Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2018

Đức sẽ làm gì sau khi Nguyễn Hải Long ‘khai sạch’ ?

Thiền Lâm

Ngay sau khi phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Hải Long kết thúc, nhà báo Lê Trung Khoa – chủ bút của trang Thoibao.de của cộng đồng người Việt ở Đức – đã nhận định rằng phía Đức sẽ có những bước đi tiếp theo đối với những nhân vật khác đã được phía Đức xác định có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. “Khi Nguyễn Hải Long đã chủ động nhận tội tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thì vụ án này có kết quả rất tốt, bằng kết quả là họ ký nhận có tham gia vụ bắt cóc và đây là vụ bắt cóc. Khi có kết quả này rồi thì như nhận định của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh là chắc chắn sẽ có những động thái tiếp theo với những đối tượng đang trốn chạy là tướng Đường Minh Hưng, Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một số những người khác đã được nêu tên trước tòa” (RFA Việt ngữ).

duc1

Số phận của tướng Đường Minh Hưng thì không cần phải bàn cãi, mà chỉ còn là vấn đề thời gian. Ảnh : VANews

Chỉ một tuần sau cử chỉ cúi đầu nhận tội làm gián điệp và bắt cóc, Nguyễn Hải Long đã được hưởng mức án chỉ có 3 năm 10 tháng tù vì tội, tức giảm đến phân nửa so với mức án lên đến bảy năm rưỡi tù giam nếu không chịu nhận tội.

Vào thời điểm Nguyễn Hải Long nhận tội, Hãng tin BBC cho biết nội dung bản khai bổ sung viết “Việc thuê xe sang Berlin là để bắt một nhân vật rất quan trọng, nhằm đem về Việt Nam xét xử”. Nguyễn Hải Long cũng thừa nhận ông ta biết rằng người chỉ đạo chiến dịch bắt người này là tướng Đường Minh Hưng, người mà ông đã đặt phòng khách sạn hộ tại Berlin. Nguyễn Hải Long cũng khai trước tòa rằng sau khi vụ bắt người hoàn thành, ông đã tham dự một buổi tiệc “ăn mừng” ở Prague, với tướng Hưng là một trong những người có mặt và đã “uống khá say”. Phần trình bày bổ sung này của bị cáo Nguyễn Hải Long đã được bên công tố và luật sư đại diện ông Trịnh Xuân Thanh chấp nhận là “phù hợp kết quả điều tra”…

Đường Minh Hưng lại là trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam. Vào tháng Mười Hai năm 2017, Công tố Đức đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Đường Minh Hưng. Tin tức này đã được báo chí Đức phát đi vào giữa năm 2018, nhưng từ đó đến nay Bộ Công an và chính phủ Việt Nam vẫn hoàn toàn ‘cấm khẩu’, không có bất kỳ phản ứng nào trước động thái không khác gì ‘hạ nhục’ từ người Đức.

Từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mặc dù phía Đức đã trưng ra một số bằng chứng (nhân chứng, vật chứng) để chứng minh có sự tham gia trực tiếp của mật vụ Việt Nam vào vụ bắt cóc này, nhưng việc Nguyễn Hải Long nhận tội có thể được xem là chứng cứ sống đầu tiên của chính thủ phạm mà đã tố cáo trực tiếp về đường dây bắt cóc của Trung tướng công an Đường Minh Hưng. Trên phương diện tố tụng hình sự, chứng cứ này là đặc biệt quan trọng và có thể mở đường cho hàng loạt phanh phui tiếp theo về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong thời gian tới.

Lời thú tội của Nguyễn Hải Long tại Tòa Thượng thẩm Berlin vào ngày 17/7/2018 càng thúc đẩy mau hơn và mạnh hơn những quyết định tiếp tới của ngành tư pháp Đức để chế tài Việt Nam, kể cả việc phát thêm lệnh truy nã quốc tế đối với vài gương mặt quan chức cao nào đó thuộc công an Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội vẫn chưa có bất kỳ một động tác xin lỗi và ‘cam kết không tái phạm’ nào trước người Đức.

Một khả năng khác có thể xảy ra là sau việc 4 quan chức ngoại giao Việt Nam ‘trốn’ hiện diện tại phiên tòa xử Nguyễn Hải Long (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức là Đoàn Xuân Hưng, Tham tán Công sứ Lê Thị Thu, sĩ quan liên lạc cảnh sát Lê Thanh Hải và Bí thư Thứ nhất Lê Đức Trung – đều là những nhân vật bị nghi ngờ có dính dáng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh), Tòa Thượng thẩm Berlin sẽ gây sức ép đủ mạnh để Bộ Ngoại giao Đức phải trục xuất Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đoàn Xuân Hưng khỏi nước Đức, tương tự thân phận cán bộ tình báo Nguyễn Đức Thoa vào năm 2017.

Vào tháng Sáu năm 2018 khi Nguyễn Hải Long còn chưa chịu nhận tội, phía Việt Nam có vẻ tưởng chừng Tòa thượng thẩm Berlin sẽ bị bế tắc trong vụ xử Long và sẽ không thể có kết quả đáng kể nào để tác động vào khối hành pháp Đức nhằm chế tài thêm đối với Việt Nam. Cũng vào tháng Sáu đó, giới chóp bu Việt Nam bất ngờ trục xuất Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài sang Đức như một chiến thuật “đổi nhân quyền lấy thương mại’ – một cử chỉ lấy lòng bởi Đức đang đóng vai trò quyết định trong việc tác động đến Nghị viện châu Âu xem xét có ký kết và sau đó thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) hay không. Đồng thời, phía Việt Nam phát tín hiệu ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’…

Nhưng còn giờ đây, sau khi Nguyễn Hải Long đã ‘khai sạch’ và chắc chắn đã làm sáng tỏ nhiều hành vi của một số quan chức công an cao cấp của Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hy vọng ‘kết thúc khủng hoảng Việt – Đức’ trong năm 2018 và ký kết EVFTA vào cuối năm 2018 lại một lần nữa mờ mịt.

Kể từ tháng Tư năm 2018 khi phiên tòa xử Nguyễn Hải Long được mở và khiến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trở nên tung tóe, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã không còn giữ được tư thế đàm phán theo lối trả treo có vẻ không quá khó khăn với Bộ Ngoại giao Đức – cơ quan hành pháp – về vụ Trịnh Xuân Thanh, mà phải đối mặt với một cơ quan hoàn toàn độc lập với chính phủ Đức là Tòa Thượng thẩm Berlin thuộc khối tư pháp, theo đúng nguyên tắc tam quyền phân lập chỉ có ở những nước dân chủ.

Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam ‘trả lại’ cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn.

Với một nhà nước pháp quyền và tam quyền phân lập như đinh đóng cột như thế, ngay trước mắt có thể sẽ là những lệnh truy nã bổ sung dành cho những kẻ bắt cóc đến từ Việt Nam.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 27/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 821 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)