Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2018

Vụ khởi tố Will Nguyễn có khiến Mỹ-Việt căng thẳng ?

Phạm Chí Dũng

Nếu chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn "đoàn cấp cao" để công du Mỹ trong thời gian tới, trên cơ sở chuyến đi tiền trạm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi cuối tháng Sáu, 2018, nhiều khả năng ông Trọng sẽ phải trả lời Tổng thống Donald Trump về vụ công an bắt và khởi tố sinh viên Mỹ gốc Việt Will Nguyễn.

will1

Anh Will Nguyễn khi bị an ninh chìm bắt đưa lên xe cảnh sát với khuôn mặt đầy máu. (Hình : Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

Bản sao của Bắc Hàn

Ba tuần sau vụ bắt giam anh Will Nguyễn tính từ ngày 10 tháng Sáu, vụ việc này vẫn còn nguyên cái gai trong quan hệ Mỹ-Việt.

Tất cả những gì mà người ta biết về anh, đó là thanh niên này đã tham dự một cách quá nhiệt tình vào cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu phản đối dự luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng tại Sài Gòn – hoàn toàn trái ngược với một quy chụp chính trị trên một số trang dư luận viên của đảng và công an cộng sản Việt Nam cho rằng anh Will Nguyễn là thành viên của một tổ chức chính trị và nhiệm vụ của nhân vật này là mang về Việt Nam 1,7 triệu USD để cung cấp cho 12 nhóm biểu tình (?).

Động thái công an ở Sài Gòn – mà chắc chắn phía sau đó phải có sự chỉ đạo của Bộ Công an và do đó vụ việc này mang danh nghĩa "trung ương" chứ không phải địa phương – quyết định phát lệnh khởi tố anh Will Nguyễn đã khiến dư luận ngạc nhiên vì tính chất căng thẳng bất ngờ của vụ này.

Cách đây hai năm, vào tháng Năm, 2016, một người Mỹ gốc Việt là cô Nancy Nguyễn cũng bị công an ở Sài Gòn bắt câu lưu trong khoảng một tuần, có thể do cô liên quan đến cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và phản đối Formosa diễn ra vào tháng Năm ấy. Sau thời gian bị câu lưu, cô bị công an Việt Nam trục xuất. Nhưng không có khởi tố và tạm giam.

Còn giờ đây, cái cách công an Việt Nam khởi tố và tống giam anh Will Nguyễn lại khiến cho nhiều người hình dung ra… Bắc Hàn.

Ngay cả việc công an đạo diễn để anh Will Nguyễn "thú tội" trên đài truyền hình, rất nhiều người dân trong nước lại tin đó là một thủ đoạn rất thường có của Bắc Hàn khi bắt giữ và ép cung công dân Mỹ phải thú tội ở Bình Nhưỡng.

Liệu khi khởi tố anh Will Nguyễn, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có muốn dùng vụ việc được hình sự hóa này như một cái cớ để trả treo với chính phủ Hoa Kỳ như Bắc Hàn luôn mưu toan ?

Và nếu có thì trả treo về cái gì ?

Làm khó Mỹ và mặc cả thương mại ?

Có khá nhiều nhu cầu mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang cần đến trong mối quan hệ "tốt đẹp chưa từng có" với Hoa Kỳ – theo cách tuyên rao của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ngay trước mắt, việc khởi tố anh Will Nguyễn là một cách "nắn gân" Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ít nhất cũng làm khó cơ quan này và bắt buộc các viên chức ngoại giao Mỹ phải ít nhiều chịu lệ thuộc vào cung cách "lệ làng" của phía Việt Nam.

Khi anh Will Nguyễn còn chưa bị khởi tố, Đại sứ quán Mỹ đã quan tâm đến vụ sinh viên này bị bắt và đã đề nghị phía Việt Nam để được tiếp cận với anh. Đến khi anh bị khởi tố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng "hết sức quan ngại" và "sự an toàn của ông ấy và sự an toàn của tất cả công dân Mỹ là mối quan tâm hàng đầu đối với Hoa Kỳ", cùng lúc tổ chức tiếp cận lãnh sự với người bị bắt. Còn nhiều nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu chiến dịch vận động đòi trả tự do cho anh Will Nguyễn.

Các cơ quan ngoại vụ và công an Việt Nam lại có chuyện để làm, có chuyện để thương thảo và cả "làm mình làm mẩy" với phía Mỹ – đối tượng mà họ luôn cần, bao gồm cả nhu cầu "ra đi tìm đường cứu nước" ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ yêu mến.

Nhưng còn có thể có một mục đích thâm sâu và thực dụng hơn nhiều : bắt Tổng thống Trump phải nhượng bộ về thương mại.

Một cách nào đó, ông Trump là một "sát thủ" đối với nền kinh tế và hệ tư tưởng của chế độ cộng sản Việt Nam. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, ông đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 nước "gây hại" cho nền kinh tế Mỹ do Mỹ phải nhập siêu của Việt Nam từ 25 tỷ USD đến 30 tỷ USD mỗi năm.

Đến tháng Mười Một, 2017, ngay vào thời điểm tham dự Hội nghị APEC Đà Nẵng (Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương), ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố nguyên tắc "công bằng và đối ứng" trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với các nước, trong đó có Việt Nam.

Chẳng bao lâu sau đó, không chỉ cá ba sa, tôm, mà cả nhôm và thép Việt Nam – mà một phần không nhỏ trong đó mang nguồn gốc Trung Quốc – đã bị Mỹ áp thuế tăng vọt, gấp từ 2 đến 4 lần mức trước đây, khiến cho những mặt hàng này trở nên cực kỳ khó khăn trong việc tìm đường thâm nhập vào thị trường Mỹ. Điều này khiến cho giá trị xuất cảng và xuất siêu của hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ giảm đáng kể, càng khiến tương lai sụp đổ ngân sách của Việt Nam gần hơn bao giờ hết.

Ông Trump sẽ phản ứng ra sao ?

Vụ khởi tố anh Will Nguyễn xảy ra chỉ khoảng một tháng sau sự kiện lần đầu tiên chính phủ Mỹ – được Tổng thống Trump yêu cầu trực tiếp – đã đàm phán thành công với Bình Nhưỡng để Bắc Hàn trả tự do cho ba công dân Mỹ mà trước đó bị bắt vì tội "làm gián điệp". Chi tiết cần chú ý là những công dân này không phải là người Mỹ thuần chủng, mà là người Mỹ gốc Hàn. Điều đó cho thấy nước Mỹ quan tâm một cách khá công bằng đến mọi trường hợp công dân Mỹ, và do đó trường hợp của anh Will Nguyễn cũng nằm trong số đó.

Đó cũng là lý do vì sao mà sau khi anh Will Nguyễn bị công an Việt Nam bắt, ba dân biểu liên bang Hoa Kỳ gồm Alan Lowenthal, Jimmy Gomez và Lou Correa đã điện đàm với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Daniel Kritenbrink để yêu cầu can thiệp cho anh Will Nguyễn được phóng thích. Các nghị sĩ cũng cho biết thêm rằng bước kế tiếp sẽ là "liên lạc với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo để bày tỏ sự cần thiết phải hành động ngay lập tức ở cấp chính quyền cao nhất để William Nguyễn được trả tự do".

Theo quan điểm của các nghị sĩ này, "việc trả tự do cho anh William Nguyễn là chọn lựa tốt nhất cho chính quyền Việt Nam và để tiếp tục mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ".

Chỉ có điều, nếu quả động thái khởi tố anh Will Nguyễn là nhắm đến mục đích mặc cả thương mại với Mỹ, giới chóp bu Việt Nam rất có thể đã bê nguyên não trạng của thời trả treo với Tổng thống Barack Obama để hành xử một cách sai lầm với Tổng thống Donald Trump.

Bởi khác hẳn với thời ông Obama mềm mỏng và nhẫn nhịn mà đã mang lại một kết quả đàm phán nhân quyền không mấy khả quan với Việt Nam trong suốt hai nhiệm kỳ, ông Trump tuy không phải là chính khách có mối quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền, nhưng lại là một nhân vật rất sĩ diện, đề cao thể diện cá nhân và thể diện chính phủ, cứng rắn và hết sức bất thường.

Nói cách khác, nếu giới chóp bu Việt Nam có thể dự đoán được tính cách và phản ứng của Tổng thống Obama và họ đã từng hy vọng có thể dự đoán được một tổng thống tương lai dễ chơi như bà Hillary Clinton, việc ông Trump trở thành tổng thống đã mang lại khá nhiều bất ngờ, phiền toái và khó xử đối với Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay.

Có thêm vụ "Trịnh Xuân Thanh ?"

Vụ khởi tố anh Will Nguyễn lại xảy ra trong bối cảnh nhà nước Đức đang gia tăng sức ép với Việt Nam bằng phiên tòa xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia vào đường dây "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh". Vụ bắt cóc mà bị Đức tố cáo là do mật vụ Việt Nam thực hiện ngang nhiên ngay tại Berlin vào tháng Bảy, 2017, lại đã trở thành một đầu đề nóng hổi trên mặt báo quốc tế và khiến phần lớn Châu Âu đang cực kỳ cảnh giác với từng động tác "ngoại giao" và "muốn làm bạn với tất cả các nước" của Việt Nam.

Nước Đức lại là đầu tàu của Châu Âu không chỉ về kinh tế mà còn cả chính trị. Mới đây, báo chí Đức cho biết Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã cho rằng tương lai của EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu) phụ thuộc chủ yếu vào thái độ và hành động của người Đức.

will2

Will Nguyễn bị công an Việt Nam đánh đập đổ máu đầu và bị kéo lê trên mặt đường

Trong bối cảnh đó, người Mỹ chắc chắn không thể bỏ qua những hệ quả đã phát sinh và còn có thể phát sinh thêm từ vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".

Không thể chắc chắn rằng Tổng thống Trump sẽ không nổi giận về việc chính thể Việt Nam bắt giữ một công dân Mỹ, để vụ việc này sẽ khiến cho quan hệ Mỹ-Việt có thể xấu đi, hoặc xấu nghiêm trọng thời gian tới.

Việc so sánh giữa lời của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam, về "không dùng vũ lực đối với Will Nguyễn" với một clip anh Will Nguyễn bị công an Việt Nam đánh đập đổ máu đầu và bị kéo lê trên mặt đường trước khi bị tống giam được dẫn lại hình ảnh trên các hãng truyền thông lớn của Mỹ như Foxnews, New York Times và báo chí các nước khác, hẳn đã trở thành thuyết minh rõ rệt nhất về một "chế độ xảo trá" được định nghĩa ra sao.

Thậm chí trong tình huống tệ nhất, còn có thể nổ ra một vụ khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Việt qua vụ anh Will Nguyễn, gần tương tự cái cách đã nổ ra khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt qua vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh". 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 01/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 805 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)