Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Ngọc Sơn nói rằng khi nói về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thì việc chấm một tác phẩm nhiếp ảnh dàn dựng đoạt giải sẽ phản tác dụng tuyên truyền ; đặc biệt là hiện nay lòng tin của người dân vào Đảng Cộng sản đang giảm sút nghiêm trọng.
Bức ảnh "Giúp người già" đạt giải A.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn đang muốn nói đến tác phẩm "Giúp người già" của tác giả Phạm Ngọc Châu đạt giải A ở cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đợt 1 (2016 - 2018) do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức, và trưng bày tại trụ sở cơ quan này, số 54 Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh từ tháng 5-2018.
"Một tấm ảnh chụp theo phong cách dàn dựng bố cục, có chủ định sắp xếp và được diễn nhiều lần để chọn một tấm diễn có vẻ thật nhất. Một tấm ảnh kết cấu như vậy để nói về chủ đề học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ thì không ổn. Ở đây phải là thể loại ảnh báo chí, phải thật, cần chụp thật, chụp đúng.
Ảnh không chỉ là vấn đề nghệ thuật mà phải phản ánh chân thực cuộc sống. Cụ già ở nông thôn Đồng Tháp ít khi đi xe đạp và đi mua loại cam chín vàng như vậy để cúng kèm bó bông vạn thọ (loại bông này thường cúng ở bàn thờ). Lẽ ra, nếu có dàn dựng thì phải là loại cam da xanh của miền tây, chứ loại da vàng này thường là cam Trung Quốc. Hơn nữa ở nông thôn, người già ít khi đi xe đạp để ra chợ kiểu vầy.
Nhìn tấm ảnh, người ta có quyền trách cứ con cháu của bà cụ ở đâu mà để bà phải đạp xe đi mua hoa, quả để về cúng như vậy ? Hiểu rộng ra, có lẽ chính quyền địa phương chưa làm tốt việc chăm sóc người cao tuổi, vốn được quy định rõ trong Luật Người Cao tuổi được ban hành từ năm 2009". Ông Huỳnh Ngọc Sơn phân tích.
Giới nhiếp ảnh nghệ thuật ở Sài Gòn nói rằng có trách thì phải trách người đã chấm giải A cho tác phẩm dàn dựng "Giúp người già". Do chuyện ảnh của Việt Nam thường yêu cầu cái gì đề cập đến cũng phải rõ ràng, vì sợ hiểu lầm. Từ nhu cầu đó, người chụp chọn cách dễ nhất là dàn dựng. Bản thân người được chụp ở Việt Nam cũng thích những bức ảnh dàn dựng. Khi chọn cái thật, là đã chọn cái khó. Người đời có xu hướng chọn cái dễ. Dễ từ người chụp, dễ từ người chọn, dễ từ người đánh giá, dễ từ người sử dụng.
Để phục vụ tuyên truyền thì nội dung bức ảnh phải tốt, phải tròn trịa, phải dễ hiểu. Muốn cẩn thận thì phải dàn dựng.
Người viết nhớ lại câu chuyện kể của hai cố nhà báo là phóng viên ảnh chiến trường : Hồ Hải và Trần Minh Trường. Theo lời ‘trà dư tửu hậu’ của hai ông, thì thời chiến tranh, trong một lần đến Hàm Rồng, Thanh Hóa để tuyên truyền về gương chiến đấu giỏi, các ông đã bắt gặp một nữ chiến sĩ có khuôn mặt rất đẹp. Nhiều ống kính đã ghi hình cô gái này và sau đó lại dùng tấm ảnh ấy cho bài viết tuyên truyền về chiến tích một cô gái khác.
Rất nhanh sau đó, cô gái có hình trên báo chí đã được lãnh đạo cất nhắc. Chức vụ cao nhất trong sự nghiệp chính trị của cô là… bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
"Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là có thật. Phải học tập cái thật, đề cao giá trị nhân bản có thật. Khi anh sắp đặt là anh tạo ra cái giả, bắt hiện thực theo ý anh. Anh đừng can thiệp vào, thậm chí cần chân thực ngay cả trong bố cục, ánh sáng. Nhiếp ảnh có năng lực ghi lại những cái có thật. Nó khác hẳn với văn thơ, nhạc, họa, các tác giả hoàn toàn có thể hư cấu. Trước hết, nhiếp ảnh là tài liệu xác thực. Chính vì vậy, nhiếp ảnh tồn tại". Ông Huỳnh Ngọc Sơn bình luận về thể loại ảnh báo chí như vậy.
Góc nhìn khác. Nhiếp ảnh gia Việt Thanh nói rằng tuy ông không thích chụp ảnh theo kiểu dàn dựng, sắp đặt, nhưng cũng không quá khắt khe với nó. Chẳng hạn như chụp một bức ảnh về cuộc sống thường ngày của một ai đó, có thể set-up dựa trên sự thật vì công việc đó họ làm hằng ngày, đúng logic cũng có thể chấp nhận được, nhưng phải cân nhắc sao cho hợp lý.
Và với góc nhìn đó có thể lý giải vì sao dư luận trên mạng xã hội chê bai "Giúp người già" của tác giả Phạm Ngọc Châu, là một dàn dựng quá thô thiển, đầy mỉa mai cho chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Một nhiếp ảnh gia sẽ ghi lại những khoảnh khắc quan trọng một cách lặng lẽ, kín đáo. Họ sẽ làm việc chăm chỉ, di chuyển hàng chục ngàn bước chân trong ngày và chụp lại những khoảnh khắc đẹp nhất của sự kiện. Trong thế giới quá tải thông tin, hình ảnh càng trở nên đáng giá và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, minh chứng là mức tiếp cận vượt trội của các bài viết kèm hình trên mạng xã hội.
Bức ảnh đáng giá hàng ngàn lời nói, và trong cách hiểu đó có thể nhận rõ rằng tác phẩm "Giúp người già" của tác giả Phạm Ngọc Châu khi được chọn trao giải A ở cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đợt 1 (2016 - 2018), đã góp phần lý giải cho nguyên nhân do đâu mà người dân ngày càng mất niềm tin vào Đảng cầm quyền.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 08/08/2018