Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một trường học của nhà dòng nằm trong số 9 lô "đất vàng" sắp được mang ra bán đấu giá lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà nguyện tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Thông tin này được chính quyền thành phố đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 2/5, sau khi xuất hiện loạt bài "đấu tố" một nhóm tôn giáo có tên "Hội Thánh Đức Chúa Trời" (hay "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ") trên truyền thông nhà nước. Một linh mục Công giáo hoạt động về truyền thông nhận định với VOA rằng đây có thể là bước "chuẩn bị dư luận" cho việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo sắp tới.
Từ áp lực nhiều phía…
Đại diện của Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, nữ tu Đặng Thị Mỹ Hạnh, tối 2/5 cho VOA biết nhà dòng chưa hề nhận được bất cứ thông báo gì về việc bán đấu giá khu nhà hiện đang là nơi ở của hàng trăm nữ tu.
"Không có một văn thư nào. Chỉ nghe người này người kia nói nên vô trang báo Tuổi Trẻ đọc thông tin thì thấy hơi lạ", nữ tu Mỹ Hạnh nói.
Khu vực Nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm được xem là một di sản văn hóa giữa lòng đô thị phồn thịnh nhất Việt Nam. Các nữ tu của nhà dòng đã có mặt tại vùng đất này từ khi nơi đây vẫn còn là một khu rừng hoang.
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1840 với tài sản ban đầu là căn chòi lá dựng cạnh một gốc me hiện vẫn tồn tại như một chứng tích lịch sử.
Sau đó, nhà dòng dần dần phát triển và xây dựng thêm 3 khu trường học để phục vụ nhu cầu giáo dục của người dân trong khu vực.
"Năm 1975, vì nhu cầu của đất nước và theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình yêu cầu nhà dòng giao trường cho nhà nước để họ dạy học. Lúc đó, nhà dòng đồng ý giao trường với mục đích giáo dục. Đến năm 2011 là hết học trò, họ lại đưa UBND, trụ sở Công an và các văn phòng của họ vào ở, nên các soeur viết văn thư yêu cầu họ trả trường lại, vì chúng tôi hiến cho mục đích giáo dục, nếu không giáo dục nữa thì phải trả cho chúng tôi. Nhưng từ năm 2011 đến nay, họ không giải quyết cho mình. Họ nói rằng cái đó đã giao cho nhà nước rồi thì thuộc về nhà nước", Soeur Mỹ Hạnh cho biết.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai.
Một trong 3 khu nhà của Trường Tiểu học Thủ Thiêm đã bị chính quyền phá dỡ vào năm 2015 để làm đường cho dự án xây dựng đô thị mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực sau đó của chính quyền nhằm "san phẳng" khu vực này đã vấp phải sự phản kháng ôn hòa của các nữ tu và giáo dân.
"Nhà dòng vẫn giữ quan điểm là ở lại, không đi đâu hết, vì mình đã ở đây trên 178 năm rồi. Tên nhà dòng là Thủ Thiêm. Mình đã ở đây, gắn bó bao nhiêu năm rồi. Tên của nhà dòng là ở đây, chẳng lẽ đi đâu rồi đổi tên khác", Soeur Mỹ Hạnh nói.
Nữ tu đại diện cho Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nói nhà dòng vẫn đang chịu rất nhiều sức ép để buộc phải di dời, từ việc đại diện chính quyền đến mời các nữ tu đi xem những khu đất mới, hay nêu ra những "khó khăn" về cơ sở hạ tầng khi người dân xung quanh đã bị buộc phải di dời hết, đến những can thiệp trực tiếp như chặn đường vào nhà dòng, cắt điện, nước… viện lý do dành ưu tiên cho các công trình xây dựng.
…đến tấm bản đồ mất tích bí ẩn
Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nói với VOA rằng quyết định quy hoạch, giải tỏa nhà thờ và tu viện ở Thủ Thiêm có quá nhiều vấn đề khuất tất và cần phải được bàn thảo.
"Thứ nhất, trong quy hoạch ban đầu mà Thủ tướng duyệt, không có quy hoạch nhà thờ và đất của tu viện. Nhà thờ và tu viện hoàn toàn nằm ngoài quy hoạch", Linh mục Thanh nói.
Tại buổi họp báo ngày 2/5, khi báo chí truy vấn về tung tích của tấm bản đồ năm 1996 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thanh Nhã, nói "đã ‘truy tìm’ bản đồ này từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra", theo Zing.
Lý do ông Nhã đưa ra là do cơ quan di chuyển nên không lưu trữ bản đồ.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan lại nói "không phải là không có [bản đồ gốc] mà chưa tìm ra, cơ quan chức năng vẫn đang tìm", theo Tiền Phong.
Và như vậy, tung tích tấm bản đồ quy hoạch gốc vẫn còn là một ẩn số.
Bản đồ quy hoạch mới của Khu đô thị Thủ Thiêm.
Điều "không thỏa đáng" tiếp theo, theo Linh mục Thanh, là việc giải tỏa không hội đủ cơ sở để giải thích cho lý do buộc các cơ sở tôn giáo phải di dời, vì dự án xây dựng khu đô thị mới chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích kinh tế, không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, "Khi khu dân cư được xây dựng xong, thì người dân cũng có nhu cầu phải có một nơi thờ tự. Vậy tại sao trên quy hoạch lại không ưu tiên cho đời sống tâm linh của người dân ?", Linh mục Thanh đặt thêm câu hỏi.
…và ‘chuẩn bị dư luận’ ?
Thông tin về vụ đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm được đưa ra sau khi truyền thông nhà nước rầm rộ đăng loạt bài "đấu tố" Hội Thánh Đức Chúa Trời với những lời lẽ nặng nề, cho rằng nhóm tôn giáo này là một "tà đạo" dựa trên luận điệu phản khoa học, "khiến cho các tín đồ mê muội, bỏ bê công ăn việc làm, gây ly tán gia đình chẳng khác gì tổ chức khủng bố IS".
Loạt bài này đã khiến không ít người dân hoang mang, thậm chí "gây căng thẳng" trong nội bộ các tôn giáo, và giữa người theo tôn giáo và không có tôn giáo, theo lời Linh mục Lê Ngọc Thanh. Ông cho rằng đây có thể là một bước "dọn đường dư luận" để tiến tới việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm sắp tới.
LM Thanh phân tích :
"Sau khi đã chuẩn bị, họ mới công bố việc đấu giá này. Tức là họ dùng dư luận kia để làm cho dân chúng cảm thấy rằng có tôn giáo là sai lầm, bậy bạ, không đứng đắn, và bây giờ nếu có giải tỏa một cơ sở tôn giáo thì cũng là hợp lý, bình thường thôi".
Quyết định giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở khu vực "đất vàng" Thủ Thiêm đã bị chỉ trích ở cả trong nước lẫn quốc tế. Nhiều trí thức Việt Nam cho rằng chính quyền "quá tham lam" và "thiếu tầm nhìn" khi đánh đổi những di sản văn hóa, tôn giáo để đạt được lợi ích kinh tế bằng mọi giá.
Dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, Tổng lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi trên Facebook rằng : "Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada ? Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền Sài Gòn dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng ?".
Tại cuộc họp báo ngày 2/5, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan chức năng phải có phương án di dời các cơ sở tôn giáo trong khu vực và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công.
9 lô đất, với tổng diện tích 78.000 m2, sẽ được quy hoạch thành khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng của đô thị mới Thủ Thiêm. Dự tính tổng mức đầu tư khởi điểm lên đến 27.000 tỷ đồng.
Khánh An
Nguồn : VOA, 03/05/2018
Một số chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận định với VOA rằng động thái "phản đối" quen thuộc của Việt Nam trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một "phản ứng cần thiết" theo yêu cầu của luật pháp quốc tế, nhưng "không đủ", thậm chí đang tạo ra một vòng "luẩn quẩn".
Binh lính Trung Quốc tuần tra ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 9/2/2016.
Giải pháp đưa nhau ra Tòa trọng tài Quốc tế, theo họ, là một lựa chọn "ôn hòa" và "tối ưu" mà Việt Nam "không sớm thì muộn" cũng sẽ phải thực hiện.
Trả lời câu hỏi của báo chí hôm 24/4 liên quan đến việc Trung Quốc vừa lắp đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối các động thái này, cùng một loạt hành động khác của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây như cho tàu You Lian Tuo 9 thi công dưới nước, và tổ chức cuộc đua thuyền buồm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói các hành động của Trung Quốc "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam", "trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".
Phía Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải "chấm dứt ngay" các hoạt động trên và "tôn trọng" chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhận xét về phản ứng "quen thuộc" của Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng đây là một phản ứng cần thiết và "phù hợp với quan điểm của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế".
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà sử học nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, cũng đồng ý với quan điểm này và giải thích thêm :
"Bởi vì nếu không phản đối, theo luật pháp quốc tế, là công nhận những gì Trung Quốc làm là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên đó là một việc làm đương nhiên".
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, động thái "phản đối" của Việt Nam sau mỗi hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông là "không đủ" và đang tạo ra một vòng "lẩn quẩn".
Ông nói : "Nó sẽ không đủ vì Trung Quốc hung hăng lắm. Họ cứ thế mà làm thôi. Việt Nam cứ phản đối, còn họ cứ làm. Và cuối cùng thì bây giờ trên thực tế đang có vấn đề lẩn quẩn".
Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra sau khi thông tin về việc Trung Quốc lắp đặt thiết bị quân sự gây nhiễu sóng tại quần đảo Trường Sa được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ trên báo chí Mỹ ngày 9/4, giữa lúc Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc tập trận được đánh giá là "lớn nhất từ trước tới nay" ở Biển Đông.
Trong tuyên bố gửi cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ tại buổi điều trần hôm 17/4, Đô đốc Mỹ Philip Davidson cho rằng Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông, và chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn chặn nước này "thâu tóm" toàn bộ khu vực.
Đô đốc Philip Davidson điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ ngày 17/4/2018.
Trước những diễn tiến dồn dập, mà một số giới chức Mỹ cho là Bắc Kinh "tăng tốc quân sự hóa" khu vực Biển Đông, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang bị đẩy tới chỗ phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án trọng tài Quốc tế.
"Hướng duy nhất, theo tôi, là đưa ra tòa. Không có con đường nào khác cả", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.
Theo ông, mặc dù việc kiện tụng không đảm bảo sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề tranh chấp (như kinh nghiệm của Philippines), nhưng "không sớm thì muộn", Việt Nam sẽ phải lựa chọn giải pháp này vì đây là phương pháp đấu tranh "ôn hòa" và "tối ưu nhất".
Còn theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Việt Nam sẽ nắm nhiều phần thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Vì theo ông, chủ quyền của Việt Nam trong khu vực là một "sự thật lịch sử" không thể chối cãi, với nhiều chứng cứ có thể tìm thấy ở các nước.
"Nước Pháp là một trong những nước mà tôi nghĩ nắm rất rõ về quá trình xác lập chủ quyền ra sao. Chỉ có điều, như tôi từng nói, Trung Quốc có hơn cả ngàn luận văn nghiên cứu về Biển Đông, trong khi Việt Nam lại có quá ít", Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết.
Đầu tuần này, báo chí Trung Quốc cho biết nước này vừa khánh thành một tượng đài trên Đá Chữ Thập, nơi Bắc Kinh xây dựng thành đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự và đường băng, với lý do là để "đánh dấu các công trình xây dựng ở Biển Đông".
Một nghị sĩ của Philippines, ông Gary Alejano, ngày 24/4 lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc này, nói rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên đảo nhân tạo là "một cái tát" vào mặt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Tại cuộc họp báo ngày 24/4, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc nói : "Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đá chủ yếu là nhằm cải thiện các cơ sở liên quan trên đảo, đá, cũng như điều kiện sống và làm việc cho nhân viên tại đây, để Trung Quốc có thể thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình, chu cấp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế và giúp bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc và các nước trong khu vực".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 26/04/2018
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa cho biết trọng tâm của bộ này trong năm mới là tiếp tục tái cơ cấu quân đội, "kiên quyết giải quyết quân số dôi dư" để thực hiện chiến lược quân đội "tinh, gọn, mạnh, linh hoạt" đến năm 2021, theo chủ trương đã được Bộ Chính trị thông qua.
Lính Hải quân đánh bộ Lữ đoàn 147 (Quân chủng Hải quân) - Ảnh Tiền Phong.
Trong bài phỏng vấn với TTXVN nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, cho biết tái cơ cấu quân đội là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Theo đó, bộ này sẽ "điều chỉnh một số cơ quan, đơn vị theo kế hoạch ; quản lý chặt chẽ đầu vào, kiên quyết giải quyết quân số dôi dư" và "đảm bảo không tăng quân số trong toàn quân".
Phân tích thêm với VOA về chiến lược "tinh, gọn" quân đội này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp về Chính trị, Quốc phòng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho biết :
"Sắp xếp lại, hay tái cơ cấu, là họ sẽ bỏ bớt những phần không liên quan trực tiếp đến quốc phòng. Ví dụ, những khu vực phục vụ không cần thiết nữa thì họ bỏ đi. Còn những phần liên quan đến quốc phòng, tức thuộc khối tham mưu, thì vẫn theo cách cũ là ‘tiến trực tiếp, tiến nhanh’ lên hiện đại hóa, đó là hai khu vực phòng không không quân và hải quân. Còn một lực lượng thứ 3 mới lập ra là lực lượng 47, tức là lực lượng tác chiến không gian mạng, thì họ bắt đầu xây dựng lực lượng rất nhanh".
Các lĩnh vực khác mà quân đội tiếp tục đẩy mạnh, theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, là chiến lược hiệp đồng tác chiến giữa các quân chủng, binh chủng và phát triển các học thuyết tác chiến hiện đại nhưng vẫn dựa trên nền tảng từ trước tới nay gọi là "quốc phòng toàn dân".
Tàu ngầm lớp Kilo của Nga là một trong những vũ khí mà Việt Nam trang bị trong chiến lược hiện đại hóa quân đội.
Việt Nam trong những năm gần đây được nhắc đến là một trong những quốc gia bỏ tiền nhiều nhất trong khu vực để đầu tư vào việc hiện đại hóa quân đội.
Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2005 – 2014, quốc gia Đông Nam Á đã tăng chi tiêu quân sự lên gần 400%, theo số liệu của trang web export.gov của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây xếp Việt Nam nằm trong số 30 nước chi tiêu quân sự cao nhất thế giới trong năm 2016 so sánh với tỷ lệ tăng trưởng GDP.
"Người ta làm thế bởi vì tình hình xung quanh phức tạp. Phức tạp nên họ buộc phải bỏ tiền nhiều hơn trong so sánh với phát triển kinh tế", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định.
Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS, việc đổ tiền mua sắm để hiện đại hóa quân đội của Việt Nam khó có thể kéo dài lâu vì thực lực kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, "lấy tinh bù lượng" là lựa chọn duy nhất của Việt Nam để đối phó lại với những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trong khu vực.
"Cách quân đội làm bây giờ là vẫn theo cách trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay tận dụng, bởi vì đất nước Việt Nam nghèo quá. Nghèo thì quân đội khó mà mạnh được. Vậy chỉ còn cách hiện đại hóa và tiết kiệm, để có được chiến lược quân sự tốt, chiến thuật tốt, công nghệ tốt, vũ khí tốt", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.
Theo đó, không quân và hải quân được Việt Nam chọn để "trực tiếp hiện đại hóa", còn các khu vực khác sẽ "từng bước hiện đại hóa", theo lời nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp.
Hình ảnh chụp từ về tinh cho thấy những khu vực Trung Quốc xây dựng và lắp đặt cơ sở quân sự ở đảo Phú Lâm, nơi có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông.China Sea. (Courtesy of Stratfor)
Ngoài việc tập trung tái cơ cấu, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết trong năm mới, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc hợp tác quốc phòng song phương với các nước một cách "thực chất, ổn định, đảm bảo cân bằng mối quan hệ với các nước lớn", và tổ chức các cuộc tuần tra chung với các nước láng giềng.
Việt Nam đóng một vị trí quan trọng trong cuộc tranh chấp chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu vừa mới công bố cuối tháng trước về khả năng Việt Nam đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, nhà phân tích quân sự cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách của Chính phủ Mỹ Derek Grossman nói bằng việc phát triển và lựa chọn tăng cường các khả năng quân sự, trong đó có việc mua sắm các tàu ngầm lớp Kilo, chiến đấu cơ Su-30MK2…, "Hà Nội có thể đã đạt được mục tiêu cốt lõi là thuyết phục Bắc Kinh về những thách thức sẽ phải đối mặt trong một cuộc xung đột quân sự [nếu có] với Việt Nam ở Biển Đông".
Khánh An
Nguồn : VOA, 16/02/2018
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng vụ xử cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh tại PVN là một sự tính toán kỹ lưỡng, có tính "mưu lược" để vừa đạt mục tiêu đằng sau chiến dịch chống tham nhũng, vừa không để xảy ra "vỡ bình".
Vụ đại án PVN nằm ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự nổi tiếng ở Việt Nam, nhận định với VOA rằng vụ xét xử các quan chức ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tuy được khoác áo là vụ án kinh tế nhưng lại "sặc mùi chính trị".
Ông nói :
"Khi người ta đưa ra xử chóng vánh như thế, ít ra là đối với ông Thăng, thì đấy là một sự tính toán có thể rất mưu lược. Bởi vì nếu xử dở, xử lấy lệ thì rất có hại cho họ. Nhưng nếu xử rất nghiêm túc thì lúc đấy có thể còn có hại hơn nữa bởi vì sẽ đụng đến không biết bao nhiêu người. Người ta phải gói vụ này chỉ ở trong một vài cái liên quan đến ‘Cố ý làm trái’ thôi. Nếu làm nghiêm túc ra, tôi nghĩ không chỉ Tập đoàn Dầu khí mà còn có nhiều tập đoàn khác. Lúc đó chắc chắn bình sẽ vỡ. Và đấy là lựa chọn mà người ta phải tính để làm".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vụ án được công luận chú ý suốt hơn một tuần qua đơn thuần là một "màn trình diễn".
Theo phân tích của nhà vận động xã hội dân sự Việt Nam, ngay từ động thái dời ngày áp dụng Bộ Luật Hình sự mới, mà lẽ ra áp dụng vào đầu tháng 7/2017, sang đầu năm 2018 đã là một sự tính toán.
"Giá mà Bộ Luật Hình sự này không hoãn lại, thì tội ‘Cố ý làm trái quy định kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ là chẳng có tội gì. Nhưng người ta đã cố hoãn lại để đến 1/1 năm nay mới không còn cái tội như thế. Trong vụ ông Đinh La Thăng, người ta đã cố khởi tố trước ngày 1/1, tức là vào mấy ngày cuối của năm ngoái, còn những ông liên quan thì đã khởi tố trước đó. Cho nên đối với một vụ án ‘diễn’ như thế này thì chẳng có căn cứ gì để đánh giá cả".
Luật sư Phạm Công Út, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Bộ Luật Hình sự mới có sự phân định rõ ràng về vai trò của các đối tượng trong một vụ án đồng phạm như vụ PVN.
Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác bị xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản", gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
"Theo Bộ Luật Hình sự mới áp dụng ngày 1/1/2018 thì đây là một vụ án đồng phạm. Về đồng phạm, người ta xá định có 4 vị trí : người chủ mưu, người xúi giục, người giúp sức và người thực hành. Trong vụ án ông Đinh La Thăng, hành vi của ông ấy bị cáo buộc về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế. Vụ án ‘Cố ý làm trái’ này có nhiều đồng phạm. Người ta sẽ phân định ai là người chủ mưu cố ý làm trái, ai là người giúp sức, ai là người thừa hành, ai là người xúi giục. Người lãnh đạo có phải là người chủ mưu hay không, thì ở đây các luật sư sẽ có ‘đất diễn’. Họ sẽ bằng lý lẽ thuyết phục rằng ông Đinh La Thăng không phải là người chủ mưu mà ông ấy chỉ là người lãnh đạo thôi".
Bất chấp nỗ lực từ phía luật sư và lời phủ nhận của ông Thăng về hành vi "cố ý làm trái", viện dẫn thực hiện theo "chủ trương của Bộ Chính trị", ngày 16/1, Viện Kiểm sát đưa ra kết luận "Bị cáo Đinh La Thăng là chủ mưu xuyên suốt trong vụ án".
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù.
Tương tự, Trịnh Xuân Thanh cũng không thừa nhận tội "Tham ô tài sản" (mà hậu quả có thể lên đến án tử hình), trong khi luật sư của ông Thanh nói nếu chỉ dựa vào lời khai "mờ nhạt, mâu thuẫn" của nhân chứng mà không có chứng cứ thì không đủ căn cứ xác định ông Thanh tham ô.
Trả lời luật sư, Viện Kiểm sát nói đây là án truy xét, thời gian xảy ra đã lâu nên có những khó khăn nhất định trong việc thu thập chứng cứ ông Thanh tư túi 4 tỷ đồng, nhưng sau đó vẫn khép ông này vào tội "Cố ý làm trái" và "Tham ô tài sản" và đề nghị án tù chung thân.
Trước đó, một số người trong giới quan sát chính trị cũng đã đưa ra dự đoán về những án tù nặng đối với ông Thăng và ông Thanh, xem đây như một hình thức "cảnh cáo" trong cuộc đấu đá nội bộ Đảng Cộng sản.
Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, rất khó để đánh giá đúng, sai trong một vụ án "sắp xếp" như thế này.
"Bởi vì nó là diễn nên thực sự người dân không có đầy đủ thông tin. Tôi e là ngay cả những luật sư ở bên ngoài mà không có hồ sơ trong tay, chỉ nghe người ta nói, thì có khi cũng rất dễ bị lầm lẫn".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ngay cả các con số được đưa ra trong các cáo trạng cũng rất khó để xác minh về độ xác thực của nó. Nhưng ông cho rằng những con số "trăm tỷ", "nghìn tỷ" lại tạo hiệu quả rất tốt trong việc khiến cho người dân tin đây thực sự là một vụ án về tham nhũng.
Đại án PVN nằm ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dư luận và báo chí quốc tế cho rằng mục tiêu đằng sau chiến dịch này là nhằm tiêu diệt phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bộ máy cầm quyền.
Nhận định về điều này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng tham nhũng không thể chống bằng tham nhũng hay bằng bất kỳ hình thức nào không đúng pháp quyền.
Ông nói :
"Mục tiêu, ý định của chiến dịch chống tham nhũng là tốt, bởi vì không chống thì nó hỏng cả. Thực ra thì nó đã hỏng rất nhiều rồi, bây giờ không chống thì nó sẽ hỏng hết. Bây giờ chống thì mọi người phải hiểu cái kết quả ấy theo cùng một nhận thức. Nếu người ta hiểu kết quả chống tham nhũng theo các nhận thức khác nhau thì việc chống tham nhũng ấy có vấn đề".
Những lời sau cùng trong nước mắt "xin lỗi Đảng", "xin lỗi bác Trọng" của hai ông Thăng-Thanh càng khiến dư luận bàn tán nhiều hơn về nhận định cho rằng "Đảng quyền" nằm trên "pháp quyền" trong hệ thống tư pháp tại Việt Nam.
Dự kiến, Viện Kiểm sát sẽ tuyên án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác của PVN vào ngày 22/1.
Khánh An
Nguồn : VOA, 19/01/2018
Hàng loạt dự án BOT giao thông sẽ bị kiểm toán vào năm 2018, theo kế hoạch vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố hôm 5/12, một ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm ngừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy vì cuộc "biểu tình" bằng tiền lẻ của các tài xế.
Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy vào ngày 4/12/2017.
Các động thái của chính phủ Việt Nam được một nhà phân tích nhận định là "khá dè dặt" trước phản ứng dữ dội nhưng ôn hòa và thông minh của người dân, vốn là "bên thứ ba" đã bị gạt ra ngoài trong hợp đồng giữa nhà nước và chủ đầu tư.
Một nhà phân tích và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng chính phủ Việt Nam đang rơi vào tình trạng "lúng túng" và "dè dặt" trước tình trạng "nóng lên từng hồi" của trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Ông nói : "Tôi cho rằng phản ứng của chính phủ khá dè dặt và chứng tỏ sự tranh giành giữa các quan điểm khác nhau còn rất mạnh trong chính phủ".
Theo kế hoạch được Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc ký ban hành ngày 4/12, một loạt các dự án xây dựng và đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông như dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Quốc lộ 18 ở đoạn Bắc Ninh-Uông Bí, dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, công trình cầu Việt Trì-Ba Vì, hầm đường bộ qua đèo Cả-Quốc lộ 1, cầu Bạch Đằng-Thành phố Hồ Chí Minh… sẽ nằm trong chương trình làm việc của cơ quan kiểm toán vào năm tới.
Theo cơ quan này, đã có 27 dự án BOT bị kiểm toán vào năm 2016 và bị rút chi phí đầu tư xuống 1.150,46 tỷ đồng, giúp giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với dự án ban đầu tổng cộng hơn 107 năm.
Phản ứng ‘dè dặt’
Kế hoạch kiểm toán các dự án BOT được đưa ra vào thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa hạ lệnh dừng thu phí ở trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang, từ 1 – 2 tháng, sau những ngày hỗn loạn vì cuộc "biểu tình" bằng tiền lẻ của giới tài xế. Trạm thu phí Cai Lậy đã phải xả trạm nhiều lần trong ngày đầu tiên mở cửa thu phí trở lại hôm 30/11 vì các tài xế đồng loạt nộp tiền phí dư 100 đồng và đòi thối lại tờ tiền rất ít được sử dụng này.
Trước đó vào tháng 8, trạm này cũng đã phải dừng thu phí chỉ sau 2 tuần khai trương vì "chiến thuật" trả phí bằng tiền lẻ của người dân, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Bộ Giao thông vận tải ngay sau đó phải ra quyết định giảm mức phí qua trạm từ 35.000 đồng – 180.000 đồng xuống còn 25.000 đồng – 160.000 đồng, nhưng người dân vẫn cho rằng việc họ phải đóng phí trên con đường mà họ đã đóng thuế xây dựng là phi lý.
Nguyên nhân cốt lõi của "cuộc chiến" giữa người dân và nhà đầu tư-nhà nước, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, là do người dân – bên thứ ba trong hợp đồng BOT – đã bị loại ra ngoài vì lợi ích của nhà đầu tư và nhà nước. Ông phân tích :
"Bản thân BOT, nếu làm đúng, là rất tốt. Nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam có sự cấu kết giữa chính quyền với các doanh nghiệp thực hiện dự án BOT để bóp méo sơ đồ vì lợi ích riêng tư của họ".
"Sự phản kháng dân sự một cách rất ôn hòa và đúng pháp luật của người dân là một điều rất đáng hoan nghênh. Bây giờ người dân đã biết họ là một bên thứ ba trong hợp đồng của bất kỳ dự án BOT nào vì họ là người chi trả trực tiếp khoản phí đấy, nhưng họ lại bị loại ra ngoài".
Bên thứ ba đang cầm lái ?
Những ngày qua, cuộc chiến ở BOT Cai Lậy có vẻ như đã trở thành cuộc chiến chung khi những tin tức về vụ này được cập nhật và chia sẻ chóng mặt trên cả truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội. Đọc bình luận của người dân, ai cũng có thể hiểu họ đang ủng hộ và đứng về phía nào.
Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cuộc chiến này nhận được sự ủng hộ của công chúng một phần còn là vì cách đấu tranh rất "dí dỏm" và "sáng tạo" của các anh tài xế "lầy".
"Người dân miền Tây Nam Bộ thứ nhất là người khí khái, thứ hai họ cũng có những cái láu cá của họ. Khi gặp những sự cố này, họ cũng có cách để họ tồn tại được. Ở đây, người ta dùng từ mới gọi họ là những tài xế ‘lầy’, nhưng ‘lầy’ dễ thương vì cách cư xử không gay gắt nhưng lại khiến phía bên kia lúng túng. Với cách xử lý rất linh hoạt, dí dỏm, hiệu quả của mấy anh nông dân Hai Lúa này thì không một thế lực cường quyền, thế lực tài phiệt nào có thể bóp chết được họ".
Trong cùng ngày 5/12, tỉnh Khánh Hòa cũng phải tổ chức "họp khẩn" liên quan đến trạm thu phí BOT Ninh An, thuộc thị xã Ninh Hòa. Trước đó, hôm 4/12, các tài xế ở đây cũng sử dụng chiêu thức trả tiền lẻ hoặc tiền mệnh giá cao để đi qua trạm khiến cho giao thông khu vực bị kẹt xe nhiều giờ liền.
Trả lời báo Người Đưa Tin hôm 5/12, lãnh đạo tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam, cho biết đã phải tăng cường lực lượng tại BOT Cai Lậy và nhiều trạm thu phí khác để bảo đảm an inh trật tự.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/12, Bộ Công an nói họ ghi nhận được 12 xe thường xuyên qua lại trạm Cai Lậy để gây rối, kích động, cản trở giao thông. Nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc đi qua lại trạm là quyền hợp pháp của công dân.
"Người ta bảo có 14 người thường xuất hiện. Nhưng tôi nghĩ nếu những người đó mà có ở Lạng Sơn và đi đi lại lại 20 lần, 50 lần [qua trạm] thì đấy vẫn là quyền hoàn toàn hợp pháp của người ta, không có cớ gì để bảo rằng đấy là gây rối cả".
Tin cho hay chủ đầu tư BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Phú Hiệp, cũng vừa có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hữu trách trong ngày 5/12. Trong đó, ông Hiệp yêu cầu Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và chính quyền Tiền Giang phải sớm điều tra các hành vi gây rối, làm mất an ninh trật tự trong khu vực.
Nhưng bất chấp phát ngôn của giới hữu trách, các tài xế được cho là "gây rối" đã được người dân tung hô như những "anh hùng" trên mạng xã hội. Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chính phủ nên trân trọng những người bị cho là "gây rối" để từ họ, có thể phát hiện ra tiêu cực, tham nhũng, điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cổ vũ trong thời gian qua.
Khánh An
Nguồn : VOA, 05/12/2017
******************
Thủ tướng họp ‘nóng’ vụ BOT Cai Lậy, dừng thu 1 tháng (VOA, 04/12/2017)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm dừng hoạt động trạm thu phí BOT Cai Lậy một tháng để chờ hướng giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải họp "nóng" hôm 4/12 về vụ BOT Cai Lậy.
Quyết định của ông Phúc được đưa ra trong một cuộc họp khẩn chiều ngày 4/12, sau khi nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc trạm đặt sai vị trí, thu phí không hợp lý và đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều ngày.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Thanh Lương nói với VOA tiếng Việt rằng ông không tin tưởng vào bất kỳ giải pháp nào của người đứng đầu chính phủ vì không cách nào giải quyết được tận gốc vấn đề lợi ích nhóm ở Việt Nam :
"Có nhiều vấn đề của phần chìm trong tảng băng mà chưa lộ ra. Đây không phải thuần túy là vấn đề trạm thu phí Cai Lậy, vì khi thực hiện một dự án như vậy thì dây mơ rễ má chằng chịt trong xã hội Việt Nam đầy rẫy tham nhũng. Việc xử lý vấn đề này của thủ tướng thì tôi cũng không tin cậy, nếu có thì cũng nửa vời, vì không chỉ một BOT Cai Lậy Tiền Giang mà còn rất là nhiều cái khác. Bản chất của nó là lợi ích nhóm, một hình thức đầu tư vốn ít mà đem lại nhiều tiền do ăn trên xương máu của nhân dân".
Truyền thông trong nước cho hay Thủ tướng Phúc yêu cầu tạm dừng thu phí trong 1 tháng để Bộ Giao Thông Vận tải, cùng địa phương, doanh nghiệp đánh giá toàn diện dự án trước khi có quyết định trở lại.
BOT Cai Lậy hỗn loạn ngày 30/11/2017
Báo Thanh niên trích lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy, chỉ ít phút sau khi phiên họp do ông Phúc chủ trì kết thúc trong đó có bàn về câu chuyện BOT Cai Lậy.
Ông Mai Tiến Dũng nói : "Riêng với Cai Lậy, thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí 1 tháng và giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý, kết hợp với tỉnh Tiền Giang xử lý cụ thể trên tinh thần hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân".
Ông Đinh Quang Tuyến, một nhà hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận định : "Nếu như quốc lộ này tắc nghẽn thì nó sẽ làm tắc nghẽn toàn bộ nền kinh tế. Vì đặt trạm thu phí BOT ở ngay đường chính một cách bất hợp pháp, nên chuyện này có thể bất ngờ trở thành vấn đề sống còn của cả thể chế. Nếu như họ duy trì trạm BOT này thì chỉ có một nhóm lợi ích được lợi thôi".
Truyền thông trong nước tối ngày 4/12 đưa tin nói chính phủ nhìn nhận rằng quá trình thực hiện có chỗ này chỗ kia chưa đúng nguyên tắc, chưa hợp lòng dân, nên ông Phúc chỉ đạo là "phải cầu thị lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp, trên cơ sở thượng tôn pháp luật và có sự điều chỉnh cho phù hợp, hợp lòng dân".
Ông Tuyến cho rằng vấn đề trạm BOT Cai Lậy là một sự "ức chế, bùng nổ nghiêm trọng", chứ không đơn giản chỉ là "vài chục nghìn đồng lẻ", và cần phải do Bộ Chính trị giải quyết :
"Bộ Chính trị phải bàn với nhau và nói chuyện với các nhóm lợi ích, chứ không phải ông Nguyễn Xuân Phúc. Trong Bộ Chính trị và trong cả thể chế có nhiều nhóm, trong đó không thể vì một nhóm mà các nhóm khác hi sinh được, nên các nhóm còn lại sẽ gây áp lực để nhóm đang khai thác BOT này đành phải chấp nhận mà lùi bước, vì sự tồn vong của cả thể chế".
Người dân cho rằng việc đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Tiền Giang thu phí cho tuyến tránh là bất hợp lý. Họ dùng tiền lẻ, tiền xu… trả phí để cố tình kéo dài thời gian qua trạm.
Có cùng nhận định với ông Tuyến, luật sư Lương nói rằng vấn đề BOT Cai Lậy là một trong các khía cạnh bề nổi của vấn nạn tham nhũng do các nhóm lợi ích ở Việt Nam thao túng và lũng đoạn nên rất khó có thể xử lý triệt để.
Ông nói thêm : "Thực chất đó là một sự thỏa hiệp và dàn xếp với nhau để che đậy, bưng bít mặt trái của xã hội trong các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Việc này 5 ông thủ tướng cũng không giải quyết được".
Báo Zing tối ngày 4/12 trích lời ông Dũng nói : "Quan điểm của Thủ tướng là chủ trương về BOT nhất quán để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện những gì chưa đúng thì cơ quan chức năng phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân".
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Quốc phòng ngày 24/11, các quan chức quân đội Việt Nam khẳng định mục đích đầu tiên của việc quân đội làm kinh tế là "gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia".
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng khó có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của những đóng góp của quân đội, đặc biệt trong tình trạng "rất thiếu minh bạch" của các dự án kinh tế do quân đội thực hiện.
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói việc quân đội làm kinh tế là "thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013", theo TTXVN.
Tiếp lời ông Lịch, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương - nói quân đội làm kinh tế nhằm góp phần vào 4 mục tiêu : gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng đất nước, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, báo Dân Trí tường thuật.
Khẳng định của các quan chức quân sự được đưa ra sau khi các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc quân đội làm kinh tế, một trong những vấn đề "nóng" gây bất bình trong dư luận xã hội thời gian gần đây.
Sau khi khẳng định làm kinh tế quốc phòng là "nhiệm vụ quan trọng", "nhiệm vụ chính trị xã hội", các tướng lĩnh quân đội Việt Nam còn nhắc tới những đóng góp của quân đội vào ngân sách Nhà nước trong nhiều năm, thông qua các doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế-chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho rằng rất khó để đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp hay dự án của quân đội. Ông phân tích :
"Vấn đề này chưa ai lượng hóa được và cũng chưa có một báo cáo nào lượng hóa được. Chỉ có các báo cáo của Bộ Quốc phòng liệt kê những thành tích của quân đội. Nhưng người ta cũng biết là có nhiều điều không phải là thành tích. Chẳng hạn như nhiều đơn vị kinh tế làm ăn thua lỗ, ngay cả Viettel đầu tư sang Myanmar, Châu Phi, và có hàng loạt những công trình dang dở, những đất đai mà quân đội có được và sử dụng rất hoài phí. Nhiều công trình lấy ngân sách nhà nước và làm ăn thua lỗ. Cho nên nếu đánh giá về hiệu quả kinh tế của quân đội thì cho tới nay vẫn chưa có một báo cáo nào khách qua. Mà thực ra là do quân đội rất thiếu minh bạch trong việc công bố các công trình, dự án của mình".
Vấn đề quân đội làm kinh tế bắt đầu nổi lên vào giữa năm nay, sau khi có những phanh phui từ báo chí về việc quân đội sử dụng đất sân bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf, gây nhiều bất bình trong công chúng, nhất là khi nhu cầu sử dụng quỹ đất của khu vực này để nâng cấp, cải thiện sân bay Tân Sơn Nhất đã đến hồi cấp thiết.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp mang danh nghĩa quân đội nhưng hoạt động hoàn toàn không liên quan gì đến quân sự. Chẳng hạn, theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một trong những lĩnh vực đã được mượn "mác" quân đội để làm ăn là các doanh nghiệp khai thác gỗ của Việt Nam ở Lào và Campuchia. Nhiều vụ đã bị phanh phui và đưa ra tòa án.
Tiến sĩ Dũng cho rằng đây là dịp thuận tiện để sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội. Ông nói :
"Đây là đợt cần phải làm gọn lại những đơn vị kinh tế của quân đội. Tuyệt đối không cho các đơn vị mượn mác của quân đội để làm ăn, đặc biệt là những lĩnh vực có thể dân sự hóa như may mặc. Quân đội chỉ lo những vấn đề kinh tế quốc phòng đúng nghĩa như kinh tế vũ khí, đạn dược, trang thiết bị chế tài".
Cuối tháng 6, sau khi có những thông tin tiêu cực lùm xùm quanh việc quân đội làm kinh tế, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phải làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau buổi làm việc này, Tướng Chiêm khẳng định "Bộ Quốc phòng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế, mà là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc" và cho biết sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp và dự án sắp đầu tư.
Tuy nhiên, vào trung tuần tháng này, cũng chính Tướng Chiêm lại phát biểu trên báo chí rằng "Không những cần duy trì quân đội làm kinh tế, mà còn phải đẩy mạnh", và cho rằng phát biểu trước đó của ông đã bị "hiểu không đúng".
Giải thích về những quan điểm trái chiều của các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng có sự mâu thuẫn lợi ích giữa "một nhóm nhỏ" nắm giữ chức vụ trong quân đội và đa số quân nhân còn lại. Ông nói :
"Kinh tế chỉ làm lợi cho một nhóm rất nhỏ trong quân đội, còn đa phần không có gì hết. Nhưng nhóm nhỏ đó lại giữ những vị trí tương đối quan trọng. Thành thử chúng ta thấy trong vòng 4, 5 tháng qua đã có hai luồng quan điểm trái ngược nhau ngay chính trong Bộ Quốc phòng".
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết quân đội đã thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội, chỉ để lại 17 trong số 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói ngay cả với số lượng ít doanh nghiệp còn lại, cũng cần phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các doanh nghiệp này và loại bỏ hoàn toàn các hoạt động kinh doanh đơn thuần.
Khánh An
Nguồn : VOA, 24/11/2017
Một khảo sát mới công bố tuần này của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Pew cho biết có đến 70% người Việt Nam tham gia cuộc khảo sát "ủng hộ chế độ do quân đội lãnh đạo," một kết quả mà Pew nói là "thiểu số nổi bật" trong số 38 quốc gia được khảo sát.
Thủ trưởng Cục Chính trị chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, hội viên Hội phụ nữ cơ quan Cục Chính trị Quân khu. Ảnh Quân khu 2 (07/03/2017)
"7/10 người Việt Nam nói rằng quân đội cầm quyền là một cách cai trị tốt," trung tâm Pew cho biết về kết quả khiến Việt Nam đứng đầu trong số ít các nước ủng hộ chế độ quân đội cầm quyền.
Trung tâm nghiên cứu quốc tế cho rằng con số 70% người ủng hộ quân đội cầm quyền tại Việt Nam có thể là do sự "hoài niệm quá khứ", khi quân đội từng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong thời chiến tranh Việt Nam, dẫn đến việc cầm quyền của Đảng cộng sản hiện tại.
Trong số những người ủng hộ quân đội cầm quyền, người trên 50 tuổi đông gấp đôi số người ở độ tuổi 18 – 29 (46% so với 23%).
Thực tế ‘không phải vậy’
Nhận định về kết quả khảo sát trên, một nhà quan sát chính trị-thời sự Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho rằng trên thực tế nghiên cứu của ông, số người dân Việt Nam ủng hộ ý tưởng quân đội cầm quyền là rất ít.
"Họ chỉ đa số là có thiện cảm với quân đội, chẳng qua là do truyền thống quân đội. Theo họ, thứ nhất là vì quân đội có hình ảnh tương đối gắn bó với nhân dân. ‘Quân với dân như cá với nước’, đó là truyền thống trước đây, trong quá khứ. Thứ hai, trong mắt họ, dù sao quân đội cũng sạch sẽ hơn công an, ít tham nhũng hơn công an", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói.
Một cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phan Trí Đỉnh, cũng thừa nhận tình cảm "quân-dân" trước đây đã mất đi từ lâu.
Ông nói : "Ở Việt Nam, quân đội có uy tín hơn công an. Dân yêu quân đội hơn công an. Đấy là một khía cạnh của đời sống xã hội. Nhưng đến thời điểm này, điều đó rơi rớt mất rồi, không còn hình ảnh như ngày trước nữa. Hiện nay quân đội mất uy tín rất lớn".
Chính vì vậy, cựu quân nhân ở Hà Nội nói ông "không bằng lòng" và "không đồng ý" việc quân đội lên nắm quyền điều khiển đất nước, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi "lòng dân đang rất xao xuyến và bức xúc".
Trong khi đó, bà Đặng Bích Phượng ở Hà Nội, người có bác ruột là một chỉ huy quân đội đã tử trận trước năm 1975, cũng phản đối ý tưởng quân đội cầm quyền vì theo bà, quân đội hiện tại "bạc nhược" và "chịu sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam".
Bà Phượng giải thích : "Với hiện tình đất nước, thứ nhất, [quân đội] hoàn toàn không bảo vệ được chủ quyền đất nước". Theo bà, sự yếu kém của quân đội thể hiện rõ ràng nhất trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bà Phượng cho rằng quân đội Việt Nam không được huấn luyện kỹ năng tốt và trang bị kém, cũng không bao giờ thực hiện các cuộc "biểu dương lực lượng" để cho thấy sức mạnh của mình và đồng thời răn đe các nước láng giềng.
"Thứ hai là tham nhũng trong quân đội quá lớn", bà Phượng nói thêm về lý do khiến bà phản đối việc quân đội lên nắm quyền.
Em trai Đại tướng Phùng Quang Thanh, Đại tá Phùng Quang Hải - sinh ngày 4/12/1974, được mệnh danh là “Thủ lĩnh trẻ” trong Quân đội (Kỷ yếu 100 gương điển hình tiên tiến toàn quân năm 2013) - đã dùng Tổng công ty 319 để lũng đoạn kinh tế quân đội, vơ vét tài sản nhân dân như thế nào ? - Ảnh chandungquyenluc (12/01/2015)
Mặc dù truyền thông chính thống gần đây mới phanh phui một số vụ bê bối liên quan đến việc quân đội làm kinh tế, nhưng theo bà Phượng, nhiều người dân đã biết về những việc này từ lâu. Chính vì vậy, bà đặt nghi vấn về kết quả điều tra nói rằng đa số người dân ủng hộ quân đội.
Tương tự, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bày tỏ quan tâm về thành phần tham gia vào cuộc khảo sát của Pew, vì theo ông, mức độ am hiểu tình hình chính trị ở Việt Nam là một yếu tố rất quan trọng đưa đến kết quả khảo sát. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói hầu hết những người dân tại Việt Nam mà ông tiếp xúc đều "không biết và không quan tâm" đến việc quân đội nắm quyền lãnh đạo.
Không như Thái Lan hay Myanmar, theo Tiến sĩ Dũng, ý tưởng quân đội cầm quyền khá xa lạ với người dân Việt Nam. Ý tưởng này chưa từng xuất hiện trên bất cứ diễn đàn hay cuộc thảo luận về chính trị nào, kể cả "lề phải" lẫn "lề trái".
Đảng ‘đuối lắm rồi’
Khảo sát của Pew còn cho biết thêm rằng phần lớn (87%) người Việt Nam ủng hộ hình thức dân chủ đại diện, tức hình thức người dân bầu đại biểu đại diện cho họ ở Quốc hội và các đại biểu này thay mặt họ quyết định quốc sự. Hình thức này vẫn thường được giới hữu trách Việt Nam nói "cần phải phát huy". Tuy nhiên, theo cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh, Việt Nam không thực sự thực hiện "bầu cử dân chủ".
Một số lượng khá lớn khác (73%) ở Việt Nam ủng hộ cho hình thức dân chủ trực tiếp, theo khảo sát của Pew. Hình thức này cho phép mọi công dân trực tiếp tham gia vào việc quyết định các chính sách của quốc gia thông qua bỏ phiều hoặc trưng cầu dân ý.
67% người Việt Nam ủng hộ một hệ thống cai trị mà trong đó các chuyên gia, chứ không phải các quan chức đắc cử, là người đưa ra các quyết sách mà theo họ là tốt nhất cho đất nước.
Pew cho biết trong số 5 hình thức quản trị được đưa ra trong cuộc khảo sát tại Việt Nam, chỉ có hình thức "cai trị bởi một lãnh đạo mạnh mẽ" mà không có sự can thiệp của tòa án hoặc nghị viện là có số lượng người phản đối nhiều hơn (47%) so với số người ủng hộ (42%).
Những người được VOA phỏng vấn cho rằng với tình trạng hiện nay, Việt Nam khó có thể xuất hiện một hình thức cầm quyền nào khác trong tương lai gần.
Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh phân tích : "Bởi vì là độc đảng thành ra không có một tập hợp nào có đủ khả năng tập hợp lực lượng lại để tổ chức một chính quyền. Đó là cái yếu của các thế lực chính trị tại Việt Nam hiện nay là không có một tổ chức, nhóm hay đảng phái nào ngoài Đảng cộng sản. Thật ra Đảng cộng sản bây giờ yếu kém, đuối lắm rồi. Nhưng nếu không có nó thì vô chính phủ là cái chắc. Mà vô chính phủ thì chết".
Ngay cả hình thức cai trị bởi một lãnh đạo mạnh mẽ, theo ông Đỉnh, cũng không thể có được tại Việt Nam. Ông nói thêm : "Ví dụ như Nga có Putin, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đã thay đổi cả trật tự xã hội. Ở Việt Nam thì tôi chưa thấy một nhân vật nào có thể làm được điều đó. Toàn bè phái thôi. Chưa có một nhân vật nào thoát ra được. Mà nếu có nhân vật nào có ý định làm người tiên phong thì đều bị các thế lực bảo thủ bóp chết".
Pew là một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Mỹ. Pew chuyên nghiên cứu về các vấn đề, thái độ và xu hướng có tính định hình thế giới, thông qua các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và phân tích, nghiên cứu về nhân khẩu học, xã hội học. Trung tâm này khẳng định không dựa trên bất cứ lập trường chính sách nào.
Khảo sát trên của Pew được thực hiện tại 38 quốc gia thuộc nhiều hệ thống chính trị khác nhau trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc… và một số quốc gia Châu Phi và Trung Đông.
Khánh An
Nguồn : VOA, 04/11/2017
Phát biểu có tính trấn an dư luận về việc "chưa tăng thuế" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo phân tích của một nhà kinh tế-xã hội Việt Nam, là "lập lờ" và "mơ hồ", không giải quyết mối quan tâm của đại đa số dân chúng hiện đang phẫn nộ và lo lắng với đề xuất tăng thuế gần đây của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ Việt Nam ngày 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói "Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà kinh tế-xã hội học ở Việt Nam, cho rằng phát biểu trên hoàn toàn không giải quyết gì cho mối lo hiện nay của người dân.
"Có 2 đối tượng chính mà chính phủ phải quan tâm : doanh nghiệp và người dân. Mà người dân thì lớn hơn nhiều. Nhưng ở đây, nguyên văn của Thủ tướng là đối với doanh nghiệp chứ không phải người dân, cũng không nói rõ loại thuế nào chưa tăng. Cách nói của ông Phúc là cách nói lập lờ, chung chung, mơ hồ".
Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ được đưa ra giữa lúc làn sóng phản đối đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đang ngày càng tăng mạnh.
Vô cảm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, dự án Luật sửa đổi 5 luật về thuế được đưa ra nhằm thực hiện chủ trương của Ban chấp hành trung ương nhằm đảm bảo "an toàn" cho nền tài chính quốc gia. Theo đó, dự án Luật sửa đổi về thuế sẽ được áp dụng cho Luật thuế giá trị giá tăng (VAT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên.
Trong hàng loạt các loại thuế Bộ Tài chính đề xuất tăng lên, VAT là khoản thuế bị người dân phản ứng mạnh nhất.
Sự giận dữ của dư luận bùng lên mạnh hơn sau khi có những giải thích từ các lãnh đạo Bộ Tài chính rằng việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% là để "phù hợp thông lệ quốc tế", và mức tăng này không ảnh hưởng nhiều đến người có thu nhập thấp.
Chuyên gia cho rằng tăng VAT sẽ khiến người dân giảm chi tiêu, gây tác dụng ngược cho mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng các lý lẽ trên là một trong nhiều "ngụy biện" mà Bộ Tài chính đưa ra nhằm biện minh cho mục đích tăng nguồn thu ngân sách.
"Nhiều ngụy biện lắm. Nhưng đã có các chuyên gia phân tích và phủ nhận, phản bác toàn bộ những lý lẽ của Bộ Tài chính. Thuế VAT của Việt Nam hiện nay thuộc loại cao trên thế giới. Nếu tính theo mức thu nhập bình quân đầu người thì cao ngất ngưởng, thuộc loại hàng đầu. Trong khu vực châu Á, Việt Nam có số lượng thuế, phí thuộc loại nhiều và cao nhất. Hiện có ít nhất 430 loại thuế và lệ phí ở Việt Nam, cao hơn các nước ở châu Á 2-2,5 lần".
Tiến sĩ kinh tế của Việt Nam nói lý lẽ "tăng VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo" không những sai hoàn toàn mà còn thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước.
"Tăng thuế VAT nghĩa là ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng, và người nghèo là người chịu rủi ro cao nhất", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói.
Theo ông, tình trạng suy thoái kinh tế Việt Nam liên tiếp 9 năm đã khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn. Mức phân hóa giàu nghèo càng ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, VAT tăng lên sẽ đẩy người thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu chi tiêu ít hơn. Sức tiêu thụ giảm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tác dụng ngược, không những không giúp tăng thu ngân sách mà còn tiềm ẩn nguy cơ giảm thu.
Ngân sách "cực kỳ khó khăn"
Cùng với những sự kiện gần đây như chính phủ liên tiếp kêu gọi huy động vàng, đôla trong dân chúng, tăng các khoản thu phí, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng đề xuất tăng thuế phản ánh tình trạng "cực kỳ khó khăn" của ngân sách nhà nước.
"Điều đó phản ánh tình trạng cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam. Nhiều người nói đã cạn kiệt, rỗng tuyếch nên bây giờ không còn cách nào khác, phải ép lên đầu dân".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2017, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 706,9 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi lên đến 747,3 nghìn tỷ đồng, dẫn đến bội chi 40,4 nghìn tỷ đồng.
Trong các khoản chi ngân sách, khoản chi thường xuyên chiếm tới 73,3% tổng chi, chỉ có 17,5% dành cho đầu tư phát triển.
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một yếu tố lớn khiến việc chi tiêu không cắt giảm là bộ máy biên chế cồng kềnh và không hiệu quả.
"Suốt bốn, năm năm qua, chuyện biên chế nói là giảm nhưng chẳng giảm được một chút nào, vẫn cứ tăng biên chế. Khoản chi thường xuyên cho đội ngũ ít nhất là 2,8 triệu công chức ở vẫn chiếm tới 71% tổng chi ngân sách của Việt Nam".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng lối thoát gần như duy nhất hiện nay cho vấn đề ngân sách nhà nước là phải bằng mọi cách giảm chi tiêu.
"Thứ nhất, giảm chi thường xuyên. Chi thường xuyên bây giờ quá lớn, chiếm tới 71% ngân sách hàng năm. Muốn giảm chi tiêu thường xuyên đó thì phải giảm đội ngũ công chức. Thứ hai, phải giảm chi tiêu cho lực lượng vũ trang, trong đó có quân đội và công an. Quân đội mỗi năm ngốn tới gần 5 tỷ đôla tiền ngân sách, nhưng không hiểu sao vẫn không bảo vệ được ngư dân của mình, để ngư dân bị Trung Quốc giết hại trên biển. Cũng cần phải giảm chi cho lực lượng công an, trong đó có những khoản chi cho đàn áp nhân quyền thì tuyện đối không chi".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói thêm rằng mặc dù khoản chi đầu tư phát triển có giảm đi, nhưng vẫn còn "quá nhiều vấn đề" cần phải xem xét để cắt giảm thêm. Chẳng hạn, những công trình "nghìn tỷ" không cần thiết được gắn nhãn "đầu tư phát triển", hay những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông ngốn tiền tỷ nhưng lại hỏng trước khi đưa vào sử dụng.
Khánh An
Nguồn : VOA, 01/09/2017