Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2018

Mơ Hà Nội sớm đuổi kịp Singapore, Hong Kong

RFA tiếng Việt

Lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam lên tiếng cho rằng thành phố này hay thành phố kia của Việt Nam sẽ sớm sánh ngang các địa danh nổi tiếng thế giới như Paris, Venice…

VIETNAM-ENVIRONMENT-CONSERVATION

Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Mới nhất ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đuổi sát Singapore, Hong Kong.

Cơ sở nào cho thấy Hà Nội sẽ sớm bắt kịp Singapore ?

"Có lẽ 10 hay 20 năm cũng không thể"

Tại Hội nghị "Hà Nội 2018 : Hợp tác đầu tư và Phát triển", với sự tham dự của 1.500 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, lãnh đạo Hà Nội cùng lãnh đạo một số địa phương vào cuối tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nguyên văn như sau :

"Hà Nội đặt ra một số tiêu chí trong môi trường kinh doanh đuổi sát Singapore, Hong Kong trong 4 năm tới, việc này có làm được không ? Chủ tịch Hà Nội khẳng định làm được, tôi nghĩ Hà Nội hoàn toàn làm được".

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Ông Nguyễn Khắc Trọng, chuyên ngành quy hoạch kiến trúc, từng làm việc tại Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, và được ông cho biết ý kiến của mình :

"Theo cá nhân tôi thì 4 năm nữa Hà Nội sẽ rất khó để đuổi kịp Singapore, cũng như là một số thành phố lớn trong khu vực. Riêng cái quy hoạch kiến trúc của Hà Nội hiện tại lại càng khó để đuổi kịp các thành phố đó, nếu như mà chúng ta không nỗ lực cải cách và những quy hoạch phải chuẩn chỉ và triển khai thực hiện phải rất là chặt chẽ. Chứ còn như hiện nay thì sẽ còn rất lâu mới có thể đuổi kịp Singapore, có lẽ 10 hay 20 năm cũng không thể".

Cũng từ Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân nói thẳng là không tin vào những lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bà cho rằng Hà Nội tuy méo mó, nhưng làm thế nào để nó méo mó nhưng nó tồn tại được, nó sống được, thì chuyện đó mới quan trọng. Bà nói tiếp :

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thích nói thì cứ nói, tôi không tin điều đó, bởi vì ông ta luôn luôn nói những điều không có thật, thế thôi. Bởi vì đuổi kịp, đuổi kịp ai, có bỏ quả bom nguyên tử ở đây để tan nát hết như Hyroshima xong làm lại không, chuyện đó không có, phải không ạ ?"

Theo số liệu của Cục Thống kê, Hà Nội hiện là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam, khoảng gần 333 ngàn hecta, với dân số tính đến năm 2018 là 8 triệu 215 ngàn người, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2008, sau khi sát nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội, tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Chưa kể các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn…

Năm 2010, Hà Nội lập Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn năm 2050, cho một thành phố ước tính 9,1 triệu dân vào năm 2030 và trên 10 triệu người vào năm 2050. Về mặt kiến trúc, dự tính chia Hà Nội thành bốn khu vực : khu phố cổ, khu thành cổ, khu phố Pháp và các khu mới quy hoạch.

Trao đổi với chúng tôi về tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan việc quy hoạch Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết :

"Tất nhiên cái hy vọng, mong muốn là một điều rất tốt, nhưng mà trên thực tế tôi cho rằng là cũng khó có thể trong vòng vài năm tới mà đuổi kịp các thành phố có hạng trên thế giới như Singapore, Hong Kong…v.v. Bởi vì thật sự mà nói tôi cho rằng còn nhiều vấn đề về thể chế hiện nay cần phải đổi mới tiếp tục, thì Hà Nội mới có cơ hội đuổi kịp được".

Ông Nguyễn Khắc Trọng thì cho rằng phải đẩy mạnh thông tin quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp thì việc triển khai quy hoạch mới tốt được, ông nói tiếp :

"Hiện nay thì bản thân người dân và các tổ chức doanh nghiệp không nắm rõ được hiện giờ thành phố có những quy hoạch nào, và được triển khai như thế nào ? Chính vì việc đó mà việc kiểm tra giám sát của người dân đối với các quy hoạch chưa được tốt. Cho nên việc triển khai thực hiện theo quy hoạch hiện giờ tại Hà Nội còn nhiều vấn đề".

Cần phát triển đồng bộ

mo2

Khu vực cầu Nhật Tân, thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO

Cùng thời điểm này, báo chí trong nước lại đồng loạt đưa tin chính phủ đồng ý giao hoàn toàn hơn 2.000 hécta đất thuộc khu vực trục Nhật Tân – Nội Bài cho một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chỉ nhận làm một phần thôi để xây dựng thành phố thông minh trị giá 4 tỷ USD. Đây có phải là căn cứ để ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố "sẽ đuổi kịp Singapore" ?

Nhận xét về điều này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết :

"Tôi cho ý tưởng ấy là ý tưởng tốt, vì lúc này là lúc chúng ta có thể thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, và lúc đó nó sẽ dẫn tới các đô thị thông minh. Liệu việc đó có làm cho Hà Nội mất đi cái chất văn hóa, chất truyền thống hay không, thì tôi cho rằng một đô thị có thể có rất nhiều khu vực".

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đưa ra ví dụ về việc quy hoạch Thủ đô Paris của Pháp, với Paris cũ vẫn là khung cảnh Paris ngày xưa và bên bên kia sông Seine là Paris mới hiện đại với nhà chọc trời. Ông nói tiếp :

"Tôi cho là tất cả những cái này cũng không làm thay đổi Hà Nội cổ, Hà Nội cũ. Vậy thì chúng ta có thể phát triển một đô thị, ví dụ như lựa chọn bên kia cầu Nhật Tân chẳng hạn, thì cũng là một cái đề xuất tôi cho là phù hợp".

Ông Nguyễn Khắc Trọng thì cho rằng việc để cho các doanh nghiệp nước ngoài triển khai những quy hoạch của Hà Nội thì chất lượng và công nghệ sẽ tốt. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Việc chúng ta chỉ khoanh vùng một khu vực để triển khai để cho nó thật hiện đại, để ngang tầm với các nước trong khu vực, thì tôi nghĩ việc đó nó hơi duy chí. Bởi vì để phát triển một thành phố thì chúng ta phải phát triển đồng đều, đồng bộ, và tất cả các lĩnh vực hạ tầng xã hội, hạ tầng xây dựng nó phải phát triển đồng bộ với nhau. Chứ không chỉ khoanh vùng một khu vực trong Hà Nội để làm một khu vực thật hiện đại, thật phát triển, thì Hà Nội lúc ấy phát triển được như Singapore, thì tôi nghĩ việc ấy không ổn".

Phát biểu sau Hội nghị "Hà Nội 2018 : Hợp tác đầu tư và Phát triển", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, cho biết trong trung và dài hạn, Hà Nội có thể đuổi kịp Singapore nếu chỉ xét về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại cho rằng không một cái gì có thể xem xét độc lập được, mà phải xem xét mối quan hệ với các yếu tố khác. Ông nói :

"Môi trường kinh doanh có tốt đến đâu thì nó cũng không thể độc lập với thể chế hiện nay, mà thể chế hiện nay thì mọi người đang có ý kiến cho rằng đó là yếu tố không thuận lợi cho phát triển, cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, kể cả khung pháp luật cũng như vậy. Và đấy là những yếu tố cơ bản để có thể quyết định Hà Nội vượt lên được hay không vượt lên được".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu chỉ xem xét riêng môi trường kinh doanh, để khẳng định sẽ đuổi kịp Singapore trong 4 năm nữa, thì ông cho rằng thật sự là một cách nhìn tương đối phiến diện và không phải là cách nhìn đầy đủ.

Nguồn : RFA, 28/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)