Nhóm hackers nổi tiếng thế giới Anonymous vừa qua gây chú ý tại Châu Á, khi lên tiếng bảo vệ sinh viên Trương Thị Hà bị thể chế công an trị ở Việt Nam đàn áp thô bạo. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức tin tặc ra dấu rằng họ sẽ tuyên bố tấn công chính quyền Việt Nam trên không gian mạng toàn cầu Internet. Trong nhóm Anonymous, có những hacker là người Việt đang sống trong nước, làm việc trong các cơ quan.
Đội ngũ hacker của chính quyền Việt Nam bị cho là đã tấn công mạng những công ty đa quốc gia - Ảnh minh họa (informanews.net)
Ở Sài Gòn có những hội quán của giới tin tặc. Những tổ chức như vậy thuê hẳn một tầng trong một tòa cao ốc làm một quán cà phê. Mỗi anh hacker (tin tặc) ôm một chiếc máy tính Macbook đắt tiền do hãng Apple sản xuất, một người một chiếc bàn. Bề ngoài, họ trông giống như những doanh nhân đang vừa uống cà phê vừa làm việc, người canh gác cho cả đội thì trong vai chủ quán cà phê sang trọng đó. Những người này đánh phá mạng nội bộ của một công sở nào thì chỉ có họ và nạn nhân biết với nhau. Nhiều lúc, những cuộc tấn công mạng không phải đơn thuần mục đích vì tiền. Những tin tặc đến từ các quốc gia khác nhau, tập hợp với nhau thành tổ chức xuyên biên giới. Họ là những người có tư tưởng, nhiều hoài bão, họp nhau lại trong những chiến dịch lớn, vì những mục đích lớn.
Để nuôi đội ngũ kỹ thuật viên tin học chống lại những tập đoàn tin tặc đó, ngân sách Việt Nam phải bỏ ra những khoản tiền khá lớn lớn. Chẳng hạn, Bộ Quốc Phòng đã chi rất nhiều tiền để mở trường và thuê chuyên gia về đào tạo những kỹ thuật viên IT. Hiện họ đã có Học viện kỹ thuật quân sự và các viện máy tính khác, song vẫn chưa đủ. Trong một lĩnh vực mênh mông và cập nhật kiến thức từng ngày, Bộ Quốc Phòng cũng phải thuê thêm những người bên ngoài - chẳng hạn như đã thuê các sinh viên giỏi của trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cách làm này gọi là tuyển sinh ngang ngạch, vừa tốn tiền vừa mạo hiểm vì thuê chuyên gia giỏi nhưng không biết được và không kiểm soát được tư tưởng của những chuyên gia đó. Đến khi không đủ tiền thì Quân đội sẽ nghĩ ra một cách nào đó để có thêm tiền nuôi đám nhân viên ngồi ăn như tằm ăn rỗi của mình. Vụ việc ở Đồng Tâm- Mỹ Đức- Hà Nội có thể là một ví dụ điển hình, để có tiền nuôi đám binh lính thì tập đoàn kinh doanh của quân đội giở trò cướp đất của nông dân một xã, ở đây không cần kể thêm.
Việc đánh phá hệ thống thông tin của Việt Nam được cho là dễ hàng hơn so với đánh phá hệ thống thông tin của các quốc gia khác. Nguyên nhân chủ yếu là các thiết bị vật lý sử dụng trong hệ thống thông tin Việt Nam hầu hết đã lỗi thời. Chẳng hạn, trong khi các quốc gia mạnh về công nghệ thông tin đã thay cây ATM và thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip nâng cao độ bảo mật lên đến 10.000 lần thì Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng thẻ từ. Điều này như miếng mồi ngon cho những tin tặc (loại trộm vặt).
Ở cấp độ vĩ mô, Việt Nam cũng có những thiết bị công suất lớn như các nước, nhưng khi các nước sẵn sàng mua thiết bị mới đời tối tân nhất thì Việt Nam vẫn gượng xài các thiết bị cũ cho đến khi thành đồ đồng nát mới thôi. Đây là miếng mồi ngon cho những binh đoàn tin tặc có đất để cho đàn em "thực tập".
Kèm theo những bức ảnh chính phủ Hà Nội đàn áp người dân lộ liễu, các tổ chức tin tặc xuyên quốc gia càng có thêm chính nghĩa để đánh sập hệ thống thông tin nước này.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 07/07/2018