Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/02/2017

Đế chế kinh tế ngoài lãnh thổ, chiêu thức Trung Quốc hóa giải Donald Trump

Ngọc Việt

Có một nền kinh tế hàng hóa của Trung Quốc nằm ngoài biên giới Trung Quốc thì mới có thể tránh được hay giảm thiểu thiệt hại bởi các đòn trừng phạt của Trump.

Năm 2016 – một năm bùng nổ của M&A by Chinese

Số liệu của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của Trung Quốc - M&A by Chinese - ở nước ngoài năm 2016 tăng đến 246% với giá trị đạt 221 tỷ USD.

Con số này cao hơn tổng giá trị của bốn năm trước đó gộp lại. Đây là một kỷ lục của người Trung Quốc tạo ra trong lĩnh vực kinh doanh này.

Theo PwC, trong năm 2016, diễn ra 11.409 thương vụ M&A by Chinese, tăng 21% so với năm 2015, với tổng giá trị tăng 11% đạt 77 tỷ USD. Trong đó, có 51 thương vụ có trị giá trên một tỷ USD.

deche1

Hình minh họa : annexasia.com.

PwC cũng dự báo hoạt động M&A by Chinese sẽ giảm nhẹ trong năm 2017 và sẽ đạt mức kỷ lục mới vào năm 2018 [2].

Ngoài thị trường ưa thích là Mỹ, năm 2016 M&A by Chinese cũng đã hướng và tăng mạnh tại các thị trường khác, nhất là EU, mà cụ thể là Đức.

Theo số liệu của công ty kiểm toán Ernst & Young, trong năm 2015 chỉ có 39 thương vụ M&A by Chinese tại Đức với giá trị 475 triệu euro, thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2016 đã có 37 thương vụ với giá trị tới 9 tỷ euro.

Còn theo số liệu của Thomson Reuter, cả năm 2016, Trung Quốc mua tổng cộng 58 doanh nghiệp Đức với tổng số tiền trên 10 tỷ euro. Trong khi từ năm 2000 đến 2014, Trung Quốc chỉ bỏ ra hơn 7 tỷ euro để thâu tóm các doanh nghiệp Đức.

Mặc dù số liệu còn khác nhau song đã có khoảng hơn 10 tỷ euro và gần 60 doanh nghiệp được Trung Quốc mua ở Đức năm 2016 [1].

Như vậy, xét về số thương vụ và giá trị thực hiện thì một kỷ lục vô tiền khoáng hậu về M&A by Chinese đã tạo ra, khuấy động thị trường M&A thế giới.

Tuy nhiên dư luận đặt vấn đề, bản chất của việc xác lập là gì, phía sau kỷ lục đó là gì ? Chắc chắn người Trung Quốc bỏ tiền ra thực hiện nhiều phi vụ M&A by Chinese không phải hướng tới việc lập kỷ lục.

M&A by Chinese đã có nhiều thay đổi

Trong những năm trước, người Trung Quốc lựa chọn những doanh nghiệp mục tiêu để thực hiện ở nước ngoài là lớn về quy mô, đòn cân nợ nhỏ và khả năng công chúng hóa cao.

Nhưng năm 2016, những tiêu chí đó không phải là trọng tâm, thậm chí không còn được duy trì. Chẳng hạn ở Đức, Trung Quốc mua tất cả mọi dạng doanh nghiệp mục tiêu có thể mua.

Bà Yi Sun -Trưởng bộ phận mua bán và sáp nhập doanh nghiệp Trung Quốc - Đức của công ty Kiểm toán Ernst & Young- chia sẻ :

"Đức có nhiều mục tiêu thú vị. Sự quan tâm không chỉ tập trung vào các công ty công nghệ và kỹ thuật, mà bây giờ Trung Quốc cũng mua cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác như bệnh viện, nhà điều dưỡng, dược phẩm và công nghệ sinh học" [1].

Về tình trạng của doanh nghiệp mục tiêu, dường như người Trung Quốc không quan tâm, bởi họ có thể thực hiện M&A tất cả, bất chấp doanh nghiệp đang ở bên bờ vực phá sản hay doanh nghiệp ăn nên làm ra.

Về quy mô, người Trung Quốc sẵn sàng thực hiện M&A với cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, với khoảng từ 200 đến 500 lao động như ở Đức.

Về chiến lược, người Trung Quốc mua, rồi tăng dần lượng cổ phiếu sở hữu để chiếm quyền kiểm soát và cuối cùng mua đứt các doanh nghiệp mục tiêu.

Như vậy là mạng lưới doanh nghiệp "mình ong xác ve" sau khi M&A by Chinese hoàn tất đã trải khắp các lĩnh vực, các tầng nấc trong hệ thống của nền kinh tế.

Việc tăng tốc và đa dạng của M&A by Chinese đã khiến cho chính quyền các nước nghi ngại Bắc Kinh có thể dựa vào đó để phục vụ cho các mục đích phi kinh tế của họ.

Chính vì vậy, đã có nhiều biện pháp được các chính phủ can thiệp nhằm phá vỡ âm mưu đó, nhất là các doanh nghiệp mục tiêu của M&A by Chinese là các công ty đa quốc gia.

Chẳng hạn như việc đầu tháng 12/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định can thiệp để ngăn chặn vụ Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund - FGC) mua lại công ty điện tử Aixtron của Đức với giá 670 triệu euro, do lo ngại những công nghệ bán dẫn của Aixtron sẽ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự [1].

Trước đó Chính phủ Mỹ cũng đã từng can thiệp vào vụ chuyển nhượng Tập đoàn hóa chất Syngenta của Thuỵ Sĩ, nhằm ngăn chặn nguy hại của thương vụ "M&A by Chinese" lịch sử này.

Song đến nay, việc ngăn chặn không thành bởi không thể chứng minh được mục đích phi kinh tế của Bắc kinh nên Hoa Kỳ đã phải chính thức chấp nhận cho thương vụ hoàn tất [3].

M&A by Chinese giúp tối thiểu hóa thiệt hại bởi chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ mậu dịch

Như vậy là những M&A by Chinese vẫn được xem là chỉ mang tính chất kinh tế thuần tuý và mục đích của nó hướng tới cũng chỉ là lợi ích kinh tế.

Dưới góc độ này, cá nhân người viết cho rằng người Trung Quốc ồ ạt thực hiện những phi vụ M&A là nhằm giảm thiểu thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc bởi chủ nghĩa biệt lập và làn sóng bảo hộ mậu dịch trên thế giới, nhất là tại Mỹ.

Có thể hiểu rằng, kinh tế hàng hóa vẫn là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, khi kinh tế dịch vụ vẫn đang trong quá trình thực nghiệm.

Vì vậy, khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch được sử dụng qua hai công cụ chính là thuế và lãi suất thì nền kinh tế hàng hóa của Trung Quốc đều bị thiệt hại, dù nhập khẩu hay xuất khẩu.

Ngay thời chính quyền Obama, kinh tế Trung Quốc đã đối mặt với biện pháp bảo hộ mậu dịch của Washington, thông qua áp thuế chống bán phá giá.

So sánh mức thuế chống bán phá giá hàng thép cán nguội Trung Quốc vào thị trường Mỹ được Bộ Thương mại Mỹ đề xuất hồi tháng 5/2016 là 522%, trong khi sản phẩm thép cùng loại của Nhật là 71,35% đã thấy rõ vấn đề [4].

Khi tân Tổng thổng Mỹ Donald Trump bước vào Nhà Trắng và thực thi quyền lực thì kinh tế Trung Quốc đối mặt với thiệt hại rất lớn.

Bởi lẽ, vấn đề bảo hộ mậu dịch đã được vị Tổng thống doanh nhân đẩy lên mức độ chủ nghĩa biệt lập, tất cả các biện pháp bảo vệ nền kinh tế nội địa, nhất là trừng phạt trong hoạt động thương mại, đều có thể được chính quyền Trump áo dụng.

Do vậy, phải có một nền kinh tế hàng hóa của Trung Quốc nằm ngoài biên giới Trung Quốc thì mới có thể tránh được hay giảm thiểu thiệt hại bởi các đòn trừng phạt của Trump.

Và nay thì "nền kinh tế mình ong xác ve" ấy đã thành hình qua những thương vụ M&A by Chinese để tạo ra hệ thống những "doanh nghiệp mình ong xác ve" tại xứ người.

Cho đến nay, với tổng giá trị gần 1.000 tỷ USD những M&A by Chinese thực hiện ở nước ngoài, một "nền kinh tế mình ong xác ve" mang tính chất một "nền kinh tế đa quốc gia" của Trung Quốc nằm ngoài biên giới Trung Quốc có thể tránh được hầu hết những biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump hay giảm tới mức thấp nhất tác hại của những đòn trừng phạt ấy.

Không những vậy, "nền kinh tế mình ong xác ve" ngoài biên giới Trung Quốc có thể hiện thực hóa tác hiệu của chiến lược "mình ong xác ve" của Trung Nam Hải.

Đó là tác động làm thay đổi tính chất hay cấu trúc một hay một số nền kinh tế theo ý đồ của họ, dần đưa kinh tế Trung Quốc đóng vai trò thống lĩnh kinh tế toàn cầu.

"Sau khi mua các công ty của Đức, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn giữ nguyên mọi thứ, từ địa điểm đến nhân sự.

Trung Quốc giữ lại bộ máy quản lý có từ trước và các công nhân lành nghề, thậm chí tạo thêm việc làm thông qua việc mở thêm các công ty con để hình thành nên mạng lưới các công ty phụ trợ.

Hiện tại bang Nordrhein-Westfalen ở miền Tây nước Đức đã có hơn 900 doanh nghiệp Trung Quốc, trở thành nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất tại châu Âu" [1].

Tuy nhiên, theo giới phân tích thì mục đích của việc những M&A by Chinese ở nước ngoài lập kỷ lục vẫn chưa dừng lại ở đó mà còn phục vụ nhiều chiến lược quan trọng khác nữa của Bắc Kinh. M&A by Chinese còn phục vụ chiến lược nào nữa vậy ? Người viết xin đề cập trong kỳ tiếp theo.

Ngọc Việt

Nguồn : GDVN, 18/02/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://bnews.vn/trung-quoc-o-at-mua-doanh-nghiep-duc/32039.html

[2] http://bnews.vn/nhin-lai-mot-nam-soi-dong-cua-thi-truong-m-a-trung-quoc/33164.html

[3] https://www.nytimes.com/2016/08/23/business/dealbook/us-china-chemchina-syngenta-merger.html ?ref=international&_r=1

[4] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Chong-ban-pha-gia-mot-kieu-giet-nguoi-khong-dao-post168231.gd

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Việt
Read 664 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)