Giữa lúc cả bộ máy chính trị, từ Tổng bí thư, Thủ tướng đến truyền thông, đồng loạt lên tiếng nói rằng lòng yêu nước của người dân đã "bị lợi dụng" trong các cuộc biểu tình hai tuần qua, thì một số chuyên gia, ngược lại, cho rằng chính quyền nên "lợi dụng" dịp này để thể hiện tinh thần "cầu thị", lắng nghe người dân và tổ chức một cuộc "trưng cầu dân ý".
Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, một trong ba "đặc khu" trong Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội vào sáng 17/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng các cuộc biểu tình phản đối Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) có "bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước" của người dân.
Dẫn chứng cho kết luận của mình, theo Zing, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam phân tích : "Quyết định dừng lại để lắng nghe có thêm thời gian hoàn thiện từ chiều mùng 8/6, sao mùng 10-11/6 lại vẫn cứ đi biểu tình phản đối luật đó ? Tức là chứng tỏ có ý đồ khác rồi".
Tiếp lời ông Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay ngày hôm sau, 18/6, nói với các cử tri ở Tiên Lãng, Hải Phòng, rằng nhân dân đã "hiểu nhầm nội dung luật pháp, nhất là dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng" vì "bị kẻ xấu, phản động lợi dụng, kích động", theo Dân Trí.
Dồn dập hưởng ứng phát biểu của những người đứng đầu, truyền thông trong nước đồng loạt đưa nhiều bài viết với nội dung tương tự, dẫn chứng phát biểu của nhiều người, kể cả giới văn nghệ sĩ, "cảnh báo" người dân chớ để bị lợi dụng, khiến những người này bị "ném đá" không ít trên mạng xã hội.
Nhận định với VOA về kết luận và cách ứng phó của chính quyền, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói : "Một số người dân có thể bị kích động, nhưng số ấy quá ít. Còn tuyệt đại đa số thì không ai bị lừa cả. Nhận thức của họ rất cao".
Tuần trước, Quốc hội Việt Nam đã có bước "nhượng bộ" khi chính thức quyết định hoãn đưa Luật Đặc khu ra biểu quyết vào ngày 11/6, sau khi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước vào ngày 10/6. Tuy nhiên, quyết định này có vẻ như vẫn chưa xoa dịu được tình hình. Người dân tiếp tục xuống đường ngày 17/6 với quy mô nhỏ hơn, do tình trạng an ninh thắt chặt ở nhiều nơi.
Biểu tình tại Sài Gòn vào ngày 16/6/2018. Ảnh : FB Trần Tiến Dũng.
Nội dung của một số khẩu ngữ, băng rôn trong các biểu tình và trên mạng xã hội cho thấy, người dân đòi hỏi chính quyền phải "hủy", chứ không chỉ "hoãn" biểu quyết Luật Đặc khu. Để quyết định điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý, và theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đây là một đòi hỏi thỏa đáng của người dân.
Ông nói : "Nhận thức của người dân ngày càng cao nên người ta nhận ra dự luật ấy có nhiều vấn đề. Cho nên người ta biểu đạt ý kiến bằng biểu tình, đưa ý kiến trên mạng, trong các cuộc họp hoặc rất nhiều hình thức đa dạng khác, dẫn đến một nhu cầu là cần phải có trưng cầu dân ý hoặc phải có sự bàn bạc tốt hơn. Điều đó là thỏa đáng thôi".
Theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS, Luật Đặc khu liên quan đến vấn đề đất đai, lãnh thổ, là một trong những vấn đề "hệ trọng" cần phải hỏi ý dân.
"Hiến pháp quy định những việc liên quan đến chiến tranh, hòa bình, đất đai, lãnh thổ thì phải hỏi ý kiến người dân, tức là phải trưng cầu dân ý", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết.
Một chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cũng ủng hộ việc thực hiện trưng cầu dân ý đối với Dự luật về Đặc khu. Nhưng theo ông, "ít có hy vọng" việc này trở thành hiện thực vì Việt Nam vẫn chưa có luật quy định về việc trưng cầu dân ý.
Theo ông, trong trường hợp nếu có trưng cầu dân ý, "thì phải làm rõ những điều gì vượt quá phạm vi quy định của luật để phải trưng cầu dân ý. Lúc bấy giờ mới có thể thuyết phụ được [người dân]".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là một trong số rất nhiều nhà kinh tế cho rằng chính phủ Việt Nam cần phải đánh giá lại một cách thận trọng về Dự luật Đặc khu, trong bối cảnh mô hình này đã lỗi thời, khả năng thành công thấp, chưa kể tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn đến bất ổn và khó quản lý nền kinh tế.
Trong bài phát biểu hôm 17/6, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định quá trình đưa ra Dự luật Đặc khu đã được làm "rất thận trọng, thảo luận qua mấy kỳ họp, thống nhất tương đối cao", và "chủ trương nhất quán" này chỉ "vì nước, vì dân thôi chứ không có mục đích nào khác".
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, mặc dù Dự luật Đặc khu trước đó có được đưa ra lấy ý kiến, nhưng các ý kiến có vẻ như "ít hơn bình thường", và đây mới là lúc người dân bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng về dự luật này.
Các chuyên gia còn cho rằng thay vì thực hiện các "động tác" như bắt giam người biểu tình, tra xét giấy tờ, ngăn chặn họ…, chính quyền Việt Nam nên "lợi dụng" dịp này để "nhìn thẳng vào sự thật, tìm hiểu lý do, nguyện vọng của người dân, không nên chụp mũ một cách đơn giản là họ bị xúi giục, bị lợi dụng".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng một khi tình hình đã bắt đầu có dấu hiệu "bạo lực" như ở Bình Thuận vừa qua, thì chính quyền nên thể hiện tinh thần "cầu thị" để tránh xảy ra những diễn biến phức tạp hơn.
Khánh An
Nguồn : VOA, 18/06/2018