Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/06/2018

Cần cẩn trọng khi ‘di tản’ từ Facebook sang Minds ?

Cát Linh

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc cho chúng tôi biết ông cũng vừa được biết đến Minds trong ngày 29/6.

minds1

Minds là sản phẩm của một nhóm ẩn danh (Anonymous) tạo ra. Anonymous vốn là một thuật ngữ ám chỉ về một nhóm người đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do Internet. 

"Tôi cũng nghe nói là Anonymous tạo ra, nhưng do tôi chưa nghiên cứu sâu nên cũng không biết chắc có phải do anonymous hay không. Và cũng chưa thể biết là nó an toàn đến mức độ nào".

Theo những người dùng Facebook và Minds cho biết, Minds là sản phẩm của một nhóm ẩn danh (Anonymous) tạo ra. Anonymous vốn là một thuật ngữ ám chỉ về một nhóm người đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do Internet. Nhóm này hoàn toàn ẩn danh.

Nhưng theo nguồn từ Wikipedia, Minds là sản phẩm ra đời từ ý tưởng của Bill Ottman, sinh năm 1985, một doanh nhân về Internet có trụ sở ở New York, Hoa Kỳ. Ông đồng thời cũng là một nhà đấu tranh cho tự do thông tin.

Bill Ottman và các cộng sự khác là John Ottman, Mark Harding, Ian Crossland và Jack Ottman thành lập Minds vào tháng 2/ 2011 như một giải pháp thay thế cho các mạng toàn xã hội lớn đụng chạm đến quyền sử dụng kỹ thuật số (abusing digital rights – Wikkimedia)

Ông Hoàng Ngọc Diêu cho biết theo ghi nhận ban đầu làm quen với Minds, ông thấy có hạn chế về mặt kết nối xã hội (social connection).

Cụ thể theo ông, khó khăn trước tiên là do thói quen của người sử dụng. Ông nhận định một số đông người Việt Nam đã quen với hình thức hoạt động của Facebook từ rất lâu. Thêm vào đó, ông cho biết người dùng vẫn chưa biết rõ Minds có những giới hạn gì ? Và quan trọng, Minds có thật sự là một mạng xã hội thích hợp phục vụ cho mục đích đặc biệt của giới đấu tranh ở Việt Nam hay không ?

"Dù muốn dù không, Facebook vẫn là một platform được làm quen và mở rộng nhiều năm nay. Nó tạo điều kiện cho người ta kết nối khá dễ. Nó tạo ra nhiều công cụ khá cần thiết để phát tán thông tin, thông báo, mở rộng những vấn đề cần thảo luận. Ngay cả chức năng livestream, chức năng tạo status…rất cần thiết, tiện dụng cho người dùng để họ theo dõi.

Tôi thật sự không biết Minds có đủ những công cụ để thực hiện những chuyện đó hay không".

Facebook Hoàng Thành, một nhà hoạt động môi trường ghi trên trang cá nhân của anh :

"Facebook sắp có nguy cơ bị cơ quan an ninh kiểm soát dữ liệu cá nhân, hoặc sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam nữa, sau khi Luật animal đã chính thức được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2019".

minds0

Giao diện mạng xã hội Minds trên mobile Mobile screenshot

Anh Hoàng Thành cũng chia sẻ những điều anh cho là ưu điểm đối với người dùng Minds như : Một mạng xã hội mở ; Dễ dàng tạo tài khoản ; Không cần Kết bạn (Add Friend), chỉ cần nút Subcribe, không cần Confirm là có thể kết nối với bất kỳ ai ; Đường link Youtube được hỗ trợ rất cao…

Còn mơ hồ về pháp lý

Rất nhiều người dùng mạng xã hội Facebook khác trong hôm nay đã chia sẻ với nhau kinh nghiệm dùng Minds. Điều này có thể thấy một làn sóng Facebooker lớn và sẽ tăng thêm trong thời gian tới di tản sang ngôi nhà mới là mạng xã hội Minds.com.

Tuy nhiên, theo quan điểm của một chuyên gia công nghệ thông tin, ông Hoàng Ngọc Diêu nhấn mạnh cá nhân ông có sự lo ngại về làn sóng chuyển đổi này. Điều đầu tiên ông cảm thấy là có sự mơ hồ, lỏng lẻo về pháp lý. Ông đưa ra phân tích :

"Mình hoàn toàn chưa có 1 thước đo rõ ràng như thế nào. Mình cũng chưa biết là cái mục đích thật sự đằng sau Minds là gì ? Mình cũng không biết những người thật sự phía sau Minds là ai ? Facebook dù gì cũng có những vấn đề gọi là nghĩa vụ pháp lý (legal obligation) 1 cách rõ ràng. Ví dụ khi nó có một vấn đề gì đó thì có các tổ chức để đưa vấn đề đó ra với Facebook, kể cả Quốc hội.

Còn như Minds, nó là của một nhóm Anonymous nào đó, nó có điểm lợi mà cũng có điểm hại. Điểm lợi là nó non-government, không bị ràng buộc bởi những quy chế chính trị nào đó. Nhưng đó cũng là một điểm hại là nếu gặp phải vấn đề nào đó liên quan bảo mật thì kiện ai ? Kêu ai giải quyết" ?

Cần cẩn trọng lựa chọn

Với Luật An ninh mạng vừa được thông qua ngày 12/6, các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội phải đặt máy chủ ở Việt Nam và phải cung cấp dữ liệu cá nhân của người sử dụng cho cơ quan an ninh, bất kể có giấy triệu tập của tòa án hay không.

Để đối phó với bộ luật vốn bị cho là vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân, quyết định chuyển sang mạng xã hội Minds bắt đầu được nhiều người hưởng ứng. Theo Facebooker Nguyễn Trung thì dùng Minds chính là : "Câu trả lời cho Mark và sự thỏa hiệp với độc tài".

Facebook Hoàng Dũng, trang cá nhân có lượng người theo dõi rất cao chia sẻ về việc ông dùng Minds : "Bỏ Facebook sang Minds không phải là vì sợ hãi gì với bọn Animal mà chỉ muốn tỏ thái độ với Facebook rằng chúng tôi sẵn sàng rời bỏ các bạn. Ở Minds, chúng tôi được tôn trọng hơn, tự do hơn, an toàn hơn" (Facebook Hoàng Dũng).

Nhưng với ông Hoàng Ngọc Diêu, ông đưa ra hai sự lựa chọn mà ông sẽ thực hiện.

"Một, là tôi tìm cách đối diện với vấn đề, trực tiếp với Mark Zuckerberg và Công ty Facebook để đưa ra yêu cầu là quí vị phải làm đúng với điều khoản hoạt động của Facebook mà quí vị đã đề ra và quí vị phải minh bạch như quí vị đã hứa trước Quốc hội Mỹ, chứ không chơi cái trò nói đường này làm đường kia như vậy. Không được khóa một trang Fanpage của 1 tổ chức hay cá nhân một cách phi lý. Hai, nếu quí vị không đảm bảo chuyện đó thì chúng tôi sẽ tạo ra một chiến dịch rộng lớn kêu gọi tẩy chay Facebook toàn cầu. Vì rõ ràng Facebook cần khách hàng.

Bước thứ 3 là mình lựa chọn một platform nào khác. Và khi đó, mình cần phải rất cẩn trọng khi lựa chọn.

Liệu nó có minh bạch không ? Có bảo đảm không ? Có thỏa mãn những nhu cầu cần thiết về mạng xã hội cho nhiều mặt khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau hay không" ?

Ông Hoàng Ngọc Diêu nhấn mạnh thêm, nếu chỉ dùng mạng xã hội để kết nối bạn bè, vui chơi, chia sẻ hình ảnh thì có rất nhiều sản phẩm để lựa chọn. Tuy nhiên, nếu dùng mạng xã hội cho mục đích "đấu tranh" thì phải xác định rất rõ một vấn để :

"Mình phải xác định rất rõ mình đang bị đe dọa bởi cái gì ? Mình tranh đấu như thế nào để vượt qua đe dọa đó".

Mặc dù Luật An ninh mạng được thông qua và có hiệu lực vào tháng 1/2019, nhưng cách đây vài ngày, trang Facebook của tổ chức Việt Tân và Nhật Ký Yêu Nước đã bị khóa. Một số cá nhân là ông Trần Bang cũng bị Facebook khóa tài khoản vì đăng tải thông tin việc nhà hoạt động Đinh Văn Hải bị tấn công.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 29/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 673 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)