Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/08/2018

Những thành trì chống Mỹ : từ chết đến bị thương

Ánh Liên

Iran đang cùng với Venezuela trở thành 2 nước tuyến đầu chống Mỹ, thay cho anh cả Triều Tiên xã hội chủ nghĩa.

chong1

Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, và Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro : Iran đang cùng với Venezuela trở thành hai nước tuyến đầu chống Mỹ

Tuần vừa qua, Iran đã cho bắt giữ lãnh đạo Ngân hàng Trung ương nước này, ông Ahmad Araghchi, vì cho rằng xử lý kém cỏi. Thêm vào đó, Iran đang xem xét việc thế lực thù địch, trong và ngoài nước cấu kết với nhau nhằm phá hoại nguyên nhân của tiền tệ (đồng rial) chứ không phải do chính sách của chính phủ.

Cách thức xử lý các vấn nạn liên quan đến sự tồi tệ của nền kinh tế, với xu hướng đổ lỗi cho các thế lực thù địch có vẻ Iran học hỏi rất nhanh các nước xã hội chủ nghĩa. Nơi mà 'thế lực thù địch' là kẻ chịu trách nhiệm chính và là cuối cùng cho mọi tiêu cực của đất nước.

Và Mỹ, đất nước của 'đế quốc tư bản' luôn là kẻ cầm đầu phá hoại, như cách mà mới đây Tổng thống Venezuela từng tuyên bố.

chong2

Một bức tranh tuyên truyền chống Mỹ của Triều Tiên, kết quả quốc gia này rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng với đại bộ phận người dân.

'Những bàn tay bẩn thỉu đằng sau bức màn trướng', mô tả sự mất giá của đồng Rial từ Bộ trưởng Tư pháp Iran Ayatollah Sadeq Amoli Larijani lần này lại bao gồm cả những quan chức cấp cao nhất phụ trách về mặt kinh tế. Nói cách khác, 'bàn tay bẩn thỉu' có cả những người trong bộ sậu Chính phủ hiện thời.

Tuy nhiên, theo trang tin The Guardian, thì việc sụt giảm đồng rial nđược xác định là do Tehran không lường trước được tác động tiêu cực của việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran tới kinh tế tài chính nước này. Và cách ứng phó duy nhất vẫn là lên án 'kẻ thù giấu mặt'.

Nhưng số phận của đồng Rial không dừng tại đó, nó sẽ tiếp tục bi thảm hơn khi vào lúc 4g01 phút ngày 7/8, lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khởi động lại. Theo đó, ngăn chặn Tehran thu mua USD, cấm các hoạt động xuất nhập khẩu kim loại, than, các phần mềm liên quan tới công nghiệp và ngành sản xuất ôtô.

Tất cả những sức ép tài chính mà Mỹ đang gia tăng là nhằm kiềm chế tham vọng của Iran tại Trung Đông và chấm dứt con đường tiếp cận vũ khí hạt nhân của Tehran.

'Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân, Mỹ vu khống' - quan điểm này trở nên lạc lõng hơn khi những bằng chứng được chia sẻ giữa nhóm tình báo của Isarel với Mỹ đã cho thấy, Iran tiếp tục duy trì bí mật tham vọng hạt nhân của mình, bỏ mặt các cam kết quốc tế trước đó.

'Iran sẽ chống Mỹ đến người Iran cuối cùng', điều này nếu phát ra từ giới lãnh đạo cấp cao Iran, thậm chí là từ vị Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei - người có thành kiến đầy cực đoan đối với phương Tây và Mỹ, người từng giống như Kim-Jong Un (Triều Tiên) khi cảnh báo Washington sẽ 'biến mất khỏi lịch sử'.

Những ngôn từ kích động đầy bạo lực và mang tính thù địch này không khác lắm với ngôn từ chống phương Tây, chống Mỹ tại các nước độc tài, chuyên quyền. Đặc trưng nó chỉ là sự tuyên truyền dựa trên sự kích động lòng tự tôn dân tộc thái quá, bỏ thêm sự mù thông tin của một nhóm dân.

Và trong khi giới lãnh đạo miệt mài chống Mỹ và phương Tây bằng ngôn ngữ đao to búa lớn, thì con cái họ lại được gửi đến hệ thống các trường học của Mỹ hoặc phương Tây.

Businessinsider trong một bài viết từ năm 2014 đã cho thấy, từ sau cuộc cách mạng 1979, Cộng Hòa Hồi giáo Iran được thành lập đã đóng hệ thống trường đại học có ảnh hưởng bởi yếu tố phương Tây, mà lãnh đạo giáo chủ nước này coi đó là 'mầm mống độc hại' - nói như Việt Nam là 'tạo những tên xung kích chống phá, diễn biến hòa bình'. Nhưng sau đó, con cháu của lãnh đạo Iran, giới tinh hoa sẽ được kế nhiệm lãnh đạo hay thậm chí cai trị Iran theo cách nào đó lại được đổ xô ra nước ngoài để học tập.

Ví dụ như Maryam Fereydoun, con gái của Hossein Fereydoun , em trai của Tổng thống Iran, Hassan Rouhani. 

Hossein Fereydoun là người ủng hộ cuộc cách mạng Hồi giáo, là người chịu mảng an ninh khi giáo sĩ cách mạng Ayatollah Khomeini trở về nước ; là thống đốc ; là đại sứ Iran tại Malaysia ; là cố vấn của Tổng thống. Nhưng con gái của người được cho là bày trừ phương Tây này lại học đại học Columbia, sau đó là kinh tế London thông qua học bổng Lord Dahrendorf (học bổng dành cho sinh viên tại những nước nghèo). Chồng cô, con trai đại sứ Iran tại Thụy Sỹ thì học tiến sĩ tại Đại học Oxford. Ngoài ra, còn có Mahdi Zarif, con trai của Ngoại trưởng Iran, Mohammad Zarif, và Seyed Ahmad Araghchi, cháu trai của Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Seyed Abbas Araghchi (người từng có những tuyên bố đanh thép về phía Mỹ) cũng từng học tại New York.

Những gì đã và đang diễn ra ở Iran không khác gì diễn ra ở Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba... : đổ lỗi cho chủ trương phát triển kinh tế yếu kém về phía thế lực thù địch ; công khai chống Mỹ và tuyên bố thù địch với Mỹ hoặc phương Tây ; con cháu đang sống và làm việc tại Mỹ hoặc phương Tây. 

Giới quan chức Iran và các nước hiểu hơn ai hết về về số phận của các quốc gia chống Mỹ thì số phận chỉ từ chết đến bị thương. Bài học Liên Xô, Triều Tiên, Venezuela hay cả Trung Quốc - là minh chứng sống động, logic, rất tự nhiên. Nhưng thay vì giới lãnh đạo cấp cao các nước độc tài, chuyên chính gánh trách nhiệm và hậu quả khi tuyên chiến, thì họ lại đẩy yếu tố đó về phía nhân dân.

Cần nhấn mạnh, bài viết ra đời không phải nhằm 'ca tụng Mỹ', mà chỉ cho thấy rằng, điều quan trọng trong quản trị một quốc giá chính là đáp ứng lợi quyền nhân dân, là biết nhân dân đang nghĩ, muốn và thậm chí là cần gì. Tuy nhiên, chọn bạn mạnh mà chơi không phải nước nào cũng làm được, vì ý thức hệ, vì tinh thần tôn giáo cực đoan, kết quả... bài ca chống Mỹ vẫn vang lên, còn nhân dân thì lầm than nơi đáy bể.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 08/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)