Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/06/2018

Vì sao đến nay EVFTA mới kết thúc rà soát pháp lý ?

Thiền Lâm

Vào cuối tháng Sáu năm 2018, chính quyền Việt Nam và giới chuyên gia ‘phản biện trung thành’ không giấu nổi vui mừng khi thông báo tin tức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý, đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (IPA).

evfta1

Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh (phải) và đại diện EU kết thúc quá trình rà soát pháp lý EVFTA. Ảnh : ANTĐ

IPA là hiệp định mang nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS), được tách riêng ra khỏi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU. Về thực chất, đây là phương án 2 trong hai phương án – được đặt ra bởi hai đoàn đàm phán của EU và Việt Nam – nhằm kết thúc quá trình rà soát pháp lý EVFTA được đặt ra trước đây.

Trong đó, phương án 1 là không có IPA nhưng thời gian đàm phán sẽ lâu hơn một số tháng, có thể là nhiều tháng hoặc vài ba năm. Sau một thời gian đôn đáo vận động và đã phải liên tục cử các đoàn ‘quốc tế vận’ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và cả Trưởng ban đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân đi các nước Thụy Sĩ, Bỉ, Slovakia, Hungary… nhưng vẫn không mang lại kết quả rõ rệt nào, cuối cùng phía Việt Nam đã chọn phương án 2 ‘ăn non’ nhưng không ăn chắc, tức tách rời IPA khỏi EVFTA để EVFTA được kết thúc rà soát pháp lý sớm hơn và do vậy cũng mang lại hy vọng được thông qua nhanh hơn.

Tuy nhiên trong tiến trình thực tế, EVFTA đã trở thành một ‘con rùa’ mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam không ít lần công khai bày tỏ thái độ sốt ruột và cả ‘lên máu’.

Mặc dù đã kết thúc giai đoạn đàm phán từ tháng Mười Hai năm 2015 – thời điểm mà hệ thống tuyên giáo cùng báo đảng Việt Nam khoa trương hết lời về ‘sẽ phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2016’, phải mất đến hai năm rưỡi sau đó hiệp định ngổn ngang này mới kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý, trong khi thông thường khoảng thời gian rà soát pháp lý đối với những hiệp định tương tự chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ rà soát pháp lý cho EVFTA kéo dài quá lâu như thế.

Tuy cho tới nay phía EU vẫn chưa quá bức xúc với tình trạng thâm hụt thương mại hai chiều với Việt Nam như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục gây sức ép vì Việt Nam đã xuất siêu đến gần ba chục tỷ USD vào thị trường Mỹ hàng năm, nhưng nguồn cơn đầu tiên của sự chậm chạp EVFTA có lẽ thuộc về ‘thẻ vàng hải sản’ – phản ánh một quá trình hành vi rất thiếu ‘fair-play’ của Việt Nam đối với EU.

Cộng hưởng với tình trạng nhôm và thép Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ với khối lượng lớn nhưng phần lớn trong số đó lại có nguồn gốc Trung Quốc, rất có thể người Mỹ và EU đã phải đặt vấn đề một cách nghiêm trọng về hành vi gian lận thương mại của các doanh nghiệp và cả giới quản lý điều hành ở Việt Nam, để từ đó phải xem xét lại có nên thông qua nhanh chóng Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ và EVFTA hay không.

Nguồn cơn thứ hai là nhân quyền.

Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của Châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, "EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả", và khẳng định "Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như : ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh Châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động".

Đến đầu tháng Sáu năm 2018 thì sự việc trở nên rõ hơn nhiều. Tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả tự do "trong thời gian tới đây". Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc.

Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài.

Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 29/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 944 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)