Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/06/2018

Đặc khu kinh tế Việt Nam như Thượng Hải hay Pattaya ?

Đặng Thanh Hằng

Dư luận những ngày qua quan tâm đến điều khoản giao đất 99 năm cho nhà đầu tư trong dự thảo Luật Đặc khu, đối với ba đặc khu dự kiến thành lập là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

pattaya1

Biển Quan Lạn, thuộc huyện Vân Đồn, Vân Đồn, tỉnh Quang Ninh

Đấy có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm những vấn đề xoay quanh ba đặc khu kể trên.

Mô hình đặc khu kinh tế không có tội

Thực tế, đặc khu kinh tế không phải là một khái niệm xa lạ, càng không phải là "tội đồ" trong chính sách kinh tế. Đặc khu kinh tế với các nước đang phát triển có thể là một đòn bẩy hữu hiệu để xúc tiến nền kinh tế, và đã được áp dụng thành công trong lịch sử tại nhiều nước Châu Á, Mỹ La Tinh.

Theo một báo cáo từ Ủy ban Phát triển Quốc tế của chính phủ Anh, đặc khu kinh tế có định nghĩa là một khu vực địa lý được quản lý bởi một địa phương, đưa ra những chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư từ nước ngoài. Báo cáo này chỉ ra, đặc khu kinh tế đầu tiên trên thế giới nằm tại Shannon đã được lập ra từ 1959 tại Ireland.

Nhưng những đặc khu kinh tế thành công nhất trên thế giới được công nhận nằm ngay ở quốc gia láng giềng Trung Quốc thời mở cửa những năm 1978, với dấu ấn của Đặng Tiểu Bình. 4 đặc khu kinh tế đầu tiên tại Trung Quốc ở Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn. Tất cả những đặc khu này đều nằm ở phía Nam Trung Quốc, rất xa Bắc Kinh hay Thượng Hải, nhưng lại sát gần Hong Kong và Đài Loan. Những đặc khu kinh tế này là bước chuyển tiếp quan trọng khiến Trung Quốc từ một quốc gia nghèo và bị cô lập trước mở cửa, thành một nền kinh tế khổng lồ như hiện nay.

40 năm sau Đổi mới tại Trung Quốc, những đặc khu kinh tế tại Trung Quốc nay đóng vai trò khác, không còn chỉ để bán sức lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên. Nay đã tích lũy đủ vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật học từ những công ty nước ngoài đầu tư tại đây, Trung Quốc dùng đặc khu kinh tế để chuyển đổi sang nền kinh tế thiên về sáng tạo và kỹ thuật. Đặc khu Thâm Quyến hiện có vai trò như thung lũng Silicon, là nơi đặc trụ sở tập đoàn công nghệ khổng lồ Tencent.

Mô hình đặc khu kinh tế có thể được tìm thấy không chỉ ở Trung Quốc mà vẫn có tại Hàn Quốc, Nhật Bản, nơi đầu tư nước ngoài được ưu đãi. Tại Việt Nam, mô hình này cũng không hề xa lạ, dù không được gọi dưới tên đặc khu kinh tế, nhưng những khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Đồng Nai, Bình Dương đóng vai trò chính xác như đặc khu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GDP của quốc gia.

Vậy, vấn đề ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc không phải ở mô hình đặc khu, mà nằm ở những vấn đề khác.

Canh bạc đầu tư bấp bênh

Từ khía cạnh an ninh, quốc phòng, vị trí của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc gây ra nhiều quan ngại về an ninh quốc gia. Theo báo VNexpress, tại phiên họp Quốc hội ngày 23/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa ra nhận định, nếu nhìn trên bản đồ thì những nơi dự kiến xây dựng đặc khu như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) đều ở vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, cần tiếp cận thận trọng.

pattaya2

Việt Nam hy vọng đặc khu như Phú Quốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước

Nhưng ngay cả khi loại bỏ nguy cơ an ninh, quốc phòng, nhìn từ góc độ kinh tế thuần túy, lựa chọn đưa Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thành đặc khu kinh tế có rất nhiều điểm không thuyết phục.

Nếu xác định muốn ba khu đặc khu kinh tế trở thành đầu tàu trọng điểm cho nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới, tập trung các ngành nghề được ưu tiên, giao đất, miễn thuế phí phải thuộc ngành công nghệ cao, ngành phụ trợ công nghiệp hoặc cảng biển - dựa trên đặc thù vị trí của ba đặc khu kinh tế này.

Tuy trong dự thảo Luật đặc khu có bao gồm các ngành trọng điểm này, nhưng lại lập lờ thêm du lịch, kinh doanh casino, phố đèn đỏ... những ngành hứa hẹn sẽ là „con bò sữa" sinh lợi cho địa phương, nhưng không đóng góp gì cho mục đích chuyển dịch của kinh tế Việt Nam, nếu không muốn nói là hoàn toàn đi xa ra khỏi mục đích ban đầu của chính phủ.

Ngoài ra, hai ngành du lịch và cảng biển nằm cạnh nhau như hai ngành được ưu tiên phát triển tại Vân Đồn và Bắc Vân Phòng, chỉ dùng logic thông thường mà suy cũng đã thấy kỳ quặc. Chắc không du khách nào thích tắm nắng trên bãi biển nằm gần cảng, tập nập tàu container chở hàng hóa neo đậu ?

Quay lại mục tiêu phát triển công nghiệp tại đặc khu, một yếu tố quan trọng cần xét đến là cơ sở hạ tầng tốt, bao gồm đường xá, năng lượng, cảng biển, liên lạc... Theo Tuổi Trẻ, bản thẩm định đề án Bộ Tài Chính đưa ra con số 1,57 triệu tỷ đồng để đầu tư cho ba đặc khu. Theo ý kiến chuyên gia Huỳnh Thế Du, dẫn từ báo Vnexpress, đây là gánh nặng khổng lồ cho ngân sách, chưa chắc hoàn vốn.

pattaya3

Vườn nhiệt đới Nong Nooch gần khu du lịch Pattaya, Thái Lan

Đầu tư khổng lồ, nhưng có thể ba đặc khu chỉ thu hút những đại gia bất động sản, chứ không đủ thu hút với những nhà đầu tư thuộc ngành ưu tiên phát triển về công nghiệp, công nghệ cao. Từ phía nhà đầu tư, rất khó để thu hút nhân tài để làm việc ở những đảo xa như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc, khi hiện tại phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn tập trung tại những thành phố lớn. Thiếu kinh nghiệm quản lý từ địa phương cũng tạo một môi trường kinh doanh không hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Vậy rốt cuộc, khi ba đặc khu không đủ cạnh tranh để thu hút đầu tư công nghệ cao, hàng hải, được lợi từ đầu tư cơ sở hạ tầng từ thuế người dân và gói ưu đãi từ chính phủ chỉ có đại gia bất động sản. Chệch khỏi mục tiêu phát triển kinh tế ban đầu, rất có khả năng ba đặc khu kinh tế mang theo rất nhiều kỳ vọng của chính phủ Việt Nam trở thành 3 đặc khu như... Pattaya ở Thái Lan.

pattaya4

Pattaya của Thái Lan là điểm thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm

Với số vốn 1,57 triệu tỷ đồng, thay cho canh bạc đầu tư bấp bênh ở ba đặc khu Bắc Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc, Việt Nam có thể lựa chọn cho những vị trí đầu tư sáng suốt hơn, gần trọng điểm đô thị, tạo sức cạnh tranh, để thật sự là sức bật cho nền kinh tế cần chuyển dịch khỏi giai đoạn chỉ bán tài nguyên và sức lao động giá rẻ.

Thông tin bổ sung về những đặc khu kinh tế tại Trung Quốc

Lúc bấy giờ, Trung Quốc ở vào thời điểm khó khăn, khi người dân hoàn toàn mất lòng tin ở chính quyền sau Cải cách Văn hóa và Trung Quốc ở thế đối đầu với Liên Xô.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, dàn lãnh đạo mới tại Trung Quốc xác định, chỉ có một cách để tạo ổn định xã hội là phát triển kinh tế. Ở các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, và gần hơn là Hong Kong và Đài Loan, mô hình phát triển là dựa vào vốn FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và tài nguyên sẵn có ở giai đoạn đầu, phát triển công nghiệp nhẹ. Sau khi đã có vốn, thì bắt đầu đầu tư cho công nghiệp nặng và những ngành công nghệ cao.

Nếu chọn đi con đường dựa vào xuất khẩu, Trung Quốc có hai lợi thế : Một là nguồn tài nguyên nhân công giá rẻ dồi dào, hai là những nền kinh tế đã phát triển trong khu vực đang vào giai đoạn chuyển tiếp, dời „công xưởng" ra nước ngoài để thi công giảm giá thành sản phẩm.

Bốn đặc khu kinh tế tại Quảng Đông và Phúc Kiến đã được mở ra để kêu gọi đầu tư, trước hết là từ Hong Kong và Đài Loan, với cộng đồng Hoa kiều đông đảo, quay trở về để mở nhà xưởng.

Thành công của mô hình này cứ lan rộng mãi ra, từ bốn đặc khu ban đầu mở ra thêm ở 14 thành phố, thu hút nguồn vốn FDI khổng lồ.

Đó là lý do Trung Quốc được gọi như "công xưởng của thế giới" và vô cùng nhiều sản phẩm hàng hóa các nhãn hiệu đều có nhãn "Made in China".

Tác giả đang là sinh viên Thạc sĩ Khoa Đông Á học, Đại học Duisburg Essen, Đức.

Quay lại trang chủ
Read 699 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)