Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/07/2018

Loay hoay mãi vẫn cứ lì một chỗ

Phạm Trần

Lãnh đạo Việt Nam hô hào đổi mới nhiều bao nhiêu cán bộ đi giật lùi bấy nhiêu. Đảng chỉ đạo phải tuyệt đối kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và trung thành với đảng thì càng có nhiều đảng viên “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” bỏ đảng, đòi bầu cử tự do và dân chủ nhân quyền. 

kiendinh1

Đảng chỉ đạo phải tuyệt đối kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh

Và khi đảng phát động phong trào toàn dân, toàn đảng phải “học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” thì nhiều người đứng đầu chỉ muốn “tổ chức thực hiện Chỉ thị hình thức, chiếu lệ”, theo lời Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

(Quân đội Nhân dân, 16/05/2018).

Người chịu trách nhiệm trực tiếp việc học theo “Bác”, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng thì xác nhận :

“Vẫn còn tình trạng làm qua loa, đối phó, chưa thực sự cầu thị, bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức” ở nhiều nơi; Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên nắm giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước còn thiếu tự giác, chưa thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật...”.

(VietnamNet, 16/05/2018).

Sinh viên, học sinh từ trường đạo đến trường nhà nước đều chán đền tận mang tai môn học lịch sử đảng và Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng “Bác” Hồ. Lý do chán vì nội dung toàn nói hay cho đảng và sặc mùi tuyên truyền nhưng vẫn phải học vì là môn bắt buộc. Nếu không học thì không cho tốt nghiệp dù có giỏi đầu lớp hay đầu trường.

Mơ hồ-viển vông 

Nhưng tại sao lại lung tung xòe như thế vào lúc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương và Hội đồng Lý luận trung ương họp bàn các văn kiện sẽ trình ra 2 Hội nghị trung ương 8 và 9 và chuẩn bị tài liệu tổ chức Đại hội đảng XIII dự trù vào đầu năm 2021? 

Lý do vì khi phải học lời “Bác” dặn : “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì lãnh đạo lại tham lam, độc tài và coi đó là chuyện của người khác và của kẻ thừa hành nên cả nước không thèm nghe theo.

Thứ đến là khi phải nghe đảng khoan hò mãi chuyện “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” mà chẳng biết bao giờ mới tới để xem mặt mũi nó ra sao nên ai cũng nản. Bằng chứng là ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã nói : “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

(Tuổi Trẻ, 23/10/2013). 

Như vậy thì hèn chi mà rất nhiều đảng viên và người dân không còn muốn “liên hệ máu thịt” gì với đảng nữa. Họ đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” để thoát ly khỏi sai lầm của lãnh đạo cứ muốn tiếp tục duy trì chế độ cộng sản, dù nó đã bị nhân dân nước Nga, thủ phủ của thế giới cộng sản và nhân dân các nước Đông Âu vứt vào thùng rác từ 1989 đến 1991.

Ngày nay trên toàn thế giới chỉ còn lại 4 nước độc tài duy trì Chủ nghĩa cộng sản gồm Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn, trong khi tuyệt đại đa số nhân loại của 7,6 tỷ người đã xa lánh nó như tránh thứ vi trùng độc hại. Một đài tưởng niệm 100 triệu nạn nhân của Chủ nghĩa cộng sản, kể cả ở Việt Nam, đã được Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khánh thành tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 12 tháng 6 năm 2007 là bằng chứng khác của sự lầm lạc của Đảng cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, chiêu bài “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, hay “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với chủ trương đổi mới từ 1986 chẳng qua chỉ là những tấm bình phong che đậy của những nhà nước độc tài và những chế độc độc đảng phản dân chủ. Do đó, những nhà tư tưởng cộng sản giáo điều và bảo thủ của Việt Nam đã từ lâu đề cao chủ trương “đổi mới nhưng không đổi màu”, và “hội nhập mà không hòa tan”. 

Những ai đòi đảng “đổi mới kinh tế” thì phải “đổi mới chính trị” để dân thật sự làm chủ đất nước, tự quyết định tương lai chính trị của mình ; phải có bầu cử tự do, dân chủ và tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) thì liền bị lên án “phản động, phản cách mạng”, hay còn bị chụp mũ là tay sai của “các thế lực thù địch” và “diễn biến hòa bình” do Mỹ giật giây.

Những lập luận viển vông như “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và “dân chủ xã hội chủ nghĩa” ghi trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa xã hội” (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng cộng sản Việt Nam cũng là những thứ không có trong thực tế và sai lầm từ cơ bản.

Bằng chứng cho tới nay, sau 32 năm Đổi mới từ 1986, đảng vẫn chưa giải thích được ý nghĩa đích thực của lập luận giở trăng giở đèn làm kinh tế thị trường của tư bản chủ nghĩa mà lại phải theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” là định hướng như thế nào ? Kinh tế thị trường tự do, không cần ai xỏ mũi kéo đi như kinh tế cộng sản chỉ huy. 

Vì vậy, đã có nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam phê bình đảng đã ỡm ờ đánh lận con đen khi nói như thế để che đậy chủ trương làm kinh tế phải do đảng lãnh đạo và nhà nước quản lý độc tài.

Khoản 1 của Điều 51 Hiến pháp năm 2013 đã nói rõ âm mưu này : 

“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế ; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Khi nói về “dân chủ xã hội chủ nghĩa” thì miệng lưỡi tuyên truyền của đảng luôn luôn rêu rao “dân chủ phải đi đôi với kỷ cương” để bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Nhưng khi quyền này lại do “nhà nước quản lý” thì cũng như không có. Cũng giống như chuyện bầu cử Hội đồng nhân dân và Quốc hội thì luôn luôn là “đảng cử dân bầu” thì có phải cử tri là bù nhìn không ?

Tiêu biểu như câu nói độc tài của ông Nguyễn Phú Trọng mới đây tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày 16/07/2018 tại Hà Nội. Ông nói : 

“Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải đặt trong tổng thể cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...”. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trật tự ; quyền hạn gắn liền với trách nhiệm ; lợi ích đi đôi với nghĩa vụ ; chống quan liêu, mệnh lệnh, đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật”.

Nói như ông Trọng thì quyền làm chủ của nhân dân ở các nước tự do có cần phải do đảng cầm quyền lãnh đạo và nhà nước quản lý không mà họ vẫn thượng tôn pháp luật khi thực hiện quyền ông dân của mình.

Lối lập luận nhập nhằng của thứ dân chủ trá hình ở Việt Nam còn được trắng trợn viết trong Điều 53 Hiến pháp năm 2013, theo đó : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."

Ai cho phép nhà nước cho mình quyền “đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đất đai và tài sản của toàn dân ? Từ xưa tới nay, chưa có bất cứ cuộc trưng cầu ý dân nào được tổ chức để ủy quyền cho nhà nước chiếm cứ tài sản của dân trắng trợn như vậy. 

Do đó khi Cương lĩnh năm 2011 viết rằng "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta" là đảng đã tự ý nhét chữ vào miệng dân. Không tin đảng thử tổ chức trưng cầu dân ý có quốc tế kiểm soát tự do và dân chủ xem có mấy phần trăm người Việt Nam muốn duy trì thứ chủ nghĩa cộng sản trá hình này ? 

Ấy vậy mà Cương lĩnh dám viết hão huyền rằng "Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội".

Tất cả những lập luận và kết luận kiêu căng và không chứng minh được của hàng ngũ lãnh đạo và tư tưởng của Việt Nam phần nhiều nói ra chỉ để sướng miệng vì không phản ảnh được sự thật của những việc đang xẩy ra trong cuộc sống của dân. Vì vậy tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” để “diễn biến hòa bình” theo Chủ nghĩa Tư bản đang diễn ra phức tạp trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

Đe dọa đảng tan 

Bằng chứng đảng viết trong Nghị quyết 04/NQ-TW ngày 30/10/2016 :

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là một vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Nghị quyết viết tiếp : 

“Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Để ngăn chặn, ngày 07/12/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Trong số những vi phạm về chính trị và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng thì những vi phạm dưới đây sẽ bị phạt tùy theo mức độ và lần vi phạm từ khiến trách, cảnh cáo, cách chức đến khai trừ: 

1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách : 

a) Bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

b) Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chống diễn biến hòa bình. 

c) Có biểu hiện dao động, giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. 

d) Không trung thực trong khai lý lịch, lịch sử bản thân và bổ sung lý lịch đảng viên. 

2. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) : 

a) Bị xúi giục, dụ dỗ hoặc do nhận thức không đúng mà nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm những việc mà pháp luật không cho phép. 

b) Xúi giục, kích động, ép buộc người khác nói, viết, lưu giữ, tán phát, xuất bản, cung cấp những thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

c) Bị dụ dỗ, lôi kéo hoặc bị cưỡng ép tham gia các đảng phái, tổ chức chính trị hoạt động trái phép. 

3. Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ :

a) Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc. 

b) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng". 

c) Cố ý đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; truyền thống của dân tộc, của Đảng và Nhà nước. 

d) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hoạt động gây nguy hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 

đ) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước. 

e) Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động. 

g) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. 

h) Tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng. 

i) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. 

k) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Những hình phạt này tuy nhiều, nhưng nội dung không mới vì các chứng bệnh không làm theo lệnh đảng, lười học tập Nghị quyết, nói không đi đôi với làm, công khai chỉ trích lãnh đạo, tình trạng đồng chí nhưng không đồng lòng, phê bình dè bỉu chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi dân chủ, đa nguyên đa đảng đã râm ran trong nội bộ từ khóa đảng VII thời ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư (tháng 6 năm 1991 đến tháng 12 năm 1997).

kiendinh2

Đảng cộng sản Việt Nam càng loay hoay bao nhiêu thì càng đứng ì một chỗ bấy nhiêu

Tình trạng tham nhũng, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy chỗ ngồi mát ăn bát vàng và chạy tội không còn là chuyện bất thường hay năm thì mười họa trong đảng. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói : 

“Hiện giờ lấy mục tiêu đầu tiên của một số người là “tiền đâu” ? lên chức là “lên tiền” nên có tình trạng chạy chức chạy quyền. Điều đó dẫn đến chuẩn mực của tự phê bình và phê bình của hai giai đoạn rất khác nhau. Cho nên một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất đưa lợi ích vật chất lên trên. Điều đó khiến nhiều nơi không khí đấu tranh nội bộ trong Đảng không sôi động như trước đây.”

(Đại Đoàn Kết, ngày 16/12/2017) 

Từ thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư khóa VIII, sang hai khóa IX và X thời ông Nông Đức Mạnh rồi chuyển qua hai khóa XI và XII thời Nguyễn Phú Trọng thì thấy càng về sau, gần 30 năm dài, từ 1991 đến 2018, những chứng hư tật xấu và khuyết tật của cán bộ đảng viên không bớt mà chỉ thấy tăng cao đến mức đe dọa cả sự sống còn của đảng.

Như vậy thì rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam càng loay hoay bao nhiêu thì chứng ì một chỗ của cán bộ, đảng viên càng dài ra bấy nhiêu.

Phạm Trần

(31/07/2018)

Quay lại trang chủ
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)