Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/06/2018

Việt Nam thời mở mắt và đôi điều góp ý về Luật An ninh mạng

Trần Kiêm Đoàn

Thế giới nói chung và người Việt nói riêng theo dõi tình hình thời sự nóng bỏng nhất của Việt Nam xung quanh khóa họp XIV của Quốc hội năm 2018 về hai dự luật Ba Đặc khu và An ninh mạng : Kết quả là dự luật Ba Đặc khu sẽ được tiếp tục thảo luận và dời lại ngày biểu quyết tới cuối năm.

anm1

Luật An ninh mạng - Ảnh minh họa (EMagazine)

Luật An ninh mạng (Cybersecurity) của Việt Nam đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 12/06/2018 với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%) ; 15 đại biểu không tán thành ; 28 đại biểu không biểu quyết.

Luật này gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Như vậy, luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/06/2018 và chính thức áp dụng từ 1/1/2019.

Đối với giới theo sát tình hình thì người ta không ngạc nhiên khi luật An ninh mạng được thông qua. Nhưng ngạc nhiên vì có một chút gì đó chững lại nên "hạ quyết tâm" chưa đạt yêu cầu, bởi thông thường có 3 hình thức thông qua những dự luật dựa trên nguyên tắc đa số : Đa số tương đối (50% +), đa số tuyệt đối (2/3=66?66% +) và đa số chuyên chế toàn trị (totalitarian majority) phải đạt từ 90% trở lên !

An ninh mạng là nhóm chữ nói tắt về luật lệ bảo vệ và kiểm soát mọi hình thức sinh hoạt của mạng lưới internet toàn cầu với sự nhấn mạnh kiềm soát, theo dõi, ngăn chận, sàng lọc những thông tin trong và ngoài nước trên các trang mạng xã hội.

Trong năm 2018, các nước có số người sử dụng mạng xã hội (social media) cao nhất là Hà Lan (63,5%) dân số. Tiếp theo là Na Uy (63,3%), Thụy Điển (56,4%), Hàn Quốc (54,4%), Đan Mạch (53,3%), Mỹ (51,7%), Phần Lan (51,3%), Canada (51,2%) và Anh (50,2%). Việt Nam có khoảng 94 triệu dân : trong đó có tới 50 triệu người sử dụng Facebook và 64 triệu người truy cập internet ít nhất một lần mỗi tháng.

Thời mở mắt

Lịch sử con người đã trải qua 200 nghìn năm, so với tuổi trái đất 4?5 tỷ năm thì cũng mới bằng một ánh chớp của thời gian. Lịch sử văn minh nhân loại cũng đi từ Khải Huyền (Mythologization) : gieo rắc tư tưởng và bóng dáng huyền bí để dìm sâu nhân loại vào biển thần linh, phép lạ, mê tín. Càng ngày, con người càng khám phá ra thực tế, nên muốn sống còn thì cần phải đối diện với thực tế ; do đó, khuynh hướng Giải huyền (Demythologization) ra đời để "giải độc" cho thế giới Khải Huyền, kéo hành động và ý thức của con người ra khỏi những hoang tưởng viễn vông.

Lịch sử chính trị và quyền lực cai trị của nhân loại cũng đã và đang trải qua những chặng đường "mê" và "tỉnh" như thế. Chế độ Quân chủ Chuyên chế thời vua chúa và Độc tài Chuyên chính đã gặp nhau ở cùng một mẫu số chung là thần thoại hóa chế độ chính trị và thần thánh hóa chân dung nhà lãnh đạo. Lý thuyết chính trị thì phải tôn vinh tới tầm mức "đỉnh cao trí tuệ". Nhà vua, hoàng đế hay nhà độc tài, lãnh tụ đều được bầy đàn thế tục tôn xưng bằng những gì vĩ đại, phi thường và cao cả nhất theo kiểu "thần thông, phép lạ… vẽ cá hóa rồng" !

Nhân loại như một khối quần chúng vô danh, thụ động và thủ phận đã bao năm chấp nhận không điều kiện những mô thức chính trị "phản động tri thức" là sản phẩm tất yếu của chuyên chế và độc tài qua những đêm dài lịch sử. Nhưng cuộc Cách Mạng Truyền Thông Đại Chúng đã bắt đầu từ 50 năm qua và phát triển với một tốc độ nhanh đến chóng mặt ngày nay về cả 3 phương diện : Tin tức/Thông tin (News/Information), Giải trí và Giáo dục. Tác dụng của tin tức toàn cầu đang xảy ra từng phút và thông tin mang tới những sự kiện và dữ kiện xảy ra khắp nơi đã gíúp khối quần chúng vô danh MỞ MẮT. Mở mắt để thấy sự khác biệt giữa huyền thoại (ảo tưởng, tô vẽ, quảng cáo, tuyên truyền…) và thực tế ; giữa những hứa hẹn dối trá mơ hồ và thành tựu thực tại có thể cân-đo-đong-đếm được. Đồng thời, cũng ghi nhận và tri ân những thành tựu về các mặt văn hóa, xã hội và giáo dục có giá trị thực sự đã đạt được.

Các trang mạng xã hội toàn cầu đã giúp hơn nửa của 95 triệu người Việt Nam trong nước và 3 triệu người Việt ngoài nước có điều kiện mở mắt nhanh hơn. Mọi tin tức toàn cầu và trong nước được thông tin trực tiếp, loan truyền trong nháy mắt hoặc cập nhật từng phút, từng giờ. Bởi vậy, mọi khuynh hướng hay nỗ lực nhằm dấu diếm, che đậy, cắt xén thông tin đại chúng đều đã lỗi thời, lạc hậu và không còn tác dụng đối với công nghệ khoa học, kỹ thuật thông tin thời hiện đại. Những bức tường lửa (fire walls) của các nước độc tài toàn trị muốn ngăn chận những thông tin mà giới cầm quyền đang che dấu thực sự đã gây ra phản tác dụng.

Trong lĩnh vực thông tin đại chúng xưa nay, tâm lý "trái táo Adam", "ông vua tai lừa" hay "vật cấm không được tìm hiểu" kiểu thị phi Nghìn Lẻ Một Đêm là động cơ mang tính bản năng gây ra sự tò mò, khát vọng tìm hiểu mạnh mẽ hơn tất cả mọi sự ngăn cấm bất cứ từ đâu đến. Nếu để tự nhiên như bình thường, những ngưồn tin công cộng loan truyền thường xuất hiện và trôi qua rất nhanh. Ngược lại, những thông tin càng bị ngăn cấm thường chuyển tải nửa úp, nửa mở, càng gây ra sự tò mò, lôi cuốn, cắt xén tam sao thất bổn đa số là bất lợi cho gốc phát sinh, cụ thể là gây tác dụng tiêu cực cho các giới chức cầm quyền ra sức ngăn chận.

Biến cố Thiên An Môn (Tiananmen Square Massacre) tại Trung Quốc năm 1989, Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring) xảy ra tại Tunisia năm 2010 và lan rộng ra 8 nước khác tại Trung Đông là những phong trào đòi tự do dân chủ của thế hệ trẻ và hiện có 169 người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ tại Việt Nam… được xem như là phản ứng trực tiếp của quần chúng bị áp bức, tự do thông tin báo chí bị trấn áp, bưng bít.

An ninh mạng để trị dân hay phòng giặc

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam đề xướng và thông qua.

Sau khi tham khảo dự luật về "An ninh mạng" trong tháng 5/2018, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cảnh báo rằng, dự luật nầy tạo thêm những phương tiện tinh xảo hơn để làm công cụ đàn áp và loại trừ các đối tượng đối lập, bất đồng chính kiến. Dự luật này còn bị xem là sẽ có tác dụng nguy hại cho nền kinh tế Việt Nam vì tính cách tập trung quyền lực điều khiển trong nhiều lĩnh vực thương mãi và kinh tế, chi phí của các cơ sở doanh nghiệp gia tăng.

Ngay cả Hiệp hội Truyền thông Vi số Việt Nam (VDCA) cũng đã lên tiếng về dự luật "An ninh mạng" đã đẻ ra nhiều quy định mà cơ quan này gọi là "Có thể gây rủi ro, xâm phạm các quyền chính trị, kinh tế cơ bản của công dân Việt Nam".

Đến nay, bất chấp những cảnh báo từ phía các nhà chuyên môn có thẩm quyền trong ngành vi tính – mạng Việt Nam (ICT) như các ông : Đặng Hữu (Cựu bộ trưởng Khoa học – Công nghệ, Chu Hảo (cựu thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ), Mai Liêm (cựu Tổng cục trưởng ngành Bưu điện ; cựu thứ trưởng Bưu chính – Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, cựu thứ trưởng bộ Công an)… ông Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Việt Nam đã đóng sập nắp áo quan dự luật "An ninh mạng", tuyên bố : "Xin giữ nguyên như dự thảo" ; và, dự luật đã thành luật !

Ông Trân Văn, bỉnh bút đài VOA nhận định : "Luật an ninh mạng để trị dân chứ không phòng giặc !".

Thật ra thì từ thời 1945, nhà nước cộng sản Việt Nam đã đặt hệ thống ngôn luận, truyền thông trong vòng kiểm soát chặt chẽ, đâu cần phải đợi tới 73 năm sau mới ban hành luật "an ninh mạng". Từ hơn 20 năm trước, cư dân trên các trang mạng xã hội tiếng Việt đã nếm trải những bức tường lửa, sự cắt bỏ, hiệu đính từng chữ, từng ý trong các bài đọc, bài viết trên mặt bằng báo chí Việt Nam trong nước. Trung tâm ứng phó khẩn cấp máy tính Việt Nam (Vncert) cũng đã năng nổ tham gia vào "Chiến tranh Mạng Xã hội" (Social Media War). Một cuộc chiến vô hình nhưng rất ác liệt với tin tặc, tin vịt, tin phịa, tin quảng cáo, tin tuyên truyền, tin gây rối…

Trong khi thế giới văn minh, các nước nhân bản đang sử dụng mạng thông tin để nâng cao dân trí, khai hóa những góc khuất của nhân loại còn bị lãng quên trong bóng tối thì những thế lực bạo quyền đen tối lại tận dụng kỹ thuật mạng để thực hiện những mưu đồ tội ác, bất nhân. Tổng thống Nga Putin được xem là nhân vật đầy mưu mô xảo quyệt nhất và Tập Cận Bình là tư lệnh lực lượng đồ sộ nhất (gần 2 triệu nhân viên tham gia cuộc chiến tranh mạng) đứng sau hầu hết những vụ tấn công, đánh sập, phá hủy, chiếm quyền điều khiển các hệ thống vi tính – mạng mạch đầu não thế giới trong vòng năm năm qua. Việt Nam chưa thấy ai đủ "vĩ đại" để được nêu tên trong bảng phong thần của cuộc chiến Mạng Xã Hội nầy (?!).

Bởi vậy, không ai ngạc nhiên khi Việt Nam cần có một bộ luật như An ninh mạng, thủ sẵn "đại đao" để chỉ huy những hoạt động mạng thông tin vi tính thời hiện đại. Tuy nhiên, trong thế giới mạng thì "cao nhân tắc hữu cao nhân trị". Nghĩa là một khi đã có kẻ mượn kỹ thuật để xây thành thì cũng có kẻ phản pháo biết dùng kỹ thuật để phá thành. Cuối cùng thì bất cứ những tin tức động trời, động đất… nào cũng bị phanh phui. Bao nhiêu cường quốc mà cũng phải điêu đứng bởi Wikileaks của một cá nhân xuất chúng như Julian Assange lập ra và điều khiển với những tin tức tối mật cũng bị lọt ra ngoài làm rung rinh nhiều chế độ.
Thời đại hôm nay được mệnh danh là "Thời Mở Mắt" và người lãnh đạo quang minh chính đại không thể là kẻ tà đạo bị bịt mắt hay đi bịt mắt người khác. Tinh thần Việt Nam, trong giới hạn của tự do, yêu nước, thương dân thật sự thì luật an ninh là luật pháp. Nhưng nếu đi quá giới hạn phục vụ thì luật sẽ trở thành vũ khí đàn áp. Luật an ninh mạng nếu dùng làm công cụ trấn áp thì nó tự động trở thành nanh vuốt của tội ác. Tương tự như thế, có những giới hạn về khái niệm tổ quốc, hòa hợp lòng dân và đồng hành với vận mệnh đất nước là đồng nghĩa với yêu nước ; ngược lại là bán nước, hại dân.

Trên chặng đường Việt Nam đang đi, sau lưng là chứng tích lịch sử còn sống động ; hai bên cạnh là biển đảo đang mất và áp lực tiền bạc mua chuộc điên đảo của trọc phú Tàu ; trước mắt là "Đế Quốc Chủ Nợ Trung Hoa" rình rập sẵn sàng nhảy vào chụp lấy cơ hội cướp nước, mất lòng dân là mất tất cả.

Đôi điều xin góp ý

Xin có đôi điều góp ý với các quan chức lãnh đạo Việt Nam trong quá trình trị nước, an dân :

– Người Việt Nam hôm nay trong cũng như ngoài nước đã được mở mắt mà môi trường truyền thông đại chúng đóng một vai trò trọng yếu. Đây là một tiến trình không thể đảo ngược. Nghĩa là mọi nỗ lực nhằm cấm đoán, chận đứng, bưng bít nguồn thông tin đại chúng toàn cầu sẽ bị phản tác dụng.

– Ý chí và tâm thức người dân Việt Nam chống mọi hình thức âm mưu thống trị của Trung Quốc là một truyền thống kế thừa trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nguyện ước Giải Tàu – Thoát Trung là tiền đề xương sống của lòng yêu nước. (Theo PEW – cơ quan thăm dò dư luận hàng đầu thế giới – thì 95% người dân Việt Nam hiện nay đang sôi sục chống Trung Quốc). Đó không phải là phản ứng nhất thời, thoáng qua, một ngày, một năm, 99 năm mà từ thuở bình minh lịch sử cho đến hôm nay. Thông điệp trái tim của toàn dân khẳng định : Việt Nam là một láng giềng của Trung Quốc ; cần cư xử, giao lưu bình đẳng, tử tế, hai bên đều có lợi. Tránh mọi hình thức "nhất bản vạn lợi" của phường Đại Hán như đặc khu, nhượng địa… nhằm gieo hạt giống Trung Quốc để gặt tai họa Đại Hán trên đất nước của mình. Trong lĩnh vực mạng truyền thông Việt Nam cần phải độc lập với Trung Quốc. Cụ thể là không theo đuôi Trung Quốc để chận đứng những mạng xã hội hàng đầu thế giới mà hơn nửa dân số Việt Nam đã sử dụng quen thuộc như : Youtube, Google, Facebook, Yahoo… để quay đầu làm "chư hầu mạng" của Trung Quốc.

– Giới chức thẩm quyền nên điều chỉnh lại để bớt khắt khe và hẹp hòi với các tiêu chuẩn "phạm húy" trên các mạng thông tin về chính trị, thời sự. Đồng thời, cần nghiêm khắc hơn với các trang mạng về giới tính phóng đãng, thời trang lõa lồ, nghệ thuật kích dục, mê tín dị đoan… Đặc biệt, cần ngăn chận hay giới hạn loại ngôn ngữ xâm phạm như thô tục, chửi bới, khích động bạo lực. 

– Với hai dự luật Ba Đặc khu và An ninh mạng, phản ứng quần chúng trong cũng như ngoài nước đã dấy lên dưới nhiều hình thức. Theo Bloomberg News hôm nay (24/06/2018) thì quần chúng biểu tình lần nầy, so với lần biểu tình chống Formosa năm 2016, đầy đủ mọi giới trong xã hội Việt Nam, nhất là tuổi trẻ tham gia rất nhiệt thành và đông đảo. Nhưng điểm nổi bật đáng mừng nhất là người dân đã thẳng thắn trực tiếp đối thoại với chính quyền qua các diễn đàn trang mạng xã hội. Trong đó, tinh thần thống nhất trước sau như một là không chấp nhận một sự dính mắc nào dù lớn, dù nhỏ, dù chóng, dù chầy nhằm tạo cơ hội cho người Trung Quốc gieo mầm mọc rễ mưu toan xâm lấn hay xâm lăng của họ trên đất nước Việt Nam. Tất cả đều phát xuất từ lòng yêu nước và cực lực lên án bất cứ hành động gợi ý, mời gọi hay tương nhượng nào của giới cầm quyền đối với người Trung Quốc. Cũng có một số vị đại biểu hay quan chức suy diễn sai lầm, quy chụp méo mó và kết án bừa bãi thái độ phản kháng chính đáng của người dân là "sự thù nghịch đối với Trung Quốc" !

– Sau các cuộc biểu tình của quần chúng, đã có rất nhiều người bị bắt và hiện đang tiếp tục bị giam giữ, thẩm vấn. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, thì có tất cả 300 người tham gia biểu tình bị bắt giam ; trong đó có Will Nguyễn là Việt kiều Mỹ. Mặc dù không thể phủ nhận được rằng, phong trào quần chúng nào cũng có trường hợp kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, nhà cầm quyền có lương tâm và trách nhiệm là phải làm sáng tỏ vấn đề và biết tạo điều kiện để phát huy lòng yêu nước chân chính chống ngoài xâm của toàn dân.

Việt Nam : Thời mở mắt. Đã mở mắt thấy được và nhận rõ đâu là thật và đâu là giả rồi thì không thể nhắm mắt lại, phó mặc cho chiếc loa đầu đường độc quyền bình luận và hướng dẫn dư luận. Nhân dân trong cũng như ngoài nước và thế giới đang nhìn. Mong quý vị quan chức Việt Nam đang cầm quyền xử trí công bằng và hợp lý với người dân dám công khai bày tỏ nguyện vọng để không gây bất mãn, hận thù trong quần chúng và tạo được một hình ảnh văn minh, nhân bản đối với thế giới bên ngoài.

Sacramento ngày 24/06/2018

Trần Kiêm Đoàn, MSW., Ph.D

Nguồn : CaliToday, 25/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 967 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)