Tuần trước Lưỡng Viện Quốc Hội Úc thông qua hai Đạo Luật chống can thiệp chính trị từ ngoại bang và gián điệp công nghiệp. Mặc dù cả 2 Đạo Luật không giới hạn ngoại bang là nước nào nhưng ngay trong Quốc Hội đã công khai bàn tới là Trung Quốc.
Tập đoàn Landbridge của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng thuê Cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu Úc kim.
Trong khi việc Bắc Úc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm là một nguyên nhân ban đầu dẫn đến hai Đạo Luật, thì Việt Nam lại dự định sẽ thông qua dự luật 3 Đặc Khu vào tháng 10 này. Xin đúc kết câu chuyện xem như một bài học cho người Việt chúng ta.
Bán cảng Darwin
Tháng 10/2015, Bộ trưởng Lãnh thổ Bắc Úc Adam Giles công bố đã cho Tập đoàn Landbridge của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng thuê Cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu Úc kim.
Mặc dầu trước đó báo chí, giới học giả và dân chúng Úc đã công khai phản đối việc mua bán vì đây là cảng chiến lược gần phi trường quân sự, căn cứ quân sự Úc - Mỹ, cửa ngõ để ra vào Biển Đông và nếu chiến tranh xảy ra Trung Quốc có thể sẽ phá cảng quân sự này thay đổi cuộc diện chiến tranh.
Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), Peter Jennings nhất quyết cho rằng việc ông Ye Cheng mua cảng Darwin là nằm trong dự án Một Vòng Đai Một Con Đường phục vụ chiến lược của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh về lâu dài sẽ đối chọi với quyền lợi nước Úc.
Cảng Darwin là tài sản Liên bang giao cho Chính phủ Bắc Úc quản lý theo một Đạo luật riêng, theo đó Chính phủ Bắc Úc có quyền cho thuê cảng này tới 99 năm. Tài sản của Chính phủ lại không bị bó buộc bởi các Đạo luật về doanh nghiệp, nên hợp đồng mua bán với Landbridge đã tiến hành một cách khá thầm lặng.
Đến nay dư luận vẫn thắc mắc tại sao cả hai đảng Lao Động và Tự Do ở cấp Liên bang chấp nhận việc cho thuê lâu năm cảng Darwin. Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb còn công khai ủng hộ việc này.
Điều lạ lùng là cả Bộ quốc phòng và Cơ quan Tình báo Úc (ASIO- Australian Security Intelligence Organisation) khi ấy đều không xem hợp đồng thuê mướn 99 năm là đe dọa đến an ninh quốc phòng Úc.
Ít lâu sau, vào tháng 8/2016, Bộ trưởng Bắc Úc Adam Giles bị thất cử nặng nề, ông phải chính thức thừa nhận chính phủ của ông trong vòng bốn năm qua hoạt động yếu kém và bỏ qua cơ hội tái đắc cử.
Cầm thế cảng Darwin
Việc cho thuê cảng Darwin trở nên nghiêm trọng vào đầu tháng 6/2017 khi hãng truyền thông Fairfax đưa tin Landbridge có thể đã cầm thế cảng để vay 500 triệu AUD từ Ngân hàng Xuất Nhập Cảng (Export - Import Bank) của Trung Quốc.
Ngân hàng Export - Import Bank, một ngân hàng cấp nhà nước Trung Quốc, đã công khai mục đích nhằm thực hiện chiến lược Một Vòng Đai Một Con Đường của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Landbridge xác nhận cảng đã được cầm thế và đã tham khảo ý kiến chính phủ Bắc Úc. Phát ngôn viên Chính phủ Bắc Úc trả lời Fairfax là họ có đủ quyền hành giữ quyền kiểm soát cảng Darwin mặc dầu nó bị đem đi thế chấp cho nước ngoài.
Chính phủ Liên bang không nói ra nhưng chắc chắn không đồng ý vì từ lâu đã nghi ngờ tỷ phú Ye Cheng có liên hệ rất mật thiết với Đảng cộng sản Trung Quốc.
Vào tháng 12/2015, Ủy ban Kinh tế Thượng viện Úc đã công khai đặt vấn đề ông Ye Cheng là thành viên của của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, một tổ chức của đảng cộng sản Trung Quốc có quyền lực và nhằm cố vấn cho chủ tịch Tập Cận Bình.
Vào năm 2013 ông Ye Cheng còn được chính quyền tỉnh Sơn Đông vinh danh là 1 trong 10 cá nhân quan tâm đến sự phát triển của nền quốc phòng Trung Quốc.
Ngoài cảng Darwin, năm 2014, Landbridge còn mua Công ty sản xuất khí đốt WestSide đặt trụ sở tại Brisbane, Úc.
Mua chuộc Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb
Tháng 6/2017 Chương trình truyền hình Four Corners và Fairfax công bố kết quả điều tra cho thấy Trung Quốc đã kín đáo xâm nhập và tạo ảnh hưởng trong chính quyền Úc.
Cụ thể là Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb cha đẻ của hiệp ước tự do mậu dịch Trung Quốc - Úc và là người công khai ủng hộ việc bán cảng Darwin đã có những làm ăn hết sức mờ ám với với Tập đoàn Landbridge.
Ngày 9/5/2016, trước lần bầu cử Liên bang Úc, ông Robb đột ngột xin từ chức Bộ trưởng và tuyên bố không ra ứng cử nữa.
Một lá thư mật do công ty Landbridge gửi đến ông Robb bị tiết lộ cho thấy trước khi từ chức ông Robb đã nhận lời làm cố vấn kinh tế cao cấp cho công ty Landbridge với mức lương lên tới 880.000 AUD hàng năm. Bức thư nói một cách mù mờ ông Robb chẳng cần làm gì cả mà vẫn có được món tiền này.
Ông Robb còn là cha đẻ của Hiệp định Mậu dịch Tự do Trung Quốc - Úc, ký kết năm 2014. Theo tường trình của Ủy ban Bầu cử vào ngày Hiệp định được ký kết, tỷ phú Trung Quốc Huang Xiangmo đã tặng ngay 50.000 AUD cho quỹ tranh cử của ông Robb.
Ông Huang Xiangmo là nhân vật chính trong việc Trung Quốc dùng tiền ảnh hưởng chính trị Úc.
Ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm nước Úc
Rút bài học từ cảng Darwin, Bộ trưởng Tài chính liên bang Úc Scott Morrison cho biết chính phủ Úc luôn ủng hộ nước ngoài đầu tư nhưng không được đi ngược quyền lợi nước Úc, và Úc không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh quốc gia.
Năm 2016, ông Morrison đã ra lệnh ngừng việc cổ phần hóa Công ty điện lực lớn nhất Úc Ausgrid khi nhận được đấu thầu của Tập đoàn điện lực Trung Quốc và của một công ty do tỷ phú Hong Kong Li Ka Sing nắm. Đồng thời ông Morrison bác bỏ việc bán công ty nuôi bò lớn nhất Úc S Kidman & Co Ltd khi có người Trung Quốc hỏi mua.
Ngày 10/10/2017, Tổng trưởng Tư pháp liên bang Úc George Brandis công bố dự luật nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia trước sự thao túng của nước ngoài. Ông cho biết mức độ đầu tư của nước ngoài ngày càng gia tăng, nên hạ tầng trọng yếu của Úc như điện lực, cấp nước, viễn thông và cảng biển, càng ngày càng dễ bị do thám và bị phá hoại hơn.
Dự luật An ninh Cơ sở hạ tầng trọng yếu 2018 được Quốc hội Úc thông qua ngày 28/3/2018 cho phép Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng quyền yêu cầu chủ sở hữu hoặc người điều hành cơ sở hạ tầng giảm bớt "nguy cơ an ninh quốc gia đáng kể".
Đồng thời doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng phải đăng bộ tài sản để chính phủ theo dõi người sở hữu, kiểm soát và có quyền giám sát những tài sản cơ sở hạ tầng trọng yếu khi cần.
Theo ông Brandis, việc làm này là để cung cấp thông tin cho những đánh giá của chính phủ về những tài sản có nguy cơ bị do thám bị phá hoại.
Như vậy mặc dầu cảng Darwin đã nằm trong tay Trung Quốc, Đạo luật cho phép chính phủ Liên bang quyền can thiệp vào cảng Darwin bất cứ lúc nào khi thấy có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia.
Mặt khác, chính phủ liên bang sẽ không cho phép người nước ngoài tham gia các dự án tại Úc nếu Cục Tình báo An ninh (ASIO) chứng minh rằng sự tham gia này có hại cho an ninh quốc gia.
Việt Nam ngày nay điện, nước, đường xá, đất đai và sắp tới 3 Đặc khu đa phần đều bị Trung Quốc kiểm soát và thao túng. Việc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin của Úc 99 năm là một bài học cho chúng ta ghi nhận.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 01/07/2018
Nguyễn Quang Duy