Gần giữa năm 2016, sau khi hoàn tất cuộc tống tiễn các lãnh đạo cũ về vườn. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính Trị. Chỉ thị ra ngày 15 tháng 5 năm 2016 về học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Chỉ thị 05 nêu những ý chính sau đây :
Về phần tư tưởng của Hồ Chí Minh, cần học tập độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng đảng.
Về đạo đức, chỉ thị nêu : chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Tuyệt đối trung thành lý tưởng cách mạng.
Về phong cách Hồ Chí Minh, chỉ thị nêu : cần kiệm, liêm chính, chống chủ nghĩa cá nhân...
Việc tổ chức và chỉ đạo do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban bí thư thực hiện. Ban tuyên giáo là cơ quan giúp việc cho Tổng bí thư và Ban bí thư. Đặc biệt chỉ thị nhấn mạnh kết quả học tập sẽ là căn cứ để đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên hàng năm và cả nhiệm kỳ.
Cuối Chỉ thị 05 nêu, chương trình này ngoài việc xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, còn uốn nắn những tư tưởng lệch lạc.
Từ chỉ thị này, điều đầu tiên cho chúng ta thấy việc học tập chính trị chủ nghĩa Mác Lênin ở Việt Nam với tầng lớp cán bộ cộng sản đã hoàn toàn thất bại. Những quan chức cộng sản Việt Nam ngày nay hầu hết không ai quan tâm đến thứ chủ nghĩa xã hội giáo điều, cứng nhắc và rối rắm. Chỉ còn lại một số ít những cán bộ mọt sách của đảng theo đuổi nghiên cứu kiểu nhặt nhạnh ra những ý lẻ, rồi chế biến cho nó phù hợp với thực tiễn của thời đại. Để cứu chữa cho tư tưởng đường lối đang bị nhạt nhòa, Nguyễn Phú Trọng đã củng cố bằng cách dùng hình tượng Hồ Chí Minh để làm phao cho các đảng viên bám víu.
Lý do vì tư tưởng Hồ Chí Minh không cao siêu về ngôn ngữ như Mác Lê. Tư tưởng Hồ Chí Minh được chế ra từ những câu nói, hành động bản năng mà Hồ Chí Minh thể hiện ở đâu đó. Là lúc đến địa phương này, lúc gặp gỡ đơn vị nọ, nhà trường kia. Một hành động tuỳ hứng, một phát biểu tại thời điểm, nhưng dưới sự chỉ đạo của Trọng, ban tuyên giáo đã cắt ghép, chắp nhặt những câu nói, hành động của Hồ Chí Minh, chọn ra những cái có lợi hợp với bây giờ, rồi tán dương đó là tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh. Soạn thành sách để làm vòng kim cô trên đầu các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu nghiên cứu đầy đủ về những phát ngôn của Hồ Chí Minh, sẽ thấy cuốn sách mà ban tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam biên soạn làm tài lệu mới đây không phản ánh đúng hết quan điểm của Hồ Chí Minh. Đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn phát ngôn của Hồ Chí Minh. Nhưng không một nhà lý luận, nghiên cứu nào ở Việt Nam dám phản bác lại sự thật này.
Bìa cuốn sách "Những nội dung cơ bản của Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự Thật phát hành
Hình tượng Hồ Chí Minh được xây dựng lại theo ý muốn của Trọng, qua đó Trọng áp đặt được các đảng viên phải làm theo hình mẫu này. Dễ dàng hơn nhiều với việc học lý luận triết học Mác Lê. Điều này cho thấy trình độ lý luận và tư tưởng của đảnng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng. Nên đảng phải hạ từ tư tưởng Mác Lê cao siêu xuống thành tư tưởng Hồ Chí Minh cho các đảng viên dễ tiếp nhận hơn.
Hơn nữa chọn hình tượng Hồ Chí Minh để thay thế tư tưởng Mác Lê còn mang được ý nghĩa chính trị trong quan hệ với Trung Quốc. Bản thân Hồ Chí Minh sang Nga từng bị các lãnh tụ Nga coi thường, có lần bỏ bẵng hàng tháng không tiếp. Nhưng với lãnh tụ Trung Quốc thì Hồ Chí Minh lại được đón tiếp nồng nhiệt như người thân trở về thăm nhà. Dấu ấn của Hồ Chí Minh gắn bó mật thiết với Trung Quốc sâu nặng hơn nhiều so với Liên Xô. Bởi thế tôn tư tưởng Hồ Chí Minh lên cũng chính là tôn tư tưởng thân thiết với Trung Quốc lên hàng đầu. Qua việc ép buộc các đảng viên học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng đã nhồi khéo cho họ tư tưởng suy nghĩ thần phục Trung Quốc một cách rất kín kẽ và tài tình.
Đồng thời Trọng cũng lợi dụng chiêu bài tư tưởng Hồ Chí Minh để khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất do Hồ Chí Minh chọn ra, không đi theo con đường này tức đi trái với tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến ở Việt Nam nhìn nhận khác chiều về tư tưởng Mác Lê, nhưng tuyệt đối không có ý kiến nào dám đi trái quan điểm của Hồ Chí Minh. Vì biết rõ tâm lý tôn thờ lãnh tụ của người dân Việt Nam nên Trọng đã gán chặt vào đầu của Hồ Chí Minh tư tưởng xã hội chủ nghĩa để không ai dám phản đối. Ngay cả việc quan điểm xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh có phải là quan điểm nhất quán của ông ta hay không. Trước kia đã có học giả cho rằng đó không phải là quan điểm nhất quán của ông Hồ Chí Minh, nhưng đến nay thì không ai dám bàn lại về vấn đề này.
Về mặt đạo đức, Hồ Chí Minh là người chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và xây dựng đảng. Trọng chọn điểm này để dùng nó tạo quyền lực cho cá nhân mình. Chăm lo bồi dưỡng thế hệ sau tức là quyền sắp đặt, lựa chọn nhân sự tiếp nối. Xây dựng đảng là thanh trừng các đối thủ chính trị. Vì thế Trọng đặt điều kiện trong chương trình học tập này, do Trọng chỉ đạo thực hiện, rằng sẽ là căn cứ đánh giá, bình chọn, xếp loại đảng viên thực hiện hàng năm, để qua đó Trọng có thể loại những phần tử có tư tưởng lệch lạc không trung kiên với con đường xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc đang ép Việt Nam phải theo đuổi cùng với họ.
Về mặt phong cách Hồ Chí Minh, Trọng đưa ra ý chống chủ nghĩa cá nhân. Ở đây chưa nói đến việc bản thân Hồ Chí Minh có xây dựng chủ nghĩa cá nhân cho mình hay không. Chúng ta chỉ nói đến việc bây giờ, một quan chức nào muốn thay đổi hoặc làm điều gì đó có ích lợi cho đất nước dân tộc sẽ bị hạn chế bởi điều này. Bởi những hành động tích cực của họ sẽ bị đánh giá là mang tính chủ nghĩa cá nhân, xây dựng hình ảnh cá nhân. Trong lịch sử toàn nhân loại, những chính khách lớn đều có những quyết đinh đột phá và đương nhiên tên tuổi của họ được lưu truyền bởi điều ấy.
Tổng kết nhận xét, việc đẻ ra Chỉ thị 05 và biên soạn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là thiếu khách quan, gán ghép, cắt xén, áp đặt tư tưởng cho một người đã chết, là nhằm mục đích phục vụ xây dựng quyền lực cá nhân của Nguyễn Phú Trọng, thực hiện âm mưu Hán hóa cán bộ, đảng viên Việt Nam. Thanh trừng những ý kiến muốn thoát khỏi con đường xã hội chủ nghĩa đang èo tuột và bế tắc.
Đây là một chủ trương thâm độc mang tính lâu dài đánh vào hệ tư tưởng xã hội, khiến người dân và cán bộ mất đi tính sáng tạo, đột phá. Biến họ trở thành những con người thụ động, lệ thuộc máy móc một cách vô thức vào khuôn mẫu tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên. Khi triển khai chương trình, khó ai nhận thấy sự thâm độc và hậu quả nặng nề của nó tác động lên vận mệnh đất nước.
Các nhà nghiên cứu lịch sử, lý luận Việt Nam cần phải có những phản ứng kiên quyết và rõ ràng, để xác định rằng những cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh mà Chỉ thị 05 và cuốn sách ban tuyên giáo biên soạn làm tài liệu học tập theo chỉ thị kia, có đúng là thể hiện đầy đủ tư tưởng của Hồ Chí Minh hay không ? Hay chăng chỉ là những chọn lựa mang tính thủ đoạn không sòng phẳng để phục vụ âm mưu chính trị của những kẻ cầm quyền bây giờ. Phải cần thiết làm minh bạch, không cho những kẻ cơ hội như Nguyễn Phú Trọng độc quyền khai thác theo kiểu vay mượn, chắp vá, xào nấu chế biến thành một thủ đoạn chính trị thâm độc làm hại đến vận mệnh đất nước sau này.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972.blogspot, 20/02/2017