Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2018

Chuyện gì đang xảy ra với báo chí Việt Nam ?

Cát Linh

Phần 1 : ‘Nhà báo thúc thủ’

Một hiện tượng mới

Vấn đề gây tranh cãi không phải đó là nhà báo nổi tiếng nào ? Lộ tin nhắn gì ? Mà sâu xa hơn nữa có lẽ cần phải đặt câu hỏi về giá trị của báo chí trong xã hội hiện tại ra sao ?

baochi1

Một cửa hàng bán báo ở Sài Gòn - RFA

Đối diện với điều này, nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị cho rằng những sự việc thế này đã nhen nhúm từ khi chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "rờ tới những cán bộ cao cấp".

"Trong nước thì thực tế tham nhũng đã có sự cấu kết với truyền thông, thậm chí là mỗi 1 thế lực đều có dựa vào, tìm đồng minh ở truyền thông. Trong số đó cũng có những nhà báo cũng có thể là đứng ở chỗ này chỗ kia, băng nhóm này băng nhóm kia. Không loại trừ chuyện đó".

Quan điểm của ông đối với vụ lộ tin nhắn của nhà báo chuyên nghiệp là không loại trừ kịch bản của một băng nhóm nào đó am hiểu rất rõ trò chơi của truyền thông.

Ông nói tiếp :

"Chắc chắn không phải bình thường rồi. Nhưng tôi nghĩ khoảng 10 năm độ lại đây, thì những ông quan, băng nhóm chính trị cũng rất biết cách sử dụng công cụ truyền thông để tạo ra những tin fake hay những kiểu gây rối trong dư luận. Mỗi kỳ đại hội hay mỗi dịp có xung đột về quyền lực giữa các thế lực với nhau thì thường trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những trang thông tin như vậy. Còn đây là hiện tượng gọi là mới xuất hiện trong đời sống báo chí của Thành phố Hồ Chí Minh".

Nếu nhận xét đây là hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống báo chí của Thành phố Hồ Chí Minh thì trước đây như thế nào ? Câu trả lời này xin dành cho nữ ký giả Bích Vy – Võ Thị Hai, người đã trải qua hơn nửa thế kỷ làm báo ở Việt Nam và hải ngoại.

baochi2

Đọc ấn bản báo giấy vẫn là thói quen mỗi ngày của người Việt - RFA

Trước tiên bà nói về một bộ phận báo giới Việt Nam từ năm 1986 đến 2004, một thời điểm bà cho là còn lạc quan và có ‘chỗ thở’ cho báo chí nhà nước.

"Hình như đó là 1 điều may mắn. Có những nhà lãnh đạo họ vẫn còn ý thức về lực lượng báo chí. Mặc dù ngay từ lúc đầu họ đã khẳng định người làm báo là 1 lực lượng tuyên truyền chính sách của Đảng, và những tờ báo là công cụ tuyên truyền không hơn không kém. Nhưng ít ra cũng có những lúc họ ‘mở’, đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới kinh tế từ năm 1986 trở đi, thì đôi khi họ cũng cho phép nhà báo được mở ra 1 phong trào chống tiêu cực để làm trong sạch nội bộ của cán bộ Đảng viên".

‘Nhà báo thúc thủ’

Thế nhưng, sau đó bộ mặt của báo chí Việt Nam đã thay đổi rất nhiều về chính sách quản lý. Bà Bích Vy – Võ Thị Hai cho biết chính quyền Việt Nam đã bắt đầu áp đặt 1 chính sách mới, nhiều cái kỳ lạ mà thời kỳ của bà không có.

"Ví dụ họ đóng cửa các tờ báo online, họ phạt, họ rút thẻ nhà báo, họ bắt bỏ tù các nhà báo. Thời kỳ tôi chưa có chuyện đó.

Lúc đó tôi đã bắt đầu hình dung ra được là giới báo chí ở Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn hết sức đau buồn. Họ sẽ không làm gì được. Họ sẽ không viết gì được".

Theo một nguồn tin riêng, chưa được kiểm chứng, bà cho biết có những tập đoàn tài chính mua chuộc nhà báo, tặng quà, phong bì cho các ký giả, trao những phần thưởng gọi là học bổng cho con em của các nhà báo.

"Tôi nghĩ rằng rõ ràng làng báo đã đi vào con đường cùng. Còn có chuyện nữa là nhà nước Việt Nam bắt đầu cài người vào các tờ báo. Từ hồi thời tôi đã có thấy rồi, tức từ năm 1996 tôi đã thấy hiện tượng này".

Theo bà Bích Vy, rất khó để định nghĩa về một nhà báo là ai trong thời kỳ này. Vì họ không thể làm gì cả ngoài chuyện họ tường thuật, đưa tin theo lệnh của chính quyền.

Bản chất của sự việc này cũng được nhà báo Tâm Chánh đưa ra quan điểm tương tự.

"Từ sau cuộc PMU18, báo chí trong nước chủ yếu thông tin lại các cuộc tham nhũng mà các cơ quan chức năng người ta điều tra ra, chứ báo chí thực sự đã gần như không còn thấy xuất hiện, nhất là các điều tra liên quan thế lực tham nhũng ở cấp cao.

Chủ yếu là tường thuật lại ý kiến của lãnh đạo, kết quả thanh tra, tường thuật lại các vụ án là chính".

Một vấn đề ai cũng biết, đó là báo chí chính thống ở Việt Nam được gọi là báo chí của Đảng và nhà nước. Hàng tuần định kỳ, Ban Tuyên giáo có định hướng tuyên truyền, chủ yếu là nói những vấn đề nên hay không nên, đưa những nội dung tin gì…

Do đó, theo nhà báo Tâm Chánh, trong bối cảnh như thế, các nhà báo có thể có những thông tin từ nhiều cơ quan khác nhau, không loại trừ cả các cơ quan cấp cao và những người có thẩm quyền trong từng vụ việc. Nhưng ông vẫn khẳng định :

"Làm báo thì mình có thể có những nguồn tin riêng, có những mối quan hệ đặc biệt để có nguồn tin, nhưng anh cộng tác để trở thành công cụ cho 1 nhóm chính trị nào đó thì tôi nghĩ là không tốt, không đúng".

Giữa một không khí như thế, nhà báo Tâm Chánh cho rằng rất khó để có thể nói đây có phải thật sự là những cuộc chống tham nhũng thật sự hay không hay những thế lực chính trị đấu đá nhau. Đứng trước những "ngã ba" như thế, ông nói rằng các nhà báo có tay nghề và tâm nghề cùng với sự tỉnh táo thì người ta luôn có sự dè dặt.

Bên cạnh những cây bút như thế, thì theo nhận định của bà Bích Vy, 99% người làm báo ở Việt Nam hiện nay là những người bồi bút. Bà dùng từ "hiện nay", có nghĩa rằng đã từng có một "ngày kia" không như thế hay chăng ? Câu trả lời của bà là : "Từng như thế".

Nhưng, bà cho biết thêm về sự khác biệt :

"Có lẽ lúc đó niềm tin về sự cải tiến xã hội, về một, hai cá nhân lãnh đạo mà họ nghĩ là họ có thể nương tựa được nó còn lớn. Họ chưa bị đặt vô thảm cảnh như bây giờ. Mình thấy cái thảm cảnh đó ngày càng rõ cùng với những diễn biến lớn của đất nước mà hồi thời chúng tôi chưa có. Bây giờ nó bộc ra và các nhà báo coi như hoàn toàn thúc thủ".

Trong bối cảnh như thế, có 1 số cây bút phải dè dặt như lời nhà báo Tâm Chánh đã nói, thì nhà báo Bích Vy khẳng định "Hoặc anh từ bỏ cây bút, làm nghề khác để giữ lương tâm của người làm báo hoặc vì chén cơm manh áo chấp nhận bị sử dụng và bẻ cong ngòi bút".

******************

Phần 2 : Ngày Ký giả ăn mày

‘Ký giả ăn mày’

Nhà báo Bích Vy – Võ Thị Hai từng đưa ra nhận định với chúng tôi về hình thức phạt đình bản. Bà nói rằng việc đóng cửa các tờ báo online, rút thẻ nhà báo, bắt bỏ tù các nhà báo là những quyết định thuộc 1 chính sách báo chí mà thời của bà không có.

baochi3

Ngày Ký giả ăn mày - Courtesy of Manh Dang blogspot

Hơn hai tuần trôi qua kể từ thời điểm Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng, cộng đồng mạng xã hội truyền nhau những tấm ảnh cho thấy các phóng viên báo Tuổi Trẻ xuống đường bán ấn bản nhật báo cho độc giả. Chưa hết, đó là tấm ảnh chụp đích thân một ký giả kỳ cựu là ông Lê Đức Dục lên tàu hoả bán báo Tuổi Trẻ.

Một cựu phóng viên/nhiếp ảnh gia của tờ Phụ Nữ chia sẻ trên trang cá nhân của bà về vấn đề này :

"Không còn TTO, mình đọc thêm các báo mạng bạn, và trong cuộc khủng hoảng "đình bản" 3 tháng của TTO mình đặt lại báo giấy, đọc lại báo giấy. Như một sự ủng hộ một trong những tờ báo mình yêu mến, nơi mình có nhiều bạn bè thân thiết đang làm việc ở đó. Nhìn các bạn (từ phóng viên đến người làm tòa soạn) post lên Facebook mỗi ngày "rao" nội dung mới của báo ngày, có điều gì ...khó nói, chỉ biết đó là sự chia sẻ, như là khi bạn mình gặp nạn, mình chạm nhẹ vào tay bạn mình, thế thôi. Nhìn ảnh phóng viên gạo cội Lê Đức Dục lên tàu hoả bán báo giấy Tuổi Trẻ, lại chút gì chạnh lòng, thương thương. Thương nghề báo, những người làm báo, vất vả, không chỉ vì nghề. Còn là đời sống của cả "tờ" báo, gắn với hàng trăm con người, trong thời "suy" của báo giấy, trong khi báo mạng cũng ko "hưng". Trong khủng hoảng, là sự nỗ lực của mỗi cá nhân (bất luận tại sao, thế nào...) vì ngôi nhà chung".

Nhà báo Tâm Chánh thì cho rằng đó là một cách lên tiếng của các nhà báo đang bị tước quyền làm nghề.

"Tôi nghĩ đó là phản ứng của các nhà báo mà người ta không có công cụ nào để bảo vệ quyền làm nghề của người ta. Nếu nhà nước thấy đó là 1 tiếng nói cần phải lắng nghe từ chiều sâu của sự kiện thì cần phải lắng nghe. Cái quyền làm nghề của người ta bị tước đoạt. Dù cho là phóng viên có thể sai thì liệu trong không gian pháp luật hiện nay có thể xử lý nó đúng mực hơn không để khắc phục cái sai đó.

Ở đây tôi cho là cái xử lý nó thái quá.

Báo chí Sài Gòn trước 1975 từng có ngày ‘ký giả đi ăn mày’ cho nên tôi nghĩ các bạn đồng nghiệp cũng mô phỏng nó như 1 tiếng nói. Nếu hiểu nó như 1 tiếng nói thì nên nghe nó như 1 thái độ phản ứng".

Trước khi giải thích về ngày "Ký giả đi ăn mày", nhà báo Bích Vy nói rằng bà tin về những tấm ảnh cho thấy các phóng viên báo Tuổi Trẻ trở thành "người bán báo bất đắc dĩ". Lý do được bà cho biết :

"Tôi tin vì tôi tin những cựu đồng nghiệp của mình ở báo Tuồi Trẻ. Người ta đau lòng về tờ TTO bị đình bản. Bây giờ họ phải tìm cách tái khẳng định uy tín, lấy lại niềm tin của bạn đọc bằng cách chuyển các tờ báo đến tay người đọc.

Thật ra ngày xưa báo Tuổi Trẻ đã có truyền thống đó. Mỗi khi muốn đẩy mạnh tờ báo Xuân đến tay bạn đoc, họ không chờ nhà phát hành, chủ vựa mà họ đi đến trước chợ Sài Gòn, đứng ở bùng binh Quách thị Trang để tự họ bán báo.

Bây giờ tôi tin các anh em báo Tuổi Trẻ đã tới đường cùng, không biết làm sao, thì chính những người làm báo muốn trao tận tay bạn đọc sản phẩm của mình".

Nhà báo Tâm Chánh cho rằng các phóng viên Tuổi Trẻ xuống đường tận tay giao báo cho bạn đọc là 1 hình thức mô phỏng với ngày "Ký giả đi ăn mày", điều đó theo bà Bích Vy, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng bản chất thì không.

baochi4

Ký giả Lê Đức Dục bán báo giấy trên tàu hoả Courtersy of Facebook

Bà kể lại, ngày đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra một sắc luật 007, buộc các tờ báo phải ký quỹ với con số khá lớn. Các tờ báo bị tịch thu lần thứ hai với tội "vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng" thì sẽ bị Bộ Thông tin ra quyết định đóng cửa vĩnh viễn.

Để chống lại sắc luật này, một số các tổ chức nhà báo như Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt ; Hội Ký Giả Ái Hữu Việt Nam ; Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam họp lại bầu 1 uỷ ban tranh đấu đòi quyền tự do báo chí và tổ chức ngày xuống đường để chống lại sắc luật 007, gọi là "Ngày Ký giả ăn mày".

"Lúc đó các nhà báo họ cũng có 1 cái quyền nói lên tiếng nói của họ. Ngày đó mấy trăm ký giả hô khẩu hiệu, cầm biểu ngữ, mặc đồ rách rưới, cầm những cái bị. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc đó nói rằng không đàn áp, không giải tán nhưng ngăn đoàn biểu tình tuần hành".

Từ đó, nhà báo Bích Vy nói rằng nếu nhìn lại những tấm ảnh của phóng viên báo Tuổi Trẻ ngày nay xuống đường giao báo cho bạn đọc, đó chính là hình ảnh tiêu biểu của 1 thế hệ làm báo hiện nay ở Việt Nam. Nó chỉ khác với Ngày Ký giả ăn mày trước năm 1975 là những nhà báo ngày nay không có ai bảo vệ họ, không có một hội nghề nghiệp nào bảo vệ họ, họ đơn độc và cô độc.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 06/08/2018

(*) Năm 1972 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng Sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa. Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí.

Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là : Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại dân tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007.

Hình thức đấu tranh "ký giả xuống đường đi ăn mày" được thống nhất. Các đại diện của ban tổ chức gồm có : Nguyễn Kiên Giang (chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt), Tô Văn, Phi Vân của đoàn ký giả Nam Việt ; nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội ái hữu ký giả Việt Nam ; Thái Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn ký giả. Trong đó, các thành viên Văn Mại, Đoàn Hùng, Ái Lan, Ninh Anh lo chuyện tài chính. Ngoài ra, thành phần dẫn đầu còn có nhà báo Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải thưởng cải lương Thanh Tâm), nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà thơ – nhà báo - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà...

Quay lại trang chủ
Read 967 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)