòn bao vậy, bắt giữ và bị coi như "phản động".

Chuyện ngư dân ra biển giờ ngày càng thưa thớt đã là điều dễ thấy ở các vùng ven biển miền Trung. Việc đâm tàu, bắn người… trở thành cơm bữa, nhưng không thấy tàu của Việt Nam yểm trợ ngư dân, phản ứng trực diện với tàu Trung Quốc. Thậm chí, tố cáo đích danh Trung Quốc là kẻ hành hung ngư dân Việt ngay trên hải phận Việt Nam cũng là chuyện hiếm. Một bản tin năm 2020 trên báo Thủy sản Việt Nam có tiết lộ rằng ngư dân ở Quảng Ngãi than khó về chuyện đi biển không còn dễ dàng như trước. "Tàu cá làm ăn ngày càng khó nên nhiều bạn đi quen trước đây đã chuyển nghề lên bờ sinh sống hoặc đi bạn cho những tàu thuyền tỉnh khác có thu nhập cao hơn", báo này viết. Tỉnh khác được nói đến ở đây, hầu hết là các vùng nằm ngoài danh mục 4 tỉnh bị Thủ tướng phê bình nói trên.

"Mệt nhất là nghề ngư dân lúc này", một người dân ở Bình Định nói, khi bồng con nhìn ra biển buổi chiều tà. Sóng và mùa dữ ở Bình Định không làm người dân làm nghề cá ở đây sợ, mà họ chỉ sợ khi vừa ra khơi thấy tàu Trung Quốc dày đặc rượt đuổi. "Có lúc, tụi tôi phải giấu theo cờ Campuchia, khi thấy tàu Trung Quốc xa xa, là lật đật thay cờ Campuchia để đi ngang nó mà không bị rượt đuổi", một người đi biển đã bỏ nghề, kể. Hầu hết những câu chuyện ngư dân Việt khi bị tàu Trung Quốc ập tới, đều bị bắt, đâm chìm tàu, tịch thu ngư cụ, hải sản. Chỉ vài lần như vậy, là người đi biển kiệt quệ và chán ra biển. Nhiều làng ở Bình Định chọn đi lao động hợp tác ở Phi Luật Tân để kiếm tiền an toàn hơn, thậm chí nhàn nhã hơn việc sống với nhiệm vụ kép "Vừa đi biển, vừa bảo vệ chủ quyền".

Việt Nam luôn khẳng định bằng ngôn luận của Bộ Ngoại Giao về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân ra biển được phát thêm cờ để "thể hiện chủ quyền", nhưng khi bị bắn, thì chỉ có tiếng súng, tiếng loa và âm thanh xịt nước hung hãn vào tàu gỗ Việt. Đỉnh cao của sự việc này, là ngày 26 Tháng Ba năm 2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thản nhiên tuyên bố việc tàu nước này ngang nhiên bắn một tàu cá Việt Nam vài ngày trước, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là "cần thiết" và "hợp lý". Nếu bạn là người đi biển, bạn có tìm cách dạt sang vùng biển xa hơn, ít bọn côn đồ cờ đỏ để mưu sinh không ?

Ngày 16 Tháng Ba 2023, Dự án Đại Sự ký Biển Đông (SCSCI) cũng cảnh báo tình trạng tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện và tụ tập thành đoàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông. Trong đó, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 2.600 tấn cùng nhiều tàu theo đoàn đã xâm nhập vào sâu trong hải phận Việt Nam. Họ chỉ rút đi, khi họ muốn, chứ không quan tâm ngôn luận phản đối hay kêu gào nào cả.

Nói Trung Quốc tràn ngập biển Việt Nam, nó vẫn là cách nói ước lệ. Ước tính duy nhất về con số quy mô có thật của lực lượng dân quân biển Trung Quốc là từ một nguồn xuất bản năm 1978. Theo đó, nhân sự của lực lượng này vào thời điểm đó là 750.000 người, hoạt động trên khoảng 140.000 tàu. Con số này có khả năng đã tăng lên đáng kể kể từ đó. Nhưng trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân quân biển. Ngay vào lúc này, Bắc Kinh tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển Đông, để dần tạo thành tập tính của "chủ quyền gián tiếp", kiểm soát thực hiện cho lệnh cấm này, là có lực lượng dân quân biển, hải cảnh… của Trung Quốc như vừa nêu.

Việt Nam không có Bộ Ngoại giao lên tiếng, chỉ có Hội nghề cá phản đối như hát trên đài phát thanh xã. Không chính thức phản đối, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt chỉ "nhắc lại" Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Việt vào vai Phó phát ngôn và vẫn nhuần nhuyễn "nhắc lại" kể từ năm 2019 đến nay.

Năm 2020, nói với đài BBC, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhìn nhận ngư dân Việt Nam rất dũng cảm, yêu đất nước và biển đảo nên không quản hy sinh ra biển đánh cá và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông có kêu gọi là các lực lượng biển cần "nghĩ" đến sự an toàn của ngư dân. Thế nhưng trong vụ khởi tố các quan chức hải quân vào năm 2022, bao gồm cả hai tư lệnh biển, dường như các lực lượng được coi là bảo vệ ngư dân, chỉ "nghĩ" buôn xăng lậu là chính sự.

Khi ra các điều luật khắt khe, phạt tiền, công bố danh tính… không biết Thủ tướng Phạm Minh Chính hay tổ tư vấn của ông có nhìn lại biển Việt Nam vật vờ xác thuyền chìm, đẫm máu ngư dân phải mang vác nhiệm vụ kép vừa mưu sinh vừa giới thiệu chủ quyền ? Thủ tướng phê bình 4 tỉnh có ngư dân phải trôi dạt sang biển lạ để đánh bắt kiếm sống - và cách nào đó cũng đóng góp cho ngành xuất khẩu thủy hải sản bao nhiều năm qua – nhưng có biện pháp nào để ngư dân việt có thể ra biển trong mùa cấm đánh bắt của Trung Quốc, mà an toàn trở về, mang theo sản vật trong chính hải phận nước mình, mà không nơm nớp lo âu không ?

Ngư dân, những người đã chết, những người đã bỏ nghề ông cha truyền lại để tìm sống ở đất khách quê người, đã có ai phê bình các đời thủ tướng Việt Nam chưa ?

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 26/04/2023

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh
Published in Diễn đàn

Ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ : chi phí hồi hương cao khó hiểu ?

Gần 30 ngư dân Việt Nam hiện đang bị giam tại đảo Tanjung Pinang (Indonesia) từ 3-4 năm nay do bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nước này. Hầu hết trong số họ đều nghèo khổ, thậm chí phát bệnh trong trại giam. Trong khi đó, chi phí để được hồi hương lại cao một cách khó hiểu.

ngudan1

Sinh hoạt trong trại Tanjung Pinang, nơi nhốt các ngư dân Việt Nam với cánh cổng luôn đóng kín - Nhân vật cung cấp

Có tiền mới được về

Đỗ Minh Dương, năm nay 26 tuổi, một thuyền viên theo ghe đi đánh cá từ vùng biển Vũng Tàu. Anh cùng với 16 người khác đi cùng chuyến, trong đó có hai tài công, bị hải cảnh Indonesia bắt vào tháng 9/2020. Tất cả sau đó được đưa về trại giam ở đảo Tanjung Pinang (Indonesia) :

"Mới đi chuyến đầu tiên luôn, lúc trước đi ghe bên kia cũng thấy cảnh tàu bị dí thì cũng sợ, nhưng mà nghĩ cảnh ở nhà đang thiếu nợ người ta cho nên mới đi chuyến này, ai ngờ bị bắt luôn…"

Theo lời anh Dương, thuyền viên đi theo ghe đánh bắt chỉ bị tạm giam chờ ngày làm thủ tục về nước chứ không phải ra toà. Đợt này, Sứ quán Việt Nam tại Indonesia thông báo tổng chi phí để được về nước là 18 triệu 800 ngàn đồng. Số tiền này đã rẻ hơn nhiều so với những năm dịch Covid - 19. Khi đó, con số có khi lên tới hơn 50 triệu đồng mỗi người. 

"Có mấy người đi bạn, ai liên lạc được thì ở nhà tự lo, còn ai không liên lạc được, có hoàn cảnh khó khăn thì còn ở lại bên này. Ghe của em hiện tại còn ba người ở bên này.

Nếu mình có 18 triệu 800 ngàn để đóng cho Quỹ bảo hộ công dân thì Đại sứ quán sẽ làm hộ chiếu cho mình, có chuyến bay là về thôi".

Anh Dương hiện chỉ còn cha già ở Việt Nam. Ông đi làm bảo vệ hàng tháng cũng chỉ đủ để gởi thêm tiền cho anh chi tiêu mỗi tháng, chứ không đủ khả năng đóng gần 20 triệu bảo lãnh con về. Trong khi đó, đi vay mượn thì cũng không ai cho :

"Ông già của em thì già rồi, còn bà già thì mất lúc em ba tuổi. Ông già bây giờ đi làm bảo vệ. Nếu mà có tiền, có điều kiện thì em đã về lâu rồi chứ có đâu mà ở đây tới ba năm cho tới giờ.

Cũng đang cố gắng kêu ông già vay mượn tiền để về nhưng mà cũng chưa có ai cho mượn. Còn hàng tháng thì ông già của em cũng gửi qua để em ăn uống thêm, chứ còn chủ ghe thì nó bỏ luôn rồi". 

Ngư dân đổ bệnh trong tù

ngudan2

Ngư dân Việt Nam bị cảnh sát nước ngoài bắt do đánh cá bất hợp pháp ngày 24/5/2016. Ảnh : AFP

Anh Dương cho biết thêm, ở nhà tù này đang còn nhốt 29 ngư dân Việt Nam, hầu hết đều có hoàn cảnh vô cũng khó khăn, không lo nổi số tiền làm thủ tục về nước. Thậm chí, có người đã ngoài 50, sức khoẻ yếu, bệnh tật không đi đứng nổi, nhưng vì không có tiền nên đã bị nhốt đến nay là gần bốn năm vẫn chưa được về.

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Thái Hùng, sinh năm 1970, đi đánh bắt từ huyện Rạch Giá, Kiên Giang. Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, ghe của ông Hùng bị bắt vào ngày 1/3/2020.

Ông Hùng nói, trước khi đi, chủ tàu cam đoan với ông là sẽ không đánh bắt ở vùng biển của nước khác :

"Đầu năm 2020 có người quen ở xóm lại gọi tôi đi ghe biển, ba tháng trả tôi 17 triệu. Tôi không đồng ý đi vì đi vùng biển gần Malaysia tôi sợ bị bắt, bị ở tù lắm. Người đó mới đảm bảo là đi sẽ không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Khi đánh bắt ở nước người ta, người ta bắt thì tài công bỏ chạy, không nghe theo lệnh của người ta. Người ta bắn nhiều lắm, tôi tưởng là chết hết rồi, bò lết hết trên ghe".

Khi mới bị bắt, ông Hùng nói ông bị hải quân Indonesia đánh đến mức đổ bệnh :

"Khi tôi mới qua đây tôi bị hải quân đánh rồi lâm bệnh. Tôi ở trong phòng cách ly hết hai năm là tôi muốn chết ở trong đó luôn rồi. Khi họ thấy như vậy mới đưa tôi ra… Tôi thở không có nổi, người ta khám bệnh mà không biết làm sao họ lại cách ly một mình tôi trong một phòng. Phòng đó dài 2,5 thước, ngang 1,8 thước.

Tôi bị xụi hết một cái chân bên trái, khó thở, mắt mờ… Khi báo bệnh thì người ta cho thuốc giảm đau thôi chứ không có tiền yêu cầu đưa thuốc điều trị cho mình.

Bây giờ mình ăn uống cũng không được như người ta, đi đứng thì trại có phát cho tôi hai cây nạn, đồ ăn bên Indo này thì khó ăn lắm. Tôi muốn uống sữa mà không có tiền.

Đại sứ quán vẫn biết sức khoẻ của tôi chứ, nhưng mà tiền đâu mà tôi đóng.

Tôi không có vợ, cũng không thân với ai hết".

Ông Hùng cho biết, phía Đại sứ quán Việt Nam vào dịp Tết 2022 có cử người đến thăm, gởi quà gồm sữa, nước ngọt và thuốc lá cho mọi người và hứa sẽ tìm chủ tàu để bắt họ đóng tiền đưa mọi người về nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả gì.

Chi phí cao một cách khó hiểu !

Một luật sư, hiện đang ở trong nước, không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn, cho biết theo quy định của Chính phủ, việc Sứ quán thu tiền của thuyền viên là không đúng :

"Những người chủ tàu chủ thuyền phải trả tiền để cho người thuyền viên nhà nước. Trường hợp nếu mà chủ tàu không trả thì địa phương nơi có tàu thuyền vi phạm phải trả số tiền đó.

Việc mà Đại sứ quán yêu cầu những thuyền viên này phải tự bỏ tiền để lo chi phí về nước là trái với Công điện của Thủ tướng. Địa phương nên bỏ tiền lo cho công dân về nước trước, sau này có đền bù, trả lại như thế nào thì tính sau".

Công điện số 732 về việc "ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài" được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào năm 2017. Tại khoản d, điều sáu của công văn này quy định "Bắt buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước ; nếu chủ tàu không chi trả thì địa phương có tàu vi phạm chịu trách nhiệm chi trả".

Phóng viên RFA liên hệ tới Phòng Bảo hộ Công dân hai lần. lần đầu tiên, khi xưng là phóng viên thì cán bộ trực ban từ chối trả lời.

Lần thứ hai, chúng tôi đi thẳng vào câu hỏi (mà không nêu danh tính) về chi phí đóng tiền đưa ngư dân từ Indonesia về nước, thì được cho biết là ngư dân sau khi về nước sẽ được quyết toán, trả lại tiền nếu còn thừa.

Đồng thời cán bộ này khẳng định, đối với thuyền viên thì chỉ cần đóng tiền vé máy bay, cùng với chi phí ăn ở chờ ngày về mà thôi :

"Đây chỉ là số tiền tạm ứng thôi. Sau khi xong thì Quỹ Bảo hộ Công dân ở trong nước sẽ quyết toán và trả lại phần thừa.

Có thể bao gồm nhiều chi phí khác như là cơ quan trục xuất phải mua vé máy bay ở khách sạn hay là tiền ăn ở khách sạn trong thời gian chờ trục xuất nữa.

Thuyền viên chỉ chịu tiền ăn ở sinh hoạt để chờ trục xuất mà thôi".

Anh Dương cho biết, theo lời cán bộ Sứ quán, số tiền phải đóng là 18 triệu 800 ngàn đồng bao gồm tiền làm hộ chiếu cho ngư dân và chi phí đi lại, cùng với vé máy bay đưa người về tới Thành phố Hồ Chí Minh. Anh cũng cho biết thêm rằng thường những người về nước sẽ di chuyển từ đảo ra thủ đô Jakarta (Indonesia), ngủ lại chỉ một đêm rồi hôm sau lên máy bay về nước luôn.

Kiểm tra giá vé máy bay trong tháng ba và tháng tư sắp tới, vé một chiều hạng phổ thông từ Jakarta về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ từ hai triệu 300 ngàn đến bốn triệu đồng/người. Giá khách sạn bình dân ở thủ đô Jakarta chỉ tầm 20 đô-la Mỹ/đêm, có thể ở hai người. Giá để cấp một cuốn hộ chiếu mới ở nước ngoài là 35 đô-la Mỹ.

Như vậy, chi phí làm lại hộ chiếu và về Việt Nam chỉ tầm hơn năm triệu đồng mỗi người. Vì sao Sứ quán lại yêu cầu mỗi ngư dân đóng gần 19 triệu ?

Chúng tôi tiếp tục gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia theo số điện thoại được đăng công khai trên trang web của Sứ quán để hỏi thêm thông tin nhưng không có ai nghe máy, dù đang trong giờ hành chính.

Nguồn : RFA, 16/03/2023

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Chính phủ Việt Nam, Hội Nghề Cá và ngư dân Việt Nam với Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Đúng một tuần lễ sau khi phía Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 29/1 mới trả lời báo giới chất vấn về luật gây nhiều quan ngại đó.

tau1

Tàu hải cảnh của Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014 - Reuters

Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu bà Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo như sau : "Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, thiện chí thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS, không hành động làm gia tăng căng thẳng và tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông".

Phát biểu của bà Hằng không hề khác những lần trước mỗi khi Trung Quốc có hoạt động tại Biển Đông, nơi mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Trước Việt Nam 2 ngày, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. vào hôm 27/1 cho biết Manila đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc tự ý ban hành luật cho phép hải cảnh được nổ súng vào tàu nước ngoài.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 nói với báo giới rằng luật mới của Bắc Kinh hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật Hải cảnh mới quy định trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau để đối phó với tàu nước ngoài bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hoặc từ trên không.

Luật cũng cho phép nhân viên chấp pháp của Trung Quốc được quyền lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Ngoài ra, hải cảnh Bắc Kinh còn được quyền tạo các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.

Nhận xét về luật Hải cảnh mới vừa được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng nói với RFA vào tối 29/1 như sau :

"Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là một bước nâng cao mới của nhà nước Trung Quốc về chính sách độc chiếm Biển Đông của họ. Họ đưa ra một phép thử, tức đưa ra một tuyên bố để họ khẳng định rằng họ có thể sử dụng vũ lực trong việc giải quyết mọi tranh chấp hoặc để thể hiện quyền lực của họ trên Biển Đông, tiếp tục đe dọa nhân dân và nhà nước của những quốc gia nằm trên Biển Đông mà theo họ là có tranh chấp với họ".

Vẫn theo lời ông Trần Văn Lĩnh, trong thực tế, lúc chưa có luật thì Trung Quốc cũng đã một vài lần sử dụng bạo lực trên Biển Đông, như bắn tàu của ngư dân Philippine, tàu cá ngư dân Việt Nam chứ không phải chưa từng xảy ra.

Sự việc gần đây nhất là vào 2/4/2020, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc từ năm 1999 đã bắt đầu đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên một vùng biển rộng bao gồm cả ngư trường Hoàng Sa vào mùa hè.

Phía chính phủ Bắc Kinh đưa ra lý do nhằm bảo vệ nguồn cá, chống đánh bắt cá quá mức. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngư dân Việt ra Hoàng Sa lại gặp thêm khó khăn.

Vì vậy, luật Hải cảnh mới này được các chuyên gia trong nước nhận định rằng người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất sẽ là những ngư dân.

Trao đổi với RFA tối 29/1, anh Hoàng ở Vũng Tàu, chủ tàu có ngư dân trước đây bị Indonesia bắt giữ cho hay :

"Thông cảm cho anh, bữa giờ anh có việc rắc rối với gia đình dữ quá nên hông có xem về cái đó. Hiện nay trong vùng anh đánh bắt thì ít gặp tàu của Trung Quốc. Nghe những người ngư dân khác thì thường đổ ra từ Nha Trang, miền Trung thì gặp nhiều. Anh ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì ít gặp".

Tuy nhiên, khi RFA trao đổi với những ngư dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai địa phương được nói từng có nhiều ngư dân bị tàu cá Trung Quốc tấn công, hầu hết câu trả lời nhận được là không quan tâm, như lời anh Võ Xuân Phúc, ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi :

"Anh không quan tâm lắm đâu em ơi".

Giải thích nguyên nhân vì sao ngay cả ngư dân, người chịu nhiều ảnh hưởng nhiều nhất từ luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cũng tỏ ra thờ ơ như vậy, ông Trần Văn Lĩnh cho hay :

"Các nước chung quanh thí dụ như ngư dân Việt Nam không thể nào nghe theo luật lệ ấy.

Thật ra lâu nay ngư dân Việt Nam đã thực hiện quyền đánh cá hợp pháp của họ trên vùng biển Việt Nam nên họ không vi phạm gì với Trung Quốc, không gây gổ gì với Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cũng không sao hết, tức ngư dân Việt Nam nghe thì nghe, họ cũng đã nghe nhiều lần về Trung Quốc rồi".

Trung Quốc là nước đơn phương đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông dựa vào đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, đường lưỡi bò này đã bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague ra phán quyết bác bỏ vào ngày 12/7/2016, trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông. Theo phán quyết, toàn bộ quần đảo Trường Sa không thể có đường cơ sở như đòi hỏi của Trung Quốc từ trước đến nay.

Không chỉ riêng Philippine có động thái phản đối quốc tế đối với chính sách Biển Đông của Trung Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp quốc Kelly Craft vào ngày 1/6/2020 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres công thư bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong công hàm ký hiệu CML/14/2019 với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mới đây nhất, vào ngày 19/1/2021, Nhật Bản đã gửi Công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối Công hàm CML/63/2020 của Trung Quốc thể hiện lập trường của Trung Quốc : "Trung Quốc vẽ đường cơ sở đối với các đảo và đá tại Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung".

Do đó, vị Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cũng cho rằng mặc dù nhà nước Trung Quốc cho phép hải cảnh Trung Quốc làm những việc như sử dụng vũ lực để đe dọa, bắn ngư dân, bắn tàu của một quốc gia nào đó trên vùng Biển Đông, nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng đủ khôn ngoan để biết rằng nếu điều ấy được thực hiện thì chắc chắn Trung Quốc khởi đầu cho một cuộc chiến tranh mới, một cuộc chiến tranh leo thang trên Biển Đông mà ở đó thế giới tự do còn lại không dễ dàng để Trung Quốc làm điều như vậy :

"Dù có luật hay không có luật thì bất kỳ hành vi bạo lực, tức sử dụng súng đạn nào thì cũng đều có sự chỉ đạo của Trung ương Trung Quốc hết, không phải tự nhiên mà xảy ra. Sự chỉ đạo đó đều có sách lược và đều nghiêng đến tương quan lực lượng chung chứ không phải tự nhiên có luật rồi họ làm càn".

Nguồn : RFA, 29/1/2021

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Ngư dân Việt Nam thành con mồi khi Trung Quốc xâm chiếm vùng biển chiến lược

Thuyền chìm, ngư cụ bị đánh cắp. Ngư dân trở thành con mồi khi Trung Quốc xâm chiếm vùng biển chiến lược

sunken1

Một đường băng và các cấu trúc khác được nhìn thấy trên rạn san hô Subi nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2017. (Bullit Marquez / Associated Press)

LÝ SƠN, Việt Nam - Vào một buổi sáng ấm áp, trời trong hồi tháng 6 trong vùng Biển Đông tĩnh lặng, một con tàu khổng lồ lao vào một chiếc tàu đánh cá bằng gỗ sơn màu xanh và treo cờ Việt Nam.

Thuyền trưởng đánh cá nổ máy tàu định bỏ chạy, nhưng tàu lớn đã thả hai xuồng máy xuống biển với các sĩ quan mặc sắc phục. Hai xuồng cao su đua nhau áp sát hai bên tàu đánh cá, siết chặt lại như gọng kìm.

Khi thuyền trưởng giảm tốc độ để tránh va chạm, con tàu lớn liền lao vào họ. Trên thân tàu bằng thép của nó ghi : Trung Quốc.

Chen chúc trong cabin để đảm bảo an toàn, 17 ngư dân bị hất văng xuống boong vì một cú va chạm gần như lật thuyền. Sau đó tiếp một cú đâm, một cú nữa và tiếp tục một cú đâm khác. "Giống như đánh nhau", ngư dân Nguyễn Day nhớ lại.

Tàu Trung Quốc đập liên tiếp vào tàu cá, làm hư hỏng cabin. Bốn ngư dân bị hất ngã xuống biển. Khi những người Trung Quốc kéo họ lên khỏi mặt nước, Day, 41 tuổi, và những người Việt Nam khác bị nhồi nhét vào một thuyền cứu sinh và đứng nhìn chiếc thuyền của họ – chất đầy hàng trăm ký cá ngừ, cá thu, cá mú và cá chuồn – bắt đầu trôi đi.

Cuộc tấn công ngày 10 tháng 6 là một phần trong cuộc tấn công kín kẽ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các tàu Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật ngày càng gây hấn để ngăn cản các quốc gia đối thủ và giành quyền kiểm soát trên tuyến đường thủy chiến lược.

Không lo lắng trước những lời chỉ trích toàn cầu ngày càng nhiều, hạm đội hải quân, tuần duyên và bán quân sự của Trung Quốc đã đâm tàu ​​đánh cá, quy ri các tàu thăm dò du khí, t chc các cuc din tập chiến đấu và theo sát các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ.

Các cuộc phô trương vũ lực ngày càng leo thang đã áp đảo các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn cũng yêu sách các vùng biển, một trong những ngư trường và tuyến thương mại nhộn nhịp nhất thế giới cũng như trũ lượng dầu và khí tự nhiên chưa được khai thác.

Chủ nghĩa bành trướng hàng hải của Bắc Kinh không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Đảng cộng sản Trung Quốc, mà còn thể hiện sự sẵn sàng thách thức các nước láng giềng và luật pháp quốc tế để thực hiện tầm nhìn sâu rộng về quyền lực của Tập Cận Bình.

Trong nhiệm vụ chiến lược nhằm thống trị tuyến đường thủy ngăn cách đại lục Châu Á với đảo Borneo và quần đảo Philippines, Trung Quốc đã xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo và rạn san hô đang tranh chấp mà theo ông Tập, "là lãnh thổ của Trung Quốc từ… thời cổ đại do tổ tiên để lại cho chúng ta". Mạng lưới các căn cứ, bến cảng và bãi đáp sâu trong vùng biển quốc tế đã tạo ra vùng đệm cho đường bờ biển phía nam của Trung Quốc, tiếp tục bao vây Đài Loan và thách thức khả năng di chuyển tàu của Mỹ vào Châu Á.

"Có vẻ như Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển năng lực nhằm loại trừ các lực lượng hải quân khác khỏi Biển Đông", Bill Hayton, một tác giả và cộng sự tại cơ quan tư vấn Chatham House, nói với một ủy ban quốc hội vào tháng 9.

Dưới thời chính quyền Trump Mỹ đã điều nhiều tàu chiến hơn mức bình thường qua khu vực vào năm 2020 để khẳng định quyền hàng hải. Mỹ gọi Trung Quốc là "kẻ bắt nạt" đang tìm kiếm một "đế chế hàng hải". Nhưng các hoạt động này đã không làm được gì để giành lại các đảo nhỏ và vùng biển mà 5 quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan tuyên bố là Bắc Kinh đã chiếm đoạt.

Các quốc gia này gần như không có đủ sức mạnh hải quân riêng để làm mất lòng Trung Quốc. Thay vào đó, chính phủ Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác đã tiến hành một hình thức phản kháng yên lặng hơn bằng cách khuyến khích các cộng đồng ngư dân truyền thống tiếp tục mạo hiểm vào các vùng biển tranh chấp – đặt họ vào tuyến đầu trước sự xâm lược của Trung Quốc.

Mèo vờn chuột

Đây là một trò chơi mèo vờn chuột trên biển, nhắm vào một siêu cường với hạm đội vũ trang lớn nhất thế giới – với hơn 300 tàu hải quân, 130 tàu tuần duyên lớn và lực lượng dân quân hàng hải với hàng trăm nghìn thuyền cơ giới – đối đầu với những ngư dân được trang bị ít chẳng gì hơn ngoài lưới đánh cá để kiếm được vài trăm đô la cho mỗi chuyến ra khơi.

sunken2

Thuyền đánh cá cập bến Lý Sơn, Việt Nam. (Võ Kiều Bảo Uyên / Times)

Các tàu gỗ cũ kỹ được trang bị hệ thống định vị đơn giản, ngư dân phải tránh bị bắt trong khi săn lùng hải sản hiếm hoi trên một vùng biển bị tàn phá do hoạt động đánh bắt và nạo vét không được kiểm soát mà phần lớn là do Trung Quốc thực hiện.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết : "Khi nguồn hải sản suy giảm do khai thác quá mức và môi trường bị tàn phá, ngư dân Việt Nam và Philippines ngày càng đi đánh bắt xa bờ hơn và chấp nhận rủi ro lớn hơn ở các vùng biển tranh chấp. "Điều đó giúp giải thích tại sao họ là những tác nhân thường xuyên tiếp xúc với lực lượng hành pháp và quân y Trung Quốc".

Ngư dân Trần Hồng Thọ thừa nhận những ngày này người Việt Nam đi biển xa hơn. "Biển gần bờ đã hết cá", anh nói.

Bắc Kinh không biện hộ về các hành động của họ, mà họ cho đó là lực lượng hải cảnh chống đánh bắt cá trái phép. Vào tháng 9, hải cảnh Trung Quốc báo cáo rằng họ đã trục xuất 1.138 tàu đánh cá nước ngoài khỏi phía bắc của Biển Đông trong 4 tháng trước đó, lên tàu và kiểm tra hàng chục tàu khác, đồng thời bắt giữ 11 tàu thuyền và 66 thuyền viên nước ngoài, "bảo vệ hiệu quả lợi ích nghề cá và quyền hàng hải".

Đối với các cộng đồng ngư dân ven biển miền Trung của Việt Nam, đối đầu với Trung Quốc thể hiện nghĩa vụ tập thể – bảo vệ vùng biển mà nhiều thế hệ đã kiếm sống ở đó.

"Chính phủ Việt Nam coi ngư dân như một tượng đài sống để khẳng định chủ quyền Biển Đông", ông Lê Khuân, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá trên đảo Lý Sơn nói.

Biển Đông đã kết nối các nền văn minh trong hàng nghìn năm – từ những con tàu buôn Mã Lai đến mua lụa Trung Quốc, gia vị Ấn Độ và trầm hương Ả Rập dọc theo hành lang thương mại cổ đại giữa Châu Âu và Châu Á, đến những tàu chở hàng và tàu container băng qua các đại dương và quyền lực thương mại toàn cầu hóa ngày nay. Hàng năm ước tính có khoảng 3,4 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua vùng biển, trong đó có 14% tổng thương mại của Hoa Kỳ, 40% của Trung Quốc và 86% của Việt Nam.

Một phần ba trong số 96 triệu dân của Việt Nam sống ở bờ biển ngoằn ngoèo, nơi những đàn thuyền nhỏ màu xanh và đỏ giống hệt nhau nhấp nhô trên những bến cảng xiêu vẹo. Với khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu vào năm 2015, biển đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu và nuôi sống gia đình của ít nhất 1,8 triệu người làm nghề đánh cá trên biển.

Vụ va chạm ngày 10 tháng 6 xảy ra ngoài khơi một trong những khu vực gây tranh cãi nhất : quần đảo Hoàng Sa, do Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn kể từ khi quân đội Trung Quốc đánh đổi lực lượng Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974.

Chuỗi các đảo và rạn san hô – được gọi là Hoàng Sa trong tiếng Việt và Tây Sa trong tiếng Trung – nằm cách cả bờ biển miền Trung Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 150 hải lý. Trên đảo Phú Lâm, là lớn nhất trong quần đảo, Bắc Kinh đã xây dựng trung tâm hành chính và quân sự chính trên biển, hoàn chỉnh với một đường băng, hai bến cảng, dàn tên lửa đất đối không, hệ thống giám sát và trinh sát, nhà máy khử muối – thậm chí là một khu du lịch cho Trung Quốc đại lục.

Việt Nam đã tố cáo việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo là bất hợp pháp và hậu thuẫn bởi các cộng đồng đánh cá bằng trợ cấp nhiên liệu, các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ khiêm tốn khác.

Ở đảo Lý Sơn, một hòn đảo có các ngôi chùa Phật giáo và các ruộng tỏi cách bờ biển 20 dặm, hơn 500 tàu thuyền đánh cá đi vào những vùng biển tranh chấp. Phòng khách của các cựu thuyền trưởng có treo bằng chứng nhận của chính quyền cấp tỉnh về những năm đánh bắt cá của họ ở Hoàng Sa.

Bất lực

Mặc dù không có ngư dân nào được cho là đã thiệt mạng trong một vụ va chạm cố ý, nhưng mỗi chuyến đi giờ đây đều có nguy cơ xảy ra đụng độ – và thiệt hại tài chính.

"Tôi đã không biết bao nhiêu lần thuyền của tôi bị tàu Trung Quốc tấn công hoặc xua đuổi – rồi thì cũng quen", Dương Minh Thanh, một thuyền trưởng 65 tuổi ở Lý Sơn, bắt đầu đánh bắt ở Hoàng Sa từ những năm 1980.

sunken3

Ông Dương Minh Thành, một thuyền trưởng ngư dân ở Lý Sơn, Việt Nam, người thường xuyên đối đầu với tàu Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp, cho biết Hoàng Sa "giống như sân sau của chúng tôi". (Võ Kiều Bảo Uyên / Times)

Người Trung Quốc từng bắt ngư dân đòi tiền chuộc ; những ngày này, họ có nhiều khả năng phá những chiếc thuyền nhỏ hơn, cho ngư dân vào các cabin trước khi can thiệp. Hải sản đánh bắt được và thiết bị thường bị tịch thu, ngư dân đôi khi bị đánh đập. Lần đụng độ gần đây nhất của ông Thanh diễn ra vào tháng 8, khi anh ta thoát khỏi một tàu Trung Quốc đã tấn công thuyền ông và yêu cầu trở về Việt Nam.

"So với họ, con thuyền của chúng tôi nhỏ như một con kiến", ông nói. "Đánh bắt gần bờ an toàn hơn, nhưng chúng tôi kiên quyết đánh bắt ở Hoàng Sa vì đó là kế sinh nhai của chúng tôi từ bao đời nay. Nó giống như sân sau của chúng tôi. Hoàng Sa là của chúng ta, vậy tại sao lại sợ hãi ?".

Đầu tháng 6, anh Nguyễn Lộc, thuyền trưởng tàu cá QNG 96416, tạm biệt vợ và 4 con, rời ngôi nhà hai tầng khang trang ở Lý Sơn. Lộc đi tàu về hướng đảo Linh Côn ở Hoàng Sa đông, cách đảo Phú Lâm khoảng 20 dặm, nơi nổi tiếng có nhiều hải sâm.

Chiếc thuyền dài hơn 15 mét chất đầy hải sâm với giá trị gần 200 triệu đồng khi bị tàu Trung Quốc và hàng chục sĩ quan chặn lại, họ chĩa vũ khí vào thủy thủ đoàn.

Các sĩ quan Trung Quốc đã kéo bốn ngư dân bị rớt xuống biển lên, sau đó đưa tất cả 17 người lên mũi tàu của họ. Ngư dân chứng kiến ​​cnh lính Trung Quc nhảy lên tàu cá chòng chành, thu giữ lưới, thiết bị định vị và mọi thứ họ đánh bắt được.

Lộc cầu xin bằng tiếng Việt để người Trung Quốc neo thuyền của mình ở vùng nước nông để nó không trôi đi, nhưng họ từ chối. Không bên nào hiểu bên nào. Sau đó xảy ra cự cãi, một người đá vào đầu Lộc.

Sau đó thì chẳng ai nói gì.

Ngư dân được yêu cầu ký vào các mảnh giấy in bằng tiếng Trung Quốc, sau đó được phép quay trở lại tàu đã bị lục soát của họ. Cabin gần như bị lật và các cửa sổ bị vỡ vụn. Nước đã ngấm vào máy, vì vậy họ phải làm khô máy trước khi có thể cho thuyền đi trở lại.

sunken4

Tàu cá của ông Nguyễn Lộc bị tàu Trung Quốc chặn đánh ở Hoàng Sa hồi tháng 6. (Võ Kiều Bảo Uyên / Times)

Phải mất hai ngày hai đêm họ mới quay lại được Lý Sơn với bằng la bàn cầm tay. Ngư dân ngủ ngoài trời, gặm bún sống và bánh tráng.

Cuối cùng khi họ lên bờ, chính quyền địa phương đã ra lệnh cách ly họ. Một quan chức giải thích rằng vì họ đã gặp những người Trung Quốc, có thể họ đã nhiễm virus corona.

Mặc dù có chung hệ thống chính quyền cộng sản, nhưng người Việt Nam vẫn có lòng chống Trung Quốc sâu sắc từ ngàn năm đô hộ và ba cuộc xung đột chết người trong những năm 1970 và 1980. Năm 2014, căng thẳng trên biển bùng phát sau khi một giàn khoan dầu Trung Quốc tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra một cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần và bạo lực trên khắp đất nước.

Lãnh đạo Việt Nam thậm chí không thoải mái hơn sau khi Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc về đường 9 đoạn.

Trong khi Philippines, quốc gia đã đệ đơn vụ kiện và các bên tranh chấp khác đã giảm căng thẳng với Trung Quốc, thì Việt Nam đã lên tiếng kiên định hơn chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh, góp phần vào quan hệ hợp tác với Washington.

Vào tháng 3, Hà Nội đã đón tàu sân bay Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng, một động thái khiến Bắc Kinh khó chịu. Bốn tháng sau, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc "hoàn toàn trái pháp luật", chính thức tán thành phán quyết năm 2016.

Linh Nguyen, nhà phân tích tại Control Risks, một công ty tư vấn, cho biết : "Khi có cảm giác có được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các quốc gia khác, kể cả Mỹ, Việt Nam có xu hướng thể hiện bộ mặt cứng rắn hơn với Trung Quốc". Bà nói thêm, với việc đại hội đảng 5 năm một lần dự kiến ​​vào đầu năm ti, "ban lãnh đạo tp trung vào vic xây dng tính chính danh vi người dân, vì vy điều quan trọng hơn là mềm mỏng với Trung Quốc".

Thất vọng

Vào tháng 4, Hà Nội đã đưa ra một tuyên bố gay gắt bất thường, nói rằng hành vi của Trung Quốc "đe dọa tính mạng và thiệt hại tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam". Vài ngày trước đó, ông Trần Hồng Tho đang thả neo chiếc tàu mới dài gần 20 mét ngoài khơi đảo Phú Lâm thì phát hiện đèn xanh đỏ của một tàu Trung Quốc đang tiến đến. Người Trung Quốc phun vòi rồng và đá trước khi đâm vô làm cho chiếc tàu muốn gãy làm đôi.

Người Trung Quốc đưa tám người Việt Nam ướt sũng lên tàu của họ chứng kiến ​​chiếc tàu đánh cá mà anh Tho đóng chỉ mới một năm chìm xuống nước cùng với sáu tấn hải sản đánh bắt được.

Anh Tho và ngư dân khác vẫn bị giữ cho đến chiều hôm sau, chỉ được cho nước và bánh mì, khi ba chiếc thuyền khác của Việt Nam đến tìm họ. Ông Tho nói, người Trung Quốc cũng đuổi theo họ, trước khi giải vây và giao ông và các ngư dân lại.

"Mình làm được gì giờ ?" Tho cho biết khi một phóng viên đến thăm anh tại ngôi nhà một tầng của anh ở xã ven biển Bình Châu. "Tàu của Trung Quốc lớn gấp hàng chục lần tàu của mình. Tất cả đều được trang bị vũ khí. Chúng tôi không dám đối đầu".

sunken5

Tàu cá của ông Trần Hồng Thọ bị tàu Trung Quốc đâm và chìm trên Biển Đông hồi tháng 4. (Võ Kiều Bảo Uyên / Times)

Tho bắt đầu đi đánh cá cho một thuyền trưởng khác, với hy vọng kiếm lại được một số tiền đã vay để đóng tàu. Vào tháng 10, chính quyền tỉnh đã từ chối trợ cấp 3.200 đô la nhiêu liệu cho anh để đi chuyến đánh bắt định mệnh vào tháng 4 với lý do anh ta đã ở 15 ngày ở Hoàng Sa.

Chỉ trích chính phủ rất nguy hiểm trong chế độ độc đảng Việt Nam, nhưng Tho không thể che giấu sự tuyệt vọng của mình.

Ông nói : "Ngư dân chúng tôi phải tự mình chống chọi và khổ sở để khắc phục thiệt hại khi tàu thuyền của chúng tôi bị Trung Quốc tấn công. Thành thật mà nói, tôi thất vọng".

Các nhà lãnh đạo ngành đánh cá cho biết Chính phủ Việt Nam đã chậm trễ trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các ngư dân bị tấn công. Một vụ chìm tàu ​​có th dn đến thit hi hàng chục nghìn đô la, nhưng các chủ tàu thường chỉ được bồi thường một phần nhỏ.

Ông Nguyễn Việt Thắng, cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho biết các chính sách hiện hành của chính phủ "chỉ nhằm động viên tinh thần, không giúp ngư dân khắc phục thiệt hại".

Vô vọng ?

Các sáng kiến ​​khác đã được thành lập. Một kế hoạch trị giá 400 triệu USD để giúp ngư dân nâng cấp lên những chiếc thuyền vỏ thép được sản xuất thủ công không đạt tiêu chuẩn đã nhanh chóng bị bỏ rơi. Theo thống kê của chính phủ, một lực lượng dân quân hàng hải chính thức ra mắt cách đây một thập kỷ đã đóng quân trên 8.000 tàu cá, chiếm 1% đội tàu đã đăng ký.

Tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng đã công bố kế hoạch tăng cường lực lượng dân quân biển ở 14 tỉnh để "bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế", nhưng ngư dân nói rằng họ vẫn chưa biết đến các đơn vị mới.

Nguyễn Thế Phương, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn cho biết : "Cơ cấu và hoạt động của lực lượng dân quân biển của Việt Nam không được điều phối theo một chiến lược lớn. Hiện tại, chúng tôi đang thiếu cách thức chặt chẽ và hiệu quả hơn để chống lại những gì Trung Quốc đang làm".

Trung Quốc đã tăng cường chỉ trích, với việc truyền thông nhà nước cáo buộc Việt Nam trang bị cho hạm đội để khuyến khích đánh bắt bất hợp pháp. Từ lâu nay, tàu thuyền Việt Nam được biết là vi phạm không chỉ vùng biển của Trung Quốc mà còn cả những vùng biển của Indonesia và Malaysia – hành động đã khiến Liên minh Châu Âu rút "thẻ vàng" hải sản có thể dẫn đến trừng phạt thương mại đối với Hà Nội năm 2017.

Với các ước tính cho thấy trữ lượng cá trên biển đã giảm 70-95% kể từ những năm 1950, một chuyên gia tư vấn của Đại học Bắc Kinh gần đây đã gọi việc đánh bắt bất hợp pháp của Việt Nam là "sự thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh hàng hải ở Biển Đông".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc là thủ phạm chính trong việc đánh bắt quá mức, đưa ra những ưu đãi lớn cho hạm đội vũ trang và ngư dân thường xuyên của họ để mạo hiểm đi sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, từ Mỹ Latinh đến Nam Cực.

Việc bổ sung các tàu vũ trang có thể làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là khi các chính phủ không đạt được tiến bộ về quy tắc ứng xử ràng buộc pháp lý đối với các vùng biển tranh chấp và không quốc gia nào theo đuổi thỏa thuận về cách quản lý nghề cá ở vùng biển đang cạn kiệt nhanh chóng.

Poling cho biết : "Các cuộc đụng độ sẽ gia tăng khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên thực tế và nguồn dự trữ [cá] mất đi. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy thiệt hại đời sống nếu cứ tiếp tục như vậy".

Ngư dân Lý Sơn không có kế hoạch bỏ Biển Đông. Năm tới, khi mùa bão dịu đi và mặt nước lặng trở lại, Lộc và ngư dân của mình sẽ lại ra Hoàng Sa – tìm kiếm những con cá mà cha ông họ đã bắt được.

Ông Lộc nói : "Tôi đã ra biển được 20 năm rồi và chưa bao giờ nghỉ ngoại trừ những lúc biển động. Tôi sẽ tiếp tục đi biển cho tới chết".

Shashank Bengali, Võ Kiều Bảo Uyên

Nguyên tác : Sunken boats. Stolen gear. Fishermen are prey as China conquers a strategic sea, Los Angeles Times, 12/11/2020

Anh Khoa dịch

Nguồn : VNTB, 17/11/2020

Phóng viên đặc biệt Bảo Uyên tường thuật từ Lý Sơn và Bengali của Times từ Singapore.

Đây là bài thứ tư trong một loạt các bài báo không thường xuyên về ảnh hưởng từ sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc đối với các nước và cuộc sống của người dân.

Additional Info

  • Author Shashank Bengali, Võ Kiều Bảo Uyên, Anh Khoa
Published in Diễn đàn

‘Vit Nam và Malaysia nên hp tác đ dp nn đánh bt cá trái phép’ (VOA, 20/08/2020)

Gii phân tích hôm 18/8 hi thúc Vit Nam và Malaysia nên cp tc làm vic vi nhau đ dit tr nn đánh bt cá trái phép, sau khi các gii chc hàng hi Malaysia bn chết mt ngư dân Vit Nam vào cui tun ri, theo Legacy Times.

malaysia1

Tàu cá Vit Nam neo ti cng cá Th Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nng). (AP Photo/Hau Dinh)

Truyn thông Vit Nam cho biết chính ph Vit Nam đã tiếp xúc vi nhà chc trách Malaysia hôm 18/8 v v vic xy ra trong các vùng bin ca nước này. Các quan chc Vit Nam Kuala Lumpur được yêu cu phi bo v các quyn ca nhng ngư dân b bt gi, và điu tra cái chết ca mt ngư dân.

Cnh sát bin Malaysia nói tình hình tr xu khi hai chiếc tàu b nghi đánh cá bt hp pháp trong vùng bin ngoài khơi phía đông Kelantan được kim tra vào chiu ti Ch nht.

Trong mt tuyên b, cnh sát bin Malaysia nói khi được lnh đu hàng, 19 thuyn viên trên tàu đã có "hành đng hung hăng", và ném "bom xăng".

Hãng tin AFP dn li người ch huy lc lượng tun duyên Malaysia, ông Mohamad Zubil Mat Som, nói rng cnh sát tun duyên "không có la chn nào khác hơn là n súng đ t v".

Ông nói thêm rng h đã hành đng đ "bo v tính mng và bo v ch quyn quc gia".

Gii phân tích nêu lên nhng quan ngi v h qu ca s c này đi vi các quan h trong ni b Hip hi các quc gia Đông Nam Á - ASEAN, bên cnh các quan h ca akhu vc vi Trung Quc, vn vn b t cáo là thường xuyên đánh cá trong các vùng bin ca Vit Nam.

'Vit Nam cn kim soát cht ch hơn cng đng ngư dân'

Mt nhà nghiên cu thuc Trường Quan h quc tế S Rajaratnam Singapore, ông Collin Koh, được Legacy Times dn li nói rng "Vit Nam cn kim soát cht ch hơn cng đng ngư dân ca mình".

Ông Koh nói thêm rng trước đây đã có nhiu "du hiu cnh báo trước khi xy ra s c mi nht, nghiêm trng nht".

Nhc li v đi đu gia Malaysia và Vit Nam ngoài khơi Terengganu vào tháng 9 năm ngoái, ông nói :

"Phi nh rng Hà Ni vn đang vn đng đ EU rút li th vàng cho thy sn Vit Nam do đánh bt cá bt hp pháp, không báo cáo, không theo quy đnh".

Đánh bt cá trái phép thường xuyên xy ra trong Bin Đông, vi hai nước có k ngh đánh cá phát trin nht, là Trung Quc và Vit Nam, b t cáo vi phm thường xuyên nht.

'ASEAN đng đ b đánh lc hướng, phi hip lc gii quyết chuyn ln'

Mt yếu t khác gây tranh cãi là lnh cm đánh bt cá ca Bc Kinh áp dng t ngày 1/5 ti Ch nht 16/8/2020 trong các vùng bin trên vĩ tuyến 12, trong khi ngư dân Vit Nam và Philippines khng đnh các vùng bin đó không nm trong khu vc tài phán ca Trung Quc, gm qun đo Trường Sa, các vùng bin quanh bãi cn Scarborough và Vnh Bc B.

Trung Quc nói lnh cm đánh bt cá là cn thiết đ duy trì tr lượng hi sn, nhưng các nước Đông Nam Á k c Malaysia, Vit Nam, Philippines và Brunei nói hành đng đó ca Bc Kinh đi ngược vi Công ước Liên Hip Quc v Lut Bin 1982.

Nhà nghiên cu Koh nói nhng s c như đã xy ra hôm Ch nht có th tác đng đến các quan h gia Malaysia và Vit Nam, đng thi đánh lc hướng và gây chia r các nước ASEAN trong khi khi này nên hip lc đ gii quyết nhng vn đ ln hơn trong cuc tranh chp Bin Đông.

Nhà nghiên cu ca trường Quan h quc tế S. Rajaratnam Singapore cnh giác rng ASEAN nên gii quyết các vn đ trong ni b mt cách đúng đn đ to điu kin cho s đoàn kết ti mt trn Bin Đông trong tương lai.

Ông Collin Koh nói không làm như vy, thì ch kéo dài hin trng ca ASEAN, mà ông mô t là "mt khi đy mâu thun ni b", khiến toàn khu vc tiếp tc b Bc Kinh chia r và tn công bng "chiến lược ct lát salami".

***********************

Biển Đông : Tuần duyên Malaysia bắn chết một ngư dân Việt Nam (RFI, 17/08/2020)

AFP hôm 17/08/2020 dẫn lời một viên chức Malaysia cho biết tuần duyên nước này đã bắn chết một ngư dân Việt Nam, khi chiếc tàu cá toan tông vào một tàu tuần tiễu của Malaysia trên Biển Đông.

malaysia1

Tàu đánh cá Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/03/2017  Reuters

Sự kiện này xảy ra tại vùng biển Malaysia, nơi ngư dân than phiền các tàu cá Việt Nam làm hư hại lưới của họ. Chỉ huy tuần duyên Zubil Mat Som nói với hãng tin Pháp là hai tàu đánh cá Việt Nam đi vào vùng biển của Malaysia, cách Tok Bali ở phía đông bắc ngoài khơi bang Kelantan tối Chủ Nhật 16/08.

Theo ông Zubil, thì tuần duyên Malaysia đã bắn chỉ thiên, nhưng sau khi bị ném bom xăng và vỏ xe đã bắn thẳng vào tàu Việt Nam. Một ngư dân Việt bị trúng đạn, và khi đưa vào bờ thì đã tử vong. Tàu tuần duyên Malaysia bị hư hại do tàu đánh cá Việt Nam đâm vào. Ông ta nói rằng sự cố chết người này là đáng buồn, nhưng tuần duyên Malaysia phải bảo vệ mạng sống của họ và chủ quyền quốc gia.

Chiếc tàu đánh cá Việt Nam cùng với 20 ngư dân đã bị kéo về cầu cảng của lực lượng tuần duyên Malaysia.

Hồi tháng Hai, Kualar Lumpur tìm cách ký một thỏa thuận với Hà Nội để chấm dứt việc mà họ cho là tàu Việt Nam đi vào vùng biển Malaysia. Trung Quốc và ASEAN cũng đang đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Tuy nhiên ngư dân Việt Nam thường xuyên bị Trung Quốc o ép, bắt giữ, tịch thu hải sản đánh bắt được, đặc biệt là tại vùng biển Hoàng Sa.

Thụy My

******************

Malaysia bắn tàu Việt Nam vào 'đánh bắt cá bất hợp pháp', một người chết (BBC, 17/08/2020)

Một thuyền viên tàu cá Việt Nam thiệt mạng, 18 người khác bị bắt giữ, Reuters dẫn lời giới chức Malaysia nói hôm thứ Hai.

malaysia0

Tuần tuần duyên Malaysia tìm cách kiểm tra hai tàu cá mà họ tin là đang đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia

Cuộc đối đầu nổ ra sau khi lực lượng tuần duyên Malaysia tìm cách kiểm tra hai tàu cá mà họ tin là đang đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia.

Cơ quan Chấp pháp Biển Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency - MMEA) trong một tuyên bố nói rằng thủy thủ đoàn 19 người Việt đã tấn công tàu chấp pháp Malaysia bằng các vật cứng và các vật dễ bắt lửa, trước khi đâm lao vào tàu Malaysia.

MMEA nói vụ việc xảy ra tại vùng biển ngoài khơi bang Kelantan, buộc các nhân viên tuần duyên phải nổ súng tự vệ, khiến một người bị thương và sau tử vong.

Những người còn lại đã bị bắt giữ và sẽ bị điều tra về các tội khác nhau, gồm tội đánh bắt cá bất hợp pháp, xâm nhập bất hợp pháp và âm mưu giết người, tuyên bố của MMEA nói.

Giới chức cũng thu được khoảng bốn tấn cá trong khoang.

Truyền thông Malaysia nói vụ việc xảy ra lúc 4g45 chiều giờ địa phương, tại nơi cách đảo Mantanani của Malaysia 29 hải lý về phía tây bắc.

Hãng tin AFP dẫn lời người đứng đầu lực lượng tuần duyên Zubil Mat Som xác nhận hai tàu cá Việt Nam đã vào vùng biển Malaysia, nơi cách Tok Bali thuộc bang Kelantan ở vùng đông bắc Malaysia khoảng 80 hải lý vào cuối ngày Chủ Nhật.

Biển Đông là nơi nhiều nước trong khu vực tuyên bố chủ quyền, với những vùng chồng lấn lên nhau, dẫn đến tình trạng tranh chấp ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Tình trạng tàu cá Việt Nam bị giới chức một số nước như Thái Lan, Indonesia bắt giữ, các thuyền viên bị phạt tiền hoặc bị án tù không phải là điều hiếm xảy ra.

Tuy nhiên, cho tới tận gần đây, Malaysia vẫn thường chỉ xua đuổi các tàu cá nước ngoài mà họ cho là xâm nhập, đánh bắt trái phép trong vùng biển của Malaysia.

Chính sách này nay đã thay đổi, với việc Malaysia tuyên bố sẽ bắt giữ và bắt phạt thay vì chỉ đuổi đi như trước, người đứng đầu lực lượng tuần duyên Malaysia nói hồi cuối tháng Sáu.

Kể từ giữa tháng Ba tới nay, cùng với việc bùng phát Covid-19 là tình trạng gia tăng số lượng tàu cá Việt Nam bị phát hiện đi vào vùng biển Malaysia, tổng giám đốc MMEA Mohd Zubil Mat Som nói hôm 24/6.

Từ 19/3 đến thời điểm 24/6, ông nói đã có 88 trường hợp tàu cá Việt Nam, mà ông gọi là "cái gai thường xuyên đeo đẳng bên hông chúng ta", bị giới chức Malaysia phát hiện.

Hôm thứ Hai cũng là ngày đầu tiên Biển Đông 'mở' trở lại sau khi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc năm nay kết thúc.

Trung Quốc tuyên bố cấm các hoạt động đánh bắt cá trong ba tháng rưỡi, từ ngày 1/5 đến 16/8/2020 ở vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.

Bắc Kinh nói tàu chấp pháp giám sát được tăng cường hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp tàu cá bị coi là vi phạm trong thời gian đó.

**********************

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ ngư dân Việt Nam bị Malaysia bắn chết (RFA, 17/08/2020)

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/8 đã lên tiếng về vụ một ngư dân Việt Nam bị cơ quan chấp pháp trên biển của Malaysia bắn chết vào khuya ngày 16/8 vừa qua ngoài khơi bờ biển bang Kelantan, phía đông bắc Malaysia.

malaysia2

Bom xăng do ngư dân Việt Nam ném lên tàu của cơ quan chấp pháp trên biển của Malaysia. Hình do phía Malaysia cung cấp hôm 17/8/2020. Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được truyền thông trong nước trích lời cho biết : "Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin nói trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng của Malaysia để xác minh, làm rõ vụ việc".

Trước đó, hãng tin Bernama và Reuters cho biết hai tàu cá của Việt Nam với 19 thuyền viên đã bị tàu của cơ quan chấp pháp trên biển của Malaysia bắt giữ khi đánh cá trộm tại vùng nước của Malaysia. Giới chức Malaysia cáo buộc các ngư dân Việt Nam đã ném các vật nặng gây cháy vào tàu của cơ quan chấp pháp Malaysia, trước khi đâm tàu vào tàu của Malaysia. Phía Malaysia đã nổ súng đáp trả để tự vệ.

Trang tin Tuổi Trẻ của Việt Nam trích lời của Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, ông Lê Quý Quỳnh, cho biết hiện đại sứ quán Việt Nam đã nắm được thông tin qua các nguồn không chính thức và đang yêu cầu Malaysia cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Theo Tuổi Trẻ, thi thể của ngư dân Việt Nam sẽ được đưa đến bệnh viện để khám nghiệm. Cơ quan chức năng Malaysia đang tạm giữ 18 ngư dân còn lại và sẽ truy tố họ về các tội đánh bắt hải sản trái phép, và cố ý giết người.

Hiện Việt Nam và Malaysia vẫn có một khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn ở phía đông bắc Malaysia.

Thông tin từ phía Malaysia không cho biết cụ thể những tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở vị trí toạ độ nào.

 

Published in Châu Á

Tàu Trung Quốc ‘truy đuổi’ tàu cá trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (VOA, 07/10/2019)

Hà Nội li mt ln na cáo buc Bc Kinh vi phm quyn ch quyn ca h trên Bin Đông sau khi ba tàu Trung Quc truy đui mt tài cá Vit Nam trong vùng đc quyn kinh tế ca nước này hôm 5/10.

tau1

Tàu cá ĐNa 90152Tiến sĩ bị Trung Quc đánh chìm ti Nhà Trưng bày Hoàng Sa Đà Nng. Truyn thông Vit Nam cho biết mt tàu ca Trung Quc đã truy đui 3 tàu cá Bình Đnh trong vùng đc quyn kinh tế ca Vit Nam hôm 5/10. (Photo Báo Đà Nng)

Truyền thông chính thng ca Vit Nam cho biết, mt tàu cá của Bình Định s hiu BĐ 91386 Tiến sĩ b ba tàu Trung Quc ngăn cn không cho đánh bt cá ti khu vc cách tnh Khánh Hòa 112 hi lý.

Một s vic tương t cũng đã xy ra hi tháng 8 khi mt tàu cá ca ngư dân Bình Đnh cũng b tàu Trung Quc truy đui khi đang đánh bắt cá ti khu vc qun đo Trường Sa.

VnExpress và Tiền Phong trích ngun tin ca Ban ch huy Phòng chng thiên tai và Tìm kiếm cu nn tnh Bình Đnh cho biết hôm 5/10 rng các cơ quan chc năng đang trin khai bin pháp h tr tàu cá Bình Đnh 91386 "đánh bắt hi sn hp pháp trong vùng bin Vit Nam".

Tiến sĩ Trn Công Trc, nguyên Trưởng ban Biên gii Chính ph, được VnExpress trích li nói rng s vic ba tàu Trung Quc truy đui tàu cá Bình Đnh là "vi phm quyn ch quyn và quyn tài phán ca Việt Nam vi vùng đc quyn kinh tế".

Vùng đặc quyn kinh tế, theo quy đnh trong Công ước Liên Hp Quc v Lut Bin năm 1982, bao gm khu vc bin kéo dài t b bin ti 200 hi lý (370km) ngoài bin. Theo đó, các nước có quyn khai thác và s dng các nguồn tài nguyên trong vùng đc quyn kinh tế ca mình.

Vụ vic này din ra ch 2 ngày sau khi Trung Quc điu ca nô ti ngăn cn hot đng trc vi tàu cá Vit Nam lâm nn qun đo Hoàng Sa hôm 3/10.

Cũng theo truyền thông Vit Nam, trước đó hôm 1/10, mt tàu Trung Quốc đã t chi cu h 12 ngư dân Qung Nam trên tàu cá lâm nn Hoàng Sa, vùng bin đang trong vòng tranh chp gia hai nước.

Hồi tháng 3 va qua, mt tàu Trung Quc đã đâm và đánh chìm mt tàu cá Vit Nam t Qung Ngãi khi tàu này đang đánh bt nơi được coi là ngư trường truyn thng ca h khu vc qun đo Hoàng Sa. B Ngoi giao Vit Nam sau đó đã trao công hàm phn đi và yêu cu Trung Quc đn bù thích đáng cho ngư dân Vit Nam.

Đầu tháng 5 năm nay, B Nông nghip Trung Quc đơn phương thông báo thực thi lnh cm đánh bt cá trên Bin Đông kéo dài hơn ba tháng Bin Đông, bao gm qun đo Hoàng Sa và mt phn Vnh Bc B ca Vit Nam. B Ngoi giao Hà Ni ngay sau đó "bác b quyết đnh đơn phương ca phía Trung Quc" khi cho rng quy chế này "xâm phm ch quyn ca Vit Nam đi vi qun đo Hoàng Sa" và "trái vi Tha thun v nhng nguyên tc cơ bn ch đo gii quyết vn đ trên bin Vit Nam-Trung Quc".

Hàng năm từ năm 1999 đến nay, Trung Quc đu đơn phương ban hành lnh cm đánh bắt cá trên Bin Đông, nơi nước này tuyên b ch quyn bng "đường 9 đon" bt chp s phn đi ca Vit Nam và các nước trong khu vc.

Mối quan h gia Vit Nam và Trung Quc tr nên căng thng nht trong nhng tháng gn đây k t khi Bc Kinh đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng đc quyn kinh tế ca Vit Nam nhm ngăn cn hot đng khai thác du khí mà Hà Ni đang hp tác vi các đi tác nước ngoài. Hà Ni đã nhiu ln lên tiếng cáo buc tàu ca Trung Quc cùng các tàu h tng "vi phm quyn ch quyn và quyn tài phán" của Vit Nam trong khi Bc Kinh nói tàu ca h hot đng "hp pháp" trong vùng bin ca nước này.

*****************

Tàu Trung Quốc đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi vùng biển Việt Nam (RFA, 07/10/2019)

Ba tàu Trung Quốc đã đuổi theo một tàu đánh cá Bình Định số hiệu 91386 và ngăn không cho đánh bắt cá ở một khu vực cách trung tâm tỉnh Khánh Hòa 112 hải lý vào thứ Bảy ngày 5/10/2019, theo truyền thông trong nước.

tau2

Tàu Trung Quốc nhiều lần ngăn chặn tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. (Hình : Tiền Phong)

Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu Trung tâm điều phối tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam giữ liên lạc với tàu đánh cá trên và làm rõ tình huống khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ thuyền trưởng.

Hải quân, Cảnh sát biển và Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, cũng đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ tàu cá thực hiện các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.

Truyền thông trong nước trích lời Tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, việc ba tàu Trung Quốc đuổi theo tàu đánh cá Bình Định là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).

Chủ quyền của Việt Nam, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển ở Biển Đông, được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trong đó, vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán.

Trước đó, vào ngày 3/10/2019, một chiếc tàu cao tốc của Trung Quốc đã cố tình cản trở những nỗ lực của ngư dân Việt Nam trong việc trục vớt chiếc thuyền đánh cá bị chìm gần rạn san hô Passu Keah (Bạch Quý) thuộc Quần đảo Hoàng Sa trước đó một ngày.

Trong một sự cố khác vào ngày 29/9, Trung Quốc cũng đã từ chối yêu cầu của Việt Nam nhằm cứu nạn một con tàu bị gãy trục láp gần rạn san hô Bạch Quý. Phía TQ từ chối giúp đỡ và cho rằng tàu chỉ gặp sự cố cơ học chứ không phải tai nạn đe dọa đến tính mạng và đề nghị ngư dân liên hệ với một công ty cứu hộ tàu chuyên nghiệp của Trung Quốc và trả tiền cho các dịch vụ của họ.

Con tàu bị hư hại sau đó đã được một tàu cá Việt Nam khác giải cứu.

Published in Việt Nam

Việt Nam nhờ Trung Quốc tìm kiếm ngư dân mất tích trên biển, quan tâm vụ bắn thử tên lửa của Trung Quốc (RFA, 04/07/2019)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 4/7 cho báo giới biết, theo yêu cầu của Việt Nam, Trung Quốc đã điều máy bay trực thăng và tàu giúp tìm kiếm ngư dân Việt Nam mất tích trong vụ đâm tàu ở gần đảo Bạch Long Vỹ thuộc Vịnh Bắc Bộ hôm 28/6 vừa qua.

ngudan1

Tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang hoạt động trên vùng biển gần đảo Hòn

Bà Hằng cho biết Trung Quốc đã điều 8 tàu và 2 máy bay trực thăng đến khu vực trên để phối hợp tìm kiếm.

"Trên cơ sở đề nghị của Việt Nam, Trung Quốc đã điều 8 tàu và 2 trực thăng đến khu vực trên để phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đến nay cứu được 9 ngư dân, tìm được 1 thi thể nạn nhân và còn 9 ngư dân khác đang mất tích"., bà Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội.

Vụ đâm tàu xảy ra vào khoảng 1 giờ chiều ngày 28/6 khi tàu Pacific 01 đâm vào tàu cá NA 95899 TS gồm 19 thuyền viên. 10 ngư dân đã chìm theo tàu cá.

Cũng tại buổi họp báo ngày 4/7, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước tin Trung Quốc thử tên lửa chống tàu ở những đảo nhân tạo thuộc khu vực Biển Đông, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam rất quan tam và theo dõi sát sự việc.

Bà Lê Thị Thu Hằng nói mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các bên.

Hồi cuối tuần qua, Trung Quốc đã bắn thử tên lửa chống tàu ở gần quần đảo Trường Sa. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 3/7 đã lên tiếng phản đối vụ bắn thử tên lửa này, và gọi đây là hành động đáng lo ngại, nhằm đe doạ các nước đòi chủ quyền khác ở Biển Đông.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Việt Nam cũng là một trong những nước đòi chủ quyền tại khu vực này, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

*******************

Tìm thấy 4 thi thể ngư dân chìm tàu ở Hòn Cau (RFA, 03/07/2019)

Thợ lặn tại tỉnh Ninh Thuận vào tối ngày 2/7 đã tìm thấy xác 4 ngư dân trong vụ tàu chìm tại vùng biển Hòn Cau. Truyền thông trong nước loan tin ngày 3/7.

ngudan2

Đưa thi thể nạn nhân lên bờ lo hậu sự. Nguồn : Zing

Hiện thi thể 4 ngư dân đang được đưa về gia đình để lo hậu sự.

Trước đó, vào khoảng 7g30 tối ngày 2/7, tàu cá do ông Trần Trúc Ba làm thuyền trưởng đang đánh bắt trong vùng biển Hòn Cau thì bị sóng đánh lật úp tàu. Một tàu cá Khánh Hòa gần đó đã đến cứu được 5 thuyền viên, 5 người còn lại bị mất tích.

Ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết sau khi tìm thấy thi thể 4 ngư dân, hiện chỉ còn ông Cao Tấn Thành vẫn đang mất tích.

Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh Ninh thuận hiện cũng đã thông báo đến các tỉnh lân cận có vùng biển giáp ranh hỗ trợ tìm kiếm.

*******************

Nghệ An tạm dừng tìm kiếm 9 ngư dân mất tích do mưa bão (RFA, 03/07/2019)

Tỉnh Nghệ An tạm dừng công tác tìm kiếm cứu hộ 9 ngư dân mất tích gần đảo Bạch Long Vỹ do mưa to, gió lớn với thông báo bão số 2 đã vượt qua Hải Nam vào Vịnh Bắc Bộ trong ngày 3 tháng 7.

ngudan3

Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các ngư dân mất tích. Courtesy of thanhphohaiphong.gov.vn

Trước đó vào ngày 2 tháng 7, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Cục phó cục cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng, xác nhận các thợ lặn đã tiếp cận được với tàu cá mang số hiệu NA-95899.TS. Tuy nhiên do lưới vây cá đã cuốn chặt xung quanh tàu nên các thợ lặn không tìm được đường vào bên trong khoang tàu.

Đồng thời do thời tiết không thuận lợi, gió to sóng lớn khiến việc tìm kiếm khó khăn hơn và không đảm bảo an toàn cho các tàu cứu hộ. Do đó, ông Lê Mạnh Tiến khẳng định các thợ lặn sẽ trở về đất liền và trở lại tìm kiếm sau khi thời tiết thuận lợi.

Trong tối 2/7, 7 ngư dân sống sót trong vụ tàu NA-95899.TS chìm đã được tàu cứu nạn SAR 411 đưa về đất liền đoàn tụ với gia đình.

7 người này gồm anh Phạm Hữu Thanh, Hồ Khắc Đức, Đinh Trọng Hậu, Phạm Hữu Hoàn, Nguyễn Văn Công, Trương Văn Việt, và Tô Duy Thái.

Trước đó, hôm 28/6 một tàu cá mang số hiệu NA-95899.TS đang neo đậu tại khu vực cách phía Nam đảo Bạch Long Vĩ khoảng 35 hải lý thì bất ngờ bị tàu chở hàng Pacific 01 đang di chuyển theo hướng từ Bình Thuận đến Quảng Ninh đâm chìm.

Cú đâm bất ngờ khiến 9 ngư dân văng ra khỏi tàu và được các tàu xung quanh cứu kịp thời còn 10 ngư dân đã chìm theo tàu. Trong khi tìm kiếm các ngư dân mất tích, lực lượng cứu hộ tìm thấy xác một ngư dân và hiện còn 9 ngư dân mất tích.

Published in Việt Nam

Ngư dân Việt ‘bị ép’ đánh bắt phi pháp, đối mặt ‘lạm dụng nhân quyền’ (VOA, 10/06/2019)

Ngư dân Vit Nam phi đánh bt bt hp pháp các vùng bin nước ngoài vì không còn ngun hi sn trong vùng bin ni đa, và đi din vi nguy cơ b bt gi cũng như nhng lm dng v lao đng và nhân quyn.

ngu1

Các ngư dân Vit Nam b Malaysia bt gi trong các cuc tun tra ngày 10/3 và 11/3. Báo cáo ca EJF ghi nhn nhng lm dng nhân quyn đi vi các ngư dân Vit Nam trên tàu đánh cá lu hi phn nước ngoài. (nh chp màn hình VnExpress)

Quỹ Công lý vì Môi trường (EJF) cho biết như vy trong mt báo cáo mi, vi bng chng t các cuc điu tra gn đây ca t chc này cùng các t chc phi chính ph khác và ghi nhn ca truyn thông v nhng s lm dng trong ngành công nghip đánh bt trên biển tr giá nhiu t đô la.

Nhiều trường hp lm dng trên các thuyn đánh bt mang c ca 13 quc gia phát trin và đang phát trin, t Liên Hiệp Châu Âu và M ti Châu Á và M Latinh được ghi nhn, theo báo cáo ca EJP có tên "Máu và nước : Lm dng nhân quyền trong ngành công nghip hi sn toàn cu", công b hôm 5/6.

Các điều tra được nêu ra trong báo cáo này cho thy nhng s lm dng nghiêm trng, trong đó có các trường hp trên các tàu đánh cá bng lưới ca Vit Nam xâm phm khu vc ven bin ca Thái Lan do "sự sp đ trong h thng đánh bt hi sn ca chính nước h".

"Tình trạng ca các tàu đánh bt cá ca Vit Nam, theo chúng tôi thy là tuyt vng vì nó đang đi xung theo đường xoáy chôn c, phn ln do s tham nhũng và qun lý vô cùng yếu kém nguồn hi sn ca (chính ph) Vit Nam", Steven Trent, Giám đc điu hành ca EJF, t chc phi chính ph có tr s Anh, chuyên xúc tiến các gii pháp phi bo lc cho nhng lm dng nhân quyn và các vn đ môi trường liên quan, nói vi VOA.

Một thuyn trưởng của mt tàu đánh cá Vit Nam được EJF phng vn trong báo cáo này, nhưng không nêu tên, cho biết : "Không đáng đ đánh bt (vùng bin) Vit Nam. Ch tàu ép tôi phi ra khi vùng bin Vit Nam bi vì nếu không làm thế chúng tôi s không mang đ tin v".

"Những ngư dân Vit Nam mà chúng tôi phng vn luôn nói rng do không còn gì trong vùng bin (Vit Nam) nên h phi đi xa ra khi lãnh hi – khong 80 - 90 hi lý – mà nhiu tàu do nh nên có th không đánh bt được gì", ông Trent nói.

EJF phỏng vn 24 ngư dân t các tàu cá Vit Nam b bt gi Thái Lan trong vòng 6 tháng và phát hiện ra rng h đã làm vic khi s dng các thiết b đánh bt cá đã hng hóc, thm chí đã b cm, bao gm lưới và các thiết b đánh cá bng đin.

Các thuyền viên này cho biết phi làm vic nhiu gi trên tàu, b hn chế tiếp cn vi thc phẩm và nước ung, và ch được tr tin nếu đánh bt được nhiu hi sn. Nhiu người trong s h nói vi EJF rng các khon n ca h vi ch tàu tích lũy dn lên, và theo báo cáo, "đó là mt ch du chung cho thy s l thuc vì n nn và lao đng cưỡng bc".

ngu2

Các tàu cá của Vit Nam b bt khi đánh bt trái phép Vnh Thái Lan thuc vùng đc quyn kinh tế ca nước này. © EJF

Đánh bắt phi pháp

"Chính phủ Việt Nam đã không th qun lý được ngun tài nguyên trong vùng bin quc gia ca chính h hu như là trên mi phương din", theo ông Trent, trong khi đi tàu đánh cá ca Vit Nam "phát trin mt cách nhanh chóng trong vòng 20-30 năm qua" mà "không có h thống qun lý t trung ương đi vi vic đăng ký tàu".

Việt Nam hin là mt trong nhng nước có s lượng tàu đánh bt ngoài khơi ln nht thế gii, vi khong 180.000 tàu, theo ông Trent. Báo cáo ca EJF cho biết, Vit Nam đng sau Trung Quc, Indonesia, n Độ, và Nht v s lượng tàu đánh bt cá ngoài khơi trên bin.

Đây là lý do vì sao ngư dân Vit Nam phi đi vào các vùng bin ca nước khác đ đánh bt mt cách bt hp pháp. Điu này khiến cho các tàu có ngun gc t Vit Nam thường xuyên b nhng nước khu vực Thái Bình Dương bt gi, đc bit trong nhng năm gn đây. Khong 1.100 ngư dân Vit Nam b các nhà chc trách Indonesia bt gi trong năm 2016, tăng so vi con s 700 trong năm 2015, theo báo cáo ca EJF.

ngu3

Việt Nam đng th 5 thế gii v s lượng tàu cá đánh bt ngoài khơi. (EJF)

Các tàu đánh cá của Vit Nam cũng b các nước khác như Australia, Malaysia và Thái Lan bt gi khi đánh bt trong vùng bin ca h trong nhng năm gn đây. Theo báo cáo ca EJF, các tàu đánh bt phi pháp ca Vit Nam b bt gi vùng bin cách xa Vit Nam đến 7.000 km ca khu vc các đo Caledonia.

Tháng 9/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã rút "th vàng" cnh cáo Vit Nam vì không có tiến b trong vic chng đánh bt cá bt hp pháp. Nếu Vit Nam nhn "th đ", điu này có th dn ti lnh cm nhp khu vào Châu Âu đi vi các sn phm thy sn ca quốc gia Đông Nam Á.

Ông Trent còn cảnh báo rng, vi vic các tàu cá Vit Nam b phát hin lm dng quyn lao đng, Vit Nam có th mt đi s tiếp cn vào các th trường như EU.

"Các khu vực như Liên Hiệp Châu Âu, vi 500 triu người tiêu dùng, không mun tiếp nhn các sn phm hi sn có th là bt hp pháp hoc có ‘dính vết nhơ’ ca lm dng nhân quyn và lao đng", ông Trent nói.

Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đưa ra mc tiêu tr thành mt "quc gia mnh v bin, giàu t bin" trong hơn mt thp k na. Mc tiêu này được đưa ra trong Nghị quyết v Chiến lược phát trin bn vng kinh tế bin Vit Nam đến năm 2030 được Tng bí thư Nguyn Phú Trng ký ban hành hôm 22/10/2018.

Dự kiến, kinh tế ca 28 tình, thành ph ven bin s ước đt 65-70% tng GDP vào năm 2030, theo truyn thông trong nước.

Giám đốc ca EJF cho rng "mc tiêu này có th đt được trong ngn hn" nhưng nếu Vit Nam tiếp tc theo cách thc trong đó h "không th kim soát và áp đt các lut l phù hp" thì v lâu dài h s không duy trì được mc tiêu trên.

Theo ông Trent, chính phủ Vit Nam "cn coi vn đ này mt cách nghiêm túc" và phi hành đng vì quyn li ca chính họ.

*********************

Thái Lan bắt 8 ngư dân Việt ‘đánh cá trái phép’ (VOA, 10/06/2019)

Hôm 8/6, hải quân Hoàng gia Thái Lan đã bt gi tám thuyn viên trên ba tàu đánh cá Vit Nam đang đánh cá vùng bin Thái Lan, theo Bangkok Post.

ngu4

Trang Bangkok Post hôm 8/6/2019 đăng tin 8 ngư dân Việt bị Thái Lan bắt giữ. Photo Bangkok Post.

Chuẩn Đô đc Banchobe Pohdaeng, Chỉ huy ca Hi quân Hoàng gia Thái Lan Khu vc 1 kiêm Giám đc Trung tâm Ch huy Thc thi Hàng hi Thái Lan, được Bangkok Post trích li nói rng v bt gi din ra vào khong 10 gi sáng ngày 8/6 ti vùng bin phía đông nam đo Koh Juang thuc huyện Sattahip ca tnh Chon Buri.

Một tàu tun tra ca hi quân đã phát hin ba con tàu này vào sáng sm. Khi các thuyn viên người Vit biết có tàu hi quân Thái tiến đến, h đã c gng chy trn khi hin trường.

Một trong ba con tàu này đã s dng tên tiếng Thái và mang theo c Thái Lan đ đánh la các viên chc. Các cuc thm vn ban đu cho thy, c tám thuyn viên đu là người Vit Nam và các tàu đu xut phát t đo Phú Quc, Vit Nam.

Tám người đã b buc ti vi phm Đo lut năm 1939 v Quyn đánh bắt cá Vùng bin Thái Lan và vi phm Đo lut Ngh cá năm 2015.

Kể t tháng 10 năm ngoái cho đến nay, các viên chc Thái đã bt gi 10 v bao gm 23 thuyn đánh cá và 63 thuyn viên Vit Nam đã đánh bt cá bt hp pháp trong vùng bin ca Thái Lan, vn theo Bangkok Post.

Theo trang Times of News, chính phủ Thái s thông báo vi Đi s quán Vit Nam đ dn đ các ngư dân này v nước.

https://youtu.be/XmoBS4P2M3o?list=PL231429C17BE39E34

******************

Tôm Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra về cáo buộc trốn thuế chống bán phá giá (RFA, 09/06/2019)

Công ty Minh Phú của Việt Nam có thể sẽ bị Mỹ điều tra về cáo buộc trốn thuế chống bán phá giá.

ngu5

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 13/7/2017 : công nhân Việt Nam làm việc ở nhà máy thuỷ sản Khanh Sung, Mỹ Xuên. AFP

VnExpress trích lời của dân biểu tiểu bang Illinois Darin LaHood cho biết ông đã nhận được đơn tố cáo Minh Phú trốn thuế chống bán phá giá lên tôm Ấn Độ vào Mỹ. Ông đã gửi đề nghị Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ để điều tra xem liệu một công ty nhập khẩu của Mỹ và các công ty liên quan ở việt Nam có trốn thuế bán phá giá hay không.

Trả lời báo chí trong nước, đại diện công ty Minh Phú cho biết công ty có nhập 10% số tôm sản xuất từ Ấn Độ để bù đắp thiếu hụt tôm Việt Nam và đảm bảo công việc và thu nhập cho công nhân khi không phải mùa tôm. Đại diện Minh Phú cho biết cách làm này rất phổ biến và hoàn toàn không vi phạm luật pháp nước nào.

Tôm xuất khẩu của Minh Phú chiếm khoảng 20% tổng số tôm xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái. Tuy nhiên Minh Phú cho biết xuất khẩu tôm của Minh Phú sang Mỹ đã giảm bớt vì công ty đang đa dạng hoá thị trường.

Theo dân biểu Darin Lahood, Bộ Thương Mại Mỹ hồi năm 2005 đã áp thuế chống bán phá giá với tôm từ Ấn Độ và Việt Nam cùng một số nước khác. Tuy nhiên đến tháng 7/2016, Mỹ đã bỏ thuế này với tôm từ Minh Phú. Công ty cũng không còn phải cung cấp các thông tin và chịu những thanh tra hàng năm của giới chức Bộ Thương mại Mỹ.

Published in Việt Nam
Trang 1 đến 2