Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/06/2018

Vượt qua nỗi sợ

Nguyễn Lân Thắng

Nhiều năm nay trong quá trình lên tiếng và tham gia đấu tranh, tôi có được sự yêu mến quý trọng của nhiều người, và có cả những nghi ngờ. Có nhiều người hỏi : bạn làm thế có được gì không ? Bạn không sợ bị bắt à ? Có sợ gia đình bị làm phiền gì không ? Bạn có phải hai mang không ?... và rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy.

so11

Luôn mở to mắt, luôn lắng nghe và đón nhận những bài học cho mình trong từng bước đi.

Hôm nay tôi muốn dành thời gian để nói về chuyện nỗi sợ này. Như các bạn đã biết, nỗi sợ là một phản ứng rất tự nhiên của con người. Nỗi sợ không có gì là xấu hổ cả. Ai trong chúng ta kể từ khi sinh ra cũng đều có một nỗi sợ nào đó. Có người thì sợ rắn rết. Có người thì sợ ăn hành. Có người thì sợ bóng tối. Kể về nỗi sợ thì rất đa dạng, nhưng thực ra chung quy nó cũng chỉ là phản ứng tâm lý rất bình thường, để bảo vệ chúng ta cho được an toàn. Nỗi sợ không phải là tồn tại dưới dạng vật chất. Nó ở trong tâm trí của ta. Nó giúp ta đề phòng những mối nguy hiểm, mà những mối nguy hiểm thì đôi khi không có thực. Chắc chắn là các bạn đã từng bực mình hay chế giễu một ai đó sợ gián, sợ côn trùng, sợ cay, sợ mùi sầu riêng... hay một thứ đại loại như vậy. Đó là bởi vì trong não bạn, nỗi sợ của bạn khác nỗi sợ của người khác, đơn giản vậy thôi.

Làm thế nào để bạn biết điều bạn đang sợ có thực sự đáng sợ hay không ? Không có cách nào khác, bạn phải nhảy vào cuộc. Bạn phải đặt câu hỏi, tại sao người khác làm được mà mình không làm được ? Tôi không xúi bạn thò tay vào ổ điện để thử xem điện có chết người không nhé. Nhưng bạn không thể ngồi nhìn và lo lắng, rồi bỏ cuộc, khi mà thực ra đã có rất rất nhiều người khác làm được chuyện đó. Người ta sinh ra cũng như bạn, có hình hài chân tay đầu óc cũng như bạn, tại sao họ làm được mà bạn không làm được ?

Bạn phải biết đặt câu hỏi, rồi sẽ tìm được ra câu trả lời. Những người thợ điện có một bộ quần áo đặc biệt, nó dệt từ vật liệu dẫn điện rất tốt, bao phủ khắp cơ thể họ. Nên một khi có dòng điện chạm vào người họ, điện sẽ truyền thẳng qua bộ quần áo này xuống đất và không gây hại gì cho người thợ, và vì thế họ có thể thản nhiên đi lại trong các trạm biến thế hay các tổ hợp máy móc mà không hề bị làm sao. Những người thợ sơn, thợ lau kính tại sao họ có thể thản nhiên đu mình trên cao hàng trăm mét để làm việc ? Không phải chỉ bởi vì họ có sợi cáp an toàn đeo ở người đâu. Họ bắt đầu leo ở những độ cao thấp thôi. Họ biết sợi cáp rất an toàn, có thể treo những vật nặng gấp hàng chục lần trọng lượng cơ thể. Họ từ từ làm quen với độ cao, và rồi dần dần trong đầu họ hình thành nên một quan niệm rằng, độ cao không phải là điều đáng sợ, và rồi họ cứ thế leo cao dần, cao dần và rồi thản nhiên lao động trên đó. Nếu chúng ta không nhảy vào cuộc, không thử làm quen với nỗi sợ, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua được nỗi sợ. Nó cũng như một chú gà con hét lên với đại bàng rằng, bay thấp thôi, đừng có bay cao, bay lên cao là ngã đấy...

Khi đã bắt đầu dám thử vượt qua nỗi sợ, bạn nên bắt đầu làm gì trước ? Theo tôi bạn nên suy nghĩ và tìm ra lợi ích của việc vượt qua được nỗi sợ trước. Có thể là : Nếu tôi không sợ con gián, tôi sẽ không xấu hổ với mọi người vì hét lên khi gặp nó, và có thể thản nhiên đập chết nó rồi ném vào thùng rác như người khác. Nếu tôi không sợ ăn hành, tôi không phải mất công cầu kỳ dặn dò người bán phở, nhăn mặt khó chịu, hay có một phản ứng nào đó không có lợi làm phá hỏng cuộc hẹn đầu tiên với một anh chàng 6 múi rất đẹp trai. Hay, nếu tôi không sợ bóng tối, tôi có thể đi ra ngoài và ngắm nhìn bầu trời tuyệt đẹp với rất nhiều vì sao sáng rực ở một vùng quê... đại loại như vậy.

Việc ý thức được lợi ích của khả năng vượt qua nỗi sợ sẽ tiếp cho bạn rất nhiều động lực để bạn có thể bắt đầu bước đi. Nếu tôi có một tầm nhìn, một lợi ích, tôi biết tôi sẽ phải đi đến một điểm ở xa kia, thì mọi ổ gà trên đường sẽ là chuyện nhỏ.

Xung quanh chúng ta, mối nguy hiểm là có thật. Sự thiếu hiểu biết về nó mà vẫn lao vào là hành động tự sát. Có những cái không gây hại gì cho bạn hết. Nhưng có những cái, nếu bạn cứ lao vào thì bạn sẽ chết, chết ngay, không còn gì để nói tiếp. Vì thế việc tìm hiểu trước những nguy cơ là điều nên làm.

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận với nhau một điều rằng tri thức là hữu hạn. Thế giới rất rộng lớn, chúng ta không thể biết hết mọi thứ. Vì thế nếu cứ ngồi chần chừ đo đếm khả năng thiệt hại, thì bạn sẽ mất cơ hội. Hãy lao vào nguy hiểm một cách có tính toán. Hãy đi từng bước một thận trọng. Luôn áng chừng được mức thiệt hại rủi ro có thể chấp nhận trong từng bước đi. Luôn mở to mắt, luôn lắng nghe và đón nhận những bài học cho mình trong từng bước đi. Thất bại hay thành công trong từng bước đi luôn chứa đựng bài học trong đó. Nếu thành công, nó chứng tỏ bạn đang đi đúng đường, hãy đi tiếp. Nếu thất bại, nó chứng tỏ bạn cần tìm một giải pháp thay thế, bạn có thể vòng đường khác, dùng một phương tiện khác, và đặt dấu cảnh báo nguy hiểm cho người đang đi theo sau lưng bạn. Thành công hay thất bại đều có lợi ích trong đó. Nhưng chắc chắn, nếu bạn cứ ngồi đó mà không hành động, bạn sẽ mãi mãi không thể thu được lợi ích nào. Người thành công trong cuộc sống luôn không bao giờ là một người trì hoãn và bỏ cuộc.

Quay trở về chuyện đấu tranh, chúng ta biết có rất nhiều người bị đi tù. Nhưng có nhiều người vẫn tiếp tục lên tiếng, tiếp tục đấu tranh, và dù có gặp khó khăn nào đó, họ vẫn vượt qua. Nhiều người hơi vội vàng, và nghi ngờ họ là hai mang, rồi kết luận họ là dân chủ cuội. Đại loại như vậy ! Hãy nhìn sâu vào chuyện này. Hãy hỏi tại sao họ làm được như vậy. Hãy nhìn thành quả họ đạt được trong suốt cả một quá trình trong một tinh thần cầu tiến. Đừng ganh tị với danh tiếng hay lợi ích họ có được. Hãy bắt chước hành động của họ. Từ từ từng bước một. Hãy tập hợp những người ủng hộ xung quanh mình, đừng đi lẻ, luôn đi theo đội hình và tôn trọng đồng sự. Hãy bước đi từng bước nhỏ, lấn sân và leo thang từng nấc một. Muốn đứng trên một bậc thềm cao thì bạn không thể nhảy lên ngay, hãy chấp nhận bước đi từng bước nhỏ. Luôn kiểm soát rủi ro trong mức chấp nhận được và không dừng lại.

Những người thành công luôn khác những người khác ở một điều là, họ cực kỳ nhẫn nại và kiên định. Khi đã đạt được thành công nhất định, hãy luôn nhớ một điều rằng chúng ta phải luôn tôn trọng và ghi nhớ công lao của những người đi trước. Dù có thất bại, người đi trước đã hiến mình làm biển cảnh báo nguy hiểm trên đường chúng ta đi. 

Tôi muốn nói đến những điều này bởi vì tôi mong muốn càng ngày có nhiều người không sợ hãi. Chúc các bạn thắng được nỗi sợ hãi của chính mình, và hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Một dân tộc với những con người không sợ hãi nhất định sẽ có độc lập, có tự do và có hạnh phúc !

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 25/06/2018 (nguyenlanthang's blog)

Quay lại trang chủ
Read 602 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)