Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/08/2018

Vụ Thủ Thiêm : ông Nguyễn Thiện Nhân sử dụng ngôn ngữ du kích chiến ?

Thảo Vy & Hữu Nguyên

Sự kiện Thủ Thiêm : “Nếu là tôi, tôi cũng chống các anh !”

Thảo Vy, VNTB, 03/08/2018

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng ông cũng gặp lãnh đạo Thanh tra chính phủ hỏi thăm vụ Thủ Thiêm, thúc đẩy sớm có kết luận thanh tra.

thuthiem1

Ông Nguyễn Thiện Nhân gặp các sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Ảnh : Tuổi Trẻ

Bên lề Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) khóa XI nhiệm kỳ 2015-2020 ngày 31/07, trước câu hỏi của phóng viên vì sao kết luận của Thanh tra chính phủ chậm so với dự kiến ngày 15/07, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc chậm kết quả thanh tra nằm ngoài ý muốn của Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong sớm có kết quả thanh tra này.

Chuyện luật

Theo Kết luận thanh tra 445/KL-TTCP-KTI ngày 6/8/2008, Quyết định 1997/Quyết định-UB ngày 10/05/2002 của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi, giao đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm do Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký có sai sót về hình thức ban hành ; còn về nội dung, việc thu hồi và giao đất (621,4328 ha) và thời điểm giao đất (ngày 10/05/2002) theo Quyết định là đúng.

Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, bình luận : “Căn cứ vào điểm b khoản 3 điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định “Quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân” là văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy quyết định của chủ tịch UBND không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 điều 1 Luật Đất đai sửa đổi 2001 (sửa đổi điều 23 Luật Đất đai năm 1993) cũng quy định trường hợp giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thì sẽ thuộc về UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương chứ không thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Đối chiếu với hai quy định trên, quyết định của chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm là trái pháp luật, cụ thể là không đúng thẩm quyền, và vì thế nên không có giá trị thi hành”.

Đó là một trong những lát cắt khi câu chuyện Thủ Thiêm được luật sư phân tích về mặt pháp luật.

“Nếu là tôi, tôi cũng chống các anh !”

Ở giác độ truyền thông của hệ thống báo chí nhà nước, không mấy bất ngờ khi ông cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh lại ‘biến mất’ cùng ‘tấm bản đồ’ quy hoạch Thủ Thiêm ban đầu được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt.

“Sáng 7/05/2018, trong một dịp tình cờ, tôi gặp nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Tôi hỏi ông Hải rằng, “tại sao lúc đó lại ký thay quyết định của Thủ tướng” ? Tôi cũng hỏi thêm : “Nếu không xin ý kiến của Thủ tướng, phải bác bỏ Quyết định 6565 và những Quyết định sau này về quy hoạch Thủ Thiêm ?”. Ông Hải xác nhận với tôi, ký Quyết định đó, ông Nguyễn Văn Đua sai”. Ông Võ Viết Thanh đã kể với báo chí như vậy.

thuthiem2

Đồ họa quy hoạch Thủ Thiêm. Ảnh : Sasaki Associates

Cũng câu hỏi đó, ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời ông Võ Viết Thanh, rằng thời điểm đó, ông là Phó Thủ tướng. Chính phủ có ủy quyền cho thành phố ra văn bản khác, điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Văn bản đã được sự đồng ý của Thủ tướng khi đó là Phan Văn Khải.

Ông Võ Viết Thanh kể : “Tôi có biết chuyện người dân đi phản đối. Khi nghe có bộ phận người dân Thủ Thiêm được đưa về định cư quận 12, tôi liền nói với lãnh đạo thành phố : Dứt khoát không thể chấp nhận. Nếu là tôi, tôi cũng chống các anh. Tái định cư là phải tại chỗ, hoặc xê dịch chút đỉnh thôi. Đưa họ đi xa như vậy, đất ở đây ai sử dụng ?

Bên cạnh đó, giải tỏa nhà thì phải đền bù cho người dân thỏa đáng, nơi tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ. Ví dụ, người nghèo chỉ có cái chòi dựng 20 m2. Khi đưa người nghèo đi tái định cư mà chỉ cấp có 20 m2 như nơi họ từng ở, thì xem sao được. Rồi bắt người dân phải xây nhà 3-4 tầng theo chuẩn của khu phố, nếu trong 6-12 tháng không làm thì bị thu hồi đất, nhưng người nghèo thì lấy tiền đâu ra để xây nhà 3-4 tầng. Đó là bất cập”.

Nếu chính quyền sai thì sửa sai như thế nào về Thủ Thiêm ?

Hòa thượng Thích Không Tánh, Viện chủ chùa Liên Trì (đã bị cưỡng chế đập bỏ) chia sẻ rằng ông chỉ muốn gìn giữ một ngôi chùa đã gần 100 năm ở vùng đất Thủ Thiêm. Nếu phải di dời, chùa Liên Trì cũng cần đúng cái điều mà ông Võ Viết Thanh nói ở trêm, đó là “tái định cư xê dịch chút đỉnh thôi”. Chứ còn dời chùa Liên Trì về khu vực Cát Lái giáp với Đồng Nai, vừa xa xôi địa lý, vừa lấy tiền đâu ra để mà tạo dựng lại chùa ?

Và hòa thượng Thích Không Tánh tuy cũng “dứt khoát không thể chấp nhận”, nhưng là vị chân tu, ông không thể như cựu tướng công an Võ Viết Thanh là “chống đến cùng”. Hiện tại ở nơi từng hiện diện chùa Liên Trì, sau giải tỏa vào tháng 9/2016, đến nay vẫn là bãi đất hoang.

Trong một diễn biến khác, bất chấp chuyện kết luận của Thanh tra chính phủ về quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm công bố sẽ như thế nào, mới đây Sở Tài nguyên - Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa ra thông tin là từ nay đến cuối năm 2018, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố sẽ đưa ra bán đấu giá hơn 28 khu đất, nhà với diện tích gần 40 ha. Trong số đó có hơn 5.000 căn hộ và hàng chục nền đất tái định cư cùng nhiều khu đất giá trị cao, như 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 và khu đất ký hiệu 7-1 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), với tổng diện tích hơn 14 ha.

Nếu mai đây kết luận của Thanh tra chính phủ cho biết những người dân Thủ Thiêm đã cương quyết không chấp nhận di dời, bàn giao mặt bằng xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm trong nhiều năm qua là đúng, là có căn cứ pháp lý, thì liệu các hộ dân cư khác đã phải chịu cảnh cưỡng chế giải tỏa – như chùa Liên Trì chẳng hạn, liệu chính quyền có trả lại tài sản đất đai cùng những tháng năm 'trôi sông lạc chợ' chịu cảnh oan khuất của người dân ?

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 03/08/2018

********************

Nguyễn Thiện Nhân và phát ngôn ẩn ý về cuộc biểu tình 10 Tháng Sáu

Hữu Nguyên, Người Việt, 01/08/2018

Người Việt Nam sống trong nước hiện nay đang hàng ngày phải tự sàng lọc cả khối thông tin xà bần thật giả không biết đâu mà lần, trong đó, các tin tức chính trị nóng luôn bị hỏa mù, đánh tráo, làm giả bởi hệ thống tuyên truyền của chế độ, của đám ‘dư luận viên đỏ’ và đôi khi của cả những người chống chế độ giả hiệu.

thuthiem3

Cuộc biểu tình tại cầu vượt Lăng Cha Cả, Sài Gòn ngày 10 Tháng Sáu 2018 (hình FB Nhật Ký Biểu Tình)

Tuy nhiên trong đám rừng mù mịt tối tăm đó, người quan tâm thời cuộc nhạy bén vẫn có thể bắt gặp một dạng tin từ báo chí của chế độ hé lộ một phần tảng băng thông tin ngầm, mà họ cho là có tầm ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chuyên chế.

Đơn cử như thông tin liên quan đến sự kiện biểu tình khổng lồ của người dân cả nước chống luật đặc khu và an ninh mạng ngày 10 và 17 tháng 6 năm 2018 dưới đây.

Ngày 24 Tháng Bảy, trang ‘Thanh Niên online’ và báo giấy Thanh Niên, một trong những tờ báo có số phát hành nhiều nhất nước và một số tờ báo lề đảng khác đưa tin bài, xin trích nguyên văn như sau.

“Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ cán bộ cao cấp nghỉ hưu sống ở thành phố. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trả lời những thắc mắc của các cán bộ cao cấp đặt ra. Tham dự cuộc gặp có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều nguyên lãnh đạo bộ ngành, thành phố và các tướng lĩnh nghỉ hưu”.

Điểm đáng chú ý của đoạn trích trên là hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng ngồi ở hàng ghế đầu của cuộc họp. Trong sự kiện biểu tình rầm rộ vừa qua, một số bỉnh bút đã bình luận trên blog cá nhân và web nước ngoài, ngụ ý mấp mé ông cựu Thủ tướng cộng sản này và phe nhóm của ông ta có liên can đến cuộc biểu tình.

Đúng sai việc này ra sao thì không ai có thể xác định được, nhưng nếu nhìn từ góc dư luận cho là phe ông cựu thủ tướng và bản thân ông đang ở thế bị phe ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dồn vào lò đốt củi nên phải lợi dụng lá cờ chống luật đặc khu, luật an ninh mạng, thực chất là chống Trung Quốc ; và họ lợi dụng, cũng là đánh cắp áp lực biểu tình của người dân yêu nước để phát tín hiệu đổi chác quyền lợi chính trị, qua đó thoát hiểm, trở lại nắm quyền lực…

Tin bài từ Thanh niên online viết tiếp. “Nói về một số vụ tụ tập, gây rối diễn ra ở thành phố vừa qua, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện khoảng 700 người nòng cốt của các vụ tụ tập gây rối. Những người này vừa tham gia tụ tập gây rối, vừa tham gia vận động, trinh sát, tiếp tế… Công an phát hiện nhiều đối tượng xúi giục người dân biểu tình trái phép, thành phố đã lập danh sách những người này, có gặp gỡ, ký biên bản, nhắc nhở, vận động và bàn giao cho địa phương. Cũng theo ông Nhân, thành phố không bất ngờ và đã vô hiệu hóa những vụ tụ tập gây rối”.

Điều bất thường ở đoạn trích trên chính là ngôn từ chưa từng có trong suốt lịch sử chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Cán bộ cộng sản hàng lãnh tụ nói trong cuộc họp mà thành phần tham dự toàn là hàng chóp bu và tướng lãnh cộng sản, ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc gặp gỡ đã dùng từ “700 người nòng cốt của các vụ tụ tập gây rối”.

Từ nòng cốt ở đây được dùng thay cho các cụm từ chụp mũ công dân quen thuộc như. Phần tử phá hoại, đối tượng chống phá lật đổ chế độ, thành phần phản cách mạng… Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn nữa là ông Bí thư thành ủy chủ ý xác định với cuộc họp và sau đó thông qua báo chí đảng loan tin công khai trước dư luận ngoài ánh sáng và trong bóng tối về con số : 700 người nòng cốt.

Một trí thức từng là giảng viên ở một trường đại học, lúc tâm sự với thân hữu về bài báo đã nói : Tôi ấn tượng cũng như thấy ghê gớm nhất trong tình hình này là con số “700 người nòng cốt”.

Một nghệ sĩ đường phố, nói thêm. “Các ủy viên trung ương của cộng sản chỉ có hai trăm mấy, còn nòng cốt biểu tình trong ngày 10 Tháng Sáu là 700, lại thêm chuyện dùng từ y chang dành cho cán bộ Việt Cộng nằm vùng tổ chức biểu tình trước 1975 “là vừa tham gia vận động, trinh sát, tiếp tế” mới ghê chớ. 700 người này dư sức làm nòng cốt của đảng mới !”.

Dù để kết luận, bài báo trên dẫn các câu chữ vốn là công thức tuyên truyền mà một cán bộ cộng sản cao cấp như ông Bí thư bắt buộc phải nói nếu không sẽ bị mất ghế. “Công an phát hiện nhiều đối tượng xúi giục người dân biểu tình trái phép, thành phố đã lập danh sách những người này, có gặp gỡ, ký biên bản, nhắc nhở, vận động và bàn giao cho địa phương”.

Cũng theo ông Bí thư Nhân “thành phố không bất ngờ và đã vô hiệu hóa những vụ tụ tập gây rối”.

Trong đoạn phát ngôn kiểu tuyên giáo bắt buộc phải có này, điều khiến dư luận thêm kinh ngạc là ông Bí thư đưa ra một đáp số cho một bài toán thế sự bí hiểm : “Thành phố không bất ngờ.”

 Có thể đáp số này là giả kiểu nghi binh nhưng giữa đỉnh điểm cuộc thế phe đảng chế độ sống chết tranh giành quyền lực như hiện nay, ai đoán được sẽ có thêm đòn nghi binh nào tiếp theo để che giấu ý đồ thật là tiếp tục duy trì chế độ độc tài bán nước hại dân.

Điều dư luận Việt Nam có thể hiểu là không đòn nghi binh nào có thể cứu được cái mà đảng độc tài gọi là : đại cục bảo vệ chế độ, một khi lòng dân hiện nay không còn tin chế độ này có thể sửa chữa mà chỉ có thể vứt bỏ vào thùng rác lịch sử. 

Hữu Nguyên

Nguồn : Người Việt, 01/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 680 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)