Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/06/2018

Hồ sơ ma, kênh phân lũ, kiểm tra tài sản, điều tra tham nhũng

Tổng hợp

Xã ở Thanh Hóa lập hồ sơ ‘ma’ ăn chặn tiền đền bù đất (Người Việt, 22/06/2018)

Hơn 1 tỷ đồng (hơn 43.694 USD) tiền hỗ trợ đền bù giải tỏa mặt bằng cho người dân từ ngân sách bị một số cán bộ xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, lập hồ sơ "ma" chiếm đoạt.

vn1

Lập khống danh sách, quan xã Quảng Lộc bỏ túi hơn 1 tỷ đồng tiền giải tỏa mặt bằng. (Hình : Dân Trí)

Theo báo Người Lao Động, trong đơn tố cáo của ông Nguyễn Đình Kiệm (ngụ xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện việc bồi thường giải tỏa mặt bằng quy hoạch khu dân cư xã Quảng Lộc.

Diện tích đất thu hồi là hơn 45.000 mét vuông. Kế hoạch bồi thường cho các nhà dân bị ảnh hưởng cũng được lập với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng (hơn 148.561 USD).

Dù không có đất nằm trong diện phải giải tỏa, song nhiều người vẫn có tên trong danh sách và ký nhận tiền hàng chục triệu đồng. Đáng chú ý là có cả tên vợ của ông Trần Văn Nhẫn, phó chủ tịch ủy ban xã Quảng Lộc, và ông Nguyễn Văn Thông, trưởng thôn 8.

"Việc làm của lãnh đạo xã Quảng Lộc theo tôi là có tổ chức, khiến người dân bất bình vì nhiều nhà không thuộc diện giải tỏa nhưng vẫn được xã lập khống danh sách nhằm chiếm đoạt tiền của nhà nước", ông Kiệm nói.

Giải thích việc này, ông Nguyễn Văn Thông cho biết ông được ông Hoàng Văn Sơn, cán bộ địa chính xã Quảng Lộc, gọi lên bảo ký nhận vào danh sách đã lập sẵn và nhận hơn 17 triệu đồng (hơn 742 USD). Song, ngay ngày hôm sau ông Sơn trở lại nhà lấy lại số tiền và chỉ chừa lại 5 triệu đồng (hơn 218 USD). "Sau khi biết việc làm trên là sai trái tôi đã mang số tiền trên nộp lại cho xã", ông Thông nói.

vn2

Ông Nguyễn Đình Kiệm người làm đơn tố cáo hành vi sai trái của cán bộ xã Quảng Lộc. (Hình : Người Lao Động)

Không chỉ lập danh sách "ma" để ăn chặn tiền của nhà nước, cán bộ địa chính xã Quảng Lộc còn kê khống diện tích của những nhà nằm trong diện phải giải tỏa mặt bằng. Đơn cử, gia đình ông BNP (ngụ thôn 3) có 230 mét vuông thuộc diện được đền bù, nhưng khi ký nhận tiền thì diện tích tăng lên thành 305 mét vuông. Ông P. cho biết vài ngày sau, cán bộ địa chính xã gọi ông lên thu lại.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Kiệm, huyện Quảng Xương đã thành lập đoàn thanh tra và xác định việc tố cáo là có cơ sở.

Qua xác minh, Thanh Tra huyện Quảng Xương phát hiện Ủy ban nhân dân xã Quảng Lộc lập hồ sơ "ma" cho 10 nhà dân không có đất để nhận hơn 272 triệu đồng (hơn 11.884 USD). Ngoài ra, lãnh đạo xã còn lập hồ sơ bồi thường tăng diện tích cho 45 nhà với diện tích 6.746 mét vuông, ước tính số tiền gần 759 triệu đồng (hơn 33.164 USD).

Nói với báo Dân Trí, ông Vương Hồng Lương, chánh Thanh Tra huyện Quảng Xương, cho biết : "Sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân, ủy ban huyện đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh. Sau khi xem xét hồ sơ sự việc, quá trình thanh, kiểm tra nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên ngày 24 tháng Năm chúng tôi đã dừng việc thanh tra và báo cáo với chủ tịch huyện".

Theo đó, ngày 19 tháng Sáu, ủy ban huyện Quảng Xương đã có văn bản gửi công an huyện Quảng Xương thông báo chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến sự việc trên để tiếp tục điều tra, làm rõ. (Tr.N)

*********************

Kênh tách nước phân lũ hơn 34,9 triệu USD, làm 9 năm chưa xong rồi bỏ ngang (Người Việt, 22/06/2018)

Được thi công từ chín năm trước với số vốn hơn 800 tỷ đồng (hơn 34,9 triệu USD) từ ngân sách, song đến nay công trình tách nước phân lũ ở thị xã Kỳ Anh vẫn chưa xong và bị bỏ ngang giữa chừng vì… "thiếu vốn".

vn3

Năm 2017 đã có hai trẻ em bị chết đuối tại tuyến kênh này. (Hình : SGGP)

Theo báo VnExpress, dự án "Hệ thống tách nước phân lũ, phòng chống ngập úng cho các xã phía Nam thị xã Kỳ Anh", do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2009, với số vốn hơn 800 tỷ đồng từ ngân sách, chia làm hai giai đoạn thi công.

Nhà chức trách đặt ra mục tiêu của dự án là "thoát nước cho gần 80 cây số vuôn diện tích lưu vực sườn đông dãy Hoành Sơn, hạn chế việc ngập lụt khu vực gần dự án Formosa và các cụm dân cư trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Kỳ Anh".

Sau hai năm xây dựng, giai đoạn một của dự án từ phường Kỳ Phương đến cầu Tây Yên được hoàn thành. Năm 2011, chủ đầu tư thi công giai đoạn hai từ cầu Tây Yên đến đê Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, dự trù hoàn thành vào năm 2014, song đến nay vẫn dậm chân tại chỗ mà theo lãnh đạo chủ đầu tư cho rằng "do vướng mắc giải tỏa mặt bằng".

Theo báo SGGP, tại công trường dự án, nhiều khối vật liệu nằm ngổn ngang, hư hỏng. Hệ thống kênh thoát nước bị đào xới nham nhở, nên mùa mưa đến là nước bị ứ đọng, nơi ngập sâu nhất cũng 2 đến 5 mét.

vn4

Nhiều khối vật liệu nằm ngổn ngang ở khu vực dự án nhiều năm nay. (Hình : VnExpress)

Dọc hai bên bờ kênh bị sụt lún không có hàng rào che chắn, không có biển cảnh báo, không có ai quản lý bảo vệ nên mỗi khi người dân đi qua để ra đồng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn thả trâu bò phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Đặc biệt là trẻ em, nguy cơ bị chết đuối treo lơ lửng trước mắt. Năm 2017 đã có hai trẻ em bị chết đuối tại tuyến kênh này.

Ông Trần Xuân Lợi (60 tuổi, trú phường Kỳ Trinh) cho biết, ban đầu, người dân đã đồng thuận giao đất sản xuất cho dự án, song nhiều năm qua thấy đất bị bỏ hoang thì rất bất bình. "Nếu dự án bị treo, không mang lại lợi ích cho người dân thì chính quyền xem xét trả lại cho bà con để khôi phục sản xuất", ông nói.

Ông Trần Anh Đàn, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Kỳ Trinh, cho hay phường đã nhiều lần kiến nghị lên ủy ban thị xã Kỳ Anh và Ban Quản Lý Khu Kinh Tế tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị nếu dự án không thể tiếp tục thì cấp có thẩm quyền nên trả lại đất cho dân nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Hà Tĩnh cho rằng "việc công trình chậm tiến độ do vướng việc giải tỏa mặt bằng và thiếu vốn". (Tr.N)

*************

Bộ công an đang kiểm tra tài sản giám đốc công an Đà Nẵng (Người Việt, 22/06/2018)

Theo Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Đảng ủy công an Trung Ương đang xác minh tài sản của ông Lê Văn Tam, giám đốc công an thành phố này.

vn5

Căn biệt thự đắt giá của ông Lê Văn Tam, giám đốc công an thành phố Đà Nẵng. (Hình : soha.vn)

Ngày 22 tháng Sáu, Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng có buổi tiếp xúc với người dân quận Sơn Trà. Theo báo Người Lao Động, tại buổi tiếp xúc, bà Hoàng Ngọc Lan, một người dân, đặt câu hỏi : "Giám đốc công an thành phố có biệt phủ trăm tỷ ở ngay quận Sơn Trà này. Thành ủy cũng giao cho ông giám đốc làm tường trình, không biết quá trình này đến đâu mà tại sao hai tháng nay im lặng".

Trước đó, theo báo Trí Thức Trẻ, trong cuộc tiếp xúc người dân quận Ngũ Hành Sơn vào ngày 21 tháng Sáu của Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố, ông Lê Vinh Thành, một người dân, đặc biệt quan tâm đến việc chống tham nhũng và việc các cán bộ giàu lên bất thường, sỡ hữu nhà công, biệt thự, biệt phủ. Ông Thành đề nghị việc kê khai tài sản phải làm nghiêm, minh bạch để thông tin rõ ràng đến người dân.

Ông Thành lấy ví dụ hai trường hợp ở thành phố Đà Nẵng là ông Hồ Ánh, thư ký riêng của ông Nguyễn Xuân Anh – cựu bí thư Thành ủy Đà Nẵng ; và ông Lê Văn Tam, giám đốc công an Đà Nẵng.

"Việc kê khai, giải trình tài sản của một số cán bộ cao cấp của thành phố bây giờ có làm hay không. Ví dụ tài sản nhà công của thư ký riêng ông Nguyễn Xuân Anh bây giờ như thế nào rồi. Giám đốc công an Đà Nẵng có số tài sản như thế thì có sự giấu diếm không ?" ông Thành hỏi.

Ông Hoàng Đình Cảnh, một người dân, cũng đề nghị các trường hợp cán bộ giàu bất thường phải làm rõ có "sân sau, chống lưng" cho các công ty làm ăn vi phạm pháp luật hay không. Ông Cảnh cũng cho hay rất nhiều cán bộ sở hữu biệt thự, biệt phủ mà báo chí đã phản ảnh.

"Riêng ở Đà Nẵng, ông Lê Văn Tam sở hữu biệt phủ thì lấy tiền đâu để mua ?" ông Cảnh đặt câu hỏi.

"Tài sản của mình như căn nhà, cái xe thì phải biết tiền đâu ra mà mua, giải trình là ra ngay. Nếu giải trình không được thì rõ ràng là có vấn đề, cần phải tịch thu hết", ông Cảnh nhấn mạnh.

Theo báo Người Lao Động, trả lời người dân, ông Trương Quang Nghĩa – bí thư Thành ủy Đà Nẵng – cho rằng người dân nên lưu ý, tài sản không giải thích được khác với tài sản do tham nhũng mà có. Nếu đã xác định là tài sản tham nhũng thì không những tịch thu toàn bộ tài sản của cán bộ mà cán bộ còn phải đi tù.

Ông Nghĩa đưa ra trường hợp nhà ở của ông Lê Văn Tam, giám đốc công an thành phố, mà người dân hỏi do đâu mà có để làm ví dụ giải thích về "tài sản không giải thích được".

"Ví dụ như nhà của anh Tam (ông Lê Văn Tam), trên mạng thì nói 100 tỷ (hơn 4,3 triệu USD). Nhưng với kê khai của anh Tam thì anh mua thời điểm đó chỉ có 10 tỷ. Vậy thì cũng khó nói anh Tam lấy đâu ra 100 tỷ đồng để mua nhà. Có thể trong quá trình mua bán bất động sản, trong một thời gian, giá trị nhà đất tăng lên, giá trị tài sản tăng lên như thế. Việc phát sinh tài sản như thế hoặc có một số người trong quá trình làm việc đã tham gia mua bán bất động sản hay tham gia chứng khoán. Cái đó là sai phạm trong kê khai chứ không phải là tham nhũng", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho hay, hiện nay Ủy Ban Kiểm Tra Thành ủy Đà Nẵng đang phối hợp với Đảng Ủy công an Trung Ương kiểm tra, giám sát tài sản của ông Tam. (Tr.N)

******************

Cựu trưởng phòng ở Bình Dương bị truy nã vì thả cửa ‘phân lô, bán nền’ (Người Việt, 22/06/2018)

Cựu Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Dĩ An xin nghỉ việc nhiều tháng và tới nay bị công an ra quyết định truy nã.

vn6

Ông Nguyễn Văn Thiên Đăng đang bị công an truy nã. (Hình : Lao Động)

Theo báo Lao Động, Đại tá Trần Văn Chính, phó giám đốc công an tỉnh Bình Dương, cho biết Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định truy nã đối với ông Nguyễn Văn Thiên Đăng (39 tuổi, ở phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cựu Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Dĩ An, vào chiều 21 tháng Sáu, do ông Đăng "mắc những sai phạm hết sức nghiêm trọng về quản lý đất đai ở thị xã Dĩ An".

Báo này cho hay, từ năm 2014 đến 2017, trong thời gian đương chức, ông Đăng đã cho rất nhiều trường hợp phân lô bán nền đất ở nhiều phường thuộc thị xã Dĩ An như Tân Bình, An Bình, Bình An… trái quy định.

"Hàng trăm khu dân cư tự phát đã mọc lên như nấm ở thị xã Dĩ An. Trong tổng số 250 khu dân cư đang hiện hữu, có tới 40 khu dân cư ‘lậu,’ không được chính quyền địa phương cấp phép. Thí dụ, tại phường Đông Hòa, với 29 khu dân cư thì có đến 21 khu là ‘lậu.’ Phường Tân Đông Hiệp – một ‘điểm nóng’ về phân lô bán nền, với 91 khu dân cư thì có tới 76 khu là không phép… Ngoài ra, tại nhiều phường khác như Tân Bình, Dĩ An, Bình Thắng, Bình An và An Bình đều có rất nhiều khu dân cư không phép", Lao Động dẫn chứng.

"Từ những khu dân cư không phép, các chủ đầu tư đã phân lô, xẻ hàng ngàn nền đất nông nghiệp và xây nhà bán, mà không tuân thủ quy định về quy hoạch xây dựng và đất đai theo luật pháp. Việc sai phạm này có sự tiếp tay của ông Nguyễn Văn Thiên Đăng. Ngoài các sai phạm về phân lô bán nền, ông Đăng còn cho chuyển đổi mục đích đất không ghi nợ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng", báo này viết.

Khoảng tháng Sáu, 2017, ông Đăng nộp đơn xin nghỉ việc và được Ủy ban nhân dân thị xã Dĩ An chấp thuận. (Tr.N)

********************

Chính quyền Việt Nam lại muốn giao nhà máy điện than cho Trung Quốc (CaliToday, 22/06/2018)

Cho dù đã gặp rất nhiều rủi ro trong việc giao việc xây dựng các nhà máy điện than cho chủ đầu tư Trung Quốc. Vậy nhưng, chính quyền Việt Nam vẫn chưa rút được kinh nghiệm. Mới đây, Bộ Công thương vừa gởi văn bản cho ông Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng Chính phủ cộng sản Việt Nam muốn giao dự án Nhà máy điện than Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) cho một chủ đầu tư Trung Quốc.

vn7

Trong số 27 nhà máy điện than đang vận hành trong nước thì đến 14 nhà máy do các chủ đầu tư Trung Quốc làm tổng thầu. Ảnh : Thanh Niên

Trong văn bản gởi Chính phủ, Bộ Công thương cho biết do Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản (TKV) không đủ tài chính sẽ làm chậm tiến độ triển khai như đã vạch ra trước đây. Do đó muốn thay bằng liên danh Geleximco-HUI (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Kông United Investors Holding, Trung Quốc). Cũng trong văn bản, Bộ Công thương mong muốn ông Phúc chấp thuận đề nghị trên.

HUI là một công ty con của Tập đoàn năng lượng KAIDI Dương Quang (Trung Quốc). Đây là tập đoàn có nhiều đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến điện than và sở hữu rất nhiều nhà máy. Không chỉ ở Trung Quốc, mà ngay tại Việt Nam thì HUI cũng làm tổng thầu rất nhiều dự án.

Dự án nhà máy điện than Quỳnh Lập 1 có diện tích 150ha, với tổng đầu tư lên đến 2,1 tỷ Mỹ kim được chính quyền Việt Nam giao cho TKV làm chủ đầu tư. Theo Bộ công thương, nếu giao dự án này cho HUI và Geleximco thì số tiền đầu tư dự án sẽ được các ngân hàng Trung Quốc đổ tiền vào, số tiền lên đến 1,6 tỷ Mỹ kim với lãi suất từ 10,86 đến 11,77%/năm.

Không chỉ muốn làm chủ đầu tư nhà máy điện than Quỳnh Lập 1, mà HUI còn muốn thâu tóm dự án nhà máy điện than Quảng Trạch 2 (Quảng Bình) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Từ những con số của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) Việt Nam, cho đến năm 2017 số tiền đầu tư vào ngành điện than trong nước lên đến 40 tỷ Mỹ kim. Trong số đó, số tiền mà các ngân hàng trong nước cho vay chỉ ở khoảng 17%, 52% tiền đến từ các ngân hàng nước ngoài. Điều lạ lùng là có đến 31% nguồn tiền đầu tư vào các nhà máy điện than không xác định được. Đó có thể là tiền bẩn đầu tư vào các nhà máy điện than nhằm mục đích rửa tiền.

Với nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào các dự án nhà máy điện than thì Trung Quốc chiếm nhiều nhất, với hơn 50% được vay từ nước này, thứ nữa là Nhật Bản và Đại Hàn.

Trước việc Bộ Công thương muốn giao dự án nhà máy điện than cho chủ đầu tư Trung Quốc, rất nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại của mình. Theo họ, mục đích của các chủ đầu tư Trung Quốc là muốn đẩy công nghệ điện than lạc hậu từ nước họ sang Việt Nam thông qua hình thức cho vay vốn. Điều này đã gặp phải ở rất nhiều dự án, mà đáng nói nhất là tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ là một quốc gia chuyên đi cho vay nợ. Rất nhiều quốc gia sau khi vay vốn từ nước này đã phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Trong số đó có Việt Nam. Bằng số tiền cho vay, chính quyền Trung Quốc điều khiển các quốc gia con nợ của họ theo ý của mình. Mà điển hình là phải cho nhập công nghệ lạc hậu ; không đủ tiền trả thì phải bán đất, cho thuê cảng dài hạn…

Tại Việt Nam, rất nhiều dự án đang mắc phải chiêu trò bẩn của các chủ đầu tư Trung Quốc. Ban đầu, các chủ đầu tư bỏ giá thầu rất rẻ, rồi sau đó kéo dài thời gian thi công khiến số tiền đội sổ lên nhiều lần. Các quốc gia vay nợ không có tiền để bù vào trở nên khốn đốn. Một trong những bài học trước mắt nhưng quan chức cộng sản Việt Nam vẫn không học được đó là dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, hay nhà máy thép Thái Nguyên. Cho đến nay, các dự án này đang nằm như một đống chất thải khổng lồ ngay tại thủ đô Hà Nội.

Phải nói tại Việt Nam, rất nhiều dự án nhà máy điện than lọt vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về an toàn năng lượng cho quốc gia. Trong tổng số 27 nhà máy điện than đang được vận hành trong nước thì có đến 14 nhà máy là do Trung Quốc làm tổng thầu. Không chỉ lo lắng về an ninh năng lượng, mà còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu do phải nhập từ Trung Quốc sang.

Người Quan Sát

Quay lại trang chủ
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)