Việt Nam đang đối diện với các thách thức ngày càng lớn, trong đó có thách thức có cội nguồn thể chế. Các sự kiện nóng kéo dài, lan rộng và căng thẳng trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc xét xử các đại án trong cuộc chiến chống tham nhũng đang rất quyết liệt và làn sóng biểu tình tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang thách thức sự ổn định chế độ.
Đang có những áp lực với Ban lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên nhiều phương diện và khía cạnh
Các thách thức buộc đảng và chính phủ cần thay đổi cải cách thể chế hướng tới người dân.
Các nhận định có cơ sở khi cho rằng sự sai lầm của chính sách tăng trưởng nóng dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước và quản lý kinh tế xã hội yếu kém của thời kỳ trước, đặc biệt trong thập kỷ 2006 - 2016, dẫn tới những hậu quả nặng nề.
Về kinh tế là bất ổn kinh tế vĩ mô : tăng trưởng sụt giảm, các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, nợ xấu ngân hàng cao, nợ công lớn, bội chi ngân sách … Về chính trị là bộc lộ bất ổn thể chế : bộ máy, biên chế nhà nước cồng kềnh, quan liêu, quan chức tham nhũng, tha hóa quyền lực và đạo đức, xuống cấp các dịch vụ văn hoá, y tế, giáo dục, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội tràn lan…
Sau Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12, tháng 1 năm 2016, các lãnh đạo đảng của nhiệm kỳ 2016-2021 đang có động thái cải cách thể chế, khi ban hành một số nghị quyết có liên quan. Hội nghị trung ương 4 về củng cố tổ chức đảng, Hội nghi 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Hội nghị 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Hội nghị 7 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược… Nhưng chương trình nghị sự 'định sẵn', bị ràng buộc bởi ý thức hệ có thể khiến cho các giải pháp chính sách ít có lựa chọn và trở nên bị động.
Cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động để lấy lại niềm tin trong nhân dân và ở giai đoạn 'quyết liệt'. Nhiều đại án được xét xử, đặc biệt các vụ xử quan chức cấp cao như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh… được dư luận trong và ngoài nước chú ý.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh được cho là hội tụ hai yếu tố nội bộ và đối ngoại của Việt Nam
Và đặc biệt gần đây nhất là Ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã công bố kết luận điều tra vi phạm ở hai Đảng bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ quốc phòng, với hàng loạt quan chức, tướng lĩnh đối diện các hình thức kỷ luật bị đề nghị do các vi phạm được kết luận là nghiêm trọng, trước đó là một số tướng lĩnh bên Bộ Công An đã bị bắt và khởi tố bị can.
Tuy nhiên, mục tiêu củng cố đảng duy nhất cầm quyền, 'tự kiểm soát quyền lực', khi phải dung hoà các nhóm lợi ích đã và đang chi phối quyền lực và chính sách trong thời gian dài, tạo ra các giới hạn không tránh khỏi của cuộc chống tham nhũng. Ngoài ra, việc sử dụng bộ máy kém hiệu năng, các cán bộ, công chức đang tha hóa để chống tham nhũng, 'lấy đá tự ghè chân mình' có thể lường trước tính 'bất định' và hiệu quả thấp.
Quan tham và kinh tế thị trường
Việc Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018 tại Hà Nội với sự tham dự của các lãnh đạo cao nhất của đảng và hơn 500 đại biểu chứng tỏ tính chất 'quyết liệt' của cuộc chiến này.
Tuy nhiên, đang có 'những kẻ ngáng đường', mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng yêu cầu 'tránh sang một bên'. 'Tử huyệt' của quan tham là minh bạch tài sản, nhưng việc luật hóa việc kê khai trên quốc hội đang bị kéo dài, trì hoãn với lý do 'nhạy cảm', thiếu thuyết phục cử tri.
Theo Tổ chức Minh Bạch Quốc tế, Việt Nam tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2017.
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được công bố năm 2018 cho thấy tham nhũng vẫn còn phổ biến, và các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng… kiểm soát kém hiện tượng này, người dân và doanh nghiệp 'chai lỳ', buộc phải chấp nhận, tiếp tục 'hối lộ' để tồn tại…
Có thể trong cuộc chiến này một số cựu quan chức tiếp tục bị kỷ luật đảng hay ra tòa do tội 'cố ý làm trái' trong nhiệm kỳ trước, song nguy cơ tham nhũng vẫn hiện hữu và tiềm ẩn trong khi bộ máy nhà nước vẫn trong 'tình trạng trên nóng dưới lạnh', cán bộ vẫn 'giấu mình chờ thời'...
Loại thách thức thứ hai, từ dưới lên, từ người dân, có cội nguồn từ chính quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường giờ đây không chỉ là 'phao cứu' cho chế độ trong khủng hoảng và 'biện minh' cho tính chính danh của đảng cầm quyền tuyệt đối, mà còn tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Như một hệ quả tất yếu, quá trình chuyển đổi này, sớm hay muộn, sẽ thúc đẩy tạo lập môi trường cho các nguyên tắc vận hành của thị trường. Các giá trị mới về dân chủ, về quyền con người, quyền tự do kinh doanh, tự do biểu đạt, lập hội… sẽ lan rộng và dần củng cố, đặc biệt trong giới trẻ và tầng lớp trung lưu.
Các động thái của 'chính phủ kiến tạo, liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp' có ảnh hưởng ngoài ý chí chủ quan tới sự thay đổi này khi đang khuyến khích tinh thần và môi trường tự do kinh doanh.
Sự thay đổi này đang 'cộng hưởng' bởi sự dồn nén của người dân do mất đất, đời sống khó khăn do ô nhiễm từ các dự án, các tiêu cực xã hội…
Và không loại trừ yếu tố 'thoát Trung' khỏi các dự án đầu tư không minh bạch, không hiệu quả. Hơn thế yếu tố này mang tính lịch sử và trước sự đe dọa chủ quyền biển đảo.
Dân bất tuân và thách thức thực sự
Các phản ứng của người dân ban đầu là tự phát, đơn lẻ đang dần chuyển thành các cuộc biểu tình với quy mô lớn hơn và lan rộng đã tạo nên thách thức thực sự cho chế độ.
Diễn biến biểu tình, phản đối ở Phan Rí Cửa, Bình Thuận đầu tháng 6/2018 bộc lộ những khía cạnh đáng chú ý trong chính trị và xã hội ở Việt Nam hiện nay
Từ hiện tượng 'Đoàn Văn Vươn' đơn độc, tự phát giữ đất khai hoang, các nhóm nhỏ lẻ khiếu kiện kéo dài như Dương Nội, và gần đây nhất là Thủ Thiêm đến vụ xã Đồng Tâm 'cố thủ' giữ đất tập thể… Những vụ phản đối 'bất tuân dân sự' kéo dài đối với các trạm thu phí giao thông (BOT) thiếu minh bạch và bất hợp lý, như Cai Lậy…
Tiếp nối sự phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa năm 2014 và thảm họa môi trường biển miền Trung do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc hại năm 2016…, các cuộc biểu tình đông dân trong những ngày tháng 6/2018 vừa qua bùng phát ở nhiều nơi trong cả nước, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận…, thậm chí ở Phan Rí Cửa đã xảy ra căng thẳng khi người dân đốt trụ sở ủy ban và chống trả lực lượng an ninh bằng gạch đá...
Các sự kiện nêu trên cho thấy rằng việc phản đối hai Dự luật về Đặc khu hành chính và An ninh mạng trong thời gian kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 diễn ra chỉ là thời điểm của những nguyên nhân trực tiếp đang chín muồi, mà đằng sau là tâm lý bị bất bình dồn nén, những đòi hỏi đảng và chính phủ cần minh bạch, công khai trong hoạch định, thực thi chính sách và nhu cầu ngày càng cao của người dân về quyền dân sự, quyền con người.
Chính quyền cần phải nhận rõ các thách thức này, thấu hiểu người dân từ đó thay đổi quan điểm và cách tiếp cận với các vấn đề thực tế đang diễn ra.
Nhiều người trẻ tham gia các cuộc biểu tình, xuống đường ở Việt Nam thời gian qua.
Thay vì tạo nên nỗi sợ hãi, cải cách thể chế cần phải hướng tới người dân, lắng nghe nguyện vọng của họ, thiết lập cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để họ được các quyền hiến định.
Trước những thách thức cải cách, thể chế cấp thiết phải thay đổi.
Thực tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường cho thấy, một là, thể chế luôn là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, vì chúng định hình và thực thi chính sách.
Thứ hai, điều quyết định hiệu quả cải cách là thể chế chính trị cần thay đổi phù hợp với kinh tế thị trường, không để ý thức hệ giáo điều níu kéo.
Và cuối cùng sẽ là sự điều chỉnh có hiệu quả cơ chế chính sách cần hướng tới người dân, và đó sẽ là chìa khóa cho sự tăng trưởng dài hạn.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : BBC, 01/07/2018
Tác giả Phạm Quý Thọ là Phó Giáo sư Tiến sĩ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.