Trong chuyến đi Hà Nội vào những ngày cuối tháng Bảy năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu (EP), có một cuộc tiếp xúc ‘lạ’ giữa ông Bernd Lange với Bộ trưởng công an Tô Lâm.
‘Bộ đàn áp nhân quyền’ của tướng Tô Lâm (phải) và ‘thường vụ đảng ủy công an trung ương Nguyễn Phú Trọng’ (trái) có chịu thả thêm tù nhân lương tâm ? Ảnh : Tinmoi.vn
Thậm chí sau cuộc gặp trên, trang web của Bộ Công an Việt Nam đưa bản tin với nội dung “Ngài Bernd Lange khẳng định, cá nhân mình và EU sẽ cố gắng thúc đẩy Hiệp định EVFTA sớm được thông qua, cũng như mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Công an trong thời gian tới…”.
Vậy Bernd Lange gặp Tô Lâm thực chất nhằm mục đích gì ?
Khó có thể hiểu khác hơn, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Bernd Langeđang mang trên mình một nhiệm vụ phức tạp và đầy ý nghĩa khi làm việc với Tô Lâm : vừa thuyết phục vừa sòng phẳng với ‘Bộ đàn áp nhân quyền’ phải thả lỏng cơ chế siết bức dân chủ và dần cải thiện tình trạng đàn áp nhân quyền vốn đang xảy ra quá trầm trọng.
Nhân quyền và Công đoàn độc lập
Vào tháng 6/2016, Nghị viện châu Âu lần đầu tiên phải tung ra một nghị quyết mang số hiệu 2016/2755 (RSP) với thái độ và từ ngữ cứng rắn chưa từng có khi đề cập và lên án tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam. Ngay sau đó, chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia ‘lệ rơi hình chữ S.
Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, đã có một số nghị sĩ của EU đến Hà Nội làm việc về EVFTA và luôn kèm dẫn những điều kiện về nhân quyền – một trọng tâm của EVFTA.
Nhưng chủ đề nhân quyền đã hoàn toàn không được Việt Nam quan tâm và phản hồi. Thậm chí ngược lại, nhà cầm quyền Việt Nam còn bắt giam đến gần ba chục người bất đồng chính kiến trong năm 2017 – một “thành tích” tương đương với thời kỳ “khủng bố trắng” từ năm 2008 đến năm 2012.
Khi đến Hà Nội vào tháng 9/2017, ông Bernd Lange cũng đã nói thẳng “Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU”. Ông Bernd Lange cũng nói rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.
Còn chuyến công du Hà Nội của ông Bernd Lange vào những ngày cuối tháng Bảy năm 2018 đã mang lại một tín hiệu mới lạc quan hơn : xác lập vị trí của những yêu sách về nhân quyền trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), từ chỗ khá yếu thế cách đây hai năm, đang trở nên tương đối mạnh mẽ vào thời gian này.
Phát biểu tại hội thảo ‘Kinh doanh và Quyền Con người trong Quan hệ Thương mại và Chuỗi Cung ứng Toàn cầu tại Việt Nam’ vào sáng 25/7 tại Hà Nội, ông Bernd Lange cho biết 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang là mối quan tâm của các Nghị sỹ Châu Âu. Việc Việt Nam đưa ra những cam kết rõ ràng và mang tính ràng buộc sẽ góp phần thuyết phục các nghị sỹ sớm thông qua EVFTA.
Trước đó vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, “EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả”.
Với phát biểu về 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đây là lần thứ hai trong vòng 10 tháng qua ông Bernd Lange đã ‘đòi nợ’ chính thể Việt Nam về nhân quyền.
Từ giữa năm 2016, bàn cờ đối thoại và đàm phán về nhân quyền đã dần chuyển từ tay người Mỹ sang Liên minh châu Âu.
Còn sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, có vẻ như người Đức duy lý, rất nguyên tắc và theo phương châm cứng rắn đang cầm chịch và cầm đằng chuôi trong phần lớn hoạt động và nội dung đàm phán nhân quyền, thậm chí đàm phán chi tiết ‘một đổi một’ với giới con buôn Hà Nội.
Đêm 7 tháng Năm năm 2018, đã có bằng chứng đầu tiên về ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ trong chính sách của Việt Nam : một tù nhân lương tâm được cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền đặc biệt quan tâm là Luật sư Nguyễn Văn Đài, cùng nữ cộng sự của ông là Lê Thị Thu Hà, đã bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam tống xuất ra nước ngoài, nhưng không phải đi Mỹ mà là đi Đức.
Việc chính thể Việt Nam chấp nhận trả tự do, dù vẫn theo cách tống xuất ra nước ngoài đối với Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà, không chỉ đơn thuần là việc thả hai tù nhân chính trị, mà quan trọng hơn nhiều là sự đánh dấu một điểm ngoặt lớn về tính xu thế : sau một thời gian dài co kéo mặc cả với Chính phủ Đức, sức bền mỏi của chính thể Việt Nam đã sa vào vùng giới hạn dưới mà không thể trả treo và kéo dài lâu hơn nữa.
Việc Việt Nam chấp nhận phóng thích nhân vật nguy hiểm nhất như Nguyễn Văn Đài càng cho thấy rõ hơn về điểm ngoặt, nếu không muốn nói là bước ngoặt, trong xu thế buộc phải cởi nới nhân quyền để đổi lấy EVFTA đang diễn ra ở Việt Nam – một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược.
Nhưng vụ phóng thích Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà chỉ là biểu hiện có tính minh chứng đầu tiên về ‘cải thiện nhân quyền’ trong thời gian còn lại của năm 2018. Vẫn còn rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác đang phải chịu ách kềm kẹp, trong đó có blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người đàn bà hai con nhỏ đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu ‘Người phụ nữ can đảm quốc tế’ vào đầu năm 2017 và đang phải chịu án tù 10 năm đằng đẵng…
Cuộc gặp Bernd Lange – Tô Lâm trong bối cảnh hiện thời đang mở ra hy vọng về việc ‘Bộ đàn áp nhân quyền’ sẽ chịu thả thêm một số tù nhân lương tâm trong thời gian tới để lại một lần nữa ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’.
Thiền Lâm
Nguồn CaliToday, 01/08/2018