Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/06/2018

An ninh mạng kiểu Việt Nam

Nguyễn Tường Thụy

An ninh mạng, khái niệm phổ biến và khái niệm kiểu... Việt Nam

Có nhiều khái niệm về an ninh mạng.

An ninh mạng là gì ? Dù diễn giải cách nào thì tựu trung có thể hiểu an ninh mạng là quá trình thực hiện những biện pháp bảo vệ các thông tin, dữ liệu của người dùng mạng, chống những truy cập trái phép hay tấn công vào các website, tài khoản cá nhân, thay đổi, phá hủy, đánh cắp thông tin của người khác nhằm mục đích phá hoại hay lừa đảo tài sản. An ninh mạng là những hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với các cuộc tấn công vào máy tính.

cyber1

Từ chỗ an ninh mạng là một khái niệm thuần túy kỹ thuật thì với nhà cầm quyền Việt Nam lại ở lĩnh vực chính trị. An ninh quốc gia ở đây là an ninh của chế độ.

Tuy nhiên, khái niệm an ninh mạng đối với nhà cầm quyền Việt Nam lại khác. Luật An ninh mạng vừa được quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6/2018 giải thích "An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Như vậy, từ chỗ an ninh mạng là một khái niệm thuần túy kỹ thuật thì với nhà cầm quyền Việt Nam lại ở lĩnh vực chính trị. An ninh quốc gia ở đây là an ninh của chế độ.

Nếu đối tượng của an ninh mạng theo khái niệm phổ biến là tin tặc thì với nhà cầm quyền Việt Nam, đối tượng của an ninh mạng lại là những người bất đồng chính kiến, nói đúng hơn, những người bất đồng chính kiến là đối tượng hàng đầu. Vì vậy, trong giới bất đồng chính kiến và ủng hộ dân chủ đã dấy lên một phong trào phản đối Luật An ninh mạng. Trong bài viết này chỉ đề cập một số điểm về Luật An ninh mạng với giới bất đồng chính kiến.

Luật An ninh mạng thủ tiêu tự do ngôn luận

Cũng như những đạo luật khác, Luật An ninh mạng có những điều cấm. Những điều cấm kỵ này không phải bây giờ mới đưa vào luật mà đã được đề cập ở nhiều đạo luật khác, trong luật này chỉ là nhắc lại cho thêm phần nghiêm trọng mà thôi.

Đề cập chủ yếu trong Luật An ninh mạng nhằm vào giới bất đồng chính kiến và cả những người dân phản ứng bột phát là nội dung tuyên truyền chống nhà nước. Những điều cấm này cũng rất mơ hồ, hiểu như thế nào là do chủ quan của người xử lý. Ví dụ như thế nào là phỉ báng ? Như thế nào là kích động bạo loạn ? Người ta sẵn sàng qui chụp người kêu gọi biểu tình là kích động bạo loạn, lôi kéo tụ tập đông người (cách gọi của nhà cầm quyền chỉ hoạt động biểu tình)...

Với Luật An ninh mạng, doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Luật yêu cầu các nhà mạng phải cung cấp thông tin người dùng cho công an. Như vậy, tất cả thư tín cá nhân, bí mật riêng tư kể cả các cuộc hẹn hò tình ái đều phơi ra trước mắt an ninh mạng nếu họ muốn. Những bài đăng không vừa ý nhà cầm quyền sẽ bị xóa. Người đưa thông tin trái ý họ sẽ bị bắt bất cứ lúc nào. Người sử dụng mạng sẽ bị cắt dịch vụ cung cấp mạng hoặc bị cấm dùng mạng, bị cấm đăng ký tài khoản nếu có yêu cầu của công an. Những yêu cầu này sẽ chẳng cần phải tranh luận với đối tượng bị xử lý để ra văn bản sao cho tâm phục khẩu phục, thậm chí chỉ cần yêu cầu miệng của một cá nhân nào đó.

Mọi qui định của Luật rào kín các ngả khiến người sử dụng internet không biết làm gì hơn ngoài việc trưng diện, khoe các cuộc ăn nhậu, tán tỉnh nhau trên mạng, tự do cổ vũ cho lối sống vị kỷ với những dục vọng tầm thường.

Tuy nhiên, những yêu cầu phi lý và phản tiến bộ này có được các công ty mạng nước ngoài chấp nhận hay không và chấp nhận đến đâu lại là chuyện khác. Và ở Việt Nam, luật nào cũng có kẽ hở nên vẫn có thể lách. Lách luật để chống lại sự quản lý hà khắc, xâm phạm đến quyền tự do của con người được qui định ở Hiến pháp, không phải là điều tội lỗi.

Khi các công ty Google, Facebook không chịu đựng được sự can thiệp thô bạo của nhà cầm quyền bởi Luật An ninh mạng, họ sẽ phải rời Việt Nam mà không cần đuổi, như Công ty Google đã phải bỏ thị trường Trung Quốc hồi năm 2010. Khoảng trống này sẽ là cơ hội cho các công ty mạng Trung Quốc như Weibo, WeChat nhảy vào Việt Nam. Giá dịch vụ mạng sẽ rẻ như trái cây ướp bằng chất hóa học hay chân gà, lòng lợn thiu từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam vậy. Việc kiểm soát Internet của nhà cầm quyền trở nên đơn giản hơn bao giờ hết vì quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đặc biệt duy nhất trên quả đất này. Có vẻ đây là một kịch bản khi họ ban hành Luật An ninh mạng.

Luật An ninh mạng với giới đấu tranh ở Việt Nam 

Chẳng phải bây giờ khi ra Luật An ninh mạng nhà cầm quyền Việt Nam mới bắt đầu xử lý những "sai phạm" khi sử dụng mạng xã hội.

Đã có nhiều người bị bắt và đi tù về viết blog như Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo tự do, Nguyễn Quang Lập, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Trần Đình Ngọc (blogger Nguyễn Ngọc Già), Hồng Lê Thọ (blogger Người Lót Gạch). Những blogger này bị bắt tạm giam dài ngày hay bị kết án mà không ai biết họ tuyên truyền chống chính quyền ở chỗ nào. Nhiều người viết facebook cũng đã bị bắt, bị sách nhiễu hoặc bị đe dọa.

Với những người sử dụng mạng làm phương tiện bày tỏ chính kiến, có công khai danh tính rõ ràng thì không phải đắn đo gì nhiều. Họ đã trưởng thành qua những bản tin, bài bình luận các sự kiện theo nhãn quan độc lập, biểu đạt chính kiến theo qui định của Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị, đã quen với sự răn đe sách nhiễu của công an. Chỉ có điều, với Luật An ninh mạng, các bài viết của họ sẽ dễ dàng bị xóa bỏ, bí mật thư tín đời thường dễ bị kiểm soát và đặc biệt có thể bị cấm mở tài khoản cá nhân hay cắt Internet. Còn tính đến việc bị bắt vẫn là điều đương nhiên.

Ở khía cạnh khác, với những với những người còn sợ hãi, khi tài khoản cá nhân phải công khai danh tính thì họ không dám nêu lên quan điểm chính trị của mình, không dám đưa tin, thậm chí với cả những tin hoàn toàn trung thực ví dụ những đoạn video tại hiện trường không qua lắp ghép, tẩy xóa. Số này rất đông, nếu họ không dám mở miệng thì lượng thông tin, tính đa dạng của những tiếng nói phản biện bị hạn chế đi rất nhiều.

Luật An ninh mạng sẽ không áp dụng cho người thi hành công vụ ?

Chẳng phải đợi Luật An ninh mạng nhà cầm quyền mới ra tay mà thực tế họ đã can thiệp từ lâu, ngay từ khi mạng xã hội ra đời. Điều này ai cũng nhìn thấy. Nhiều website, blog hay email, các trang facebook bị đánh phá, những thông tin trong các tài khoản cá nhân không còn bí mật được nữa. Những điểm nóng như biểu tình thường xuyên bị phá sóng. Nhiều người bị khóa điện thoại, bị cắt mạng theo thời điểm.

Ngay cả khi chưa có Luật An ninh mạng thì ngay cả các những đoạn video vốn đúng như sự thật cũng bị biến mất một cách khó hiểu. Bản thân tôi đã từng bị đánh sập 5 blog, 3 tài khoản email, 3 tài khoản facebook chỉ trong một thời gian ngắn.

Còn nhớ Trung tướng Vũ Hải Triều, tổng cục phó Tổng cục An ninh từng khoe đã đánh sập 300 báo mạng và blog cá nhân. Ngang nhiên phạm luật và ngang nhiên khoe những hành vi ấy, đủ biết mọi thứ luật có điều chỉnh được hành vi của những người được coi là thi hành công vụ hay không.

Tất cả những hành vi ấy đều vi phạm pháp luật nhưng không có ai bị xử lý.

Luật An ninh mạng đưa ra những hành vi bị cấm, xem ra cũng hợp lý như xử lý những hành vi như đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật. Nhưng nếu hành vi đưa tin sai sự thật từ phía chính quyền có bị xử lý không ? Đương nhiên là không. Ở Việt Nam, ai cũng biết đến điều này. Vì vậy, dù luật An ninh mạng hay luật nào đi chăng nữa cũng chỉ để áp dụng cho người dân chứ không áp dụng cho người của chính quyền nếu hành vi của họ nằm trong cái gọi là thi hành công vụ. Không phải tự nhiên mà bà Ngô Bá Thành nói, ở Việt Nam có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng.

Ai là vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc ?

Tôi chưa có thời gian tìm hiểu cặn kẽ Luật An ninh mạng và không phải luật sư nên không thể nhận xét toàn diện về đạo luật này, chỉ nêu ra vài ý kiến sơ bộ. Trước khi kết thúc bài viết, xin đề cập một chuyện khá khôi hài là Luật An ninh mạng còn xử lý cả hành vi xúc phạm vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Nhưng cho đến nay, ngoài Nguyễn Du và Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa ra thì không có một cơ sở nào cho thấy ai là vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc để mà... né. Khi xử lý phải căn cứ vào văn bản pháp luật chứ không thể căn cứ vào việc nói với nhau qua miệng. Có khi, người được tuyên truyền là anh hùng dân tộc nhưng ở nước ngoài lại bình xét là tội đồ thì biết đâu mà lần.

Vì vậy, trước hết, phải định nghĩa, thế nào là vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Tiếp theo, cần ra văn bản pháp luật qui định cấp nào được công nhận vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc ? Các tổ chức nào trên thế giới có quyền công nhận ?

Tiếp theo nữa, cấp có quyền hạn phải ra quyết định công nhận đối với từng vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Xong lại phải thông báo cho toàn thể nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng cho dân biết để mà... tránh.

Rõ ràng phải có một qui trình chặt chẽ như thế, chứ không thể nói khơi khơi ông này là lãnh tụ, ông kia là danh nhân được.

Chẳng hạn đưa một bloger ra tòa vì tội xúc phạm ông Y, ông này được coi là lãnh tụ. Nhưng khi ra tòa, hỏi giấy chứng nhận lãnh tụ của ông Y thì lại không có. Khi ấy, xử thế nào.

Mang những người bị qui chụp xúc phạm vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc ra tòa, các ông thua là chắc, trừ khi dùng quyền lực kết án bừa.

*

Internet là một thành tựu kỳ diệu của con người. Nó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Người lần đầu tiên tiếp xúc với Internet không tránh khỏi cảm giác kinh ngạc vì tính chất ma quái của nó. 

"Các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển tạo ra cho nhân loại một thời kỳ mới : kỷ nguyên thương mại điện tử trên Internet" (wikipedia).

Thế nhưng, một thiểu số vài nước, trong đó có Việt Nam lại tìm cách kiểm duyệt hay chối bỏ Internet nhằm hạn chế thông tin, ngõ hầu đảm bảo sự thống trị lâu dài của thể chế được đánh đồng với tổ quốc, với dân tộc. Luật An ninh mạng ra đời nhằm vào mục đích ấy.

Tuy nhiên, Internet vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng như từ khi nó mới manh nha. Sự phát triển ấy sẽ vô hiệu hóa dần dần Luật An ninh mạng. Ví dụ lúc mà hàng ngàn vệ tinh được phóng lên không gian để phủ sóng internet toàn cầu.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 14/06/2018 (nguyentuongthuy's blog)

Quay lại trang chủ
Read 705 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)