Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2018

EVFTA sẽ khó được phê chuẩn sớm ?

Thiền Lâm

Còn nhớ trong buổi họp báo với phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu ngày 10/1/2018, Đại sứ Bruno Angelet – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam – đã được báo chí nhà nước Việt Nam tường thuật "EU đã có một lộ trình trong năm 2018 để EVFTA được ký kết và phê chuẩn", và "Đại sứ Bruno Angelet bày tỏ hy vọng đến đầu mùa hè năm nay, việc ký kết sẽ được thực thi để hiệp định được chuyển cho Nghị viện Châu Âu xem xét phê chuẩn".

evfta0

Ông Robert Kalinak, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia tiếp Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm - người bị Slovakia và Đức nghi ngờ trong vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’ - hôm 26/07/2017. Ảnh minh họa

Nhưng lại rất cần xem xét tính khách quan của lối tường thuật trên bởi không ít lần báo đảng đã "nhét chữ vào miệng" giới quan chức quốc tế.

Sự thật chua chát là cho tới nay, Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ được ‘thông qua ngay trong năm 2018’ như kỳ vọng và cũng là ‘gợi ý’ đầy lộ liễu của giới chóp bu Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng thuần túy một chiều.

Mà khả năng sớm nhất để EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn là sau tháng Năm năm 2019 – theo dự đoán của trang Bordelex của Châu Âu.

Cho tới nay, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ vào tháng Năm năm 2018 của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.

Vào lúc này, vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã lan đến Slovakia – quốc gia mà cùng với Cộng hòa Séc đã được tách ra từ Tiệp Khắc trước đây.

Vào tháng Tư năm 2018 và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia phải làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong cho vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Mặc dù sau đó Đại sứ Việt Nam tại Bratislava là ông Dương Trọng Minh đã hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Slovakia là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, giới quan sát chính trị vẫn nhận ra một sự né tránh rõ rệt : câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh chỉ là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Tuy chưa có quan chức nào của Slovakia tuyên bố một cách chính thức về tình trạng thực ra đã rạn nứt đáng kể giữa Slovakia và Việt Nam qua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng thông tin của báo chí Slovakia và báo chí Đức đều phản ánh mối quan hệ này đang xấu hẳn đi, với sự cảnh giác cao độ của người Slovakia đối với giới mật vụ và ngoại giao Việt Nam.

Tình trạng rạn nứt giữa Slovakia và Việt Nam còn khiến ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA. Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.

Còn đến giờ, đã chẳng có bất kỳ phản hồi nào từ giới lãnh đạo của Chính phủ Séc đối với EVFTA.

Theo quy định của EU, EVFTA muốn được thông qua thì phải nhận được sự đồng ý của 28 nghị viện của toàn bộ 28 quốc gia trong khối EU, mà nếu chỉ một nước không đồng thuận thì EVFTA không thể được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.

Nếu không có cải thiện đáng kể nào về pháp quyền và nhân quyền, ngay trước mắt Việt Nam có thể mất trắng 3 phiếu cho EVFTA là Đức, Slovakia và Séc.

"Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có thể không được thông qua" là tựa đề của Bike, Europe, ngày 23/01/2018, dẫn nguồn từ EU-Vietnam Free Trade Agreement Threatened (người dịch : Vũ Quốc Ngữ, Việt Nam Thời Báo). Theo đó, việc phê chuẩn EVFTA đang gặp khó khăn khi Quốc hội Châu Âu đặt câu hỏi về cách mà Việt Nam như một nhà nước cộng sản độc đảng đang đối xử công nhân của mình. Đặc biệt khi Việt Nam có với 93 triệu dân, được coi là một trong những con hổ Châu Á mà Nghị sĩ Bernd Lange nói rằng "Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt là về quyền lao động thì thỏa thuận này không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn".

Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết nhân quyền đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đó đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị "ăn hiếp" bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.

Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của Châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), "EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả", và khẳng định "Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như : ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh Châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động".

Cho tới khi đó, hoàn toàn có thể xem thông điệp trên của EU là một ‘tối hậu thư’ về nhân quyền đối với chính thể Việt Nam.

‘Kết thúc rà soát pháp lý EVFTA’ chỉ là một trong nhiều công đoạn phải có trước khi hiệp định này được Nghị viện Châu Âu quyết định có phê chuẩn hay không. Nhưng do nhiều gian lận thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và tình trạng vi phạm nhân quyền quá trầm trọng của chính quyền Việt Nam mà đã khiến thời gian rà soát pháp lý EVFTA kéo dài đến hai năm rưỡi thay vì chỉ 6 tháng đến 1 năm, chính thể Việt Nam sẽ phải mất bao nhiêu năm nữa mới nhận được một hiệp định EVFTA hoàn chỉnh khi chế độ này không những không giảm bớt hành vi gian lận thương mại mà còn tiếp tục vi phạm nhân quyền khi vẫn liên tiếp hành hung tra tấn dã man người dân biểu tình vì an sinh và chủ quyền đất nước, bắt bớ và xử tù nặng nề các công dân yêu nước ?

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 01/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 726 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)