Một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhận định với VOA rằng nền kinh tế Việt Nam đang hứng chịu những tác động tiêu cực trên nhiều mặt của dịch Covid-19, nhưng đây cũng là thời điểm thuận tiện để đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế nhằm "ít phụ thuộc hơn vào một thị trường duy nhất".
Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt may ở Nam Định.
Trước đó, ngày 12/2, Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam. Trong báo cáo mới mới nhất, Bộ này đã giảm mức dự báo GDP xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6.8%.
"Dịch Covid-19 ở Trung Quốc tác động nhiều mặt tới kinh tế Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định với VOA.
"Một là ngành hàng không, đường sắt đều đã đình chỉ. Hai, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm khoảng 37%, ở Quảng Ninh có thể chiếm tới 60%, thì bây giờ giảm sút rất nhiều, hầu như không còn. Ba, doanh nghiệp Việt Nam cần phụ tùng của Trung Quốc".
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thực trạng hàng ngàn công nhân Trung Quốc về quê ăn Tết vẫn chưa được phép trở lại Việt Nam làm việc cũng gây tác động không nhỏ lên các nhà máy và công trình tại Việt Nam, bên cạnh tình trạng ùn ứ nông sản trong những ngày qua vì các quy định hạn chế đi lại để phòng chống dịch.
1/3 phụ thuộc về nhập khẩu
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đạt 75.452 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu chỉ đạt 41.414 tỷ USD.
Với nền kinh tế bị phụ thuộc gần 1/3 nhập khẩu từ Trung Quốc như vậy, tình trạng gián đoạn về nguồn nguyên vật liệu từ các nhà máy ở quốc gia láng giềng vì dịch Covid-19 đang đề ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm : "Doanh nghiệp dệt may đặt hàng từ sợi, vải, cho đến cúc từ các nhà máy của Trung Quốc. Đến hết tháng 2 này thì cạn dự trữ, nên nếu không giải tỏa được thì sẽ gặp khó khăn".
Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, ngoài cơ chế chính sách, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, còn do yếu tố mà ông gọi là "phụ thuộc tự nhiên".
Ông phân tích :
"Trung Quốc ở ngay sát Việt Nam, với 1.400 km đường bộ và vịnh Bắc Bộ nên rất gần gũi. Hai, link kiện, hàng hóa của Trung Quốc có giá rẻ và họ đáp ứng rất nhanh những yêu cầu của Việt Nam. Ví dụ với hàng dệt may, nếu Việt Nam nhận được các hợp đồng đòi hỏi phải thay đổi kiểu vải, mẫu mã cúc... thì với các công ty ở Italy hay các nước khác thì rất khó khăn, nhưng với các doanh nghiệp Trung Quốc thì họ thích nghi rất nhanh"...
Vì vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua nhập nhiều hàng hóa, nguyên phụ liệu từ quốc gia láng giềng là điều khó tránh khỏi.
Cơ hội "thoát Trung" ?
"Thoát Trung" là đề tài đã được nhiều kinh tế gia của Việt Nam bàn thảo, vận động cũng như đưa ra các kiến nghị cho chính phủ, đặc biệt sau khi tình trạng phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào một thị trường là Trung Quốc bắt đầu cho thấy những tác động tiêu cực lên kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Trước tình trạng "đóng băng" của nhiều ngành nghề, dịch vụ, sản xuất tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ Trung Quốc, một số ý kiến cho rằng đây cũng là một cơ hội tốt để Việt Nam "thoát Trung", giảm dần sự phụ thuộc về kinh tế vào quốc gia láng giềng.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để làm được việc này, đòi hỏi Việt Nam phải có một nỗ lực lớn và cả chấp nhận những thiệt thòi ban đầu.
"Người Trung Quốc rất giỏi kinh doanh và họ có thể tranh thủ được các khách hàng Việt Nam bằng nhiều thủ thuật. Vì vậy nên trong thời gian sắp tới, khi Việt Nam muốn đa dạng hóa, đa phương hóa thì có lẽ cũng phải điều chỉnh một số mặt hàng và một số khách hàng, và có lẽ giá một số sản phẩm cũng không tránh khỏi phải tăng lên".
"Việt Nam có câu trong họa có phúc, trong nguy có cơ. Nhân tình hình này, kinh tế Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu, phải đổi mới sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, linh kiện, kênh hợp tác mới".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh hy vọng giới hữu trách có thể biến "nguy" thành "cơ" để đẩy mạnh việc cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, dựa vào những cơ hội đang mở ra từ việc hợp tác với Châu Âu, Mỹ và các quốc gia Châu Á khác.
Khánh An
Nguồn : VOA, 22/02/2020
Qua loa phát thanh công suất lớn, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, thông báo sẽ tiếp tục tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những ngôi nhà còn lại trong khu "xóm đạo" Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế lần đầu tiên vào ngày 4/1, bất chấp phản đối của người dân, theo lời người dân địa phương nói với VOA hôm 7/1.
Việc cưỡng chế ở Vườn rau Lộc Hưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Xuất thân từ một trong những gia đình đã có mặt trên mảnh đất chuyên nghề trồng rau từ năm 1954 đến nay, ông Cao Hà Trực cho biết khu đất rộng gần 5 ha ở quận Tân Bình là nơi cư trú của cả xóm đạo di cư từ Bắc vào Nam theo con "tàu há mồm" của "cụ Diệm" (Tổng thống Ngô Đình Diệm).
Vào thời điểm đó, khu đất thuộc quyền sở hữu của Hội Thừa Sai Paris.
"Hội Thừa Sai Paris giao [đất] cho Tổng Giám mục để cấp cho chúng tôi. Người thì lấy để xây nhà, người thì dùng để trồng rau sinh sống trong lúc mới di cư vào Nam chưa biết làm gì", ông Trực nói với VOA.
"Chúng tôi sinh sống mãi đến năm 1999, theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi được biết là chúng tôi được kê khai đất đai. Nhưng khi chúng tôi đi kê khai thì bị phường, quận lừa. Ông Tâm nói với chúng tôi rằng ‘Thôi, đi về đi. Chưa có dự án gì đâu’ nên không cấp. Đến năm 2001, ông thông báo với chúng tôi là ông thu hồi đất của chúng tôi theo Nghị định 11 của chính phủ", vẫn theo lời ông Trực.
"Mờ ám" ?
Vào ngày 4/1, chính quyền đã tiến hành đợt cưỡng chế đầu tiên. Những hình ảnh, video trên mạng cho thấy người dân đã phản đối mạnh mẽ việc cưỡng chế, có người đã nằm ngay trước xe ủi để phản đối. Hàng chục người đã bị công an bắt đi và được thả ra sau khi công việc cưỡng chế trong ngày hoàn tất.
Một số cư dân địa phương nói vụ cưỡng chế hôm 4/1 đã xảy ra rất "bất ngờ" mà không hề có thông báo trước cho người dân.
"Đến bây giờ tôi chưa nhìn thấy quyết định thu hồi trong Nghị định 11CP", ông Trực cho biết.
Một người dân dùng thân mình để chặn xe ủi.
Nhiều người dân cũng đồng ý kiến với ông Trực và cho rằng chính quyền "mờ ám" trong việc giải quyết vấn đề đất đai ở khu vực vườn rau.
Theo họ, chính quyền đã "cố tình" gộp chung khu đất đã giao trước đó cho Bưu điện Thành phố sở hữu (12 ha) với phần đất mà người dân đã trồng rau sinh sống bấy lâu nay (48 ha) hòng "chiếm đoạt" đất của họ.
Cụ thể, theo một báo cáo của UBND thành phố gửi cho Thanh tra chính phủ vào năm 2016 mà VOA đọc được, chính quyền cho rằng toàn bộ khu đất diện tích 48 ha "được chính quyền Pháp sử dụng làm bãi Ăng-ten", và Linh mục Đinh Công Trình đã làm giấy "mượn đất" vào năm 1955 để cho bà con giáo dân cư ngụ.
Vì vậy, năm 1991, Ban Quản lý ruộng đất Thành phố Hồ Chí Minh đã trao quyền sở hữu và sử dụng đất khu vực này cho Bưu điện Thành phố để đầu tư hạ tầng khu nhà ở dân dụng và nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của bưu điện.
"Vì các chủ đầu tư (Bưu điện Thành phố, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Sài Thành) không đủ năng lực thực hiện dự án, trong quá trình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm phát sinh khiếu kiện đông người làm cho khu vực trở thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn quận Tân Bình. Do đó, ngày 25 tháng 4 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số 1824/QĐ-UBND thu hồi khu đất, giao cho Ủy ban nhân dân quận Tân Bình thực hiện Dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của Thành phố và của quận Tân Bình", trích báo cáo.
Tuy nhiên, theo lời ông Trực nói với VOA : "Vào năm 1954, tôi được biết Tổng nha Viễn thông của Pháp đã mượn của ông bà chúng tôi 12.000 m2 để làm phát tín [bãi Ăng-ten]. Sau đó, năm 1975, Cộng sản vào và đánh vào các đồn bốt, nghĩa là 12.000 m2 đó. Còn chúng tôi bên này là 48.000 m2vẫn trồng rau như thường. 12.000 m2 đó mấy ông đánh nhau rồi lấy. Lấy xong rồi chia nhau. Chia nhau hết rồi thì bây giờ đòi lấy đất của chúng tôi".
Ông Trực khẳng định người dân vẫn còn lưu trữ giấy tờ chứng minh việc mượn đất của Tổng nha Viễn thông Pháp.
VOA Tiếng Việt đã cố gắng liên lạc với các lãnh đạo phường 6 và quận Tân Bình để xác minh vấn đề, nhưng không ai trả lời. Một lãnh đạo đã cúp điện thoại ngay khi biết cuộc gọi đến từ VOA Tiếng Việt.
"Nhà nước cố tình không xác nhận cơ sở pháp lý cho chúng tôi nhằm chiếm đoạt tài sản của chúng tôi. Chà đạp lên pháp luật luôn. Khi chúng tôi đến các cơ quan chức năng, họ đều đánh lừa chúng tôi. Họp thì không lập biên bản, còn nếu có lập biên bản thì lại không giao cho chúng tôi. Quyết định cũng không giao cho chúng tôi. Tất cả những tờ thông báo đều thảy như truyền đơn, lượm được thì người ta đưa cho chúng tôi đem về nhà", ông Trực nói.
Bị "dồn đến đường cùng"
Vẫn theo lời ông Trực, người dân khu vực phường 6 là khu vực nghèo, chuyên sống bằng nghề trồng rau từ năm 1954. Nhưng vài năm gần đây, họ bị "cắt đường sống" khi toàn bộ khu vực thường xuyên rơi vào tình trạng ngập nước, khiến cây cối chết hết.
"Nhà nước đang triệt đường sống của chúng tôi. Đầu tiên, họ công bố quy hoạch. Chúng tôi đi tìm công lý không được. Rồi các đường cống thoát nước xung quanh thì họ không moi móc, cải thiện, cố tình để nước ở các nơi chảy vào vườn rau chúng tôi, gây ngập lụt. Mỗi lần ngập cả mét, đến cả nửa tháng, một tháng mới rút. Cây cối, gà, chó, rau cỏ đều chết hết. Chúng tôi muốn cải thiện đời sống mà họ lại tiếp tục giết chết chúng tôi", ông Trực nói, đồng thời cho biết đợt cưỡng chế hôm 4/1 đã san phẳng khoảng 40 phòng trọ cấp 4, hàng quán mà người dân xây dựng để kiếm sống sau khi không thể sống bằng nghề trồng rau, và một vài căn nhà của người dân.
Người dân nói họ "hoàn toàn mất lòng tin vào chính quyền" sau hàng chục năm "gõ cửa quan" để xin được giải quyết vấn đề đất đai.
"Tôi chẳng còn tin tưởng vào việc nhà nước sẽ giải quyết cho chúng tôi. Đơn chúng tôi đưa lên, Trung ương đề nghị thành phố có câu trả lời mà họ im luôn, không thèm trả lời. Ông Lê Hoàng Quân có công văn gửi chúng tôi cam kết sẽ họp với tập thể bà con chúng tôi nhưng tới bây giờ có họp đâu ? Đánh lừa, bảo chờ. Đến nay đã 10 năm rồi. Trốn biệt tăm", ông Trực nói.
Qua thông báo trên loa phát thanh, chính quyền nói sẽ tiếp tục tiến hành cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà "xây dựng bất hợp pháp" còn lại trong khu vực. Theo lời ông Trực, các trường học lân cận đã được thông báo cho nghỉ vào ngày 8/1 để thuận tiện cho việc cưỡng chế.
Việt Nam lần đầu tiên bị chất vấn ở Liên Hiệp Quốc về tình trạng ‘tra tấn’, chết trong đồn công an
Vụ tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn và một số trường hợp chết trong đồn công an ; các cộng đồng tôn giáo, người thiểu số Hmong bị bắt bớ, tra tấn ; và vụ một đạo diễn tố giác bị công an đánh đến chấn thương ở Cần Thơ gần đây là những trường hợp điển hình được nêu ra trong phiên chất vấn của Ủy ban chống tra tấn Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam trong phiên họp ngày 14/11, bắt đầu cuộc kiểm điểm về việc thực hiện Công ước chống tra tấn của quốc gia thành viên.
Phiên họp tại Liên Hiệp Quốc kiểm điểm về tình trạng thực thi Công ước chống tra tấn của Việt Nam ngày 14/11/2018.
"Đây là lần đầu tiên Việt Nam phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về tình trạng tra tấn đang xảy ra tràn lan ở đất nước Việt Nam", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BPSOS, tổ chức đã giúp đưa nhiều trường hợp của Việt Nam trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, nói với VOA khi ông đang có mặt tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Geneva,.
Trong ngày đầu tiên của phiên điều trần kéo dài 2 ngày về trường hợp của Việt Nam, các thành viên Ủy ban Liên Hiệp Quốc đã đặt ra rất nhiều cầu hỏi cho phái đoàn từ Hà Nội, trong đó đặc biệt đề cập đến những cái chết trong đồn công an mà gia đình nạn nhân tin là bị tra tấn, trong khi phía nhà chức trách nói là do tự sát hoặc bệnh tật.
"Liệu có thể tiến hành điều tra độc lập hay không ?", một thành viên trong Ủy ban đặt câu hỏi với phái đoàn Việt Nam khi đề cập đến cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn. "Khi gia đình yêu cầu cơ quan chức năng trả lời, khi họ cố gắng tiếp cận để thu thập bằng chứng thì bị đe dọa, bị tịch thu điện thoại nên họ không làm gì được cả. Câu hỏi của tôi là [Việt Nam] có cơ chế mở nào để cho phép những người liên quan [gia đình] kiểm chứng vụ việc hay không ?", thành viên này nói thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết nhiều trường hợp khác như bà Trần Thị Hồng bị công an tra tấn liên tục suốt 2 tháng vì cho rằng bà đã cung cấp thông tin cho quốc tế, hay những người thiểu số Tây Nguyên bị đàn áp, trong đó có trường hợp của ông Hoàng Văn Ngài được cho là bị công an đánh đến chết… cũng đã được nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, trường hợp của Đạo diễn phim Đặng Quốc Việt tố cáo công an Cần Thơ bắt, tra tấn và ép cung ông hôm 9/11 cũng đã được nhắc đến.
"Có lẽ là một sự ngạc nhiên cho phái đoàn Việt Nam vì Ủy ban chống tra tấn đã nắm rất vững tình hình xảy ra tại Việt Nam", Tiến sĩ Thắng nói.
Ngày 8/9/2017, Công an Phan Rang-Tháp Chàm cho biết tại nhà tạm giam của họ đã xảy ra một vụ đánh nhau, và nạn nhân bị đánh trọng thương đến chết là Võ Tấn Minh.
Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị kết án 10 năm tù với cáo trạng trong đó bao gồm tập tài liệu mà cô tập hợp các trường hợp công an đánh chết người, nói với VOA khi đang có mặt ở thủ đô Washington rằng cô "rất vui" và "hãnh diện" vì những đóng góp của mình trong việc đấu tranh nhằm chấm dứt tình trạng tra tấn ở Việt Nam.
"Tình trạng người dân chết trong đồn công an và Công ước chống tra tấn bắt đầu được quan tâm là một phần thưởng lớn lao hơn những phần thưởng vinh danh khác, bởi vì mình nhìn thấy thành quả làm việc của mình hiện hữu trước mắt và mình tin rằng những gì mình đang theo đuổi, đang làm sẽ có kết quả trong một tương lai không xa".
Sau phần chất vấn của các thành viên Ủy ban Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội trình bày và trả lời các câu hỏi này vào ngày hôm sau (15/11).
Tin cho hay Việt Nam đã cử một phái đoàn khoảng 30 người, đứng đầu là Thượng tướng Lê Quý Vương-Thứ trưởng Bộ Công an, đến Geneva để tham gia điều trần.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã gửi một báo cáo trước đó cho Ủy ban.
"Trong bản báo cáo đầu tiên của Việt Nam không nhắc gì tới nhiều đến những sự việc đã xảy ra và cách giả quyết như thế nào, mà nhấn mạnh nhiều đến việc họ cải tổ luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế để đưa vào khung luật Việt Nam ra sao. Cái đó cũng là một điều mà chúng tôi nghĩ là đáng khuyến khích. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thực thi luật như thế nào", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết.
Việt Nam chính thức ký tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2013. Tại lễ ký, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định việc tham gia Công ước thể hiệm cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, đảm bảo ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người.
Khánh An
Nguồn : VOA, 15/11/2018
Ba luật sư bào chữa cho nhóm 20 thanh niên tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu ở Đồng Nai vừa bị bắn vào xe khi đang chuẩn bị đi gặp các thân chủ ở trại giam B5 – công an Thành phố Biên Hòa, khiến cửa kính xe bị rạn nứt. Các luật sư cho VOA biết họ đã trình báo công an trong thời gian tìm cách xác minh nguyên nhân có phải là do đạn bắn vào hay không.
Kính xe bị nứt toàn bộ, các luật sư phải dán băng keo để tránh kính xe vỡ ra khi di chuyển.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong ba luật sư bào chữa cho những người biểu tình ở Đồng Nai, cho VOA biết sự việc xảy ra vào sáng 6/11, khi ông cùng với Luật sư Đặng Đình Mạnh lái xe tới đón Luật sư Nguyễn Văn Miếng ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, để cùng đi xuống trại giam B5-công an Thành phố Biên Hòa làm việc với các thân chủ trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm họ vào ngày 10/6.
Khi xe bắt đầu lăn bánh, thì họ nghe tiếng "cạch" và cửa kính bên phải xe bị thủng một lỗ và rạn nứt toàn bộ. Ngay sau đó, một tiếng "cạch" thứ hai bắn vào thân xe. Các luật sư cho biết vào thời điểm xảy ra sự việc, đường khá đông xe và mặt đường trong tình trạng tốt.
"Tôi nghĩ cũng chưa hẳn họ muốn hạ sát, mà có thể chỉ mang tính đe dọa, khủng bố tinh thần thôi, vì nếu họ muốn ra tay thì với các luật sư tay không tấc sắt thì rất dễ dàng", Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói với VOA.
Giải thích cho nhận định này, Luật sư Phúc nói :
"Lâu nay chúng tôi làm việc ở khắp nơi, nhiều địa hình, nhiều hoàn cảnh có thể dễ rủi ro nhưng lại không xảy ra, còn ở đây là ban ngày, trong khu phố có người qua lại, lại đang ở trên xe nên nếu có bắn thì cũng qua cửa kiếng nên không ảnh hưởng. Nhưng vấn đề đặt ra là đây có phải do bắn bằng đạn hay không, đạn gì ? Đạn đồng, đạn chì hay đạn cao su ? Loại súng gì ? Có phải vũ khí quân dụng hay không ?".
Ba luật sư trên nằm trong nhóm luật sư thường xuyên bào chữa trong những vụ án được xem là "nhạy cảm" như xử các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, những người tham gia biểu tình…
Luật sư Phúc cho biết dựa theo vết nứt trên kính xe, nhiều người am hiểu cho rằng đây là dấu vết của đạn, nhưng ông chưa thể xác định chính thức điều này vì hiện các luật sư vẫn đang tìm chuyên gia uy tín để giám định vết nứt và cũng chưa có kết luận từ cơ quan chức năng.
"Nếu trong trường hợp xác định được đó là đầu đạn thì vụ việc mang tính chất nghiêm trọng", Luật sư Phúc nói với VOA.
Tình trạng luật sư bị hành hung, đe dọa đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Luật sư Phúc, sự việc lần này là khá hy hữu.
Ông nói : "Luật sư bị đe dọa bằng vũ khí quân dụng bắn vào xe là chưa có. Còn chuyện luật sư bị hành hung trên đường hay tại phiên tòa, do côn đồ thực hiện thì đã có nhiều. Thậm chí có một luật sư ở Hải Phòng bị tạt axit nhiều năm qua rồi mà cũng không tìm ra được hung thủ. Rồi nhiều vụ khác như luật sư bị hành hung ở Chương Mỹ, Hà Nội".
Luật sư Phúc cho biết bản thân ông tuy chưa bị đe dọa trực tiếp, nhưng cũng từng nhận nhiều tin nhắn đe dọa qua điện thoại hay qua người thân, bạn bè.
"Bạn bè, đồng nghiệp tôi cũng có trường hợp bị khống chế để tước đoạt laptop, hồ sơ nhưng thường các anh không báo ra vì biết khi báo tin cũng không giải quyết được gì, gây hoang mang, thành ra cũng chịu đựng".
Các luật sư cho biết họ đã trình báo vụ việc cho công an địa phương. Trong trường hợp nếu xác định được vết bắn từ đạn, họ sẽ báo cáo lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ cho việc hành nghề của các luật sư.
Các thân chủ mà nhóm luật sư trên nhận bào chữa là 12 người có đơn kháng cáo trong số 20 người bị tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa kết án từ 8 -18 tháng tù về tội "gây rối trật tự công cộng" khi họ tham gia vào cuộc biểu tình trên cả nước chống lại dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào tháng 6.
Khánh An
Nguồn : VOA, 09/11/2018
Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi chiều 8/11, một đại biểu Quốc hội cho rằng tình trạng nói ngọng đang làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và đề nghị sớm "giải quyết triệt để" vấn đề này để không "cản trở nhiều thứ".
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục nhận định với VOA rằng phát biểu của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm ám chỉ đến người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, người gần đây được mệnh danh là "tư lệnh nói ngọng".
"Bây giờ có những người lớn rồi, thậm chí bằng cấp cao rồi, mà vẫn viết sai chính tả. Viết sai là do nói ngọng mà viết sai", báo Người Lao Động dẫn lời Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý tại Quốc hội.
Theo ông Nghĩa, ngành giáo dục Việt Nam lâu nay đã "bỏ bê việc học nói", là kỹ năng mà theo ông là "rất quan trọng" vì nó ảnh hưởng đến viết và thuyết trình.
Đại biểu có tiếng "thẳng thắn" này cũng chia sẻ kinh nghiệm bản thân đã được chữa nói ngọng từ thủa nhỏ và đề nghị ngành giáo dục phải giải quyết tình trạng này từ lớp mẫu giáo và hoàn thành sau khi hết cấp 1.
Một khảo sát mới nhất của trường tiểu học thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội, nơi được chọn thí điểm chương trình dạy phát âm chuẩn kể từ năm 2009, cho thấy có 25% giáo viên (12 người) và 30% học sinh (338 em) vẫn phát âm sai sau gần 10 năm được tập đọc trong mỗi tiết học để phát âm đúng hai phụ âm "l" và "n".
Nhà giáo Phạm Toàn, một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục ở Hà Nội, thừa nhận tình trạng nói ngọng là khá phổ biến trong dân chúng, nhưng ông cho rằng phát biểu của ông Nghĩa còn ám chỉ đến "tư lệnh ngành giáo dục" là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
"Lẽ ra ông ấy phải là người soi sáng thì ông ấy lại thể hiện sự quê mùa nên người ta giễu ông ấy, chứ còn đối với toàn dân, việc sửa lỗi phát âm là việc lâu dài, phải từ từ", nhà giáo Phạm Toàn nói với VOA.
Đây không phải là lần đầu tiên "nói ngọng" được đưa ra trên bàn nghị sự của Quốc hội. Tại kỳ trả lời chất vấn tại Quốc hội hồi tháng 6, vấn đề phát âm cũng đã được các đại biểu quốc hội đặt ra cho ông Nhạ, bên cạnh những vấn đề lớn của ngành giáo dục như "chuẩn giả", học tủ, học lệch…
Ông Phùng Xuân Nhạ "nổi tiếng" về tật nói ngọng. Một trong số những đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại phần trả lời của ông trước chất vấn của đại biểu quốc hội về vụ 24 cô giáo bị cán bộ điều đi "tiếp khách", trong đó ông nói :
"Cán bộ địa phương cũng nà vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi nàm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây nà một hoạt động rất nà đáng tiếc. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng rút kinh nghiệm. Để xã hội nóng nên về vấn đề này thì rõ ràng nà không được. Linh hoạt phải trong chừng mực, chứ còn linh hoạt mà để xã hội nóng nên như thế thì đấy nà, nà không được".
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, ông Phùng Xuân Nhạ cũng là người nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhất trong số 48 quan chức cấp cao Việt Nam, với 137 phiếu tín nhiệm thấp (28,25%).
Trong phiên thảo luận chiếu 8/11, ngoài tình trạng "nói ngọng", Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị ngành giáo dục phải tăng cường bồi đắp đạo đức cho học sinh vì theo ông "đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại".
Khánh An
Bản dự thảo Nghị định quy định chi tiết về Luật An ninh mạng được cho là do Bộ Công an soạn thảo đang gây bất an cho người dân.
Luật An ninh mạng bị chỉ trích và phản đối sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018. Photo Cyber.co
Trong khi giới chuyên gia, công chức, doanh nghiệp lo ngại về những tác động xấu mà luật này có thể gây ra cho nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam, giới hoạt động xã hội và nhiều người dân nói luật này là công cụ mà chính quyền sẽ sử dụng để ‘xâm hại thô bạo’ quyền riêng tư của người dân.
Truyền thông nhà nước cho biết Bộ Công an vừa có cuộc họp vào ngày 9/10 và cơ bản đã hoàn thành 3 văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng. Trong buổi họp, Bộ trưởng Tô Lâm-trưởng ban soạn thảo-nhấn mạnh đến tính "quan trọng và phức tạp" của các văn bản này vì có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước, dính dáng đến nhiều bộ ngành và "được sự quan tâm rất lớn từ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước", theo báo Công An Nhân Dân.
Tin cho hay tướng Tô Lâm đã yêu cầu Thường trực Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo các văn bản trước khi ban hành. Tuy nhiên, việc tiếp cận các văn bản dự thảo lại hoàn toàn "không dễ", theo lời của Luật sư Trần Vũ Hải.
Phát biểu trên trang Facebook cá nhân, vị luật sư được biết tiếng ở Hà Nội cho rằng "rất nhiều quy định bóp nghẹt cư dân mạng và doanh nghiệp từ các dự thảo này".
Trong khi đó, Luật sư Trần Đức Hoàng, qua Facebok cá nhân, nêu thắc mắc "không hiểu vì lý do đặc biệt gì" mà dự thảo nghị định An ninh mạng được thông qua với thủ tục rút gọn trong 20 ngày và không lấy ý kiến rộng rãi ? Ông cảnh báo "nếu không được xem xét và lấy ý kiến kỹ càng từ các chuyên gia, doanh nghiệp và nhân dân, thì chúng có khả năng ‘phá hoại’ thay vì ‘xây dựng’", và có thể biến Cục An ninh mạng trở thành một "siêu cục" với quyền lực vô cùng hùng mạnh, có thể quyết định việc kinh doanh trên internet của doanh nghiệp.
Theo văn bản được cho là dự thảo Nghị định An ninh mạng đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thì các quy định trong dự thảo này càng thắt chặt hơn những đòi hỏi vốn đã gây ra nhiều tranh cãi và quan ngại của Luật An ninh mạng khi nó được thông qua hồi tháng 6.
Theo nghị định này, các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng xã hội, email, video, tin nhắn, trò chơi, ngân hàng, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử… tại Việt Nam phải đặt văn phòng và lưu trữ dữ liệu bên trong lãnh thổ Việt Nam.
Các công ty cũng được yêu cầu phải lưu trữ các thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ như họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính, sức khỏe, quan điểm chính trị, mối quan hệ xã hội, sinh trắc học… và phải cung cấp cho giới hữu trách khi có yêu cầu.
Sau khi văn bản dự thảo Nghị định An ninh mạng được "tuồn" lên mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ lo ngại rằng những thông tin "rất cá nhân, rất riêng tư" của họ sẽ bị phơi bày, tệ hơn nữa, là bị các đại công ty như Google, Facebook "bỏ rơi" một khi họ không thể tuân thủ toàn bộ các yêu cầu của Luật vào ngày 1/1/2020.
Hiện số lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam là khoảng 64 triệu người, chiếm hơn 70% dân số.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, cho rằng một số yêu cầu của Luật "vượt quá khuôn khổ về an ninh mạng", khiến các công ty nước ngoài "khó mà tuân thủ".
Ông nói : "Nếu các công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài không đồng ý, điều đó có thể bất lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như cho cộng đồng sử dụng mạng tại Việt Nam".
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chuyên trách về Đông Nam Á ra tuyên bố về Luật An ninh mạng của Việt Nam vào ngày 14/06/2018.
Cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại Luật An ninh mạng có thể "gây cản trở lớn" cho việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hiện đang được vận động mạnh mẽ để được phê chuẩn tại Châu Âu.
"EU hiện là thị trường chiếm 19-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Kinh tế của Liên minh Châu Âu và kinh tế Việt Nam bổ sung cho nhau nên hai nền kinh tế đều được hưởng lợi nếu hiệp định thương mại tự do đó được thông qua và thực hiện", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm.
Theo ông, nếu đông đảo dân biểu ở Châu Âu phản đối Luật An ninh mạng, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho việc thông qua hiệp định mà Việt Nam đã mất nhiều năm đàm phán.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với VOA rằng Luật An ninh mạng là một công cụ mới của chính quyền để kiểm duyệt người dân.
"Nếu tôi là EU, tôi sẽ nói rằng chúng tôi không thể ký hiệp định với các ông được vì luật an ninh mạng của các ông quá khái quát, mơ hồ, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng, và nhắm vào những người chỉ đơn giản bày tỏ ý kiến phê bình chính quyền", ông Robertson nói.
Tổ chức HRW hồi tháng 6 kêu gọi Việt Nam phủ quyết Luật An ninh mạng "đầy vấn đề" này.
Kể từ khi được thông qua vào tháng 6, ngoài những phản đối, kiến nghị của người dân trong nước, nhiều tổ chức, dân biểu, cơ quan nghiên cứu quốc tế cũng đã nêu quan ngại về Luật An ninh mạng, cho rằng các quy định của luật này "xâm hại thô bạo" quyền riêng tư của người sử dụng, thay vì tập trung vào vấn đề cốt lõi là bảo vệ an ninh mạng.
Nhiều chuyên gia quốc tế đặc biệt chỉ trích quy định của Luật buộc các công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài phải "địa phương hóa" cơ sở dữ liệu vì cho đây là một "bước lùi lớn" gây cản trở cho việc hội nhập của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Thậm chí theo họ, quy định này còn đặt Việt Nam vào nguy cơ vi phạm các cam kết đã ký trong tư cách là thành viên của các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), vốn luôn cổ xúy cho thương mại tự do và tối thiểu hóa các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Khánh An
Nguồn : VOA, 12/10/2018
Việt Nam xây công viên Castro trăm tỷ, ca ngợi quan hệ ‘anh em mẫu mực’ với Cuba
Trong khi Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi mối quan hệ Việt Nam-Cuba là "anh em mẫu mực" và "đoàn kết thủy chung", một nhà quan sát cho rằng đây chỉ là một cách "nuôi dưỡng biểu tượng"
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên Bộ Chính trị Cuba Salvado Valdés Mesa tại Hà Nội. Ảnh : TTXVN.
Tiếp đón long trọng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, Salvado Valdés Mesa, tại Hà Nội hôm 13/9, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi mối quan hệ "anh em mẫu mực" và "đoàn kết thủy chung" giữa hai nước.
Nổi bật nhất trong một loạt hoạt động nhằm kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng "giải phóng miền Nam Việt Nam" (tháng 9/1973) là công viên "trăm tỷ" Fidel Castro với tượng đài lãnh tụ Cuba ở Quảng Trị, dự kiến khánh thành vào ngày 15/9.
Quan hệ "mẫu mực"
Tường thuật về buổi tiếp đón "thân mật" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Ủy viên Bộ Chính trị Salvado Valdés Mesa và đoàn đại biểu Cuba sang thăm Việt Nam, trang mạng của Ban Tuyên giáo nói ông Trọng nhấn mạnh rằng kỷ niệm 45 năm là dịp để "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự tri ân đối với lãnh tụ Fidel, với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em ; đồng thời là dịp để hai nước cùng tôn vinh mối quan hệ anh em mẫu mực, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, đoàn kết thủy chung giữa Việt Nam-Cuba".
Người đứng đầu Đảng cộng sản cũng cám ơn Cuba đã "luôn ủng hộ Việt Nam một cách chân thành, chí tình chí nghĩa trong mọi thời kỳ" và nói rằng mối quan hệ Việt Nam-Cuba là "tài sản vô giá" cần phải ra sức giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền lại cho các thế hệ sau", vẫn theo tờ báo chuyên về công tác "tuyên truyền" của Đảng cộng sản.
Nhận định về những lời tán dương cũng như các hoạt động tiếp đón long trọng mà các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam dành cho các đại diện Bộ Chính trị và nhà nước Cuba, nhà quan sát chính trị-thời sự Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng điều này "không có gì lạ", bởi Việt Nam vẫn cần phải "bám lấy những biểu tượng như thế để tô vẽ cho cái gọi là tính chính đáng của chế độ".
"Đối với một chế độ, biểu tượng nhiều khi rất quan trọng nên người ta phải bỏ công, bỏ sức ra để nuôi dưỡng những biểu tượng như vậy", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Cuba, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, là "chẳng có gì mẫu mực và cũng không đáng để ai noi gương cả". Ngoài những lời "tự tôn nhau lên", Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chỉ cần nhìn vào quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước thì cũng thấy rõ thực chất mối quan hệ này.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam cho hay kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cuba năm 2016 chỉ đạt 249,8 triệu đôla, đến năm 2017 giảm xuống còn 224,3 triệu đôla, một con số rất nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại khoảng 400 tỷ đôla của Việt Nam.
Tuy vậy, Việt Nam và Cuba vẫn rất "tâm đầu ý hợp" về quan điểm duy trì vị trí cầm quyền độc tôn của Đảng cộng sản, bất chấp việc Cuba gần đây đề cập đến ý định từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, một "ảo vọng đã bị nhân loại vứt vào sọt rác từ lâu", theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Công viên "trăm tỷ"
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Ủy viên Bộ Chính trị và đoàn đại biểu Cuba cũng được dẫn đi thăm nhiều di tích cách mạng như cầu Hiền Lương, lô cốt Đông Hà ở Quảng Trị và Bệnh viện Việt Nam-Cuba-Đồng Hới ở Quảng Bình…
Tuần trước, chính quyền tại tỉnh Quảng Trị chỉ thị phải gấp rút hoàn thành công viên Fidel Castro để kịp khánh thành vào ngày 15/9 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày lãnh tụ Cuba đến thăm "vùng giải phóng" vào năm 1973.
Tượng bán thân Fidel Castro trong công viên mang tên ông ở Quảng Trị.
Truyền thông Việt Nam cho hay công viên Fidel Castro rộng 16 ha được khởi công từ năm 2015, với mức đầu tư 115 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ lấy từ ngân sách trung ương, phần còn lại từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất dự án.
Giữa công viên có một bức tượng bán thân ông Fidel Castro cao 1,45 met và được khắc bên dưới câu nói của ông Castro "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết dự án này đã Ban Bí thư Trung ương đảng cho phép.
"Một điều rất mỉa mai là bản thân ông Fidel Castro trước khi chết đã để lại di chúc tại Cuba là cấm không được làm quảng trường, tượng đài gì cả. Thế nhưng ở Việt Nam thì người ta vẫn làm chuyện ấy, bất chấp ý nguyện của ông Fidel Castro, là bởi vì lợi ích riêng của Đảng cộng sản Việt Nam là cần phải nuôi dưỡng biểu tượng", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét.
Chủ tịch Fidel Castro là lãnh đạo quốc tế duy nhất trong thời chiến tranh Việt Nam đã vượt vĩ tuyến 17, thăm "vùng giải phóng" ở Quảng Trị và gặp gỡ các đại diện của chính quyền miền Bắc Việt Nam.
Với mục tiêu "làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược", chuyến đi thăm Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 5/9 có thể liên quan đến các vấn đề hợp tác chính trị, kinh tế, giải quyết vụ Trung Quốc cản trở hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft khai thác dầu khí tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và có thể có cả chủ đề "tế nhị" là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, theo nhận định của một số chuyên gia.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Sochi ngày 25/11/2014.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Nga từ ngày 5/9 – 8/9. Trả lời hãng thông tấn Nga TASS trước chuyến đi, ông Nguyễn Phú Trọng nói "chuyến thăm chính thức tới Liên bang Nga lần này của tôi nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, tăng cường sự gắn bó chiến lược và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực".
Tổng bí thư Việt Nam cũng không quên đề cập đến truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đối với sự giúp đỡ "to lớn, chí tình và hiệu quả" của Liên Xô trước đây.
"Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên", ông Trọng nói với thông tấn TASS.
Tìm đường ra cho xuất khẩu
Nhắc đến quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, ông Trọng thừa nhận hai nước hiện chưa phát triển tương xứng với "quan hệ chính trị tốt đẹp", khi kim ngạch thương mại giữa hai bên chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ đôla trong năm 2017, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một chuyên gia phân tích kinh tế-chính trị tại Việt Nam, cho rằng trong tình cảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ thị trường Âu-Mỹ, thì khả năng ông Trọng đi Nga để thúc đẩy xuất khẩu là có thể xảy ra.
"Vì Việt Nam hiện nay thực sự càng ngày càng bế tắc về các kênh xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ và cộng đồng Châu Âu, là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện nay đều gặp khó khăn vì những hàng rào thuế quan", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói.
Tuy nhiên theo ông, nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh tế, thì người đi sang Nga lần này sẽ không phải là ông Trọng, mà sẽ là một lãnh đạo nhà nước khác.
Đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho rằng mục tiêu hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế sẽ là những nội dung chính nằm trong nghị trình làm việc, trong đó nổi lên hàng đầu vẫn là việc giành thêm ủng hộ, hỗ trợ từ Nga để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông nói : "Việc đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga có mục tiêu là Việt Nam có được điều kiện kiện tốt hơn, được ủng hộ về mặt chính trị và quốc phòng để có thể xử lý những vấn đề ở Biển Đông".
Cụ thể hơn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng có thể ông Trọng lần này sẽ đề cập đến việc giải quyết bế tắc trong dự án khai thác dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft, tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu.
Nhân viên Việt Nam của tập đoàn Rosneft làm việc ở mỏ khí Lan Tây trên Biển Đông.
Hồi tháng 5, Trung Quốc lên tiếng tuyên bố không cho phép bất kỳ ai tiến hành khai thác dầu khí ở "vùng biển của Trung Quốc" khi chưa có sự đồng ý của Bắc Kinh, sau khi Reuters tường thuật rằng Rosneft Vietnam BV lo ngại bị Trung Quốc gây sức ép trong dự án hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam.
Chi nhánh của tập đoàn Rosneft sở hữu 35% cổ phần và giữ vai trò điều hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại, thuộc Lô 06.1, cách bờ biển Việt Nam 370 km về phía đông nam. Lô này lại nằm trong khu vực đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh vạch ra và tuyên bố chủ quyền trên đó.
Tình trạng Rosneft Vietnam BV bị Trung Quốc "bắt chẹt" khiến nhiều người quan ngại dự án khai thác dầu khí của Rosneft cũng sẽ cùng chung số phận với các dự án khai thác dầu mà Việt Nam hợp tác với các nước đã bị đình chỉ trước đó ở lô Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng "Chuyến đi này của ông Trọng chắc cũng phải đề cập đến mỏ Lan Đỏ và có sự thúc giục đối với người Nga để họ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, phải thu xếp làm sao để Trung Quốc không can thiệp vào mỏ Lan Đỏ để tập đoàn Rosneft của Nga, liên doanh với PetroVietNam, khai thác mỏ Lan Đỏ, cứu vãn ngân sách của Việt Nam".
Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói mặc dù Nga và Trung Quốc gần đây có chiều hướng gần nhau hơn nhưng đây không phải là mối quan hệ "đồng minh". Vì vậy, Việt Nam "không cần phải hy vọng quá nhiều" vào việc Nga sẽ thay đổi quan điểm chính của mình về vấn đề Biển Đông, đó là không nên có sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông, "nhưng có thể hy vọng rằng vì nước Nga cũng có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, đặc biệt trong quan hệ song phương với Việt Nam về an ninh lẫn kinh tế, đặc biệt trong khai thác dầu khí, thì Nga sẽ có một vai trò nào đó trong việc kiềm chế cả Trung Quốc lẫn các nước khác".
Cả hai chuyên gia đều cho rằng chắc chắn việc hợp tác về an ninh, quốc phòng, cụ thể là các cam kết về việc Nga cung cấp các thiết bị quân sự cho Việt Nam, cũng sẽ được đề cập đến trong chuyến đi lần này của ông Trọng.
Vụ Trịnh Xuân Thanh
Ngoài các chủ đề lớn trên, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng có thể một chủ đề "tế nhị" liên quan đến hai nước cũng sẽ được nhắc đến trong chuyến thăm, đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Theo các nhà điều tra Đức và Slovakia, các giới chức Việt Nam đã sử dụng máy bay mượn của chính phủ Slovakia để áp giải Trịnh Xuân Thanh từ Slovakia sang Moscow, Nga, rồi từ đó trở về Việt Nam.
Cho đến nay, chính phủ Nga hoàn toàn chưa lên tiếng về vụ bắt cóc này. Vì vậy, theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nếu vụ Trịnh Xuân Thanh được đề cập tới trong chương trình nghị sự giữa hai bên lần này, thì sẽ có nhiều khả năng mở ra.
"Nga sẽ lên tiếng như thế nào về vụ này ? Hay là Nga sẽ im lặng ? Nếu quả thực có việc đưa Trịnh Xuân Thanh qua Moscow thì Nga có bao che cho Việt Nam hay không ? Nga có đánh đổi vị trí nước lớn để bao che cho Việt Nam hay không ? Hay Nga sẽ giữ vị trí cường quốc, không bao che cho Việt Nam và minh bạch hóa vấn đề này theo yêu cầu của cảnh sát Đức, giới ngoại giao quốc tế và cảnh sát Châu Âu".
Trong thông báo chính thức hôm 31/8, Điện nói Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Sochi vào ngày 6/9, và "Những vấn đề khu vực và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ được bàn thảo, và nhiều hiệp định song phương sẽ được ký kết", thông báo nói.
Khánh An
Nguồn : VOA, 05/09/2018
*******************
Nguyễn Phú Trọng : Việt Nam ưu tiên quan hệ đối tác chiến lược với Nga (RFA, 05/09/2018)
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 5/9 đã lên đường thăm chính thức Liên bang Nga trong chuyến đi kéo dài đến ngày 8/9 theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hình minh họa. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở trụ sở đảng Cống sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 12/11/2013 - AFP
Trả lời hãng thông tấn TASS của Nga trước chuyến thăm, ông Nguyễn Phú Trọng nói chuyến thăm lần này của ông nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Truyền thông trong nước cho biết, Tổng thống Putin sẽ gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 6/9 ở Sochi và hai bên sẽ thảo luận các vấn đề về hợp tác chiến lược hai bên cũng như các vấn đề khu vực. Một số những thỏa thuận song phương sẽ được ký nhân dịp này.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ nhiệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga vào năm 2019 và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với TASS rằng Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Việt Nam và Liên bang Nga đã nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện vào năm 2012.
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, về kinh tế - thương mại, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Á - Âu có hiệu lực vào tháng 10/2016, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng khoảng 30% trong hai năm qua, đạt khoảng 3,5 tỷ USD năm 2017. Hai bên mong muốn đưa mức này lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Nga hiện đứng thứ 22 trong số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD.
Nga cũng là quốc gia bán nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam.
Giữa lúc cả bộ máy chính trị, từ Tổng bí thư, Thủ tướng đến truyền thông, đồng loạt lên tiếng nói rằng lòng yêu nước của người dân đã "bị lợi dụng" trong các cuộc biểu tình hai tuần qua, thì một số chuyên gia, ngược lại, cho rằng chính quyền nên "lợi dụng" dịp này để thể hiện tinh thần "cầu thị", lắng nghe người dân và tổ chức một cuộc "trưng cầu dân ý".
Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, một trong ba "đặc khu" trong Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội vào sáng 17/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng các cuộc biểu tình phản đối Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) có "bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước" của người dân.
Dẫn chứng cho kết luận của mình, theo Zing, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam phân tích : "Quyết định dừng lại để lắng nghe có thêm thời gian hoàn thiện từ chiều mùng 8/6, sao mùng 10-11/6 lại vẫn cứ đi biểu tình phản đối luật đó ? Tức là chứng tỏ có ý đồ khác rồi".
Tiếp lời ông Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay ngày hôm sau, 18/6, nói với các cử tri ở Tiên Lãng, Hải Phòng, rằng nhân dân đã "hiểu nhầm nội dung luật pháp, nhất là dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng" vì "bị kẻ xấu, phản động lợi dụng, kích động", theo Dân Trí.
Dồn dập hưởng ứng phát biểu của những người đứng đầu, truyền thông trong nước đồng loạt đưa nhiều bài viết với nội dung tương tự, dẫn chứng phát biểu của nhiều người, kể cả giới văn nghệ sĩ, "cảnh báo" người dân chớ để bị lợi dụng, khiến những người này bị "ném đá" không ít trên mạng xã hội.
Nhận định với VOA về kết luận và cách ứng phó của chính quyền, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói : "Một số người dân có thể bị kích động, nhưng số ấy quá ít. Còn tuyệt đại đa số thì không ai bị lừa cả. Nhận thức của họ rất cao".
Tuần trước, Quốc hội Việt Nam đã có bước "nhượng bộ" khi chính thức quyết định hoãn đưa Luật Đặc khu ra biểu quyết vào ngày 11/6, sau khi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước vào ngày 10/6. Tuy nhiên, quyết định này có vẻ như vẫn chưa xoa dịu được tình hình. Người dân tiếp tục xuống đường ngày 17/6 với quy mô nhỏ hơn, do tình trạng an ninh thắt chặt ở nhiều nơi.
Biểu tình tại Sài Gòn vào ngày 16/6/2018. Ảnh : FB Trần Tiến Dũng.
Nội dung của một số khẩu ngữ, băng rôn trong các biểu tình và trên mạng xã hội cho thấy, người dân đòi hỏi chính quyền phải "hủy", chứ không chỉ "hoãn" biểu quyết Luật Đặc khu. Để quyết định điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý, và theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đây là một đòi hỏi thỏa đáng của người dân.
Ông nói : "Nhận thức của người dân ngày càng cao nên người ta nhận ra dự luật ấy có nhiều vấn đề. Cho nên người ta biểu đạt ý kiến bằng biểu tình, đưa ý kiến trên mạng, trong các cuộc họp hoặc rất nhiều hình thức đa dạng khác, dẫn đến một nhu cầu là cần phải có trưng cầu dân ý hoặc phải có sự bàn bạc tốt hơn. Điều đó là thỏa đáng thôi".
Theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS, Luật Đặc khu liên quan đến vấn đề đất đai, lãnh thổ, là một trong những vấn đề "hệ trọng" cần phải hỏi ý dân.
"Hiến pháp quy định những việc liên quan đến chiến tranh, hòa bình, đất đai, lãnh thổ thì phải hỏi ý kiến người dân, tức là phải trưng cầu dân ý", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết.
Một chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cũng ủng hộ việc thực hiện trưng cầu dân ý đối với Dự luật về Đặc khu. Nhưng theo ông, "ít có hy vọng" việc này trở thành hiện thực vì Việt Nam vẫn chưa có luật quy định về việc trưng cầu dân ý.
Theo ông, trong trường hợp nếu có trưng cầu dân ý, "thì phải làm rõ những điều gì vượt quá phạm vi quy định của luật để phải trưng cầu dân ý. Lúc bấy giờ mới có thể thuyết phụ được [người dân]".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là một trong số rất nhiều nhà kinh tế cho rằng chính phủ Việt Nam cần phải đánh giá lại một cách thận trọng về Dự luật Đặc khu, trong bối cảnh mô hình này đã lỗi thời, khả năng thành công thấp, chưa kể tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn đến bất ổn và khó quản lý nền kinh tế.
Trong bài phát biểu hôm 17/6, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định quá trình đưa ra Dự luật Đặc khu đã được làm "rất thận trọng, thảo luận qua mấy kỳ họp, thống nhất tương đối cao", và "chủ trương nhất quán" này chỉ "vì nước, vì dân thôi chứ không có mục đích nào khác".
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, mặc dù Dự luật Đặc khu trước đó có được đưa ra lấy ý kiến, nhưng các ý kiến có vẻ như "ít hơn bình thường", và đây mới là lúc người dân bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng về dự luật này.
Các chuyên gia còn cho rằng thay vì thực hiện các "động tác" như bắt giam người biểu tình, tra xét giấy tờ, ngăn chặn họ…, chính quyền Việt Nam nên "lợi dụng" dịp này để "nhìn thẳng vào sự thật, tìm hiểu lý do, nguyện vọng của người dân, không nên chụp mũ một cách đơn giản là họ bị xúi giục, bị lợi dụng".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng một khi tình hình đã bắt đầu có dấu hiệu "bạo lực" như ở Bình Thuận vừa qua, thì chính quyền nên thể hiện tinh thần "cầu thị" để tránh xảy ra những diễn biến phức tạp hơn.
Khánh An
Nguồn : VOA, 18/06/2018
Khoảng 50 nhà báo không được mời và rất nhiều dân oan Thủ Thiêm đã vây quanh khu vực diễn ra cuộc họp tiếp dân vào sáng 8/6 tại UBND Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi diễn tiến trao đổi giữa chính quyền và 7 người đại diện của họ.
Người dân căng bản đồ quy hoạch, được cho là bị mất, đòi làm việc với Ban Tiếp dân vào ngày 8/6/2018.
Một nhà báo giấu tên có mặt tại hiện trường cho VOA biết :
"Họ mời 5 báo để có người đưa tin, và mời 7 hộ dân. Nhưng chắc họ cũng không lường được là mặc dù mời 5 báo nhưng mình đếm có khoảng chừng 50 báo đến chầu chực ở ngoài cổng. Ở mấy quán cà phê dọc đó thì mỗi quán có chừng một chục phóng viên ngồi viết bài".
Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã trở thành một đề tài "nóng" sau khi chính quyền thành phố cho biết sẽ đấu giá công khai khu "đất vàng" này.
Bà Nguyễn Thị The, người đại diện chính cho các hộ dân khiếu kiện, cho biết trong buổi họp người dân đã yêu cầu Nhà nước phải lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện sai phạm tại Thủ Thiêm.
Bà nói với VOA : "Bây giờ chính quyền sai thì tự sửa với nhau, tự bắt tội nhau. Còn người dân chúng tôi chỉ yêu cầu có chỗ ở để ổn định cuộc sống. Về tinh thần và vật chất, nhà nước không đền bù nổi cho tôi đâu, không thể nào đền bù đủ được".
Người phụ nữ 74 tuổi cho biết bà đã mất cả chồng và con trai trong thời gian diễn ra quy hoạch, giải tỏa để xây dựng khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau khi chồng qua đời vì bị đột quỵ trước tin sốc sắp mất nhà, con trai bà đã ra sức giữ nhà trong khi các lực lượng chính quyền đến cưỡng ép thi công.
"Bức xúc quá, nên nó tự vẫn chết, vì nó biết rằng gia đình khổ. Nói không được. Nói người ta không nghe", bà The kể lại với VOA trong nước mắt.
Bà Huỳnh Thị Hồng Loan kêu khóc với hình ảnh và giấy tờ khiếu kiện trên tay.
Đại diện của các hộ dân cho biết bà đã cùng với những người dân khác lặn lội đi khắp các cơ quan chính quyền để khiếu kiện nhiều năm.
Lần này, bà hy vọng chính quyền sẽ "sửa sai" sau khi vụ việc đã ra tới trung ương và có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc rà soát lại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở Thủ Thiêm.
Tin cho hay trong thời gian diễn ra buổi tiếp 7 người đại diện, hàng chục người dân khác đã căng băng rôn, khóc lóc, kêu gào bên ngoài đòi được vào tham dự cuộc họp. Những người dân này cho rằng việc mời chỉ 7 người đại diện tham dự cuộc họp là không công bằng.
"Cho chúng tôi vào. Chúng tôi chỉ nghe thôi cũng được", VnExpress tường thuật lại lời kêu của người dân khi thấy đại diện chính quyền xuất hiện.
Hàng trăm hộ dân đã rơi vào tình trạng vô gia cư sau các quyết định giải tỏa gây tranh cãi trong suốt 20 năm qua, khi báo chí gần như im bặt tiếng trước lời kêu cứu, khiếu kiện của người dân.
Việc "mở cửa" thông tin, dù khá hạn chế, cho báo chí gần đây được xem là một thành công của mạng xã hội và nền "báo chí công dân". Nhà báo ẩn danh trên thừa nhận với VOA về tình trạng "lực bất tòng tâm" của báo chí Việt Nam. Ông nói :
"Nóng, nhưng bị dập hết rồi. Họ đâu có cho đăng đâu. Thực ra, các báo đi thì cũng là vì tinh thần trách nhiệm mà đi thôi. Chứ phân tích những cái ‘nóng’ thì cũng phải kềm lại bớt".
Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt vào cuối năm 2005 với mục tiêu biến bán đảo này thành một trung tâm thương mại, tài chính với các tòa nhà cao tầng, khu mua sắm, hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến, hiện đại.
Tuy nhiên, việc giải tỏa thi công đã vấp phải nhiều chỉ trích, phản đối của cư dân địa phương. Hàng trăm người dân đã bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất để dành đất cho dự án. Thậm chí, cả một "hội dân oan" đã xuất hiện tại đây sau khi nhà cửa và cả sinh mạng của người thân họ mất đi.
Ngoài các hộ dân cư, một số cơ sở tôn giáo cũng nằm trong diện bị giải tỏa, trong đó có chùa Liên Trì, nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Khánh An
Nguồn : VOA, 08/06/2018