Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/07/2018

Lệnh trói tay người lính

Phạm Đình Trọng

Thưa lại với ông tướng công binh Hoàng Kiên về lệnh “không được nổ súng” hay “không được nổ súng trước” trong sự kiện đau thương Gạc Ma 14/03/1988 

nosung1

Từ phải : Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương hàng ngồi, thứ hai. Phạm Đình Trọng đứng sau Giáp Văn Cương. Trần Đăng Khoa đứng hàng trên ngoài cùng bên trái

1. Bốn ngàn năm chí bền dựng nước, phải liên tục đương đầu với giặc phương Bắc xâm lược đông và mạnh gấp nhiều lần. Bốn ngàn năm quả cảm mở cõi chỉ có chiếc thuyền gỗ kiền và lá buồm cánh dơi mỏng manh phải đi vào tâm bão của Biển Đông để mở cõi, mở biển.

Mỗi nắm đất biên cương phía Bắc đều thấm đẫm máu ông cha ta đã đổ ra hết thế hệ này đến thế hệ khác trong những trận chiến giữ đất kéo dài trong lịch sử chống giặc phương Bắc xâm lược. Mỗi doi cát ngoài biển đông đều là nấm mồ lớn ông cha ta gửi xác lại trong những chuyến đi vào bão táp Biển Đông cùng những đoàn thuyền lưới, thuyền câu người Việt đi khai thác biển bạc.

Bốn ngàn năm dựng nước và mở cõi, ông cha ta đã không để mất một tấc đất ở biên cương, không để mất một núm cát ở Biển Đông và đã để lại cho chúng ta hôm nay dải non sông gấm vóc từ Lũng Cú, Hà Giang đến đảo Thổ Chu, Kiên Giang, từ Trường Sơn đến Trường Sa.

Nhưng chỉ mấy chục năm qua thế hệ chúng ta đã để mất hàng ngàn kilomet vuông đất biên cương thấm đẫm máu cha ông ở phía Bắc. Đã để mất những doi cát vàng nơi ông cha đã gửi xác gửi hồn ở Biển Đông.

Mất đất do hiệp định nhà nước cộng sản Việt Nam kí kết sang nhượng. Mất điểm cao 1509 ở Vị Xuyên, Hà Giang, mảnh đất thấm đẫm máu và chôn vùi xác hàng ngàn người lính Việt Nam trong những trận chiến ác liệt giữ đất năm 1984. Mất phần tráng lệ nhất của thác Bản Giốc ở Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng, thác nước kì vĩ đã đi vào trang sách, đi vào hồn người Việt Nam. Mất cổng nước cổ kính và bi tráng của lịch sử ở Đồng Đăng, Lạng Sơn, nơi giặc hùng hổ rầm rập kéo vào rồi tả tơi thân tàn tháo chạy ra. Nơi chứng kiến giọt nước mắt của Nguyễn Trãi trong thời khắc chia li người cha bị giặc bắt đưa sang phương Bắc. Giọt nước mắt còn hoen trong trang sử Việt Nam giữ nước.

Mất đảo do lệnh oái oăm ngang trái, lệnh trói tay người lính, người lính đành bất lực nhìn giặc tràn lên cướp đảo, có súng trong tay mà không được nổ súng, phải chờ giặc nổ súng giết mình trước, có may mắn sống sót mới được nổ súng chống trả yếu ớt trong thương vong mất mát, trong thế bị động, trong thế thua đã nắm chắc. Đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa đã mất trong đau thương, tức tưởi như vậy.

Những mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên ở biên cương mất đi theo hiệp định biên giới Việt Trung kí kết cuối năm 1999 là những vết thương mãi mãi nhức nhối trên cơ thể Tổ Quốc Việt Nam, là nỗi đau muôn đời của lịch sử, của giống nòi Việt Nam.

Lệnh trói tay người lính, không cho người lính nổ súng khi giặc tràn lên cướp đảo. Lệnh buộc người lính giữ đảo phải trao cho giặc quyền làm chủ tình thế, trao cho giặc quyền của người làm chủ đảo, trao cho giặc quyền được nổ súng trước. Đó là lệnh bắt người lính giữ đảo, giữ biển của tổ tiên phải nhận thương vong mất mát về minh và phải nhận thất bại lịch sử cho đất nước. Mất Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 trong tình thế đó, ngoài nỗi đau còn là nỗi nhục. Những ngày đau mất Gạc Ma, tháng ba, năm 1988 chúng ta còn mất cả đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven... Mất những chiếc cọc giậu trọng yếu trong hàng cọc giậu ngoài thềm Biển Đông. Một mảng phòng thủ trong thế trận giữ nước đã bị xé toang. Ngày nay Trung Quốc, kẻ chiếm bãi Gạc Ma, đá Chữ Thập của ta năm 1988 đã bồi đắp bãi Gạc Ma và đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo và xây dựng sân bay có đường băng dài hơn 3.000 mét cho máy bay ném bom hạng nặng cất, hạ cánh ở đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập;

Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của ta thế nào? (VTC, 15/032016)

2. Sự kiện mất Gạc Ma lớn như vậy, đau như vậy mà 30 năm sau mới có được tập sách nhỏ Gạc Ma Vòng Tròn Bất Tử. Tập sách nhỏ nhưng vô cùng quí bởi đã ghi chép một sự kiện lịch sử, dù đau thương, mất mát nhưng rất cần phải khắc ghi vào thời gian, vào lịch sử, khắc ghi vào tâm trí người Việt những mảnh đất, những núm cát mang hồn tổ tiên bị giặc chiếm phải nhớ lấy mà giành lại, không thể để mai một quên lãng, không thể để sự kiện Gạc Ma bị thời gian và những cách nhìn cảm tính, hẹp hòi bóp méo đi không còn trung thực nữa. Tập sách càng đáng quí bởi sách có được không do kế hoạch xuất bản của nhà nước mà sách là thành quả của doanh nghiệp tư nhân, là tâm huyết, nỗ lực của vài cá nhân đau đáu với vận nước, với trang sử giống nòi.

nosung2

Trường Sa 1988 : Bộ trưởng bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, hàng trên, đứng giữa) ; Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương, hàng trên, ngoài cùng, bên trái

Nhưng tập sách quí vừa trình làng trong cuộc họp báo khá hạn hẹp ở Sài Gòn, liền có tiếng nói phản bác, kết tội tập sách. Không nhiều ý kiến phản bác tập sách, phản bác thiện chí người làm sách nhưng khá nặng lời, gay gắt như mạt sát, sỉ vả và phát ngôn cho những ý kiến phản bác lại là một ông tướng, thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên tư lệnh binh chủng công binh.

Tập sách bị kết tội nặng nề “một sự vu cáo xấu xa trắng trợn”, chỉ vì một chi tiết nhỏ : “việc nói về có lệnh của cấp trên “không được nổ súng” chèn vào trong cuốn sách là một ý đồ xấu, xuyên tạc sự thật lịch sử, làm cho nhân dân ta nhất là thế hệ trẻ mất niềm tin về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Sách viết rằng trong sự kiện Gạc Ma 14/03/1988, những người lính quân đội Nhân Dân Việt Nam phải chấp hành lệnh “Không được nổ súng”. Còn tướng cuốc, sẻng, đất, đá công binh Hoàng Kiền không có vốn liếng, nghiệp vụ lính biển nhưng nhìn những người làm sách chỉ bằng nửa con mắt : “Những người viết bài hầu hết chưa trải qua Hải quân, chỉ mới hiểu tác chiến trên bộ, chưa hiểu tác chiến trên biển, chưa hiểu tương quan lực lượng Hải quân Việt Nam và Trung Quốc khi ấy... Nếu nghe như những phát biểu của mấy vị ảo tưởng là một sai lầm nghiêm trọng, chúng ta sẽ mất hết. Chính họ mới âm mưu tiếp tay cho Trung Quốc chiếm hết Trường Sa, chúng ta không mắc mưu họ”.

Ông tướng công binh cao giọng giảng giải về sự kiện Gạc Ma : “Họ gọi sự kiện Gạc Ma là cuộc chiến tranh trên biển (bài viết trên mạng có ảnh của Thiếu tướng Lê Mã Lương) là hoàn toàn sai. Gọi là cuộc chiến Gạc Ma cũng chưa đúng hoàn toàn. Gọi là cuộc xung đột vũ trang trên biển cũng là chưa chính xác. Phải nói là : Sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc dùng vũ lực đơn phương sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, bắn chìm hai tàu vận tải HQ 604, HQ 605, bắn cháy tầu đổ bộ HQ 505, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam. Không có trận chiến, cuộc chiến nào cả.” Dồn dập trấn áp bằng ngôn từ rồi vị tướng công binh hùng hồn khẳng định sự kiện Gac Ma 14/03/1988 chỉ có lệnh “Không được nổ súng trước” mà thôi.

Kết tội sách Gac Ma Vòng Tròn Bất Tử, kết tội thiếu tướng Anh hùng Lê Mã Lương, ngưởi chủ biên tập sách khi sách viết rằng mất Gạc Ma vì có lệnh không được nổ súng, thiếu tướng Anh hùng Hoàng Kiền còn dẫn lời một loạt tướng lĩnh : Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Công, Trung tướng Trần Qung Khuê, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, đại tá Trần Đình Dần phê phán Lê Mã Lương nói bậy, Lê Mã Lương nói láo. “Lê Mã Lương nói bậy, ông ấy biết gì về Hải quân, về sự kiện Gạc Ma mà nói” (Lời Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh). Dồn dập ngôn từ, dồn dập tiếng nói bác bỏ lệnh “Không được nổ súng” để tướng công binh Hoàng Kiền khẳng định “Chỉ có lệnh “không được nổ súng trước” là hoàn toàn đúng đắn. Thể hiện đối sách của Đảng và nhà nước ta giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, coi trọng mối quan hệ Viêt Nam – Trung Quốc, không mắc mưu khiêu khích của đối phương, sẽ là cái cớ cho họ lấn tới”.

3. C ả vú lấp miệng em, chủ quan, cao ngạo áp đặt chính kiến, chiếm đoạt lẽ phải, tướng công binh Hoàng Kiền khăng khăng rằng chỉ có lệnh “Không được nổ súng trước”. Nhưng diễn biến sự việc và chính từ lời tướng Hoàng Kiền lại chứng minh rằng những người lính Việt Nam giữ Trường Sa trong sự kiện ngày 14/03/1988, từ người chỉ huy đến người lính cắm cờ chủ quyền trên Gạc Ma đã chấp hành nghiêm ngặt lệnh không được nổ súng và lệnh không được nổ súng đã bao trùm lên toàn bộ sự kiện Gạc Ma 14.0.1988. Vài dẫn chứng.

MỘT. Ngoài đảo Ba Bình lớn nhất Trường Sa do Đài Loan chiếm đóng từ 1945, đến cuối năm 1987 Trung Quốc lục địa chưa có một điểm đứng chân ở Trường Sa. Nhưng nhiều năm qua lính Trung Quốc trên những con tàu vũ trang giả dạng tàu đánh cá vẫn ngày đêm xục xạo khắp quần đảo Trường Sa. Đổ bộ lên những bãi san hô ta đã đặt khối bê tông bia chủ quyền nhưng chưa đưa quân ra giữ, lính Trung Quốc mặc đồ dân sự kéo bia chủ quyền của ta xuống biển rồi rút đi. Bước vào năm 1988, Trung Quốc bỗng đột biến leo thang chiếm những bãi san hô còn lập lờ trên mặt nước biển trong quần đảo Trường Sa của ta. Ngày 31.1.1988 họ chiếm bãi Chữ Thập. Ngày 18.2.1988, họ chiếm bãi Châu Viên. Ngày 26.2.1988 họ chiếm bãi Ga Ven. Ngày 28.2.1988, họ chiếm bãi Huy Gơ. . .

Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam phải tăng tốc thực hiện chiếnn dịch CQ88, đưa quân ra giữ những bãi san hô chưa nổi hẳn lên khỏi mặt biển có nguy cơ bị Trung Quốc chiếm. Tết Mậu Thìn, 1988 đến. Tư lệnh Giáp Văn Cương tuyên bố : Không có Tết. Báo động toàn quân chủng. Chuyển sở chỉ huy chiến dịch CQ88 từ bộ Tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng vào Cam Ranh. Sáng mồng một Tết Mậu Thìn, Tư lệnh Giáp Văn Cương lên chiếc máy bay quân sự AN26 từ sân bay Gia Lâm bay vào Cam Ranh.

Khi Hải quân Việt Nam đưa quân ra cụm bãi Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là khi Trung Quốc đã có một lực lượng chiến đấu hùng mạnh ở Trường Sa với 19 tàu uy lực nhất của Trung Quốc lúc đó gồm : Một khu trục lên lửa. Ba tàu khu trục trang bị pháo 100 mm có tầm bắn xa trên 10 km và pháo 37 mm có tầm bắn gần 10 km. Bảy tàu hộ vệ tên lửa, Hai tàu hộ vệ pháo. Hai tàu đổ bộ. Ba tàu vận tải. Một tàu hậu cần kéo theo một pông tông (cầu cảng nổi) lớn. Hạm đội hỗn hợp lớn với cả chục chiến hạm tấn công, hỏa lực mạnh rình rập ở Trường Sa sẵn sàng xối đạn vào lực lượng Hải quân Việt Nam, đánh chiếm đảo của Việt Nam.

Trước những họng súng tua tủa như vậy, ở điểm nóng Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao chỉ có tàu đổ bộ cổ lỗ HQ 505. Tối 11/03/1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương điều hai tàu vận tải nhỏ 500 tấn HQ 604 và HQ 605 đến Gạc Ma. Trên hai con tàu chỉ có chức năng chở hàng và chở quân, không có chức năng tác chiến là những người lính tay không, không có vũ khí chiến đấu : 70 lính công binh của trung đoàn công binh hải quân 83 chỉ có cuốc, sảng, xà beng, 4 cán bộ đo đạc thuộc cục bản đồ bộ Tổng Tham mưu và một đơn vị tác chiến nhỏ nhoi, 22 lính chiến đấu thuộc lữ đoàn 146 chỉ có súng cá nhân AK và cơ số đạn cơ bản do lữ đoàn phó, thiếu tá Trần Đức Thông chỉ huy. (Sau khi hi sinh cùng con tàu HQ 604, thiếu tá Trần Đức Thông được truy tặng danh hiệu Anh hùng và được truy phong trung tá).

Sẩm tối ngày 13/03/1988 tàu HQ604 đến Gạc Ma. Cùng với lính công binh vận chuyển vật liệu xây dựng lên bãi Gac Ma còn có ba người lính lữ đoàn 146 với hai khẩu AK lên cắm cờ chủ quyền. Sáng ngày 14/03/1988, gần trăm lính Trung Quốc tràn lên Gạc Ma, những người lính Hải quân Việt Nam trên Gạc Ma chỉ có hai khẩu AK với vài chục viên đạn. Nếu được chiến đấu chống trả, chỉ không được nổ súng trước thôi thì không khi nào người chỉ huy lại đưa đến điểm đối đầu Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao ba con tàu không có chức năng chiến đấu và những người lính tay không như vậy. Điều động lực lượng phi vũ trang ra Gạc Ma ở thời điểm bùng nổ quyết định sự còn mất của Gạc Ma cho thấy lệnh không được nổ súng đã nhất quán từ người chỉ huy cao nhất chiến dịch HQ88.

HAI. Sự việc diễn biến ở Gạc Ma sáng ngày 14/03/1988 càng khẳng định lệnh không được nổ súng đã được quán triệt và đã thấm vào ý thức, đã chi phối hành động của người lính giữ Gạc Ma, dẫn đến mất mạng oan ức của người lính, dẫn đến mất nhanh chóng núm cát Gạc Ma của tổ tiên và dẫn đến nỗi đau của hôm nay, nỗi nhục với mai sau.

Lính Trung Quốc tràn lên Gạc Ma, xô đến cướp lá cờ chủ quyền của Việt Nam. Không giật được lá cờ trong tay trung úy Trần Văn Phương, tên chỉ huy lính Trung Quốc nổ súng ngắn bắn chết trung úy Phương. Giặc đã nổ súng trước giết chết sĩ quan lữ đoàn 146. Hai chiến sĩ 146 bảo vệ cờ có súng AK trong tay vì sao không nổ súng chống trả để bảo vệ cờ ? Đó là vì lệnh không được nổ súng ? Nhìn máu đồng đội đã đổ, căm thù sôi sục, quyết liệt hành động, binh nhất công binh Nguyễn Văn Lanh cũng chỉ có thể vung xà beng vụt bay khấu súng trong tay tên chỉ huy Trung Quốc.

Nếu chỉ là lệnh “Không được nổ súng trước”, tước đi thế chủ động của ta thì khi tên chỉ huy giặc đã nổ súng và đã bị cú xà beng đánh bay mất súng chính là thời cơ để ta giành lại thế chủ động với tiếng súng tự vệ của hai người lính nắm AK trong tay bảo vệ lá cờ. Nhưng không một tiếng súng tự vệ chống trả giặc. Hành động chiến đấu duy nhất của người lính Việt Nam bảo vệ Gạc Ma chỉ là một cú vung xà beng đánh vào bàn tay giặc cầm súng để rồi người lính công binh chiến đấu bằng xà beng phải lãnh mũi lê và đạn giặc găm vào người gục xuống cùng với lá cờ đổ xuống, trùm lên người !

Vì không được nổ súng nên người lính ra trận đã không được trang bị vũ khí tương xứng với nhiệm vụ. Người lính tay không trên Gạc Ma và con tàu vận tải không vũ trang neo cạnh Gạc Ma trở thành những tấm bia sống hứng đạn từ những khẩu pháo 100 mm, 37 mm trên ba tàu khu trục Trung Quốc xối xả bắn tới cho đến khi những tấm bia sống bị xóa sạch trên biển Trường Sa. Nếu chỉ là lệnh “Không được nổ súng trước” thì phải đáp trả khi bên kia đã khai súng. Để có thể đáp trả phải có hỏa lực dù không tương đương cũng phải đủ sức sát thương đối phương. Chống trả đám giặc tràn lên cướp đảo bằng chiến thuật biển người, lấy thịt đè người mà chỉ có hai khẩu súng cá nhân với vài chục viên đạn thì rõ ra người chỉ huy chiến dịch CQ88 trong điều động lực lượng đã phải chấp nhận, đã phải thực hiện chỉ lệnh không được nổ súng.

BA. Dù “Không được nổ súng trước” nhưng giặc đã nổ súng, đã khai chiến thì trách nhiệm và danh dự người lính giữ nước phải lên tiếng, phải nổ súng chống trả. Có tiếng súng chống trả, dù yếu ớt thì Gạc Ma sáng 14/03/1988 đã thực sự là một cuộc chiến đấu tự vệ, một trận chiến giáp lá cà ác liệt. Hai người lính của lữ đoàn 146 bảo vệ Trường Sa có AK trong tay nhưng tiếng súng trách nhiệm và danh dự của người lính bảo vệ lá cờ chủ quyền không vang lên. Chỉ có tiếng súng từ một phía của giặc Trung Quốc xâm lược. Vì sao vậy ? Chỉ có thể hiểu rằng lệnh không được nổ súng đã tước đoạt trách nhiệm và danh dự người lính của họ, biến họ thành tấm bia sống hứng đạn của lũ giặc cướp nước. Cuộc đụng độ chỉ có tiếng súng của một phía mới thành đơn phương. Chính tướng công binh Hoàng Kiền đã thú nhận chỉ có tiếng súng đơn phương của quân cướp nước khi ông viết : “Sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc dùng vũ lực đơn phương sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, bắn chìm hai tàu vận tải HQ 604, HQ 605, bắn cháy tầu đổ bộ HQ 505, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam. Không có trận chiến, cuộc chiến nào cả.”

BỐN. Những hình ảnh trong video clip do chính Trung Quốc tung lên mạng toàn cầu để khoe chiến công của hải quân Trung Quốc đánh chiếm Gac Ma của Việt Nam ngày 14/03/1988 cũng nghi nhận sự câm lặng, không nổ súng của phía mục tiêu mà lửa đạn Trung Quốc trút xuống. Camera lia từ những họng súng trên chiến hạm Trung Quốc xuống vệt cát Gạc Ma. Trên chiến hạm, những tiếng hô Tả ! Tả ! dồn dập. Những lưỡi lửa nhoáng nhoàng chớp lên. Dưới vệt cát Gạc Ma, đạn tới tấp vãi xuống, nước biển bắn tóe lên. Lá cờ quằn quại trên ngọn sóng. Những cột nước dựng lên quanh những người lính đầu trần, tay không. Chỉ có bóng những người lính trần trụi và những cột nước dựng lên. Không một chớp lửa của viên đạn thoát ra khỏi nòng súng. Dù chỉ là một chớp lửa nhỏ nhoi cũng không có. Nhìn bóng những người lính trần trụi trên vệt cát Gạc Ma lần lượt biến mất trên ngọn sóng Trường Sa, nước mắt tôi lặng lẽ ứa ra. Những tấm bia sống trên vệt cát Gạc Ma đang thưa dần là những người lính lữ đoàn 146 Hải quân Việt Nam, là những người lính trung đoàn 83 công binh Hải quân Việt Nam.

Bốn dẫn chứng, từ toàn cảnh rộng điều động, sử dụng lực lượng cho đến chi tiết nhỏ diễn biến sự việc trên Gạc Ma đủ cho thấy điều áp đặt của tướng công binh Hoàng Kiền “Chỉ có lệnh không được nổ súng trước” là không có cơ sở.

Không được nổ súng ! Trong sự kiện Trường Sa 14/03/1988 không một tiếng súng của những lính Việt Nam bắn trả bọn xâm lược, chỉ có tiếng súng các loại, các cỡ xối xả bắn giết người lính Việt Nam giữ Trường Sa, cướp núm cát Gạc Ma mang hồn tổ tiên người Việt Nam trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

4. T rong nỗi đau Gạc Ma ngày 14/03/1988, lệnh “Không được nổ súng” là lệnh bắt người lính giữ Gạc Ma phải đầu hàng kẻ xâm lược. Lệnh “Không được nổ súng trước” là lệnh trói tay người lính giữ núm cát Gạc Ma, giao quyền chủ động, quyền quyết định mạng sống của người lính giữ Gạc Ma, quyền quyết định số phận núm cát Gạc Ma cho kẻ cướp Gạc Ma. Mức độ khác nhau nhưng những lệnh đó đều nguy hại cho đất nước, đều là tội đồ của giống nòi Việt Nam. Với người lính, cả hai lệnh đó đều là sự sỉ nhục người lính, xúc phạm danh dự người lính, mang người lính ra làm vật hi sinh. Với nhân dân, với đất nước, cả hai lệnh đó đều là tội phản bội giống nòi Việt Nam, phản bội lịch sử Việt Nam, phản bội Tổ quốc Việt Nam.

Tên cướp xông vào nhà cướp tài sản nhưng chủ nhà “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình” đợi cho tên cướp vung dao chém chủ nhà rồi chủ nhà mới dám chém lại ! Ứng xử dại dột, ngu xuẩn như vậy liệu sau nhũng cú vung dao của tên cướp chuyên nghiệp tới tấp xả xuống, ông chủ nhà hèn nhát có còn sống sót để mà chém lại tên cướp ! Dù có sống sót thì chủ nhà cũng đã giao thế chủ động cho tên cướp rồi, cũng đã phơi bầy, thú nhận với kẻ cướp sự nhu nhược, hèn nhát và tự nhận lấy phần thất thế, phần thua về mình rồi, làm sao còn giữ được tài sản !

Nỗi đau Gạc Ma ngày 14/03/1988 còn tệ hơn nữa. Những người lính giữ Gạc Ma chỉ có hai khẩu AK cũng không được bắn bọn giặc tràn lên đảo cướp lá cờ chủ quyền. Những người lính giữ Gạc Ma đành phơi thân hứng đạn pháo của giặc. Đành để núm cát hương hỏa của ông bà rơi vào tay giặc. Đành chấp nhận cái chết tức tưởi. Vậy mà người ta vẫn còn liến thoắng, lem lẻm, trí trá : “Không được nổ súng trước” là hoàn toàn đúng đắn. Thể hiện đối sách của Đảng và nhà nước ta giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, coi trọng mối quan hệ Viêt Nam – Trung Quốc, không mắc mưu khiêu khích của đối phương, sẽ là cái cớ cho họ lấn tới”.

Ỷ thế nước lớn, bất chấp luật pháp và dư luận, Trung Quốc muốn đánh Việt Nam lúc nào thì đánh, họ đâu cần phải khiêu khích để Việt Nam nổ súng trước rồi họ mới nổ súng. Vực dậy đất nước Trung Hoa sau cách mạng văn hóa làm cho đất nước Trung Hoa tan hoang, lòng dân li tán, kinh tế kiệt quệ, ngày 17.2.1979, Đặng Tiểu Bình liền cất quân đánh Việt Nam với tính toán : Đối nội, kích động tinh thần Đại Hán, tập hợp lại lòng dân, tạo khí thế bừng bừng cho người dân Trung Hoa bước vào thời kì khôi phục lại đất nước. Đối ngoại, ve vãn nước Mỹ giầu có để khai thác nguồn vốn và công nghệ. Và Đặng Tiểu Bình đã chấn hưng được đất nước Trung Hoa bằng máu của hàng chục ngàn người Việt Nam.

Lịch sử giữ nước của cha ông đã dạy chúng ta đối sách với Trung Quốc. Dù Trung Quốc xấu đến đâu chúng ta cũng phải coi trọng mối bang giao với Trung Quốc. Nhưng coi trọng mối bang giao với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền chứ quyết không thí bỏ một tấc đất chủ quyền lãnh thổ để giữ mối bang giao với Trung Quốc. Nhà nước cộng sản Việt Nam đã cắt hàng ngàn kilomet đất của tổ tiên người Việt ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn để làm đẹp lòng Trung Quốc. Đó là tội lớn với lịch sử, với cha ông, với muôn đời con cháu mai sau. Nay trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/03/1988, dù là lệnh “Không được nổ súng” hay lệnh “Không được nổ súng trước” cũng là lệnh đầu hàng, dâng Gạc Ma, dâng máu của 64 người lính Việt Nam cho tham vọng bành trướng Trung Quốc. Lại thêm một tội tày trời !

Đất đai lãnh thổ là hương hỏa thiêng liêng của cha ông để lại, là di sản của lịch sử, là tài sản của hôm nay và mai sau, là thế đứng hiên ngang của một đất nước, một dân tộc dưới mặt trời, trước nhân loại. Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Khi đội quân nước ngoài đặt bước chân xâm lược lên mảnh đất hương hỏa thiêng liêng thì từ em thiếu niên, đến người đàn bà thường dân cũng phải cầm vũ khí đánh giặc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Lệnh buộc người lính đầu hàng, lệnh trói tay người lính khi giặc tràn lên cướp đảo Gạc Ma là lệnh ô nhục chưa từng có trong lịch sử bốn ngàn năm giữ nước và mở cõi của dân tộc Việt Nam.

5. T ôi càng vô cùng ngạc nhiên khi thiếu tướng công binh Hoàng Kiền viết :

“Hải quân nhân dân Việt Nam cùng lực lượng QK5 giải phóng 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ trước 30/4/1975 gồm Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca.

Đến năm 1978 đóng hết 4 đảo nổi còn lại là : Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, An Bang, Phan Vinh.

Cho đến thời điểm này Trung Quốc chưa hề nghĩ đến Trường Sa”.

Hóa ra “Với gần mười sáu năm công tác ở Hải quân, gần mười năm gắn bó với Trường Sa”, vị sĩ quan công binh Hoàng Kiền chẳng hiểu gì về Trường Sa, chẳng hiểu gì về những con sóng, những mây đen vần vũ, những ngột ngạt ở Biển Đông trước những cơn bão dữ.

Không phải cho đến năm 1978 Trung Quốc chưa hề nghĩ đến Trường Sa. Trường Sa là Biển Đông. Trung Quốc nghĩ đến Trường Sa, tìm cách đứng chân ở Biển Đông từ ngay sau khi Mao Trạch Đông thiết lập nhà nước cộng sản Trung Hoa ở Bắc Kinh, năm 1949. Trung Quốc thèm khát Biển Đông, nhòm ngó Biển Đông trước cả khi Trung Quốc hướng khát vọng bành trướng về phía Tây, trước cả khi Trung Quốc đánh chiếm Tây Tạng năm 1959.

Trước năm 1955 Pháp cai trị Đông Dương cũng thiết lập sự quản trị với Trường Sa, Hoàng Sa. Hiệp định Genève 1954 buộc Pháp chấm dứt cai trị Đông Dương và chia cắt Vệt Nam thành hai miền với hai nhà nước. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quyền quản trị của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam. Năm 1955, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Đông Dương và chính quyền Sài Gòn chưa kịp đưa quân ra giữ Hoàng Sa. Lập tức Bắc Kinh đưa quân giả dạng dân đánh cá lên chiếm hai đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa là đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn. Từ đó, tàu vũ trang của Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá ráo riết rình rập, xục xạo khắp Biển Đông, từ Hoàng Sa tới Trường Sa. Sau khi đánh chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 19.1.1974, Trung Quốc càng tập trung nhòm ngó Trường Sa.

Trong chuyến đi thực tế ở Hải quân, tháng năm, 1978, tôi và nhà thơ quân đội Trần Đăng Khoa đã có mặt trong đoàn của Bộ Tư lệnh Hải quân do Thiếu tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh và Thiếu tướng Hoàng Trà, chính ủy quân chủng Hải quân chỉ huy đi kiểm tra tất cả các điểm nổi trong quần đảo Trường Sa. Một buổi chiều chúng tôi vừa bước chân lên đảo Sinh Tồn thì thấy chim biển từng đàn bay từ phía tây nam đến, táp xuống Sinh Tồn. Ngửa mặt nhìn đàn chim, đảo trưởng Sinh Tồn nói : Quân Trung Quốc lại đang xục xạo ở Gạc Ma đó. Thượng tá, phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân Bùi Ủy ngạc nhiên hỏi : Sao cậu biết ? Đảo trưởng Sinh Tồn giải thích rằng cứ mỗi lần có tàu Trung Quốc ngang qua đây đi về hướng Gạc Ma thì chỉ hơn tiếng sau từ hướng Gạc Ma chim xao xác bay về đây. Lính Sinh Tồn xác định rằng Tàu Trung Quốc đã đổ quân lên Gạc Ma xục xạo, đập bắt chim, chim phải kéo về Sinh Tồn. Nghe vậy, thượng tá Bùi Ủy liền cùng mấy sĩ quan trinh sát, tác chiến xuống ngay tàu, sang Gạc Ma. Khi trở về, thượng tá Bùi Ủy khen lính Sinh Tồn giỏi, phán đoán đúng.

Trung Quốc nung nấu đánh chiếm những núm cát Trường Sa từ trước năm 1988, từ trước năm 1978. Tháng năm, 1978 chúng tôi phải chứng kiến những đàn chim từ Gạc Ma xao xác bay về Sinh Tồn. Nhưng những con tàu chiến Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá rình rập ở Trường Sa, đổ người lên Gạc Ma xục xạo đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Lịch sử chủ quyền của Trung Quốc ở phía Nam chỉ đến đảo Hải Nam. Lịch sử chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa đã có từ thời nhà Lê. Nhà nước Việt Nam đã quản lí hành chính lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa từ thời nhà Lê, nhà Nguyễn. Cai trị Việt Nam, nhà nước Pháp tiếp tục quản lí hành chính Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỉ 19 trong sự thừa nhận của Chính phủ tất cả các nước trên thế giới.

Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ đích thực của Việt Nam từ trong chiều sâu lịch sử, không phải là lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc. Ngày nay, những người quản lí nhà nước về lãnh thổ Việt Nam đặt giai cấp lên trên dân tộc, hồn giai cấp lấn át hồn dân tộc đã coi Biển Đông, coi Hoàng Sa, Trường Sa là điểm tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc và “nhà nước ta giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình”. Đã là tranh chấp thì kẻ có sức mạnh bạo lực lớn hơn sẽ thắng. Sức mạnh bạo lực của kẻ cướp Gạc Ma càng tăng lên gấp bội khi những người lính Việt Nam giữ Gạc Ma chỉ có tay không phải đối đầu với những họng súng, những nòng pháo, những dàn tên lửa của Trung Quốc xâm lược. Và chúng ta đã mất Gạc Ma.

Phạm Đình Trọng

(25/07/2018)

Quay lại trang chủ
Read 1365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)