Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/02/2017

Vì sao Trung Quốc muốn quên cuộc chiến 1979 ?

Carl Thayer

Nhân dịp 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, BBC đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viên Quốc phòng Úc, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại muốn lãng quên cuộc chiến nước này gọi là 'chiến tranh tự vệ' mà Trung Quốc đã 'chiến thắng'.

Haut du formulaire

Bas du formulaire

19791

Trung Quốc vẫn xem cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam là một 'chiến thắng'

BBC : Trung Quốc đã tuyên bố cuộc chiến năm 1979 là nhằm mục đích "dạy cho Việt Nam một bài học", và một số nguồn nói quyết định giới hạn cuộc chiến trong vòng hai tuần đã được đưa ra nhiều tháng trước khi nó chính thức bùng nổ. Xét những yếu tố trên, ông đánh giá thế nào về mức độ thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến với Việt Nam ?

Carl Thayer : Căng thẳng dọc biên giới Việt-Trung đã bắt đầu leo thang từ năm 1976 và dẫn đến kết cục là việc Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh với Việt Nam.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch đánh Việt Nam từ năm 1978 nhưng sau đó đến tận giữa tháng Hai năm 1979, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.

Đặng Tiểu Bình đã có cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 16/2, một ngày trước khi nổ ra chiến tranh biên giới. Ông tuyên bố cuộc chiến sẽ được giới hạn về cả phạm vi lẫn thời gian, và lực lượng tham chiến chỉ bao gồm các lực lượng trên bộ.

Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta nghĩ rằng họ có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra chỉ trong vài ngày. Điều này đã không xảy ra.

Trung Quốc đã sử dụng việc chiếm được Lạng Sơn ba tuần sau khi tiến quân qua biên giới để tuyên bố chiến thắng và đơn phương rút quân.

Những mục tiêu mà Trung Quốc đề ra, trong đó có việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhằm giảm sức ép cho đồng minh Khmer Đỏ của họ, đã không thể đạt được. Việt Nam đã tiếp tục tấn công Khmer Đỏ và không rút quân khỏi Campuchia để tiếp viện cho biên giới phía Bắc.

Trung Quốc cũng muốn tiêu diệt các lực lượng chính của Việt Nam ở cấp sư đoàn đang đóng gần khu vực biên giới. Tuy nhiên Việt Nam đã giữ các lực lượng chính lại phía sau và Trung Quốc đã không thể loại các đơn vị này ra khỏi vòng chiến. Việt Nam chủ yếu chỉ sử dụng dân quân và bộ đội địa phương trong suốt cuộc chiến với Trung Quốc.

Một trong các mục tiêu khác của Trung Quốc là chiếm các tỉnh lớn như Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn, và phá hủy hệ thống phòng thủ cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này, nhưng không phải chỉ sau vài ngày, mà là sau nhiều tuần giao tranh ác liệt và phải chịu thiệt hại nặng nề.

19792

Vũ khí quân Trung Quốc sử dụng trong chiến tranh năm 1979 không được cho là hiện đại

Không ngờ được thất bại

BBC : Một số ý kiến cho rằng Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh với Việt Nam vì ông ta muốn giữ cho quân đội bận bịu để rảnh tay giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Ông có đồng ý với điều này ?

Carl Thayer : Trước Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 vào tháng 11-12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã được phục chức và có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ.

Đặng là người có quan điểm cứng rắn chống lại Việt Nam kể từ khi hai nước bắt đầu có xung đột về vấn đề Hoa kiều. Việc Việt Nam đưa quân vượt biên giới Tây Nam để tiến vào Campuchia tháng 12 năm 1978 có lẽ là một giọt nước tràn ly.

Khi Đặng Tiểu Bình đã có thể ra lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "dạy cho Việt Nam một bài học", điều đó cho thấy ông ta là một lãnh đạo không có đối thủ.

Bên cạnh đó, Đặng Tiểu Bình cũng cho rằng Trung Quốc có thể thu về những kinh nghiệm chiến trường cần thiết từ cuộc chiến với Việt Nam.

BBC : Nhiều sử gia cho rằng cuộc chiến là cách Đặng Tiểu Bình thử khả năng chiến đấu của quân PLA và nó phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của ông ta, bởi nó làm bộc lộ nhiều điểm yếu của quân đội PLA thời bấy giờ. Ông nghĩ gì về điều này ?

Carl Thayer : Trung Quốc đã thực hiện 'Bốn hiện đại hóa' một năm trước khi phát động chiến tranh với Việt Nam, trong đó hiện đại hóa quân sự được ưu tiên cuối cùng.

Việc thử khả năng chiến đấu của quân PLA không phải là điều Đặng Tiểu Bình muốn ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó, ông ta muốn có một chiến thắng vang dội trước Việt Nam, và cùng một lúc, thu về những kinh nghiệm quý giá trên chiến trường.

Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta không ngờ rằng quân PLA đã không đủ khả năng thực hiện 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại'.

19793

Các lực lượng tham chiến của Việt Nam năm 1979 chủ yếu là dân quân và bộ đội địa phương

Vì sao muốn lãng quên ?

BBC : Theo ông thì vì sao Trung Quốc lại muốn lãng quên một cuộc chiến mà họ gọi là 'chiến tranh tự vệ', nhất là khi họ đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến đó ?

Carl Thayer : Ít có quốc gia nào muốn nhớ đến thất bại của mình trong chiến tranh. Trung Quốc cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Cái khó của Trung Quốc là làm sao có thể tưởng niệm chiến tranh biên giới mà không làm dấy lên nghi vấn về tuyên bố chiến thắng của Đặng Tiểu Bình.

Một mặt khác, nếu nhìn lại cuộc chiến biên giới năm 1979 thì có thể thấy là chính Trung Quốc, không phải Việt Nam, là nước đi xâm lược.

BBC : Cuộc chiến đã thay đổi những chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc như thế nào, thưa ông ?

Carl Thayer : Cuộc chiến biên giới là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh, buộc họ phải hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân PLA.

Trong cuộc chiến năm 1979, Trung Quốc đã sử dụng những đợt tiến công với quân số đông đảo như thời Chiến tranh Triều Tiên.

'Chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' là chiến lược dùng để bảo vệ Trung Quốc trước một kẻ thù hiện đại hơn. Đó là một 'chiến tranh nhân dân' được sửa đổi để sử dụng cho việc xâm lược một nước khác.

Trong 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' vào năm 1979, quân PLA đã không sử dụng những loại vũ khí đặc biệt hiện đại.

Yếu tố duy nhất của 'chiến tranh nhân dân' trong cuộc chiến năm 1979 đó là việc huy động dân quân cho công tác hậu cần vào bảo vệ hậu phương. Tuy nhiên ngay cả khi đó, các đơn vị của Việt Nam cũng vẫn có thể tiến qua biên giới của Trung Quốc nhằm "phản công để tự vệ", dù họ không gây ra thiệt hại nặng nề.

Quan hệ Việt-Trung đã đóng băng hơn 10 năm và trong thời gian này, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Khmer Đỏ.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc chỉ bắt đầu thay đổi sau sự sụp đổ của Liên Xô dưới thời Gorbachev. Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng chỉ thay đổi đáng kể sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 và sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989.

Nguồn : BBC, 20/02/2017

*******************

Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 qua các con số (BBC, 20/02/2017)

Sau cuộc chiến đẫm máu năm 1979 cho đến nay hai nước Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa công bố toàn bộ các con số thương vong, theo giới quan sát quốc tế.

Bas du formulaire

19794

Đội khiêng cáng của dân quân Quảng Tây ngày 22/02/1979 chờ vượt biên giới sang Việt Nam đưa thương binh về

Tuy nhiên, nhiều tài liệu của các học giả Phương Tây đã đề cập đến độ tàn khốc của cuộc chiến ngắn ngày này, gồm cả số quân tham chiến, số thương vong trong binh sỹ và thường dân Việt Nam bị giết.

BBC Tiếng Việt giới thiệu các số liệu khác nhau :

Số quân tham chiến

Peter Tsouras viết trên Military History Magazine :

Trung Quốc đã tập trung 200 nghìn quân thuộc 20 sư đoàn, cùng 400 xe tăng và 1.500 khẩu pháo. Lực lượng của Quân Giải phóng (PLA) lên tới 70 nghìn quân chỉ ở vùng giáp Lạng Sơn.

Sư đoàn Sao Vàng của Việt Nam bảo vệ Lạng Sơn bị Trung Quốc đẩy lui. Trong vòng vài ngày sau, quân Trung Quốc bao vây, xóa sổ sư đoàn này và biến Lạnh Sơn thành bình địa.

David Dreyer trong bài 'The 1979-Sino-Vietnamese-Conflict' :

PLA chuẩn bị cho cuộc tấn công với 300-400 nghìn quân và khoảng 1.200 xe tăng cùng pháo binh, hỏa tiễn và các loại vũ khí hỗ trợ.

Ngày 17/02/1979, vào lúc 5 giờ sáng, chừng 100 nghìn quân Trung Quốc vượt biên giới vào Việt Nam sau các đợt pháo kích cấp tập.

Đối mặt với quân Trung Quốc ban đầu chỉ là 75-80 nghìn bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Việt Nam.

Có kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, phía Việt Nam chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích chống lại quân xâm lăng.

Đồi núi được biến thành pháo đài với đường hầm, hố chông. Phía Trung Quốc không tiến nhanh như họ muốn và phải trì hoãn kế hoạch đánh chiếm Cao Bằng.

Số thương vong

Không bên nào công bố số thương vong chi tiết.

Peter Tsouras viết :

Trung Quốc chỉ thừa nhận có 7.000 quân tử vong và 15 nghìn bị thương nhưng các nguồn Phương Tây ước tính có 28 nghìn quân Trung Quốc bị giết và 43 nghìn bị thương.

Phía Việt Nam không nói số thương vong trong quân đội nhưng nói nhiều về số 100 nghìn thường dân bị thiệt mạng.

Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica :

Quân Trung Quốc chiến đấu vô cùng tồi tệ chống lại dân quân tiền tuyến của Việt Nam.

Sau ba tuần giao tranh với con số thương vong 45 nghìn (Việt Nam nói là gây ra cho phía Trung Quốc) Quân Giải phóng đã phải rút về.

19794

Nghĩa trang quân đội Trung Quốc sau cuộc chiến với Việt Nam 1979

Sam Brothers trong bài 'The Enemy of My Enemy : The Sino-Vietnamese War of 1979 and the Evolution of the Sino-American Covert Relationship' viết :

Phía Trung Quốc, theo một ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 thương vong trong khi phía Việt Nam, dù số liệu còn mù mờ, là khoảng từ 35 nghìn đến 50 nghìn.

Nhưng cuộc xung đột chỉ xảy ra trong 27 ngày, với đúng 17 ngày giao tranh, mà đã tạo ra con số thương vong như vậy cho thấy sự man rợ (savage) của nó.

Liên Xô đã làm gì ?

Sam Brothers :

Liên Xô có các chuyến bay TU-95D từ Vladivostok về phía Nam để theo dõi tình hình.

Một tàu tuần dương lớp Sverdlov và một tàu khu trục lớp Krivak cũng được cử đến tham gia đơn vị hải quân gồm 17 tàu đã có mặt tại bờ biển Việt Nam.

Moscow cũng cử sáu chiếc phi cơ vận tải Antonov-22 đến Hà Nội ngày 23/02, và có hai chuyến bay Liên Xô và Bulgraia từ Calcutta tới Hà Nội ngày 26/02/1979.

Tuy thế, Liên Xô không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến dù đã ký hiệp ước phòng thủ với Hà Nội.

Căng thẳng hậu chiến

Trang GlobalSecurity.org :

Cho đến cuối thập niên 1980, phía Việt Nam biến vùng biên giới thành các 'pháo đài thép' và dùng các đơn vị dân quân được huấn luyện tốt để phòng thủ trước Trung Quốc.

Ước tính 600 nghìn người được điều động vào các chiến dịch sẵn sàng chiến đấu để ngăn ngừa Trung Quốc tiến sang lần nữa...gây phí tổn tiền bạc lớn cho Việt Nam.

Giới quan sát nước ngoài cũng đánh giá rằng "các cuộc va chạm ở biên giới tiếp tục xảy ra trong suốt thập niên 1980, nổi bật là trận tháng 4/1984, khi quân Trung Quốc lần đầu tiên dùng vũ khí mới, súng Type 81 (AK-47 của Trung Quốc).

Hai nước phải đến 2007 mới hoàn tất việc ký kết xong hiệp định biên giới trên bộ, theo các bản tin quốc tế.

Dù cuộc chiến 'phản kích tự vệ' của Đặng Tiểu Bình nhắm vào Việt Nam là thất bại quân sự, Sam Brothers trong bài viết cũng trích lời ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore bày tỏ cái nhìn khác :

"Báo chí Trung Quốc coi hành động trừng phạt Việt Nam của người Trung Quốc là một thất bại nhưng tôi lại tin rằng nó đã thay đổi lịch sử vùng Đông Á".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Carl Thayer
Read 857 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)