Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/06/2018

Việt Nam : #MeToo đối diện với nhiều trở ngại

Nguyễn Vân Anh

Sau khi đã lan ra nhiều nước, phong trào #MeToo dường như cũng đã xuất hiện ở Việt Nam với một số vụ tố cáo sách nhiễu tình dục trong môi trường làm việc, đặc biệt là trong giới nghệ sĩ. Nhưng câu hỏi được đặt ra là phong trào sẽ kéo dài hay bùng lên rồi nhanh chóng chìm xuống ? Một điều chắc chắn là #MeToo đang đối diện với nhiều trở ngại về mặt luật pháp, thành kiến xã hội.

metoo1

Phụ nữ Nhật biểu tình chống sách nhiễu tình dục ở Tokyo, 28/04/2018. Reuters

Chúng tôi đã trao đổi về vấn đề này với bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụngkhoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA-  Center for Studies and Applied Sciences in Gender, Family, Women and Adolescents).

RFI : Xin Kính chào bà Nguyễn Vân Anh. Phong trào #MeToo có vẻ như đã lan tới Việt Nam, với vụ một nữ phóng viên thực tập tố cáo một đồng nghiệp nam hiếp dâm, hay một cô người mẫu tố cáo một họa sĩ cưỡng bức tình dục. Ý thức của phụ nữ Việt Nam đã bắt đầu trỗi dậy do tác động của phong trào #MeToo ?

Nguyễn Vân Anh : Phong trào #MeToo ở các nước đã ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều với hàng loạt các vụ tố cáo, bộc lộ những câu chuyện về quấy rối và xâm hại tình dục, bắt đầu từ trong làng báo, rồi đến giới nghệ sĩ và thậm chí lan sang các giới khác.

Những người làm công tác xã hội như chúng tôi thì rất mừng, vì từ chỗ chuyện tình dục là chuyện khá ngại ngần đối với người Việt Nam và liên quan đến sự ngại ngùng đó là ẩn dấu những tai họa, bây giờ nó đã bắt đầu được nói đến một cách cởi mở hơn và các nạn nhân đã được mọi người quan tâm đến, sự kỳ thị cũng giảm bớt so với trước đây. Người ta đã dám bộc lộ những tên tuổi thật, những câu chuyện thật và tố cáo những con người thật.

Tuy nhiên, xã hội Việt Nam cũng còn rất nhiều e dè và đây còn là vấn đề mới. Tôi không dám đánh giá là phong trào sẽ có thể mạnh lên hay sẽ chìm đi, bởi vì trong luật hiện nay chưa có khái niệm về quấy rối tình dục. Mặc dù trong luật lao động có nói đến chuyện bạn có quyền không làm việc nữa nếu bạn bị quấy rối tình dục, nhưng lại không có định nghĩa về quấy rối tình dục. Việc xử phạt những người quấy rối tình dục hiện giờ cũng gặp nhiều khó khăn chính là vì điều đó. Hiện giờ Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi luật lao động. Đây cũng là cơ hội để khi phong trào mạnh lên thì luật sẽ được quan tâm hơn trong việc sửa đổi.

Xã hội Việt Nam là xã hội khá là phức tạp, đang chen lẫn giữa cái mới và cái cũ, một xã hội còn tôn trọng quyền lực của những người mạnh. Đó vẫn là một rào cản và việc luật pháp chưa xử lý được những người quấy rối tình dục và bạo lực tình dục khiến cho những nạn nhân khác e dè hơn trong việc tiếp tục tố cáo.

RFI : Thưa bà Vân Anh, trong vấn đề này thì báo chí, truyền thông có vai trò như thế nào ?

Nguyễn Vân Anh : Thông tin rất là quan trọng, ví dụ như trong những ngày qua, các báo giật tít cả trường hợp Kim Phượng và Phạm Lịch. Các bài báo đều có tít rất giống nhau : Tôi thất nghiệp từ khi tố cáo. Đó là một thông tin mang tính đe dọa. Có thể nhà báo hay tòa soạn không chủ tâm, nhưng thông tin ấy khiến cho người khác trở nên sợ hãi. Tôi nghĩ nên có những thông tin khích lệ tin cổ vũ cho những người lên tiếng và khiến cho những người gây ra bạo lực đó phải cảm thấy sợ hãi. Những thông tin như thế ở Việt Nam hiện giờ còn rất là ít.

Vừa rồi khi tổ chức SCAGA và tôi vận động bạn Anh Khoa đứng lên xin lỗi về câu chuyện của mình thì gặp phải phản ứng rất mạnh mẽ của dư luận. Điều này cũng khiến cho nhiều người đã mắc lỗi và mắc sai lầm trong việc quấy rối tình dục phải rụt lại và sẽ chối cho bằng được, sẽ không thừa nhận những cái họ đã làm.

Các vụ quấy rối tình dục khi đưa ra trước pháp luật thì rất là khó vì không có bằng chứng. Ngay cả khi có bằng chứng, luật cũng còn chưa xử. Dư luận của mình bây giờ là tấn công nạn nhân theo hướng : cô phải như thế nào thì cô mới bị và nếu như mà cô bị như thế mà cô không biết cách xử lý thì cũng đáng đời.

Ngay cả đối với những người gây ra tội thì cũng không có sự khích lệ cho họ cảm thấy rằng họ có thể thay đổi được hành vi của họ và sự thay đổi hành vi cũng sẽ được xã hội chấp nhận và khích lệ. Cho nên đối với cả nạn nhân lẫn người gây tội đều cảm thấy là câu chuyện này càng giấu kín càng tốt, vì một khi câu chuyện đã được đưa ra ánh sáng thì cả hai đều phải chịu hệ lụy.

RFI : Những tổ chức như SCAGA có thể đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy phong trào #MeToo thành một phong trào dài hơi, hiệu quả, để ngăn chận nạn quấy rối tình dục trong môi trường làm việc ?

Nguyễn Vân Anh : Trong khoảng một năm trở lại đây, chúng tôi đã có rất nhiều talk-show, livestream về chủ đề này và thảo luận một cách khá là nghiêm túc, với nhiều đối tượng khác nhau, từ luật sư, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, đến các cơ quan công quyền.

Các cuộc thảo luận này sẽ giúp cho người dân nói chung, và những người thực thi pháp luật cũng như những người xây dựng hệ thống luật pháp hiểu hơn về tình trạng quấy rối tình dục, bạo lực tình dục. Việc hiểu biết đó rất là quan trọng. Khi người ta hiểu về điều này, thì những người có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị quấy rối biết cách lên tiếng đòi quyền của mình, cũng như biết cách phòng tránh và hiểu về tác hại của quấy rối tình dục. Những người có ý định thì sẽ biết cách phòng ngừa cho bản thân, vì họ ý thức được rằng nếu làm như thế thì họ sẽ rơi vào tình trạng rất là xấu, trước hết là xấu mặt dư luận, rồi bị phản ứng và có thể bị xử phạt.

Hy vọng của chúng tôi là sau khi cộng đồng dân chúng nói chung và các cán bộ xây dựng và thực thi pháp luật nói riêng coi đây là vấn đề cần được thảo luận, cũng như là các nghề đặc thù như trong giới nghệ sĩ, giới giải trí, trường học, công sở.

Trong hai năm tới, Việt Nam đang trong quá trình thảo luận về luật lao động. Chúng tôi sẽ cố gắng vận động để định nghĩa về quấy rối tình dục được đưa vào luật.

Thanh Phương thực hiện

Nguồn : RFI, 11/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 630 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)