Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2018

Vì sao Thường vụ quốc hội bất ngờ hoãn bàn luật Đặc khu ?

Thiền Lâm

Việc Ủy ban Thường vụ quốc hội bất thần thông báo hoãn bàn về ‘Luật bán nước’ đã hé ra một sự thật : trong đảng và trong khối cơ quan chính phủ cùng các tỉnh thành, không phải quan chức nào cũng ‘đồng cam cộng khổ’ về lợi ích đất đai và xu hướng Thiên triều hóa với dự luật Đặc khu, không phải quan chức cũng sẵn sàng gật một cách vô não và vô đạo như một nghị trường ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’.

dackhu1

‘Cặp đôi hoàn hảo’ Phạm Minh Chính - Nguyễn Thị Kim Ngân được cho là ‘giương cao ngọn cờ đặc khu dành cho người Trung Quốc’. Ảnh : Vietnammoi.vn

Vào những ngày đầu tháng Tám năm 2018, một bản thông cáo mới nhất về chương trình kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – được phát đi từ Văn phòng Quốc hội – đã bất ngờ biến mất nội dung ‘cho ý kiến về dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu)’ như chương trình được lên trước đó.

Dự án luật này "đang được cân nhắc lại" – Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc viện dẫn lý do.

Không còn nghi ngờ gì nữa, hiệu ứng của cuộc tổng biểu tình Mười tháng Sáu lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn và lan ra hơn 50% tỉnh thành trong cả nước, cùng phong trào văn thư kiến nghị, phản bác trước đó của giới trí thức đã buộc đảng cầm quyền, chính phủ và một quốc hội ‘đầu sai của đảng’ phải lùi thông qua dự luật Đặc khu để ‘nghiên cứu tiếp’, để cho đến nay phải tìm cách hoãn bàn về ‘luật bán nước’ vì lo sợ sẽ bùng nổ một phong trào biểu tình khổng lồ mới của dân chúng, dù trước đó đã muốn đặt dự luật này vào sự đã rồi mà không thèm quan tâm đến quan điểm, chính kiến và ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Mạng xã hội đã biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính – Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này ; Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng ; và cả Nguyễn Phú Trọng – một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi !’ thì lại tuyệt đối mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ dự luật Đặc khu.

Vào giữa năm 2018, bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận xã hội và hàng triệu cử tri, Quốc hội Việt Nam vẫn một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó : không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền TP.HCM biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.

Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.

Nhưng cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 chống luật Đặc khu đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Cuộc biểu tình khổng lồ này cũng là đầu tiên xác quyết không chỉ phản đối một chủ trương hay một chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện sự phản kháng trực tiếp đối với chính quyền.

Rộng hơn hẳn và đông hơn hẳn các cuộc biểu tình trước đây, phong trào biểu tình phản đối Luật Đặc khu không chỉ bùng nổ ở Sài Gòn mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác như Nha Trang, Cam Ranh, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Mỹ Tho…

Không chỉ là những tiếng hô "Không Trung Quốc, Không đặc khu !", "An ninh mạng, Bịt miệng dân !", mà cả tiếng thét "Đả đảo bọn bán nước", "Đả đảo cộng sản bán nước", "Đả đảo Việt gian".

Từ luật Bảo hiểm xã hội đến dự luật Đặc khu – chỉ có cơn lôi đình căm phẫn của hàng chục triệu người dân mới có thể khiến đình hoãn những điều khoản ‘bán nước’.

Chỉ đến khi không khí và tâm trạng bức xúc của dân chúng lên cao độ vào tháng Sáu năm 2018, ông Phúc mới lộ hình để thanh minh : ‘Giao đất 99 năm không phải mấu chốt của luật đặc khu".

Nhưng khi không khí bức xúc của dân chúng và trí thức không còn là mỉa mai hay chỉ trích đối với dự luật đặc khu mà đã bùng nổ thành rất nhiều văn thư, bài viết phản bác và phản kháng, đồng thời manh nha một làn sóng biểu tình phản đối dự luật này, ông Phúc lại ‘tự diễn biến’ khi tự thay đổi quan điểm trước đó của mình sang ‘Sẽ điều chỉnh cho thuê đất đặc khu xuống dưới 99 năm’.

‘Một dân tộc yêu nước như thế thì không lo gì mất nước’ – Thủ tướng Phúc không quên thòng.

Kể từ thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tiến một bước dài đến phong cách đa ngôn ngữ và ‘đa nhân cách’ trong hệ thống từ điển tiếng Việt và hồ sơ phân tâm học – bằng vào những gì ông ta bộc lộ liên quan đến cuộc chiến Dự luật đặc khu.

Sang tháng Bảy năm 2018, lồng trong bầu không khi căng thẳng và tàn nhẫn khi công an lao vào ‘bắt nguội’ và đưa ra xử án nhiều người dân biểu tình, Thủ tướng Phúc bắt đầu lấp ló ‘sẽ xin ý kiến nhân dân về luật Đặc khu’.

Chính phủ đã quan tâm đến ‘ý kiến nhân dân’ từ khi nào thế ?

Còn nhân dân thì làm sao quên được một sự thật quá sức trần trụi : một trong những quyền dân đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1992 là trưng cầu dân ý vẫn chưa hề được luật hóa cho đến tận giờ đây.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 07/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)