Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/07/2018

Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc từ bao giờ ? Tại sao ?

Phạm Cao Dương

Đọc lại những bài viết của các cố vấn Tầu ở Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 - 1954)

Đây là những bài viết được ghi là của "một số lão đồng chí đã từng cộng tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20" theo lời của Nhóm biên tập của tập tài liệu có nhan đề : Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp (Hồi ký của những người trong cuộc) do Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc ấn hành ở Bắc Kinh năm 2002, bản dịch tiếng Việt của Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy (cũng là người hiệu đính).

lethuoc1

Hồ Chí Minh và Đoàn cố vấn Trung Quốc, trong đó có tướng Trần Canh (giữa), tại chiến dịch Biên giới năm 1950

Bản dịch này không ghi nơi xuất bản cũng như tên nhà xuất bản với lý do được nêu là tài liệu lưu hành nội bộ và được gửi từ trong nước ra hải ngoại qua thư điện tử. Cũng vậy, ghi là nội bộ nhưng sách cũng không ghi rõ là nội bộ của cơ quan nào. Dương Danh Dy là một nhà nghiên cứu được nhiều người tin cậy. Ông đã từng giữ chức Tổng Lãnh sự Việt Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc.

I. Nội dung của tài liệu

Tập tài liệu này dày 280 trang qua thư điện tử và gấp đôi tức trên dưới 560 trang theo khổ sách in nhỏ, gồm tổng cộng 10 bài, thêm hai trang Lời cuối sách. Tác giả đầu tiên là La Quý Ba, người được Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc bí mật cử sang Việt Nam đầu năm 1950 làm đại diện liên lạc giữa Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, sau này là Đại sứ đầu tiên của cộng sản Trung Quốc ở Việt Nam. Bài này ngắn và có tính cách tổng quát, được viết để tưởng nhớ Mao Trạch Đông.

Tác giả thứ hai là Trương Quảng Hoa. Ông này xuất thân làm công tác ở văn phòng cố vấn quân sự của Đoàn, lo về thống kê nên nắm vững tình hình "giao nhận vật tư" để báo cáo cho lãnh đạo của Đoàn. Trương Quảng Hoa có cả thảy bốn bài, đồng thời giữ vai trò sửa chữa và hiệu đính, kể cả sửa chữa và hiệu đính cho phần "Đại Sử Ký" tức phần niên biểu các sự kiện chính ở cuối sách, trong đó có bài viết tổng quát và một bài viết về vai trò có tính cách quyết định của tướng Trần Canh trong trận Đông Khê-Thất Khê. Chủ trương của Trần Canh cũng như của các cố vấn Tàu đối nghịch với chủ trương ban đầu của các chỉ huy trưởng Việt Minh, trong đó có các Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Nguyễn Hữu An và Trung đoàn 88 Thái Dũng.

Người có bài thứ ba là Vu Hóa Thuần, viết về Vi Quốc Thanh trong cả hai trận Đông Bắc và Điện Biên Phủ, một vai trò cũng quyết định giống như vai trò của Trần Canh trong chiến dịch Đông Bắc.

Vương Nghiên Tuyền nguyên ở trong ban tham mưu của tướng Trần Canh và là cố vấn cho Đại đoàn 308 trong thời chiến tranh chống Pháp, năm 1956 lại trở sang Việt Nam làm tổ trưởng Tổ Chuyên gia Quân sự cho đến năm 1957. Ông này có hai bài dài và coi như nòng cốt của tập sách.

Tiếp theo là các bài của Độc Kim Ba và của Như Phụng Nhất mà tiểu sử không được ghi dù là gián tiếp.

Cuối cùng là một niên biểu liệt theo ngày tháng tiến trình hoạt động của Đoàn cvấn Trung Quốc từ ngày được thành lập, từ tháng Giêng và tháng Hai năm 1950 cho đến trung tuần tháng Ba năm 1956.

Viện trợ và Trung Quốc

Nói tới Chiến tranh Pháp-Việt Minh (1946-1954) không ai là không biết tầm quan trong của viện trợ của cộng sản Trung Quốc cho cộng sản Việt Nam kể từ sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc chiếm được toàn thể Trung Quốc lục địa, hay chậm hơn và đúng hơn chút nữa là từ trung tuần tháng 8 năm 1950, khi hai đoàn cố vấn quân sự, một do Vi Quốc Thanh và Đặng Dật Phàm cầm đầu từ Quảng Tây và một do Trần Canh hướng dẫn từ Vân Nam đến bộ chỉ huy tiền phương của Việt Minh ở Quảng Uyên, Cao Bằng và được Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh đón tiếp và thuyết trình.

Đây là thời điểm then chốt. Nó mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Chiến tranh Đông Dương Lần thứ nhất, trong đó viện trợ của Trung Quốc đóng vai trò quyết định. Sau thời điểm này quân đội của tướng Giáp không còn phải "chiến đấu trong vòng vây", không còn chỉ đánh du kích nữa mà đã chuyển sang vận động chiến, rồi sau đó là công kiên chiến để đánh bại địch quân, theo sách lược của Mao Trạch Đông và kinh nghiệm của Quân đội nhân dân Trung Quốc.

Hồi ký của các nhà lãnh đạo Việt Minh trong đó có tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội, có Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, con Hùm Xám của Đường số 4, đều nói tới nguồn viện trợ duy nhất và thiết yếu này nhưng lại tương đối ít. Những chiến thắng của Việt Minh từ các trận Đông Khê và Cao Bằng trong chiến dịch Việt Bắc tới trận Điện Biên Phủ theo các chỉ huy người Việt này là do sự hoạch định chiến lược và chiến đấu của chính người Việt.

Các cố vấn Trung Quốc trong tập Ghi Chép Thực kể trên đã gần như nói ngược lại. Không những thế họ còn viết nhiều hơn nữa, không riêng về quân sự như cung cấp dư dả súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng, soạn thảo tài liệu huấn luyện, tái tổ chức lại quân đội với chủ trương đặt nặng vai trò của chính trị trong quân đội, thành lập và võ trang những đại đơn vị mới như các Đại đoàn 316, 320, 325, 351 và một Trung đoàn công binh bên cạnh các Đại đoàn 304, 308, 312 và một số trung đoàn đã có từ trước, mà còn giúp Việt Minh giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chánh, đặc biệt là về tiền tệ, lương thực để Việt Minh từ thế gần như thụ động, bị bao vây trên nhiều mặt trận, sang chủ động làm chủ chiến trường. Các cố vấn Tàu còn cho biết họ đã soạn thảo các chiến lược và trực tiếp tham gia chiến trận cùng với quân đội của tướng Giáp từ đó đã giúp cho cộng sản Việt Nam toàn thắng.

II. Đảng cộng sản Việt Nam đã bắt đầu bị lệ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc từ bao giờ ?

lethuoc2

Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950Ảnh tư liệu/ Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Một cách tóm tắt, khi đọc tài liệu này ta có thể ghi nhận được những dữ kiện sau đây :

1. Thứ nhất : Hai chuyến đi bí mật sang Nga của Hồ Chí Minh bị thất bại. Viện trợ của cộng sản Tàu cho cộng sản Việt Nam là do sự thỏa thuận từ trước của Stalin, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Những sự kiện này đã xảy ra tiếp theo hai chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh vào đầu tháng Giêng năm 1950 và vào mùa đông năm 1951. Lần đi thứ nhất, khi Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh thì Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã đi riêng tới Moscow để ký Hiệp ước Tương trợ Đồng minh Hữu nghị Trung-Xô từ trước nên họ Hồ chỉ được Lưu Thiếu Kỳ đón tiếp rồi sau đó được Lưu Thiếu Kỳ thu xếp để sang Moscow.

Câu hỏi được đặt ra là trước khi đi, Mao và Lưu có biết là Hồ sẽ sang Bắc Kinh hay không ? Câu hỏi này được đặt ra nhưng câu trả lời phần nhiều là có. Nếu vậy tại sao hai người lại không đợi Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh để rồi cùng đi ? Câu trả lời phần nào có thể được thấy nếu người ta theo dõi những gì đã xảy ra sau đó.

Thứ nhất là trong buổi tiệc do Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô tổ chức để khoản đãi Hồ Chí Minh khi họ Hồ mới tới Moscow tối ngày 6 tháng Hai năm 1950, Stalin đã không đến dự và Stalin chỉ tiếp ông này nhiều ngày sau đó và tiếp ở phòng làm việc của mình với sự có mặt của nhiều ngưới khác trong đó có cả Vương Gia Tường là đại sứ Trung Quốc ở Liên Xô.

Thứ hai là trong buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể dành cho Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai và toàn thể các đoàn viên phái đoàn Trung Quốc, Hồ Chí Minh cũng được mời, có thể là không chính thức vì chuyến đi của ông là bí mật. Lợi dụng cơ hội này và khi Stalin rất vui, Hồ Chí Minh đã ngỏ ý xin được ký một hiệp ước tương tự như hiệp ước Trung-Xô, Mao Trạch Đông đã ký với Stalin trước đó. Stalin đã từ chối. Trương Quảng Hoa đã kể lại cuộc đối thoại giữa hai người như sau :

Stalin rất vui, trong bữa tiệc luôn luôn trò chuyện với khách. Hồ Chí Minh nắm lấy thời cơ này cười hỏi Stalin : "Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không ?", Stalin cười : "Tôi làm sao có thể chỉ thị cho đồng chí, đồng chí là Chủ tịch nước, quan còn to hơn tôi mà !".

Hồ Chí Minh lại nói : "Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước !", Stalin nói : "Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra ? Chúng tôi giải thích như thế nào ?".

Hồ chí Minh nói : "Điều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao ?".

Stalin cười lớn nói : "Đó là quá sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các anh" (trang 21).

Họ Trương ghi tiếp là : "Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang lên". Chi tiết này chứng tỏ cuộc đối thoại giữa Hồ Chí Minh và Stalin là công khai trước mặt mọi người. Nhưng xét toàn bộ người ta thấy Stalin tỏ ra rất lạnh nhạt, không tôn trọng Hồ Chí Minh, đã mỉa mai khi trả lời những câu hỏi nghiêm chỉnh và quan trọng của họ Hồ. Không những thế, Stalin còn đem những đề nghị của Hồ ra làm trò cười cho những người có mặt trong buổi chiêu đãi và thẳng thừng từ chối những lời yêu cầu của họ Hồ, trong đó có đề nghị ký một hiệp định là điều họ Hồ rất mong muốn.

Tại sao vây ? Theo Trương Quảng Hoa, Stalin lo lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, là Ti Tô thứ hai. Nhưng đọc kỹ chi tiết hơn, người ta thấy hai điều. Một là Stalin có chủ trương muốn Hồ Chí Minh đẩy sớm hơn và mạnh hơn cách mạng xã hội và kinh tế thay vì chỉ lo đánh Pháp để sớm tiến tới chủ nghĩa vô sản và hai là Stalin đã cùng Mao Trạch Đông, và ngay cả trước đó không lâu, Lưu Thiếu Kỳ trong một chuyến đi bí mật sang Nga, đã từng thảo luận và đồng ý với nhau về vai trò viện trợ cho cộng sản Việt Nam của Trung Quốc rồi.

Đây là lý do chính và Hồ Chi Minh khi được các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thu xếp cho sang Nga chỉ là để nghe một chuyện đã được sắp xếp rồi.

Riêng về cá nhân Hồ Chí Minh, xuyên qua cuộc đối thoại này, người ta thấy phần nào bản chất thực tế, kiên nhẫn, chịu đựng, quyền biến đến độ lì lợm, sẵn sàng dùng những biện pháp lừa dối như ông đã thường làm ở Việt Nam của ông. Cuối cùng thì chuyến đi Liên Xô của Hồ Chí Minh hoàn toàn thất bại, không giành được gì trực tiếp từ phía Liên Xô, không được Stalin coi trọng như Mao Trạch Đông để từ đây Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam phải nghe và hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Trung Quốc.

Vận mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và vận mệnh của dân tộc Việt Nam cũng như lãnh thổ Việt Nam nói chung, có thể đã được quyết định ngay từ chuyến đi của Hồ Chí Minh này. Nói như vậy là vì khi làm cố vấn cho Đảng cộng sản Việt Nam, các chuyên gia Trung Quốc bắt buộc phải nghiên cứu địa hình, địa diện, các cao điểm chiến thuật, chiến lược, trục lộ giao thông cùng các tiềm năng khác có thể khai thác… bằng chính tai mắt và khối óc của mình. Chưa kể, họ còn vạch biên giới làm đường để vận chuyển khí giới, quân trang quân dụng vượt qua biên giới, chở sang cho Việt Minh. Các cao điểm chiến lược, các cột mốc biên giới hẳn khó lọt qua con mắt của các chuyên gia quân sự Trung Quốc ngay từ thời điểm này để chuyển về cho Trung ương Đảng của họ, không cần phải đợi tới bốn chục năm sau.

Về chủ trương giữ bí mật cho những chuyến đi của Hồ Chí Minh và sau này là Đoàn cố vấn Trung Quốc cũng là điều người ta cần chú ý.

Phía nào thực sự chủ trương giữ bí mật và tại sao phải giữ bí mật ? Câu hỏi cần phải được đặt ra, cũng như Hồ Chí Minh có hứa hẹn gì với Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc để đánh đổi lấy viện trợ của Trung Quốc không ?

Cũng vậy, có thật viện trợ này là không hoàn trả và hoàn toàn vô vị lợi dựa trên nghĩa vụ quốc tế giữa các đảng cộng sản hay không hay ngược lại, có liên hệ gì tới sự nhượng bộ của cộng sản Việt Nam đối với cộng sản Trung Quốc sau này không ?

Về điều này người đọc nên để ý tới sự gợi ý của Stalin là Trung Quốc giúp cho Việt Nam một con gà thì Việt Nam có thể trả lại cho Trung Quốc một trái trứng. Con gà là quân sự, là kinh tế, tài chính, là lương thực, là tiền tệ, còn trái trứng là cái gì ?

Cũng vậy, sự giữ bí mật này có liên hệ gì tới cách giải thích sự thỏa hiệp với Pháp của Hồ Chí Minh hồi năm 1946 trước đó, đại khái là : "Thà ngửi c… thằng Tây ít năm còn hơn là làm nô lệ thằng Tàu thêm một ngàn năm nữa", hay những gì họ Hồ và Đảng cộng sản đã lên án phía Việt Quốc, Việt Cách mấy năm trước đó ? Hay giữ bí mật theo yêu cầu của Nga và của Tàu, hay tất cả ?

Người viết sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác. Cũng cần phải để ý tới sự kiện là thời điểm của cuộc viếng thăm là đầu năm 1950, lúc Liên Xô sau thế chiến thứ hai chưa đủ mạnh và Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ mới lên cầm quyền ở Trung Quốc Lục Địa không được bao lâu. Cả hai lúc đó đều không muốn gây chuyện trực tiếp với Pháp và gián tiếp với Hoa Kỳ.

2. Thứ hai : Viện trợ cho Việt Nam không phải chỉ vì nhu cầu của Việt Nam mà cho cả Trung Quốc, vì Trung Quốc cũng có nhu cầu đánh đuổi quân Pháp nhằm bảo đảm biên giới phía Nam của mình chống lại tàn dư của Trung Quốc Quốc Dân Đảng.

Điều này cũng được các tác giả dẫn thượng nói tới. Chiến dịch Đông Bắc và sau này đánh Tây Bắc và sang Lào thay vì đồng bằng sông Hồng mà các cố vấn Trung Quốc đã bắt ép các nhà chỉ huy quân sự Việt Minh phải chấp nhận cũng nhằm mục tiêu này.

Khác biệt về chiến lược và chiến thuật giữa các bộ chỉ huy quân sự Việt Minh và Trung Quốc

3. Thứ ba : Có một sự khác biệt về chủ trương chiến lược và chiến thuật giữa các cố vấn Trung Quốc và các tướng tá Việt Minh và phía Việt Minh bị bó buộc phải nghe theo.

Có nhiều khác biệt về chủ trương chiến lược và chiến thuật giữa các cố vấn Trung Quốc và các tướng tá Việt Minh và phía Việt Minh bị bó buộc phải nghe theo trong đó có mục tiêu tấn công như :

- Đánh để tiêu diệt địch hay đánh để chiếm các cứ điểm hay các thị trấn ?

- Địa điểm tấn công, đánh nơi nào trước, Cao Bằng hay Đông Khê, đồng bằng sông Hồng hay Lai Châu, Tây Bắc và Lào ?

- Đánh nhưng vẫn phải lưu tâm tới hoàn cảnh của các chiến sĩ anh em, đồng bào của mình hay đánh để thắng với bất cư giá nào ?

Các cố vấn Trung Quốc, sau khi không thuyết phục được các tướng tá Việt Minh, đã báo cáo về cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông, để Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc liên lạc với Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh. Cuối cùng các cố vấn Trung Quốc đã luôn luôn thắng thế. Chủ trương của họ đã được Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận, đồng thời may mắn cho họ, kết quả đã là chiến thắng.

Đọc các bài viết của người Trung Quốc người ta có cảm tưởng là các chiến thắng của Việt Minh từ Đông Bắc đến Điện Biên Phủ hoàn toàn là do công lao của các cố vấn Trung Quốc, từ đầu đến cuối, từ hoạch định chiến lược, lựa chọn địa điểm để đánh, đến trực tiếp tham gia theo dõi, chỉ huy trận đánh và trực tiếp can thiệp ngay khi cần. Các tướng tá Việt Nam đều bị coi là thiếu kinh nghịêm, nhút nhát, không dám chấp nhận gian khổ.

Chẳng hạn như trong chiến dịch Việt Bắc, Trần Canh và Vi Quốc Thanh đã nghiên cứu tỉ mỉ phòng tuyến Quốc lộ 4 của Pháp để đưa ra đề nghị đánh Đông Khê trước thay vì Cao Bằng. Đề nghị này đã được Hồ Chí Minh lúc đó lên thị sát mặt trận, trực tiếp phê chuẩn thay vì qua Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Họ Hồ còn chỉ thị thêm rằng : "Chiến dịch này chỉ được thắng, không được thua !" đúng như chủ trương của Trần Canh. Lý do là vì Hồ đã quen biết Trần Canh từ lâu trước đó, trong những năm 1925-1926, đã yêu cầu Mao Trạch Đông cử Trần Canh sang giúp và tin cậy ở Trần Canh, đồng thời biết rõ nhu cầu Trung viện.

Chỉ được thắng, không được thua, hay thắng bằng bất cứ giá nào, bất kể sự hy sinh của binh sĩ là chủ trương của Trần Canh, khác với chủ trương của Võ Nguyên Giáp và của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt. Trong trận Đông Khê, khi vị Trung đoàn trưởng này, vì bộ đội của mình bị thương vong quá nhiều, định rút lui, Vi Quốc Thanh đã điện thoại cho cố vấn Trương Chí Thiện của trung đoàn này, thúc đẩy vị chỉ huy của trung đoàn này, điều chỉnh bố trí và đánh tiếp. Giữa Trần Canh và Võ Nguyễn Giáp tối ngày 4 tháng 10 năm 1950 cũng đã tranh cãi nặng nề qua điện thoại, khi quân Việt Minh tấn công chiếm núi Cốc Xá sau ba ngày liên tiếp và bị thiệt hại nặng, Bộ chỉ huy Tiền phương Việt Minh ra lệnh cho bộ đội tạm ngưng tấn công để nghỉ ngơi chỉnh đốn.

Tranh cãi nặng nề qua điện thoại đến độ Trần Canh có lúc đã nói to : "Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn" và nói tiếp : "Vào giờ phút then chốt này, bộ chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi", đồng thời dập mạnh điện thoại xuống.

Nhưng rồi sau đó Trần Canh đã liên lạc thẳng với Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Trung Quốc. Kết quả là Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho bộ đội tiếp tục, còn Mao Trạch Đông thì khuyến cáo phải nhanh chóng tiêu diệt địch cho dù thương vong quá lớn cũng không nên quá lo, không nên dao động (trang 41).

Vệ quốc đoàn và quân đội nhân dân Việt Nam

4. Thứ tư : Trong việc giúp Việt Minh huấn luyện và tổ chức lại quân đội, các cố vấn Trung Quốc còn giúp và rất có thể đã áp lực các nhà lãnh đạo của đảng này thực hiện một cuộc chỉnh huấn với chữ dùng trong tài liệu là "chỉnh quân chính trị". Danh xưng Vệ quốc đoàn bị bãi bỏ và bị thay thế bằng danh xưng Quân đội nhân dân theo Tàu.

Công tác này đã được các cố vấn Trung Quốc lưu ý từ ngay những ngày đầu, nhưng mãi đến mùa hè và mùa thu năm 1953 mới trở thành qui mô toàn diện. Nó nằm trong chủ trương cách mạng căn bản của Mao Trạch Đông và luôn cả của Stalin, qua khuyến cáo của Stalin khi Stalin tiếp Hồ Chí Minh hồi đầu năm 1950, với những dấu hiệu đầu tiên đã lộ rõ qua những nhận xét của các cố vấn Trung Quốc về các cấp chỉ huy của bộ đội Việt Minh khi họ thấy những vị chỉ huy này có trình độ học vấn cao, ghi chú nhanh, học giỏi, nhưng nặng đầu óc tư sản, nhút nhát, sợ gian khổ, sợ khó khăn, không có tầm nhìn chiến lược… trong khi các binh sĩ cấp dưới ít học và không được thăng thưởng.

Những ngôn từ như "tố khổ, giác ngộ giai cấp"… đã được Vu Hóa Thuần nhắc tới trong bài viết của tác giả này (trang 63). Chiến dịch "chỉnh huấn quân sự, chính trị" qui mô này đã được phối hợp với phong trào cải cách ruộng đất, lúc này đang được tiến hành ở các căn cứ địa của Việt Minh ở Việt Bắc. Những sĩ quan xuất thân là sinh viên, học sinh, những thành phần trí thức, quan lại, tư sản đã tham gia Vệ quốc đoàn từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo, thuần túy chỉ vì yêu nước, không còn được phục vụ như xưa nữa. Ngay danh xưng Vệ quốc đoàn, một danh xưng mang nặng tinh thần quốc gia, cũng bị phế bỏ.

Một giai đoạn trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Minh, nói riêng, của cuộc chiến 30 năm đã đi qua, kèm theo với tất cả những gì đẹp đẽ nhất và lãng mạn, nhuốm nặng tình yêu nước nhất của nó. Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, Con Hùm Xám của Đường số 4, thay vì trở thành tướng như nhiều thuộc cấp của ông sau này, vì đã đánh bại không phải một mà hai đại tá của quân Pháp theo tiêu chuẩn của Hồ Chí Minh khi ông này phong cấp đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, đã bị gửi qua Trung Quốc làm tân khóa sinh của một trường sĩ quan. Cũng may là họ Đặng vẫn còn tốt phước do cha mẹ ông bà để lại, được để cho sống sót.

Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật phải chăng vì danh xưng Vệ quốc đoàn không còn dược dùng nữa, thay thế bằng danh xưng Quân đội nhân dân giống như Quân đội nhân dân Trung Quốc. Tất cả đều được quan niệm và tổ chức theo khuôn mẫu của Quân đội nhân dân Trung Quốc. Những bài hát tràn ngập lòng yêu nước thời đó, đại loại như của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, chỉ còn là kỷ niệm :

Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi

Là có mong chi đâu ngày trở về.

Ra đi, ta đi bảo tồn sông núi.

Ra đi, ra đi thề chết chớ lui.

Cờ bay phất phới, ngời màu Lạc Hồng.

Kèn reo vang tiếng, gọi dòng Lạc Hồng

Cùng Vệ Quốc Quân.

Ra đi ra đi theo hồn sông núi,

Thù bao năm xưa có bao giờ nguôi.

Hay những bài thơ đẹp và đầy không khí vui tươi của một tác giả nào đó mà người viết bài này có dịp học thuộc lòng hồi còn nhỏ theo mẹ đi tản cư về Thái Bình hay vào Thanh Hóa đến bây giờ vẫn còn nhớ, như:

Đoàn Vệ Quốc áo đen

vượt qua sườn Tam Đảo

Sau những ngày dông bão.

Việt Bắc giặc lui rồi

Lũ tàn quân xơ xác

Chiến sĩ ta reo cười

Chim rừng vang tiếng hát.

Các anh như bầy chim,

Nẻo rừng sâu bay tới.

Huyện Tam Dương im lìm

Bỗng dưng vào đại hội.

 của Hoàng Cầm :

Đêm liên hoan đầu người nhấp nhô

như sóng biển ngang tàng.

Ta muốn thét cho vỡ toang lồng ngực

vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn.

Sau những năm hào hùng này không còn được ai sáng tác nữa, hay có sáng tác cũng chẳng bao giờ được phổ biến vì khi các lãnh đạo chủ trương "phá tan biên cương" với ảo vọng "loài người sống thân yêu", tất cả đều bị cấm. Còn lại chỉ là một hoài vọng để cho những người lính già lâu lâu ngồi nhớ lại, kể cho nhau nghe hay viết cho nhau đọc. Chỉ tiếc rằng cái đẹp vừa hào hùng vừa lãng mạn của thời trai trẻ, mà chính họ cũng như thời thế đã tạo được cho họ, đã không toàn vẹn như cái đẹp của người lính già thuở Bình Mông ngày trước:

Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

Lính già phơ tóc bạc,

Kể chuyện thủa Nguyên Phong

Trần Nhân Tông

Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng

Ngô Tất Tố dịch

Trên đây chỉ là một vài dữ kiện quan trọng mà người đọc tài liệu này (Ghi Chép Thực Về Việc Đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp) đọc được và chia sẻ với độc giả. Hy vọng tác phẩm này được phổ biến rộng rãi hơn và được nhiều người đọc hơn, nhất là những người được các tác giả, rõ hơn các cố vấn Tàu do Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Tàu phái sang giúp Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng vô sản theo khuôn mẫu của họ, thời đầu thập niên năm mươi của thế kỷ trước, bằng cách này hay bằng cách khác nói tới, hầu có thể đóng góp thêm sự thực về một giai đoạn cực kỳ khó khăn, cực kỳ phức tạp và tế nhị nhưng không phải là không có những nét đẹp riêng của lịch sử Việt Nam trước khi mọi sự trở thành đen tối, đến độ nhiều người coi như là tuyệt vọng, như người ta thấy sau này.

Để kết luận, ta có thể nói rằng đối chiếu những gì các cố vấn Tầu kể lại với những gì Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện không lâu sau chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Nga đầu thập niên 1950.

Trong số này, đặc biệt có Phong Trào Tố Khổ và Cuộc Cải Cách Ruộng Đất, cuộc "Chỉnh Quân Chính Trị" loại trừ các thành phần tiểu tư sản, sự kiện bãi danh xưng Vệ Quốc Đoàn bị bãi bỏ, thay thế bằng danh xưng Quân đội nhân dân theo mẫu của cộng sản Tầu, kèm theo với các chức chính ủy được đặt ra trong quân đội vân vân…

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp còn đang tiếp diễn và đòi hỏi một sự đoàn kết toàn dân về đủ mọi mặt thì những việc làm theo lệnh Trung Quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam cho người ta thấy rõ hơn vai trò quốc tế và sự lệ thuộc Trung Quốc và Liên Xô của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam đã bắt đầu ngay từ thời này.

Đối với những người cộng sản Việt Nam thì độc lập dân tộc chỉ là cái cớ bề ngoài, không bao giờ được coi là quan trọng bằng nghĩa vụ quốc tế cách mạng. Họ sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của các cố vấn nước ngoài hơn là tiếng gọi dù là thiêng liêng của Tổ Quốc.

Phạm Cao Dương

______

Tác giả Phạm Cao Dương : Tiến sĩ Lịch sử, cựu Giáo sư các trường Đại học thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Ông cũng là Giáo sư Sử học và Văn hóa Việt Nam tại một số trường Đại học Hoa Kỳ ở California trước khi nghỉ hưu.

Quay lại trang chủ
Read 905 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)