Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/07/2018

Kinh tế Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa

Do vị trí địa dư, Việt Nam ở vào hoàn cảnh khó khăn trước sự bành trướng không che giấu của Trung Quốc. Thế rồi, trong cảnh ngộ đó, có thể nào mà mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại mở ra một cơ hội khác cho kinh tế Việt Nam hay không? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu tiếp về sự kiện này….

kinhte1

Xưỡng sản xuất thép tư nhân ở Đông Anh, Việt Nam - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lên tới cao điểm vào tuần qua khi Chỉnh quyền Donald Trump dọa sẽ tăng thuế nhập nội trên một lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ đô la và phía Bắc Kinh đòi khiếu nại trước Tổ chức Thương mại Thế giới. Thưa ông, trong khung cảnh căng thẳng này, Việt Nam có hy vọng gì và sẽ gặp rủi ro như thế nào ?

Hy vọng cho Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, nói về bối cảnh thì phía Hoa Kỳ xác định lại phạm trù tự do thương mại là phải thật sự tự do, công bằng, hai chiều và cân đối, nôm na là phải “có đi có lại”, chứ không gây bất lợi quá đáng cho kinh tế Mỹ.

Thứ hai, Chính quyền Donald Trump đòi áp dụng quy luật đó cho mọi bạn hàng, kể cả đồng minh chiến lược về an ninh như các nước Âu Châu hay Nhật Bản. Mục tiêu là để giảm số nhập siêu và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bị thiệt hại trong tiến trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, chưa chắc là mục tiêu đó lại khiến các doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư từ một thị trường có nhân công tương đối rẻ, như thị trường Trung Quốc, qua một thị trường khác như thị trường Việt Nam.

Thứ ba là chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nay đã đan kết chằng chịt qua nhiều quốc gia và phí tổn nhân công quá cao tại Hoa Kỳ khiến doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh vào các phương tiện sản xuất tự động như người máy robots hơn là vào ngành chế biến thâm dụng nhân công. Vì các nền kinh tế công nghiệp hóa cũng theo chiều hướng tương tự cho nên chưa chắc là kinh tế Việt Nam đã thừa hưởng kết quả khả quan hơn từ một trận chiến mậu dịch xuất phát tại Hoa Kỳ. Đấy là bối cảnh chung.

Nguyên Lam : Thưa ông, đấy là bối cảnh chung, còn riêng với Trung Quốc thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Riêng với Trung Quốc, Chính quyền Trump chủ trương đối phó toàn diện, về an ninh lẫn kinh tế, nhằm chặn đà bành trướng và gây áp lực cho xứ này từ bỏ thói giao dịch bất chính và đánh cắp công nghệ Hoa Kỳ.

Đã vậy, mục tiêu đa diện của Mỹ còn là đẩy lui khả năng can thiệp của Bắc Kinh vào các nền kinh tế khác. Dù Chính quyền Trump làm như dàn trận với mọi bạn hàng thì các đồng minh của Mỹ tại Âu Châu hay Á Châu, như Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và thậm chí Úc cũng thấy sức bành trướng của Trung Quốc vào các khu vực sử dụng công nghệ cao nên lặng lẽ vận động theo xu hướng của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng muốn tranh thủ bạn hàng như Liên Âu hay cả Nhật Bản để thoát vòng kiềm tỏa của Hoa Kỳ. Vì thế, khung cảnh chung là những vận động ngấm ngầm và phối hợp phức tạp chứ không đơn thuần là một trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa mà truyền thông cứ tường thuật ở bề mặt.

Hướng xoay chuyển cho Việt Nam

Nguyên Lam : Giữa khung cảnh rắc rối đó, ông nghĩ rằng Việt Nam nên xoay trở ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đáng lẽ Việt Nam phải sớm thấy ra sự xoay chuyển của Trung Quốc là sẽ từ bỏ vai trò công xưởng toàn cầu vì nhân công của họ hết còn rẻ như trước, rồi họ nhắm vào trình độ sản xuất có kỹ thuật và giá trị cao hơn. Từ dăm năm trước, diễn đàn của chúng ta đã nói đến chiều hướng ấy như một cơ hội cho kinh tế Việt Nam.

Đáng tiếc là Việt Nam đã lỡ cơ hội đó, lại đi vào chiến lược công nghiệp hóa tệ hại là ăn cơm thừa canh cặn của xứ láng giềng với thiết bị phế thải lỗi thời có năng suất thấp và mức hủy hoại môi sinh cao. Hậu quả là Việt Nam không chỉ nhập khẩu nạn ô nhiễm mà còn nhập khẩu nguyên vật liệu, thậm chí lao động từ Trung Quốc để tái chế biến với giá trị đóng góp thấp nhằm xuất khẩu ra ngoài nhờ có nhân công rẻ hơn. Biến thép rẻ của Tầu thành thép ta để giúp Trung Quốc vượt qua hạn ngạch của các nước là sự khôn ngoan tai hại. Ngày nay, khi thấy đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng, Việt Nam vội mừng là sẽ thay thế vai trò của Trung Quốc nhưng rốt cuộc thì chỉ làm giầu cho nhà đầu tư ngoại quốc trên lưng của công nhân Việt Nam. Có lẽ lãnh đạo Việt Nam nên rà soát lại sách lược phát triển và chiến lược công nghiệp hóa của mình,

Nguyên Lam : Ông có quá bi quan hay không, vì người ta thấy các nước Đông Nam Á đều tự chuẩn bị cho một tình huống mới vì hai cường quốc kinh tế từ hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương đang lâm vào một trận chiến mậu dịch ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ các nước không chỉ tự chuẩn bị về kinh tế mà còn về an ninh vì sự đe dọa của Trung Quốc. Có lẽ lãnh đạo Việt Nam cũng đang có nỗi phân vân tương tự dù chẳng nói ra vì sợ làm Bắc Kinh phật ý sau khi họ đã gây sức ép trên các dàn khoan của Việt Nam ở ngoài biển! Trong khi đó, ta không quên kế hoạch hội nhập kinh tế tại vùng biên giới giữa hai nước về tư bản, thiết bị và nhân công. Kế hoạch mậu biên đó có lợi cho Trung Quốc vì dán nhãn Việt Nam lên sản phẩm của Quảng Đông, Quảng Tây để bán ra ngoài…. Một trong những chọn lựa có ý nghĩa vào lúc này là từ bỏ kế hoạch mậu biên đó.

Khách quan mà nói, người ta cứ bảo Việt Nam có một số lợi thế, nhưng ta nên nhìn cả hai mặt của một sự việc. Thí dụ như nhân công rẻ hơn Trung Quốc, có thể bằng phân nửa nhân công tại các tỉnh Đông Nam của Tầu, nhưng ta cần so sánh với năng suất. Thí dụ kia là Việt Nam đã ký Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và năm nay, Hiệp ước TPP sẽ được áp dụng, nhưng hiệp ước đó quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa khiến Việt Nam sẽ khó nhập nhằng như trước. Thí dụ thứ ba là Việt Nam cũng hy vọng hoàn tất hiệp ước tự do thương mại với khối Liên Âu, nhưng các nước Âu Châu đều biết vai trò trung gian của Việt Nam là làm trạm trung chuyển hàng hóa của Tầu dưới thương hiệu chế tạo tại Việt Nam. Sau cùng là trong khi các nước có thể tìm nơi đầu tư rẻ hơn Trung Quốc và ngó vào Việt Nam thì lại giật mình vì dự luật Đặc khu Tự trị và thất vọng vì nạn đàn áp những ai phản đối dự luật này, mặc dù hiện tượng phản đối Trung Quốc đã bùng nổ tại Malaysia, Pakistan hay Sri Lanka, v.v…

Nguyên Lam : Nếu nhìn trên toàn cảnh thì ông không mấy lạc quan, nhưng chẳng lẽ Việt Nam không thể làm gì để vừa tránh hậu quả xấu vừa khai thác cơ hội mới hay sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung, các nước Đông Nam Á đều có viễn kiến khi tự chuẩn bị làm nơi thay thế thị trường Trung Quốc khi xứ này bước lên trình độ sản xuất cao hơn và trước khi bùng nổ mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Là một quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam  đứng về phe nào trong mâu thuẫn đó? Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam đang nêu câu hỏi tương tự mà chưa thống nhất ý kiến về sự chọn lựa mà cũng chẳng nghe theo ý người dân.

Nhìn trong ngắn hạn, với triển vọng tăng trưởng cao làm Hoa Kỳ nâng lãi suất, đồng Mỹ kim sẽ lên giá. Ngược lại đồng Nguyên của Trung Quốc sẽ sụt giá khiến hàng hóa của họ trở thành rẻ hơn và dễ xuất khẩu hơn. Việt Nam không nên e ngại tác động ngắn hạn đó mà nhìn sâu hơn vào toàn cảnh. Bắc Kinh không chỉ muốn có bạn hàng hay đối tác cho Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ mà còn muốn răn đe và trừng phạt doanh nhiệp của các quốc gia đối thủ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, Úc, v.v…. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp này càng cần bãi đáp khác cho an toàn. Việt Nam có thể là bãi đáp ấy cho giới đầu tư, nhưng có an toàn hay không thì tùy vào lãnh đạo của xứ này. Chúng ta trở lại chuyện hạ tầng cơ sở vật chất và nhất là hạ tầng cơ sở vô hình như luật lệ và cả giáo dục đào tạo là điều mình đã nói quá nhiều lần.

Phiên bản nhợt nhạt của Trung Quốc

Nguyên Lam : Vì thời lượng của chương trình này có hạn, Nguyên Lam xin được đề nghị ông nêu ra một số kết luận cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì truyền thông báo chí cứ tập trung vào thời sự ngắn hạn, tôi có khuynh hướng trình bày bối cảnh sâu xa lâu dài hơn, rồi từ xa mà luận tới gần. Trong trận đấu giữa Mỹ và Trung Quốc, mậu dịch chỉ là một phần thôi.

Rút kinh nhiệm chua xót của Việt Nam trong lịch sử cận đại, Việt Nam không nên giữ vai trò ủy nhiệm, hoặc là công cụ cho một trận đánh của các cường quốc. Hoàn cảnh lệ thuộc vào Trung Quốc ngày nay xuất phát từ sự chọn lựa tai hại đó.

Ngày nay, một trận đấu khác đang tái diễn mà mậu dịch chỉ là một phần thì ta nên nhìn lại xem quyền lợi của mình nằm ở đâu, trên ngọn hay dưới gốc? Ngọn là tập đoàn lãnh đạo, gốc là người dân. Đáng lẽ, cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” phải nhắm vào gốc là đa số người dân ở dưới lại chỉ nhằm giải quyết yêu cầu của thiểu số trên đỉnh, cho nên Việt Nam vẫn sao chép mô hình “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc”. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng hay giải trừ vai trò của quân đội trong kinh doanh tại Việt Nam chỉ là một phiên bản nhợt nhạt của Trung Quốc mà thôi, và các nước đều thấy ra điều ấy!

Nói về tương lai, việc Việt Nam rón rén bước gần về phía Hoa Kỳ chưa đủ sức thuyết phục doanh giới Mỹ mà chỉ gây thêm phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh trong khi kinh tế lại đạt xuất siêu với Mỹ và bị nhập siêu với Tầu mà chẳng học được gì từ công nghệ cao cấp của nước Mỹ hay từ các nước tiên tiến khác.

Trận chiến mậu dịch đang manh nha có thể là một cơ hội sửa sai hay đổi mới. Cụ thể là nên giảm mức xuất siêu với Hoa Kỳ bằng cách mua thêm võ khí của Mỹ để hiện đại hóa quân đội, tức là bớt mua của Liên bang Nga. Dù võ khí Mỹ đắt hơn thì quyết định mang tính chất biểu trưng đó vẫn là một thông điệp ý nghĩa cho cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nghiên cứu lại sách lược phát triển và chiến lược công nghiệp hóa mà không dựa theo Trung Quốc. Đây mới là cơ hội thoát khỏi vòng kiềm tỏa tai hại của Bắc Kinh khi hàng loạt quốc gia cũng đều nghi ngờ sự bành trướng đáng ngại của Trung Quốc.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguồn : RFA, 19/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 935 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)