Năm 2016, trên đỉnh cao sự nghiệp, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn từng chủ biên cuốn sách với tên gọi "Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay".
Nếu "Tư tưởng Hồ Chí Minh" là môn học về "Đạo đức người cộng sản", có lẽ cần thay đổi giáo trình giảng dạy tương tự như những chương trình cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa.
Khi những nhà "cộng sản học" tham nhũng
Lý lịch chính trị của ông Trương Minh Tuấn cho hay ông từng là cựu Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII, cựu Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (2016 – 2018).
Thế nhưng đến ngày 23/2/2019, ông Trương Minh Tuấn bị bắt với tội danh Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Gần hai tháng sau đó, ngày 12/4/2019, ông Trương Minh Tuấn tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam ra quyết định khởi tố bổ sung về tội danh "Nhận hối lộ" theo Khoản 4, Điều 354 của Bộ luật hình sự hiện hành tại Việt Nam.
Lý lịch học vấn của ông Trương Minh Tuấn cho thấy ông còn là một hình mẫu của "Đạo đức học cộng sản" : từ tháng 4/1980 đến 6/1984, ông là học viên trường Sĩ quan Chính trị. Tháng 7/1985 tới 7/1986, là học viên Chuyên Ban Triết học, trường Sĩ quan Chính trị. Ông có bằng tiến sĩ Chính trị học và bằng Cao cấp lý luận chính trị Đảng cộng sản Việt Nam tại trường Sĩ quan Chính trị.
Ông Trương Minh Tuấn còn từng là giảng viên Triết học Marx-Lenin, trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân khí thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Từ tháng 3/2006 đến 8/2011 ông là giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Như vậy về mặt nguyên tắc, một khi không bị mắc bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần, tin chắc rằng nếu môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" có chức năng trong đào tạo "đạo đức người cộng sản", thì không thể nào một người được đào tạo bài bản như ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son… lại có thể phạm sai lầm được cho chỉ là ‘giọt nước tràn ly’ như trong vụ Mobifone mua AVG.
Phải chăng "Tư tưởng Hồ Chí Minh" thiếu ‘đối thủ’ cạnh tranh ?
Trở lại với vấn đề mà tựa bài viết này đặt ra : vậy thì các sai phạm của người cộng sản ‘dày dạn lý thuyết’ như ông Trương Minh Tuấn cũng như rất nhiều quan chức dân sự lẫn quân sự khác đang vướng vòng lao lý vì tham nhũng, liệu đó có phải là do kết quả của môn học "Tư tưởng Hồ Chí Minh" mà tất cả các đảng viên bị bắt buộc phải học tập như một "cưỡng chế giáo dục" ?
Môn học bắt buộc "Tư tưởng Hồ Chí Minh" giảng dạy với cách rao giảng kiểu "đạo đức học" đại khái theo các khuôn mẫu giáo án thế này :
Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước : Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Người viết : "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc : "Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém".
Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Các bí thư tỉnh, thành cho tới cấp bộ – bao gồm cả Bộ Chính trị, thường bình giảng qua diễn giải các ý ở trên như sau :
Từ khái niệm cũ "trung với vua, hiếu với cha mẹ" trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới, phản ánh đạo đức ngày nay cao rộng hơn là "Trung với nước hiếu với dân". Đó là một cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức.
"Trung với nước hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Câu nói đó của Người vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị – đạo đức cho mỗi người Việt Nam không phải chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng trước mắt, mà còn lâu dài về sau…
Cần thay đổi cách sùng bái lãnh tụ
"Tư tưởng Hồ Chí Minh", hiểu theo cách dân dã, thì đó là biểu hiện của sùng bái lãnh tụ.
Từ góc nhìn hẹp về cách mà Đảng đã ra sức hô hào, cổ súy cho "đạo đức người cộng sản" qua "Tư tưởng Hồ Chí Minh", rõ ràng khi đặt trong một so sánh của thống kê nêu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, sẽ thấy môn học "Tư tưởng Hồ Chí Minh" không có tính thuyết phục trên thực tiễn : Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 4 đảng viên ; Bộ Chính trị kỷ luật 11 tổ chức đảng ; Ban Bí thư kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên ; có 10 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương bị kỷ luật.
Chi tiết hơn, báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết cấp ủy các cấp đã kiểm tra 58.069 tổ chức Đảng và 324.403 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.533 tổ chức Đảng và 10.475 đảng viên, tăng 17,57% tổ chức Đảng và 16,62% đảng viên so với năm 2021. Qua kiểm tra, kết luận có 2.333 tổ chức Đảng và 8.003 đảng viên có vi phạm ; phải thi hành kỷ luật 333 tổ chức Đảng và 3.909 đảng viên ; đã thi hành kỷ luật 244 tổ chức Đảng, 3.595 đảng viên.
Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức Đảng, 16.202 đảng viên…
Cá nhân người viết bài này từng được dự nhiều cuộc họp của Đảng, từ sinh hoạt chi bộ đến hội nghị quán triệt văn kiện. Trong những cuộc họp kiểm điểm nhất là dịp cuối năm, nhiều người, trong đó có không ít lãnh đạo thường được hình thức thi đua cao nhất với những lời tự nhận xét như "thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hết lòng, hết sức vì đơn vị, vì quyền lợi cán bộ, nhân viên".
Những ai đã từng đi làm, từng là cán bộ, nhân viên, từng dự những cuộc họp kiểm điểm, đều chứng kiến những cuộc bình bầu thi đua tương tự. Và không ít cán bộ, nhân viên của không ít cơ quan, đơn vị, sau này đã bất ngờ khi chứng kiến những lãnh đạo, những cá nhân ưu tú, xuất sắc ấy lại là những người mắc đầy sai phạm. Dám chắc trong số hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị khui ra những vụ dính ‘phốt’, vi phạm, bị kỷ luật, thậm chí dính vòng lao lý… không có ai chưa một lần được vinh dự nhận hình thức thi đua cao nhất với những lời nhận xét tốt đẹp ấy.
Có lẽ các sự việc như trên còn có nguyên do từ hệ lụy của độc quyền chính trị, độc quyền "Tư tưởng Hồ Chí Minh" (!?)
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 27/01/2023
"Đến tháng 10 này là học trò của tôi sẽ kết thúc cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", kéo dài từ 27/5/2019. Ngay trước ngày khai giảng năm học mới, thầy trò cùng ngồi lại và câu hỏi cũ mèm lại đặt ra : chúng ta phải học Bác Hồ cái gì, và phải làm như thế nào cho ứng dụng sự học ấy ?", thầy giáo Anh ngữ Nguyễn Minh Hùng, nói.
Cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - Ảnh minh họa
Cuộc thi có các chủ đề : Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ ; nội dung cơ bản trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ; tư tưởng Hồ Chí Minh với biển, đảo Việt Nam ; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh ; những thành tựu, kết quả trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong 33 năm đổi mới (1986 - 2019), những chủ trương lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Thành phần thi mở rộng từ học trò trung học đến đại học và bất kỳ công dân Việt Nam nào không quá tuổi 35. Thi đơn giản qua hình thức trắc nghiệm trực tuyến, thí sinh thi không đạt, được quyền thi lại tối đa ở mỗi vòng thi không quá 5 lần.
"Vấn đề ở đây không phải chuyện hơn thua thi cử, mà là phải học ở tư tưởng Hồ Chí Minh chuyện gì khi mà giặc Trung Quốc hoành hành trong vùng biển Việt Nam, thậm chí vào sát cửa biển Bình Thuận mà chúng ta vẫn chỉ biết hô hào khẩu hiệu ? Phải chăng đó là tư tưởng Hồ Chí Minh mà thế hệ con em chúng ta phải học ?". Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng bức xúc.
Cô giáo môn địa lý sắp nghỉ hưu Nguyễn Thu Dung, chia sẻ rằng học trò lớp cô chủ nhiệm và cả khối lớp mà cô được phân công giảng dạy, các em đều thắc mắc phải chăng tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây, là không nên coi người bạn lớn của Đảng cộng sản Việt Nam là giặc, mặc dù thực tế là họ xâm lăng mình cả về lãnh thổ, cho tới địa kinh tế, và lấn cả sang lệ thuộc địa chính trị ?
"Học trò thắc mắc quá cắc cớ bởi tin tức đa chiều trên mạng xã hội. Trả lời theo lương tâm chức nghiệp, chắc chắn tôi bị ‘mất dạy’, còn nếu xí gạt học trò thì hóa ra người giáo viên đã không tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà các báo cáo viên Thành ủy đã rao giảng trong những lần chúng tôi buộc phải đi dự các lớp học chính trị quen thuộc mỗi khi hè về". Cô Thu Dung trải lòng.
Chia sẻ với thân hữu trong cà phê dịp nghỉ lễ của ‘Tết Độc lập’, cả thầy Hùng lẫn cô Dung đều chung thắc mắc rằng tại sao trong nội dung của cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh, khi rao giảng thì mẫu câu sau đây của ông Hồ Chí Minh hay được nhắc tới : "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
"Thế nhưng dường chừng ông Hồ Chí Minh quên nói thêm rằng cuộc sống thực tế chính là thước đo cho mọi thứ lý luận. Cuộc sống trì trệ chậm chạp phát triển chắc chắn lý luận sai, cứ cố bám giữ thì sẽ càng mãi tụt hậu. Tại sao Việt Nam không thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện về thể chế chính trị và cấu trúc chính quyền từ trung ương đến địa phương – một thể chế chính trị công quyền tổng quan trên tất cả các bình diện với lá phiếu dân chủ thực sự của cử tri ?", cô Thu Dung đặt vấn đề.
Nói theo ngôn ngữ tuyên truyền quen thuộc, ‘Nhân dân đã theo Đảng, đã đùm bọc Đảng, Đảng là của dân tộc. Mọi sự thắng lợi của Đảng chỉ có thể thực hiện được khi người dân đồng lòng ủng hộ’.
"Tôi nghĩ rằng với những gì người dân trải qua suốt từ tháng tư năm 75 tới nay, giờ đây những người dân ‘đã theo Đảng’ có lẽ cũng ‘rời bỏ Đảng’ nhiều rồi. Nếu nhìn từ các vụ liên quan đất đai như Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn, hay Đồng Tâm ở Hà Nội hiện tại, cho thấy Đảng đã chủ động rời bỏ dân. Người dân không có sự lựa chọn cho lá phiếu bầu cử, nên Đảng tự tin nghĩ rằng họ vẫn được người dân ‘theo’. Tôi nghĩ cần xem lại chuyện ‘theo Đảng’ đó". Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng nhận định.
Ở giác độ khác, nhà báo Thảo Vy góp câu chuyện cà phê với hai nhà giáo bằng việc cho rằng từ lâu rồi, Đảng không còn là của dân tộc, mà Đảng là của một nhóm quyền lực chính trị nào đó đang tranh giành nắm giữ cai trị.
"Tôi nhớ trong một lần chia sẻ tại họp mặt chào đón sinh viên khóa mới của trường Đại học Ngoại thương tổ chức ở Dinh Độc Lập, với tư cách là sinh viên khóa đầu của trường này, bà Phạm Chi Lan kể rằng, khác với người tiền nhiệm luôn khuyến khích cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, ông Nguyễn Tấn Dũng khi làm Thủ tướng đề cao doanh nghiệp nhà nước.
"Cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với doanh nghiệp trên cương vị người đứng đầu Chính phủ đã không có đại diện khu vực tư nhân. Những tập đoàn kinh tế nhà nước ồ ạt ra đời, được ưu tiên tiếp cận nguồn lực, biến dạng thị trường, tạo hiệu ứng chèn lấn khu vực dân doanh, di hại lâu dài. Cay đắng là không ít trục trặc vĩ mô phát lộ lại không phải xuất phát từ nguyên nhân kinh tế, mà bắt nguồn từ ý chí chính trị...", bà Phạm Chi Lan nhận xét.
"Học cái gì và phải làm như thế nào ? Trả lời câu hỏi này, theo tôi, hãy trang bị cho học sinh, sinh viên khả năng suy nghĩ độc lập, biết tự chủ phân biệt đúng sai, tốt xấu, mà không phụ thuộc ý thức hệ tư tưởng, vào các giá trị đạo đức, cũng như quan điểm chính trị chính thống kiểu như Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu giữ nền giáo dục định hướng rập khuôn của chính trị lâu nay, sẽ rất khó cho tiền đề của sự hình thành trí thức như ở các quốc gia Âu, Mỹ.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ thông tin qua mạng internet, cơ hội tự học, tự hoàn thiện bản thân ngày càng nhiều, đã góp phần hình thành những cá nhân có khả năng tự chủ phân biệt của một trí thức. Điều đó, cá nhân tôi có thể khẳng định rằng hoàn toàn không hề nhờ vả những điều mà cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" muốn hướng tới cho thế hệ hôm nay", thầy giáo Anh ngữ Nguyễn Minh Hùng nói, và cho hay sở dĩ ông ‘mạnh miệng’ vì cuối năm nay ông chính thức... nghỉ hưu.
Minh Châu
Bộ trưởng Bộ Y tế thách thức "Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân"
Bài viết này được sử dụng văn phong ‘khẩu vị tuyên giáo Đảng’.
Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm đất
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết tại buổi họp báo vào chiều ngày 12/8 về thông tư viện phí dịch vụ theo yêu cầu ở bệnh viện công lập sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10 tới đây, là giá giường bệnh dịch vụ loại đặc biệt ở bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tuyến trung ương là 4 triệu đồng/giường/ngày đêm, tiêu chuẩn là phòng đơn, có khu tiếp khách riêng.
Giá khám bệnh theo yêu cầu cao nhất là 500.000 đồng/lượt khám, viện phí theo yêu cầu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ được cho phép cao hơn 30% so với các khu vực còn lại.
"Đây là giường bệnh cho bệnh nhân đặc biệt và được phục vụ một cách toàn diện nhất. Phòng này phải có điều dưỡng phục vụ, chăm sóc 24/24 giờ, có khu vực ăn riêng, khu tiếp khách riêng, có đầy đủ trang thiết bị y tế, có giường phụ cho người nhà…"- ông Liên nói với báo chí (1).
Giường bệnh có viện phí 4 triệu đồng/ngày đêm ở bệnh viện công lập (riêng ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ thì được phép thu thêm 30% vào đơn giá giường bệnh 4 triệu bạc này
Từ phát biểu giường bệnh có viện phí 4 triệu đồng/ ngày đêm ở bệnh viện công lập (riêng ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ thì được phép thu thêm 30% vào đơn giá giường bệnh 4 triệu bạc này) sẽ có điều dưỡng phục vụ, chăm sóc 24/24 giờ, có khu vực ăn riêng, khu tiếp khách riêng, có đầy đủ trang thiết bị y tế, có giường phụ cho người nhà…, đưa đến cách hiểu là nếu ở bệnh viện công với các giường bệnh giá dưới 4 triệu đồng/ngày đêm thì điều dưỡng sẽ phục vụ, chăm sóc ‘tùy hứng’, hoặc theo khung giờ khám chữa bệnh nội trú là buổi sáng từ 7g đến 10g, buổi chiều từ 13g30 đến 15g30. Đáng ngại hơn là nếu chọn chữa trị ở giường bệnh có giá dưới 4 triệu đồng/ ngày đêm, sẽ không có đầy đủ trang thiết bị y tế (!?).
Dường như Bộ Y tế đang cố tình ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ khi thách thức mang tính phủ nhận những gì mà Bộ Chính trị đang ra sức cổ vũ về "Tư tưởng Hồ Chí Minh" ; đặc biệt là "Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân".
Trên trang web Bộ Y tế, có bản tin như sau :
"Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2014, Bộ Y tế đã xuất bản sách : Bác Hồ với ngành y tế - Ngành y tế với Bác Hồ nhằm giới thiệu rộng rãi trong cán bộ ngành y tế và nhân dân những lời dạy của Bác Hồ với cán bộ y tế cũng như tình cảm sâu sắc, chân thành, lòng biết ơn vô hạn của các cán bộ y tế với Bác Hồ và ý chí quyết tâm của toàn ngành y tế thực hiện tốt lời Bác dạy.
Sách do Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế là chủ biên, với sự tham gia của các lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các cơ quan Bộ. (…) Trong lời tựa, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ biên cuốn sách đã viết : Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi xin trân trọng giới thiệu với quý vị bạn đọc trong và ngoài ngành y tế, với toàn thể nhân dân cuốn sách Bác Hồ với ngành Y tế - Ngành y tế với Bác Hồ. Hy vọng nội dung bổ ích của cuốn sách sẽ là hành trang cho các thế hệ thầy thuốc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hoàn thiện bản thân, nâng cao y đức, y nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân" (2).
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. (Ảnh : VnExpress)
Trong cuốn sách nói trên có những đoạn trích phát biểu được cho là của người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam :
"Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công ;
Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe ;
Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang ;
Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những chữa bệnh mà còn phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn, bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái, hy sinh" (3).
Như vậy, thực hiện theo Chỉ thị số 05-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 15/05/2016, cho thấy cần thực hiện việc nghiêm túc kiểm điểm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Ngoài ra từ căn cứ vào nội dung có số thứ tự 3 của Chỉ thị 05-CT/TW, "Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm", thực hiện việc bình xét những đảng viên tham gia soạn thảo thông tư về viện phí dịch vụ theo yêu cầu ở bệnh viện công lập sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10 tới đây ; trong đó có việc mạo chức danh 'Giáo sư' đối với Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Mặt khác, để giữ gìn kỹ cương trong Đảng, từ quy định "Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội" ghi tại phần đánh số thứ tự 4 của Chỉ thị 03-CT/TW, cần thiết xem xét trách nhiệm của đảng viên Nguyễn Phú Trọng khi đã để cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cố tình thách thức việc thực hiện "Tư tưởng Hồ Chí Minh" trong việc ‘luật hóa’ các chính sách phân biệt giàu - nghèo trong chữa trị bệnh ở hệ thống bệnh viện công lập, vi phạm Luật khám bệnh, chữa bệnh.
"Điều 9. Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh :
1. Không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 66 của Luật này (4).
2. Được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng.
3. Không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội" – Trích Luật khám bệnh, chữa bệnh (5).
Minh Châu
Nguồn : VNTB, 14/08/2019
(3) Trích từ bài "Một số vấn đề xây dựng ngành y tế phát triển ở Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế
(4) Khoản 1 đó có nội dung : 1. Các trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Luật này bao gồm : a) Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm ; b) Bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật
Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh
Tôi là Tương Lai, vào Đảng Lao Động Việt Nam ngày 6/1/1959, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm nay 2/9/2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh.
Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên.
Cách nay 15 năm, trong một tiểu luận chính trị "Chân lý là cụ thể" (1), đúc kết lại những bài viết của tôi trong vòng 10 năm trước, tôi đã chứng minh là không có cái gọi là "chủ nghĩa Mác Lênin", mà đó chỉ là sản phẩm của Stalin được làm méo mó thêm qua lăng kính Mao-ít để du nhập vào Việt Nam mà xác định đó là "nền tảng tư tưởng", là "kim chỉ nam", để rồi ai có ý định nghiêm túc cần cẩn trọng tìm hiểu từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, từ những thành tựu nghiên cứu của giới khoa học quốc tế có uy tín, thì đều bị bịt miệng và quy cho tội phản động, chống đảng.
Trong tiểu luận ấy, tôi đã nghiêm chỉnh và thẳng thắn đề nghị cần trở lại với tên Đảng là Đảng Lao Động Việt Nam, trở lại với tên nước là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng cho lý luận phát triển của Việt Nam. Ở đó, tôi trình bày rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tích hợp và vận dụng nhuần nhuyễn những thành tựu của trí tuệ loài người, trong đó có Phật giáo, Khổng giáo từng hòa quyện với truyền thống dân tộc đã chìm sâu trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội Việt Nam và chủ nghĩa Mác. Với Mác, Hồ Chí Minh đã thực hiện một tiếp biến, loại bỏ những sai lầm về lý thuyết, giữ lấy những giá trị bền vững qua kiểm nghiệm của thời gian, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng đó vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Việt Nam. Bằng cách đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ lịch sử giữa truyền thống và hiện đại trong thế kỷ XX. Tiểu luận ấy tôi đã gửi đến Hội đồng Lý luận trung ương và nhiều vị lãnh đạo song chỉ có hai người có phản hồi và trao đổi trực tiếp là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Di bút của Đại tướng còn ghi rõ : "Chúc đc Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng" Hànội ngày 27/9/2006. Võ Nguyên Giáp Đã ký".
Kiên trì dấn thân vào cuộc đấu tranh trên bình diện tư tưởng và lý luận một cách công khai, tôi hy vọng bằng sự minh bạch đó, có thể góp phần nhỏ bé của mình cùng với những người khác làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, làm hao mòn sức sống của dân tộc trước một thế giới đang biến động từng ngày. Đấy là lý do để tôi nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng cho dù biết rằng, những Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, với sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng thì không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa. Nhưng cũng lại có một thực tế oái oăm là, hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế được đảng đang nắm quyền bằng hệ thống "chuyên chính vô sản" được cài cắm đến tận cơ sở.
Cho dù vậy, sự phân hóa trong nội bộ các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, các nhân tố cấp tiến chống lại sự trì trệ bảo thủ giáo điều cũng là một thực tế. Đó là một tất yếu phổ biến của mọi thực thể sống, luôn diễn ra "cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi" mà Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc. Cái mới sẽ thắng là không gì cản được. Bằng sự đấu tranh của từng đảng viên có lương tri, sự quyết liệt của của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống trong các tầng lớp nhân dân đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ thì những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
Thế nhưng thời gian không chờ đợi. Càng không suôn sẻ trong sự chờ đợi những gì mình mong muốn. Cho dù đã biết trước những trở ngại to lớn đang chờ đón, tôi cũng không lường trước những thủ đoạn bẩn thỉu mà người ta đã gây ra tầng tầng lớp lớp cho thiện chí phản biện hết sức trung thực và thẳng thắn một cách ôn hòa, không sa vào quá khích cực đoan mà tôi đã bền bỉ thực hiện trong nhiều năm qua. Từ những tham luận công khai trên diễn đàn của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam mà tôi là ủy viên trung ương suốt hơn 30 năm qua đến những bài viết trên các báo chính thống, những trang mục thường kỳ của một số báo ở trung ương và ở thành phố HCM, tham luận tại nhiểu hội thảo trong đó có Hội thảo "Về Phương pháp luận nghiên cứu chủ thuyết phát triển và tư tưởng Hồ Chí Minh" theo lời mời của Hội đồng lý luận trung ương ngày 6/4/2009, v.v. và nhiều hoạt động lý luận, khoa học khác, tôi đều nhất quán với nguyên tắc đó. Khi bị cấm không được xuất hiện trên các báo chính thống của nhà nước cũng trên nguyên tắc đótôi viết bài đưa lên mạng trong mục "Mênh mông thế sự" và "Mênh mông thế sự để gió cuốn đi" nhằm chuyển tải những ý tưởng vừa mang tính phản biện, vừa diễn đạt chính kiến và cảm nhận của tôi về thời cuộc.
Cho đến bài "Ngọn lửa vẫy gọi" tôi viết để tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, nhà văn Trung Quốc, giải Nobel Hòa Bình vừa qua đời, phải chăng đã động đến "thiên triều" nên đã có "chiếu chỉ" ban ra, lập tức sự cố nảy sinh ? Có phải vì thế ma một kịch bản được dàn dựng lộ liễu và bẩn thỉu nhằm bôi nhọ tôi để bằng mọi cách phải "khai trừ" tôi ra khỏi đảng ngay để vừa lòng ai đó theo chỉ thị của cấp trên ? Đây chỉ là giọt nước tràn ly. Trò hề này thật hài hước và nhục nhã, tuy bước đầu thất bại nhưng chắc chắn sẽ phải thực hiện trong thời gian tới như một số trường hợp họ đã làm trước đây.
Vì vậy sẽ là ngu ngốc nếu tôi lại tiếp tục nói nói cười cười với những rôbốt vô hồn vô cảm, vừa mới hôm qua tôi đã xúc động nói những lời cám ơn thật lòng vì đã thông cảm vởi bệnh tật đang hành hạ người đảng viên già có giấy miễn sinh hoạt đảng đã đến nhà để trao đổi nội dung viết kiểm điểm gửi cho chi ủy trình bày trước chi bộ chứ không phải trực tiếp đến, thì hôm sau trước toàn thể chi bộ, ông bí thư tội nghiệp đã lật lọng vu khống là tôi không chịu đến, chi bộ cứ việc biểu quyết.
Tôi sẽ không phải viết ra những bịa tạc vu khống khác từ những "cấp trên" đến "chỉ đạo" hội nghị chi bộ thực hiện kịch bản soạn sẵn từ bên trên đã bị mấy đảng viên phản đối, mà chỉ muốn nói rằng, những nhẫn nại nhằm thực hiện thiện chí của tôi đã trở nên quá vô nghĩa. Kể cả sự tự kiềm chế để vẫn viết "Bản trình bày" về nội dung "kiểm điểm" được cho là của cấp trên đưa ra đã tự vạch trần sự lố bịch và lộ liễu những sai lầm về đường lối đối nội và đối ngoại, và đến sự kiện này thì quá hèn hạ (2). Sẽ phung phí thời gian và sức lực để phải tiếp xúc với vô vàn những "rô bốt" đáng thương chỉ biết cúi đầu tuân phục. Đã đến lúc phải dứt bỏ mọi dính líu với mớ hỗn tạp này.
Tôi phải tìm một phương thức đấu tranh mới. Tôi sẽ chiến đấu trong tư thế, và chỉ bằng tư thế đó của một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam của Hồ Chí Minh suốt mấy chục năm qua kể từ lúc vào Đảng cho đến những thời kỳ tha hóa ngày càng trầm trọng của một bộ phận chóp bu thao túng, làm băng hoại uy tín và tính chất trong sáng của Đảng, đặc biệt là từ đại hội X.
Tôi hiểu rõ tôi không hề đơn độc. Trong Đảng còn nhiều đảng viên giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh, họ đã và đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu và bằng những cách riêng của mỗi người đã, đang và sẽ đấu tranh làm cho Đảng trong sạch trở lại, xứng đáng với vai trò lịch sử mà Đảng của Hồ Chí Minh từng có để cùng dân tộc đi tới trong bối cảnh mới. Đương nhiên, trong bối cảnh mới ấy, mục tiêu và phương thức đấu tranh phải thích ứng với đòi hỏi mới của cuộc sống đang thay đổi từng giây từng phút để dẫn tới những đột phá.
Khát vọng xây dựng đất nước của lớp người đã ngoài 80 là những người lót đường như tôi "sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên... Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm : họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào" như F. Engels đã tiên đoán. Những con người như thế đang xuất hiện, và ngày càng nhiều. Chính họ sẽ quyết định cần phải xây dựng một Đảng lãnh đạo thế nào để đưa đất nước vượt khỏi vũng lầy hiện nay, khiến cho dân tộc đang phải đắm chìm trong tăm tối bứt lên trong ánh sáng văn minh, ngẩng cao đầu đi tới như ông cha ta đã từng viết nên những trang sử chói lọi trong thời đại của các vị. Lớp trẻ ấy sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, đưa dân tộc bứt lên cùng thế giới.
Với nhận thức đó, tôi tiếp tục dấn bước trong cảm hứng "Hành khúc" của nhà thơ Pháp (3) từng giữ nhịp đập cho trái tim yêu nước trong tôi "Giữa mùa phản phúc. Tối đen tù ngục. Suối đã đục dòng. Chỉ lệ còn trong … Những gì ta yêu phải cứu thoát ra. Tự mình ta, tự mình ta" !
Ngày 2/9/2017
_______
(1) Tham luận gửi đến Hội thảo ngày 4/6/2009 do thư mời của Hội đồng Lý luận trung ương đã in trong "Tương Lai : Cảm nhận & Suy tư"
(2) Xem "Bản trình bày 3 điều theo yêu cầu của chi ủy Chi bộ Khu phố 4 ngày 19/8/2017 đính kèm
(3) "Quand il arriva la saison. Des trahisons et des prisons. Quand les fontaines se troublèrent. Les larmes seules furent claires… Il faut libérer ce qu’on aime. Soi-même soi-même soi-même", Louis Aragon
*****************
Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản (BBC, 02/09/2017)
Nhà trí thức bất đồng hàng đầu của Việt Nam chọn ngày Quốc khánh để từ bỏ Đảng Cộng sản và muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".
Giáo sư Tương Lai : 'Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào'.
Quyết định này được Giáo sư Tương Lai mô tả là "giọt nước tràn ly" khi có động thái khai trừ tư cách đảng viên của ông sau sự kiện ông tổ chức tưởng niệm nhà dân chủ hàng đầu của Trung Quốc là ông Lưu Hiểu Ba tại nhà riêng.
Ông mô tả "người ta định vu khống" và "bằng mọi cách khai trừ nhưng chưa khai trừ được vì đảng viên trong chi bộ chưa đồng ý".
Tuy nhiên nguyên Viện trưởng Xã hội học Việt Nam nhận định rằng đằng nào người ta cũng sẽ có một cuộc họp vào ngày 23/9 để xét khai trừ vì ông đã "động đến Trung Quốc".
Trong tuyên bố được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 02/09, Giáo sư Tương Lai viết :
"Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên".
Giáo sư Tương Lai mô tả trong khi ông "kiên trì dấn thân" vào cuộc đấu tranh làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, và "nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng" thì sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng khiến Đảng này "không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa".
Ông nói hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế được đảng đang nắm quyền bằng hệ thống "chuyên chính vô sản" được cài cắm đến tận cơ sở".
Tuy nhiên nhà bất đồng này lạc quan rằng sự đấu tranh của "từng đảng viên có lương tri, sự quyết liệt của của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống trong các tầng lớp nhân dân đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ.
"Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian", Giáo sư Tương Lai viết.
******************
Giáo sư Tương Lai tuyên bố từ bỏ đảng nhưng lại đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh (RFA, 01/09/2017)
Nhân ngày quốc khánh 2/9, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, một đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt nam đã đột ngột tuyên bố từ bỏ đảng để tiếp tục trung thành với đảng Lao Động Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu nguyên nhân của quyết định từ bỏ đảng của giáo sư Tương Lai và tại sao ông lại đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đài Á Châu Tự do có cuộc phỏng vấn với giáo sư Tương Lai sau đây :
Giáo sư Tương Lai - RFA
RFA : nhân ngày 2/9 giáo sư đưa ra tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng. Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết tại sao giáo sư lại đưa ra tuyên bố này vào thời điểm này ?
Tương Lai : tôi đưa ra tuyên bố này vào thời điểm này thì như tôi đã viết trong lời tuyên bố để nói rằng đây là một cái ý định nghiêm túc và nhất quán từ trước tới nay, chứ không phải là chịu tác động của một nhân tố mới ngẫu nhiên nào. Vì sao ? Vì tôi khi tôi ở lại trong đảng mà tôi biết rằng Nguyễn Phú Trọng thao túng nhưng mà tôi vẫn cố gắng kiên trì ở lại để làm gì ? Vì tôi biết rằng hiện tại chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế đảng cầm quyền hiện nay và kinh nghiệm lịch sử cho thấy chỉ những người cộng sản, những người đảng viên trong nội bộ đó tự chuyển biến để mà giải quyết vấn đề thay đổi thế chế chính trị giống như những nước xã hội chủ nghĩa khác đã làm. Vì thế mà tôi ở lại trong cái đảng của Nguyễn Phú Trọng nhưng mà tôi ở lại trong cái đảng Nguyễn Phú Trọng này với tư cách của một người đảng viên không công nhận đảng cầm quyền này là đảng tiếp nối của truyền thống của đảng của Hồ Chí Minh. Tôi ở lại với tính cách là một đảng viên đảng Lao động Việt Nam như khi tôi vào đảng là đảng của Hồ Chí Minh. Nhưng mà đến bây giờ vì một sự kiện như tôi đã nói trong bản tuyên bố khiến người ta vì một lý lẽ gì đấy để làm vừa lòng ai đó gây sức ép sau khi tôi tổ chức làm kỷ niệm Lưu Hiểu Ba thì người ta quyết liệt phải khai trừ tôi ra khỏi đảng. Đây là một thái độ hèn nhát của đảng cầm quyền này trước những sức ép của bên ngoài. Chính vì thế dù muốn hay không thì tôi không thể nào ẩn nhẫn được nữa. Vì thế tôi quyết định tuyên bố lấy ngày 2/9 này để tôi dứt bỏ mọi liên hệ với đảng cầm quyền do Nguyễn Phú Trọng thao túng.
RFA : Giáo sư có nói lúc đầu là có nhiều nhân tố nhưng trong đó giáo sư có nói là họ quyết định khai trừ giáo sư. Giáo sư có thể nói cụ thể hơn là họ quyết định khai trừ giáo sư vào lúc nào và có phải nó liên quan đến việc giáo sư đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và tưởng niệm Lưu Hiểu Ba và sau đó họ kiểm điểm giáo sư ?
Tương Lai : như tôi nói trong nội dung đó. Đây chỉ là một giọt nước tràn ly mà thôi. Thực ra cả một quá trình suốt mười mấy năm vừa qua vẫn trên tư thế một người trí thức, một người đảng viên, tôi hành động một cách công khai minh bạch, phản đối đường lối chính sách sai lầm của đảng cầm quyền mà trong đó cái sai lầm nhất là cái cúi đầu khuất phục Bắc Kinh, khuất phục chủ nghĩa bành trường đại Hán, thậm chí không dám nói đến cuộc chiến tranh biên giới 1979, không dám nói đến những hành động ăn cướp của Trung Quốc ở biển Đông mà điển hình nhất là vụ bắn chết các chiến sĩ Việt Nam ở đảo Gạc Ma. Đến khi người ta kỷ niệm ngày căm hờn đó, thì theo lệnh của Nguyễn Phú Trọng, để làm vừa lòng Trung Quốc, họ đã đàn áp rất dã man những thanh niên đi biểu tình về kỷ niệm những chiến sĩ ở Gạc Ma.
RFA : họ quyết định khai trừ giáo sư là vào hôm nào ?
Tương Lai : họ chưa khai trừ đâu, họ định làm như thế và họ gây sức ép với tôi rất quyết liệt. Ví dụ như tôi đã nói vì tôi bận và tôi đã được miễn sinh hoạt vì đó là quy định. Nhưng mà không hiểu vì lý do gì, trước đây họ vẫn để nguyên như vậy, chỉ có sau sự kiện tôi tổ chức tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại nhà riêng của tôi và tôi viết bài ‘Lưu Hiểu Ba, ngọn lửa vẫy gọi’ thì lập tức có hiện tượng là chi bộ nơi tôi sinh hoạt chịu sức ép của bên trên, trên rất cao, chứ không phải chỉ có thành ủy thành phố này đâu. Người ta định vu khống tôi và bằng mọi cách khai trừ nhưng chưa khai trừ được vì đảng viên trong chi bộ người ta chưa đồng ý. Người ta định đến ngày 23/9 sắp tới đây thì người ta mới họp thì người ta xét những chuyện đó. Nhưng mà tôi thấy tôi không còn để mất thời giờ vô ích về cái chuyện họp đi họp lại, lãng phí thời gian và sức lực của tôi, gây căng thẳng cho đầu óc của tôi. Đằng nào họ cũng phải thực hiện chỉ thị của cấp trên như một vài trường hợp trước đây tôi biết mà tôi không tiện nói ra. Những người ở chức vụ to hơn tôi nhiều, cao hơn tôi nhiều. Nhưng mà vì động đến Trung Quốc nên chúng nó gây sức ép và Nguyễn Phú Trọng phải làm vừa lòng họ và phải kỷ luật những người trong nội bộ của mình.
RFA : Trong tuyên bố này giáo sư nói là giáo sư dứt bỏ không có mối liên hệ gì với đảng do ông Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tức là nêu cao tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn còn những mâu thuẫn liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vì có người ủng hộ và có người không ủng hộ. Chúng ta cũng nói đến vấn đề hòa giải dân tộc. Theo giáo sư thì khi giáo sư đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh như vậy thì nó có giúp được gì cho vấn đề hòa giải dân tộc ?
Tương Lai : Ở đây có hai vấn đề. Khi tôi nêu lên vấn đề đảng của Hồ Chí Minh thì ngay hôm nay tôi cũng đã nhận được những phản hồi trên email là người ta phản đối quyết liệt. Người ta cho Hồ Chí Minh là có tội rất nặng, và thậm chí Hồ Chí Minh không phải là Hồ Chí Minh đâu mà là Hồ Tập Cương,… Tôi biết tất cả những thứ đó, nhưng về lịch sử thì cần phải có một nhận thức cho đúng đắn và vào lúc này không thể phủ nhận vai trò của Hồ Chí Minh được và tôi thì kiên định cái quan điểm đó. Cho nên khi đưa chuyện này lên thì đương nhiên sẽ gặp một số ý kiến phản đối nhưng không phải vì phản đối hay vì hòa hợp dân tộc mà chúng ta lại phủ định lịch sử thì những người có hiểu biết, người có trí thức không hành động như vậy. Hòa hợp dân tộc là một nhu cầu của lịch và môt nguyện vọng của nhân dân. Muốn như vậy phải tôn trọng lịch sử và phải nói lên ý nguyện của nhân dân.
RFA : Thưa giáo sư, sau khi dứt bỏ mọi mối liên hệ với đảng thì giáo sư có kế hoạch sắp tới giáo sư sẽ hoạt động thế nào để tiếp tục kiên trì con đường mình đã chọn, mục tiêu lý tưởng mà giáo sư đã đặt ra ?
Tương Lai : như tôi đã nói ngay trong tuyên bố, tôi mượn một câu thơ của một nhà thơ yêu nước Pháp Louis Aragon để kết thúc cho bản tuyên bố của mình. Đó là bài hành khúc của Louis Aragon trong đó có những câu là giữa mùa phản phúc tối đen tù ngục, suối đã đục giòng, chỉ lệ còn trong. Đây là những lời của nhà thơ viết những năm 44 và 45 khi Pháp chìm trong ách của Phát xít Đức. Và Aragon kêu gọi là những gì ta yêu phải cứu thoát ra, tự mình ta, tự mình ta. …. Thế thì để tôi nói lên cái gì ? Tôi không đơn độc mặc dù tôi bây giờ không dính lứu gì vào tổ chức đảng này nữa nhưng tôi lại hành động với tư cách một đảng viên đảng của Hồ Chí Minh và tôi tin tưởng rằng trong khi đảng cầm quyền này, kể cả ở cấp cao nhất, cấp trung ương, và nhiều nơi khác còn nhiều đảng viên khác có cùng trí hướng với tôi. Khi tôi hành động như vậy, nhất định tôi sẽ nhận được những sự hỗ trợ của những người cùng trí hướng với tôi. Bằng những hành động này sẽ thúc đẩy mọi người cùng hành động. Và tôi vẫn làm những điều đó suốt mấy chục năm vừa rồi nhưng trước đây tôi ở trong tổ chức đảng còn giờ tôi không ở trong tổ chức đảng nữa thì tôi dùng từ tiếp tục chiến đấu.
RFA : Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn này
Nền giáo dục phi nhân bản áp đặt lên hiện tại lẫn tương lai với cái gông Marx-Lenin đã cho thấy quá rõ kết quả tồi tệ, nhưng sau bao nhiêu năm, nó vẫn được "vận dụng" và "sáng tạo".
Mạnh Kim
Có dịp trò chuyện với nhiều vị đồng hương, vừa từ quê nhà sang California du lịch, tôi mới biết ra rằng mình đã "trở thành" người Sài Gòn cũ. Lý do : có những người Sài Gòn mới, mới đến sau 1975.
Vùng đất nào cũng có kẻ đi, người tới. Tôi chỉ hơi bối rối khi nghe họ nói thêm : "Ông mà về lại là đi lạc như không. Giờ thay đổi hết trơn rồi, hoành tráng lắm !"
Trong trí nhớ xa xôi và trẻ dại của riêng tôi thì Sài Gònchưa bao giờ "hoành tráng lắm", lúc nào cũng y như thế thôi. Cũng vẫn chỉ là một đoạn đường rất ngắn, nằm giữa chùa Chà và vườn Tao Đàn, được cắt ngang bởi hai con đường lớn : Nguyễn Du & Gia Long.
Nhà chị tôi số 69 Trương Công Định. Dù sinh ở Sài Gòn, phần lớn thời gian tôi sống tại Đà Lạt. Tôi chỉ có mặt ở đây vào những ngày hè, suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu.
Tôi biết hết tên tuổi, cùng tính tình, của từng đứa bé cùng lứa và cùng xóm. Chúng tôi tụ tập mỗi chiều để chơi tạt lon, tạt hình, đá kiện, nhẩy dây, rượt bắt cứu tù, và lùng kiếm tìm nhau (hằng đêm) sau khi tiếng "năm mười, mười lăm, hai mươi..." vừa chấm dứt.
Tôi cũng biết rõ độ chua ngọt của từng cây me trước nhà, và danh tính của tất cả những người thợ hớt tóc đứng hành nghề bên cạnh. Có hai ông Sáu lận nên tên gọi của họ được phân biệt bởi phương tiện đi lại hằng ngày : Sáu Vespa và Sáu Mobillette.
Tôi gần với chú Vespa nhất, giản dị chỉ vì ông là người không bao giờ lấy hết ba đồng công thợ. Chú Sáu luôn cho lại tôi năm cắc, hay hào sảng xóe toạc tờ bạc một đồng rồi đưa tôi phân nửa.
Mừng hết lớn luôn. Số tiền này vừa vặn cho một cuốn bò bía, một ly đá nhận, một que kem đậu xanh, một khúc mía hấp, một đĩa gỏi đu đủ bò khô, hay một ly đậu đỏ bánh lọt nước dừa.
Chỉ có điều phiền là chú Sáu hay nói hơi nhiều. Ông không chú ý gì lắm đến công việc đang làm nên đầu tui cứ bị hớt gần trọc hoài hà, ngó kỳ thấy bà luôn. Tuy tay cầm "tông đơ" nhưng mắt chú Sáu luôn ngó xuống bàn cờ tướng của hai kỳ thủ đang bầy trận gần đó, hoặc quay qua tranh luận với ông bạn đồng nghiệp (hay khách hàng) ngồi kề. Ổng nói không ngừng về những chuyện hoàn toàn xa lạ với đầu óc non nớt của một đứa trẻ như tôi.
Phải mất rất nhiều năm tôi mới lờ mờ hiểu ra là chú Sáu Vespa rất không bằng lòng về thể chế chính trị hiện hành. Ổng luôn luôn thuyết phục mọi người (kể cả luôn tôi) rằng cần phải có một chính phủ mới :
- Rồi mày coi, mấy ổng vô tới là sẽ thay đổi hết. Cách mạng mà !
Nhiệt tình cách mạng của chú Sáu Vespa, xem ra, không được tất cả mọi người chia sẻ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe có người gọi ổng bằng một danh hiệu khác : Sáu Việt Cộng. Thiên hạ cũng chỉ thấy mặt đặt tên (cho vui) vậy thôi, chớ ở miền Nam – xem chừng – mọi người đều sống rất lừng khừng và không mấy ai bận tâm về quan điểm hay lập trường chính trị của tha nhân.
Đâu khác thì không biết, chớ ngay xóm tôi mà đi ngang qua những bàn nhậu – kế bên, hay đối diện chùa Chà – mà nghe tiếng chửi thề ("đ... mẹ Sáu Thiệu, hay đ... mẹ Kỳ Râu) là chuyện rất bình thường, chả khiến ai buồn ngoái đầu nhìn lại cả. Nhậu vô vài ly rồi chửi chơi vài câu nào có chết ai đâu, miễn đừng đặt chất nổ hay quăng lựu đạn giữa đám đông là "o.k salem" và "ça va tout".
Miền Nam tự do mà. Có điều rõ ràng là vùng đất này tự do hơi quá nên đủ khe hở để "mấy ổng vô tới" thiệt. Trong đám đông dân chúng hân hoan phất cờ, chào mừng đoàn quân giải phóng Sài Gòn – hôm 30 tháng 4 năm 1975 – tôi đoán chắc chắn là phải có chú Sáu Vespa... của mình rồi !
Niềm hân hoan này – tiếc thay – không mấy người giữ được luôn, và cũng chả ai giữ được lâu. Năm 1978, tôi có dịp trở về xóm cũ. Chú Sáu vẫn đứng hớt tóc ngay trân dưới gốc me ngày trước nhưng cái Vespa thì không còn dựng kề bên. Thay vào đó là một cái xe đạp cũ mèm. Ổng phân trần :
- Tao bán rồi. Không bán đi thì lấy cái gì ăn. Đ... mẹ, tao đâu có dè tụi nó...
- Nói nhỏ nhỏ lại chút xíu đi chú Sáu.
- Nhỏ cái con cặc. Đ... má, tao mà biết vậy thì hồi đó...
Tôi vốn nhát, lại vừa mới tù ra [và hoàn toàn không có ý muốn trở vô (liền) lần nữa] nên không dám đứng trò chuyện với chú Sáu lâu, sợ có chuyện chẳng lành. Tôi lật đật biến liền, quên luôn cả một cái bắt tay hay một lời từ biệt. Thiệt là hèn hết sức.
Bởi nhát và hèn nên trong số mấy anh chị em, tôi là đứa vượt biên đầu tiên hết thẩy. Vài năm sau, khi gia đình đoàn tụ, trong lúc hàn huyên, tôi chợt nhớ đến chú Sáu Vespa. Chị tôi chép miệng :
- Sau này ổng uống dữ lắm, ngày nào cũng xỉn, và cũng chửi búa xua cà na nên bị bắt lâu rồi.
- Chị nghe ai nói vậy ?
- Nghe ai ? Công an còng tay ngay tại gốc me kế nhà mình, tao thấy tận mắt mà. Tội nghiệp chớ, vậy mà hồi đó có người còn nghi là ổng nằm vùng nữa đó.
- Chú Sáu có nói với em là ổng không dè chị à.
- Thì đâu có ai dè là tụi nó tệ bạc và khốn nạn dữ vậy.
Chú Sáu Vespa, và bà chị tôi, không phải là những kẻ đầu tiên "không dè" như vậy. Nhiều người thuộc thế hệ trước nữa cũng "đâu có ai dè là tụi nó tệ bạc và khốn nạn dữ vậy" – theo như lời của một chứng nhân thế giá, nhà báo Bùi Tín, trong một cuộc phỏng vấn do thông tín viên Kính Hoà (RFA) thực hiện :
"Cha tôi lúc đó không hiểu gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản đâu. Sau này nghĩ lại thì cũng có thể nói rằng cha tôi bị ông Hồ Chí Minh lừa dối. Lừa dối theo cái nghĩa là ông Hồ Chí Minh giấu rất kỹ tung tích cộng sản của mình. Cũng được hưởng vinh danh, cũng được sử dụng lại với chính quyền mới, nhưng về cơ bản là bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối, tưởng đâu họ là chính nghĩa lâu dài, nhưng không ngờ khi nắm chính quyền, thì họ càng tha hóa, mất cái bản chất nhân dân".
Nhân sĩ trí thức như cụ Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Trọng Khánh, Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Văn Hướng mà "về cơ bản là bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối" thì trách chi đến một ông thợ hớt tóc – như chú Sáu Vespa.
Dạ thì nẫy giờ tui cũng có trách dám trách móc ai đâu. Chuyện cũng qua rồi mà. Nói nào ngay thì tui cũng đã xém quên luôn chú Sáu Vespa, nếu bữa rồi không (tình cờ) đọc được đọc một bản tin ngắn – trên trang Vietnamnet – về bà Đàm Thị Thủy :
"Hiệu trưởng Trường Đại học Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy, cho biết sẽ dạy các môn Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh khác biệt so với các trường đang dạy hiện nay... Đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo bà Thủy, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một phần trong lịch sử Việt Nam, nếu là người Việt Nam, chúng ta nên tự hào về giai đoạn lịch sử đó".
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (trái) trao quyết định tài trợ, tổng trị giá 15,5 triệu USD của chính phủ Mỹ cho bà Đàm Bích Thủy hôm 6/6. Ảnh : Kiều Oanh. Chú thích : Thanh Nien Online
Bà Thủy, tất nhiên, có quyền "tự hào về giai đoạn lịch sử" (nào đó) bất cứ. Đó là quan điểm riêng của từng người. Tuy nhiên, ở cương vị Hiệu trưởng Đại Học Fulbright – một trường đại học tư ở Việt Nam – được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, nghĩa là bằng một phần tiền thuế mà tôi đóng hằng năm nên buộc phải có đôi lời để rộng đường dư luận.
Dù tuyệt đối tôn trọng qui chế đại học tự trị, và chủ trương giáo dục tự do, tôi vẫn băn khoăn ở điểm là làm sao có thể mở lớp giảng dậy về "môn tư tưởng Hồ Chí minh" khi chính đương sự đã tự xác nhận rằng : "Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác –Lê". Hay : "Bác tự nhận mình chỉ nêu ra được tác phong, còn tư tưởng lý luận thì để cho Mao Chủ tịch".
Không lẽ quí vị trong ban giảng huấn của Trường Đại Học Fulbright định dùng bạc giả ? Nhân nói việc học hành, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm (ngăn ngắn) vừa đọc bữa qua, trên trang Bauxite Việt Nam :
Kolia đến trường khoe với cô giáo :
- Cô ơi, tối qua mèo nhà em đẻ một bầy 7 con, con nào cũng là đảng viên cộng sản !
Bẵng đi mấy tuần, một hôm sực nhớ, cô giáo hỏi cậu bé :
- Này, Kolia, đàn mèo cộng sản nhà em thế nào rồi ?
- Thưa cô, giờ chúng không còn là cộng sản nữa ạ.
- Sao vậy ?
- Chúng mở mắt hết rồi !
Tôi có xem qua sự nghiệp của bà Đàm Bích Thủy. Bả lanh còn hơn tép nữa. Dễ gì mà bịt mắt hay lợi dụng như chú Sáu Vespa hồi thế kỷ rồi. Chỉ có chuyện là mấy ông Marx, Lenin, và Hồ Chí Minh bị bà Thủy lợi dụng để "đảm bảo" cho cái chức vụ hiệu trưởng, cùng tài sản (chìm nổi) của mình ở Việt Nam thôi – đúng không ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 23/08/2017 (tuongnangtien's blog)
Chỉ thị 05 nêu những ý chính sau đây :
Về phần tư tưởng của Hồ Chí Minh, cần học tập độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng đảng.
Về đạo đức, chỉ thị nêu : chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Tuyệt đối trung thành lý tưởng cách mạng.
Về phong cách Hồ Chí Minh, chỉ thị nêu : cần kiệm, liêm chính, chống chủ nghĩa cá nhân...
Việc tổ chức và chỉ đạo do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban bí thư thực hiện. Ban tuyên giáo là cơ quan giúp việc cho Tổng bí thư và Ban bí thư. Đặc biệt chỉ thị nhấn mạnh kết quả học tập sẽ là căn cứ để đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên hàng năm và cả nhiệm kỳ.
Cuối Chỉ thị 05 nêu, chương trình này ngoài việc xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, còn uốn nắn những tư tưởng lệch lạc.
Từ chỉ thị này, điều đầu tiên cho chúng ta thấy việc học tập chính trị chủ nghĩa Mác Lênin ở Việt Nam với tầng lớp cán bộ cộng sản đã hoàn toàn thất bại. Những quan chức cộng sản Việt Nam ngày nay hầu hết không ai quan tâm đến thứ chủ nghĩa xã hội giáo điều, cứng nhắc và rối rắm. Chỉ còn lại một số ít những cán bộ mọt sách của đảng theo đuổi nghiên cứu kiểu nhặt nhạnh ra những ý lẻ, rồi chế biến cho nó phù hợp với thực tiễn của thời đại. Để cứu chữa cho tư tưởng đường lối đang bị nhạt nhòa, Nguyễn Phú Trọng đã củng cố bằng cách dùng hình tượng Hồ Chí Minh để làm phao cho các đảng viên bám víu.
Lý do vì tư tưởng Hồ Chí Minh không cao siêu về ngôn ngữ như Mác Lê. Tư tưởng Hồ Chí Minh được chế ra từ những câu nói, hành động bản năng mà Hồ Chí Minh thể hiện ở đâu đó. Là lúc đến địa phương này, lúc gặp gỡ đơn vị nọ, nhà trường kia. Một hành động tuỳ hứng, một phát biểu tại thời điểm, nhưng dưới sự chỉ đạo của Trọng, ban tuyên giáo đã cắt ghép, chắp nhặt những câu nói, hành động của Hồ Chí Minh, chọn ra những cái có lợi hợp với bây giờ, rồi tán dương đó là tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh. Soạn thành sách để làm vòng kim cô trên đầu các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu nghiên cứu đầy đủ về những phát ngôn của Hồ Chí Minh, sẽ thấy cuốn sách mà ban tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam biên soạn làm tài lệu mới đây không phản ánh đúng hết quan điểm của Hồ Chí Minh. Đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn phát ngôn của Hồ Chí Minh. Nhưng không một nhà lý luận, nghiên cứu nào ở Việt Nam dám phản bác lại sự thật này.
Bìa cuốn sách "Những nội dung cơ bản của Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự Thật phát hành
Hình tượng Hồ Chí Minh được xây dựng lại theo ý muốn của Trọng, qua đó Trọng áp đặt được các đảng viên phải làm theo hình mẫu này. Dễ dàng hơn nhiều với việc học lý luận triết học Mác Lê. Điều này cho thấy trình độ lý luận và tư tưởng của đảnng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng. Nên đảng phải hạ từ tư tưởng Mác Lê cao siêu xuống thành tư tưởng Hồ Chí Minh cho các đảng viên dễ tiếp nhận hơn.
Hơn nữa chọn hình tượng Hồ Chí Minh để thay thế tư tưởng Mác Lê còn mang được ý nghĩa chính trị trong quan hệ với Trung Quốc. Bản thân Hồ Chí Minh sang Nga từng bị các lãnh tụ Nga coi thường, có lần bỏ bẵng hàng tháng không tiếp. Nhưng với lãnh tụ Trung Quốc thì Hồ Chí Minh lại được đón tiếp nồng nhiệt như người thân trở về thăm nhà. Dấu ấn của Hồ Chí Minh gắn bó mật thiết với Trung Quốc sâu nặng hơn nhiều so với Liên Xô. Bởi thế tôn tư tưởng Hồ Chí Minh lên cũng chính là tôn tư tưởng thân thiết với Trung Quốc lên hàng đầu. Qua việc ép buộc các đảng viên học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng đã nhồi khéo cho họ tư tưởng suy nghĩ thần phục Trung Quốc một cách rất kín kẽ và tài tình.
Đồng thời Trọng cũng lợi dụng chiêu bài tư tưởng Hồ Chí Minh để khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất do Hồ Chí Minh chọn ra, không đi theo con đường này tức đi trái với tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến ở Việt Nam nhìn nhận khác chiều về tư tưởng Mác Lê, nhưng tuyệt đối không có ý kiến nào dám đi trái quan điểm của Hồ Chí Minh. Vì biết rõ tâm lý tôn thờ lãnh tụ của người dân Việt Nam nên Trọng đã gán chặt vào đầu của Hồ Chí Minh tư tưởng xã hội chủ nghĩa để không ai dám phản đối. Ngay cả việc quan điểm xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh có phải là quan điểm nhất quán của ông ta hay không. Trước kia đã có học giả cho rằng đó không phải là quan điểm nhất quán của ông Hồ Chí Minh, nhưng đến nay thì không ai dám bàn lại về vấn đề này.
Về mặt đạo đức, Hồ Chí Minh là người chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và xây dựng đảng. Trọng chọn điểm này để dùng nó tạo quyền lực cho cá nhân mình. Chăm lo bồi dưỡng thế hệ sau tức là quyền sắp đặt, lựa chọn nhân sự tiếp nối. Xây dựng đảng là thanh trừng các đối thủ chính trị. Vì thế Trọng đặt điều kiện trong chương trình học tập này, do Trọng chỉ đạo thực hiện, rằng sẽ là căn cứ đánh giá, bình chọn, xếp loại đảng viên thực hiện hàng năm, để qua đó Trọng có thể loại những phần tử có tư tưởng lệch lạc không trung kiên với con đường xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc đang ép Việt Nam phải theo đuổi cùng với họ.
Về mặt phong cách Hồ Chí Minh, Trọng đưa ra ý chống chủ nghĩa cá nhân. Ở đây chưa nói đến việc bản thân Hồ Chí Minh có xây dựng chủ nghĩa cá nhân cho mình hay không. Chúng ta chỉ nói đến việc bây giờ, một quan chức nào muốn thay đổi hoặc làm điều gì đó có ích lợi cho đất nước dân tộc sẽ bị hạn chế bởi điều này. Bởi những hành động tích cực của họ sẽ bị đánh giá là mang tính chủ nghĩa cá nhân, xây dựng hình ảnh cá nhân. Trong lịch sử toàn nhân loại, những chính khách lớn đều có những quyết đinh đột phá và đương nhiên tên tuổi của họ được lưu truyền bởi điều ấy.
Tổng kết nhận xét, việc đẻ ra Chỉ thị 05 và biên soạn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là thiếu khách quan, gán ghép, cắt xén, áp đặt tư tưởng cho một người đã chết, là nhằm mục đích phục vụ xây dựng quyền lực cá nhân của Nguyễn Phú Trọng, thực hiện âm mưu Hán hóa cán bộ, đảng viên Việt Nam. Thanh trừng những ý kiến muốn thoát khỏi con đường xã hội chủ nghĩa đang èo tuột và bế tắc.
Đây là một chủ trương thâm độc mang tính lâu dài đánh vào hệ tư tưởng xã hội, khiến người dân và cán bộ mất đi tính sáng tạo, đột phá. Biến họ trở thành những con người thụ động, lệ thuộc máy móc một cách vô thức vào khuôn mẫu tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên. Khi triển khai chương trình, khó ai nhận thấy sự thâm độc và hậu quả nặng nề của nó tác động lên vận mệnh đất nước.
Các nhà nghiên cứu lịch sử, lý luận Việt Nam cần phải có những phản ứng kiên quyết và rõ ràng, để xác định rằng những cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh mà Chỉ thị 05 và cuốn sách ban tuyên giáo biên soạn làm tài liệu học tập theo chỉ thị kia, có đúng là thể hiện đầy đủ tư tưởng của Hồ Chí Minh hay không ? Hay chăng chỉ là những chọn lựa mang tính thủ đoạn không sòng phẳng để phục vụ âm mưu chính trị của những kẻ cầm quyền bây giờ. Phải cần thiết làm minh bạch, không cho những kẻ cơ hội như Nguyễn Phú Trọng độc quyền khai thác theo kiểu vay mượn, chắp vá, xào nấu chế biến thành một thủ đoạn chính trị thâm độc làm hại đến vận mệnh đất nước sau này.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972.blogspot, 20/02/2017