Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2018

Người Việt tị nạn ở Đông Nam Á ngày càng gặp khó khăn

Trịnh Hội

Hình ảnh thuyền nhân và người tị nạn Việt Nam đứng trên trang đầu của truyền thông quốc tế cách đây mấy mươi năm, sau chiến tranh Việt Nam.

Những tưởng hình ảnh đó không còn nữa, nhưng nó vẫn còn ở các trại tạm cư Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Philippines.

Luật sư Trịnh Hội, điều hành tổ chức Voice chuyên giúp đỡ người tị nạn Việt Nam, từ Bangkok, Thái Lan cho Kính Hòa Đài RFA biết câu chuyện người tị nạn hiện nay.

tinan1

Nhóm người Hmong tìm quy chế tị nạn, ở Thái Lan kêu gọi UNHCR giải quyết hồ sơ bị hủy bỏ của họ. Hình chụp ngày 15/06/18. RFA

Trịnh Hội : Những người tị nạn Việt Nam là những người vì lý do này hay lý do khác trốn qua bên đây từ nhiều năm qua. Có người đã ở đây hai ba chục năm rồi. Có những người thì mới qua. Hiện nay nhóm bất hợp pháp sống ở đây rất đông, có thể mấy chục ngàn, nếu không muốn nói là cả trăm ngàn.

Nhưng nếu nói về những người tị nạn, đã xin được tị nạn thì khoảng 1 ngàn mấy 2 ngàn người.

Kính Hòa : Tức là trong những người này có những người rời Việt Nam vì lý do chính trị, cũng có những người vì lý do kinh tế ?

Trịnh Hội : Dĩ nhiên rồi, con người chúng ta rời đất nước thì với nhiều lý do, kinh tế, chính trị, tôn giáo.

Kính Hòa : Nếu chúng ta xếp chung một nhóm chính trị và tôn giáo thì họ có khoảng bao nhiêu phần trăm ?

Trịnh Hội : Chúng ta cần phân biệt, những người đang tầm trú, tức là xin đi tị nạn nhưng chưa được tị nạn, và những người đã được Cao ủy Liên hiệp quốc công nhận là tị nạn rồi.

Con số đang xin tị nạn tôi nghĩ khoảng 1000 người. Những người đã được công nhận tị nạn rồi chắc độ khoảng vài trăm trở lại.

tinan2

Hai em bé Việt Nam tại trại tị nạn Sikhiu ở Nakorn Ratchasima, Thái Lan hôm 19/2/1997 - AP

Kính Hòa : Việc đàn áp tôn giáo và chính trị trong nước có vẻ tăng lên trong thời gian hai năm qua, sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh có quan sát thấy những người chạy trốn có tăng không ?

Trịnh Hội : Dạ đúng. Chúng ta cần hiểu rằng một người được gọi là tị nạn nếu có một sự sợ hãi thật sự vì năm lý do, mà lý do chính trị chỉ là một. Ngoài ra còn những lý do khác như chủng tộc, tôn giáo, những thành phần xã hội,… thành thử cũng giống như những sắc dân khác đi tị nạn, người Việt chúng ta rời Việt Nam vì nhiều lý do chứ không phải một lý do duy nhất.

Kính Hòa : Những công việc gì anh và Voice làm để giúp đồng bào tị nạn ?

Trịnh Hội : Cách đây 26 năm là lần đầu tiên tôi giúp cho đồng bào mình làm thanh lọc ở Hong Kong. Sau đó qua bên Philippines ở 10 năm, thì giúp cho những người bị rớt thanh lọc bị kẹt lại. Nhờ sự vận động của chúng ta thì đại đa số đã được đi định cư rồi. Hiện giờ bên Phi còn kẹt ba hồ sơ mà thôi. Sau đó thì tới Thái Lan. Bên này có một nhóm thuyền nhân trước đây thì đã được giúp sang Canada vừa qua 108 người, và còn một số hồ sơ còn kẹt lại. Trong tương lai thì Voice và Voice Canada sẽ đứng ra giúp đỡ 50 người tị nạn. Trong 50 người này, đa số được công nhận là tị nạn, còn một số nhỏ thì chưa.

Kính Hòa : Anh có thể nói rõ cho quí khán thính giả biết thanh lọc là gì vậy ?

Trịnh Hội : Từ năm 1975 đến năm 1989 thì những người vượt biên đến được một nơi như Thái Lan hay Mã Lai, thì họ đi định cư thẳng, không phải qua thanh lọc, sau một thời gian ở trại khoảng 3, 6 tháng hay một năm. Nhưng đến năm 89 thì có đặt ra một hệ thống để xem một người nào đó có phải là thật sự tị nạn hay không, theo đúng luật tị nạn quốc tế.

Kính Hòa : Từ năm 89 cho đến năm 97 thì khi những trại tị nạn đóng cửa thì những người thuyền nhân, tầm trú đều phải trải qua thanh lọc. Trong chương trình đó nước sở tại, hoặc là Cao ủy sẽ phỏng vấn để biết người nào đó có phải là tị nạn hay không ?

Trịnh Hội : Có chứ. Tôi nhớ lần đầu tiên về Việt Nam vào năm 1996 để tìm hiểu xem những người hồi hương có bị sách nhiễu hay không, thì cái mức độ sách nhiễu, ai bị sách nhiễu nó phù thuộc vào thời gian họ hoạt động trong trại, hoặc cái nơi mà họ quay về.

Kính Hòa : Hiện nay những quốc gia tiếp nhận người tị nạn đang có những vấn đề chính sách đối nội, chính sách nhập cư của họ trở nên khắt khe hơn, như vậy công việc của Voice có khó khăn hơn ?

Trịnh Hội : Vâng, mỗi năm mỗi khó hơn. Ví dụ như trước đây ở bên Phi Luật Tân thì không cần tiền bạc gì, hiện nay thì chính phủ Canada bắt chúng ta phải trang trải mọi chi phí để giúp những người tị nạn trong một năm đầu.

Khó khăn hơn, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta cố gắng thì cộng đồng của chúng ta vẫn có thể giúp đỡ được. Hiện bên Canada có một chương trình bảo trợ tư nhân. Cộng đồng mình càng lên tiếng mạnh mẽ càng tìm ra được nhiều người bảo trợ thì càng giúp được nhiều hơn.

Kính Hòa thực hiện

Nguồn : RFA, 07/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 745 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)