Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/02/2017

Ô nhiễm môi trường và sự minh bạch của nhà nước

Kính Hòa

Ngày 17/2 một vệt nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Hà Tĩnh. Hầu như cùng lúc, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một ống xả thải ra biển một dòng nước đỏ ngầu. Lời chú thích cạnh bức ảnh cho biết đó là một ống xả của nhà máy luyện thép Formosa ở Hà Tĩnh.

onhiem1

Nhân viên vệ sinh môi trường làm sạch con kênh Tô Lịch ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP photo

Ngày 19/2 báo chí Việt Nam cho biết cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã lấy mẩu nước màu đỏ để thử nghiệm. Ngày 20 tháng 2 báo mạng Hà Tĩnh nói rằng bức ảnh chiếc cống xả thải không phải là ở Formosa Hà Tĩnh.

Nhiễu loạn xung quanh chiếc cống xả thải

Một nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi là dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, hiện sống ở Hà Nội, nói rằng khi mới thấy bức ảnh anh cũng cho rằng đó là cống xả thải của Formosa, nhưng sau đó thì ngờ vực vì thấy có nhiều điều không hợp lý, nhưng cho đến thời điểm trả lời phỏng vấn của chúng tôi, anh Tuấn nói rằng cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa cho biết cái cống xả nằm ở đâu :

"Tôi cho rằng việc định ra cổng xả đó nằm ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam là việc mà cơ quan chức năng Việt Nam phải xác định. Và phải xác định luôn cổng xả đó nó xả như thế, vậy thì việc xả đó có thường xuyên hay không, chất thải đó có nguy hại hay không ?"

Anh Nguyễn Anh Tuấn là một trong những người soạn thảo các trang tài liệu tố cáo việc gây ô nhiễm của công ty Formosa trong thảm họa Vũng Áng, tháng tư năm 2016, gửi đến Quốc hội Việt Nam.

Cho đến ngày 20 tháng hai thì chưa có cơ quan chức năng nào của Việt Nam trả lời bức ảnh về cống xả thải có phải là ở Việt Nam hay không.

Nhà báo tự do Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng nói rằng khi ông thấy bức ảnh cùng với những thông tin xung quanh nó, ông cảm thấy một sự nhiễu loạn lớn, không biết tin vào đâu. Và nguyên nhân của sự nhiễu loạn đó là do bởi truyền thống tự kiểm duyệt của báo chí Việt Nam :

"Cái nhiểu đấy là đáng lo, vì lâu nay có vấn đề gì nhạy cảm thì truyền thông coi như im lặng hết, họ lấy băng keo bịt miệng hết. Chỉ may ra có các nhà báo độc lập có đi điều tra thôi chứ báo chí chính thống thì không có. Vụ này tôi thấy chả có gì cả, đáng lý các nhà báo phải đi điều tra, phải lên tiếng ngay, chứ đâu có gì. Báo chí về vụ này hầu như im lặng, và đặc biệt đụng đến vấn đề Formosa nữa. Cũng như cái vụ biểu tình (chống) Formosa thì báo có bao giờ nêu lên đâu".

Ô nhiễm và bất ổn xã hội

Cuộc biểu tình chống Formosa mà ông Trương Duy Nhất nêu lên xảy ra vào ngày 14 tháng hai năm nay, khi có hàng ngàn người dân Nghệ An đi bộ vào Hà Tĩnh để đưa đơn kiện công ty này gây thiệt hại đời sống của họ. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp. Trên mạng xã hội người ta thấy hàng trăm bức ảnh người dân bị đánh đổ máu.

Vài ngày sau báo chí chính thống Việt Nam đưa ra hình ảnh một chiếc xe của cảnh sát bị bể kính, cùng những lời tố cáo các vị lãnh đạo tôn giáo ở Nghệ An sách động chống chính quyền.

VIETNAM-TAIWAN-ENVIRONMENT-POLLUTION-PROTEST

Người dân biểu tình chống tập đoàn Formosa gây ô nhiễm môi trường biển. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Cuộc biểu tình ngày 14 tháng 2 năm 2017 không phải là cuộc biểu tình đầu tiên về vấn đề môi trường tại Việt Nam. Sau thảm họa môi trường Formosa bùng nổ vào tháng tư năm 2016, một cuộc biểu tình lớn nổ ra vào ngày 1 tháng 5, sau đó có nhiều cuộc biểu tình khác có khi lên đến 10 ngàn người.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, người từng tham gia vào cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào năm 2015 nói với chúng tôi :

"Có vẻ vấn đề môi trường đang nổi lên thành một vấn đề gây bất ổn xã hội hơn, và tôi cho rằng đảng cộng sản cũng như là nhà nước mà nó đang kiểm soát, phải chú ý hơn đến vấn đề này, đặc biệt là các bên phải tuân thủ tốt hơn các định chế về môi trường của mình".

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới cho rằng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam làm tổn hại đến 5,2% tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam.

Nhưng con số 5,2% dù lớn vẫn là con số trên giấy tờ. Những tai họa môi trường đã dần dần ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Và họ đã phải lên tiếng, bằng những vụ thưa kiện không thành công, dẫn đến những cuộc biểu tình rất đông người, dẫn tới xung đột với cơ quan chức năng.

Nhà báo Trương Duy Nhất nhận định :

"Sự lên tiếng đó anh không thể bịt được. Môi trường nó ảnh hưởng một diện rộng như thế thì người ta lên tiếng như thế, anh lại không giải quyết, chính quyền lại lấp lửng, chậm trễ trong việc điều tra việc lên tiếng, tạo thành những làn sóng biểu tình, kéo theo nhiều vấn đề về mặt xã hội khác mà chính quyền phải đối chọi".

Từ vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy Vedan gây ra tại vùng ngoại ô Sài Gòn vào năm 2008 đến tại họa Formosa năm 2016, ý thức của dân chúng Việt Nam về môi trường đã cao hơn rất nhiều. Nhưng cách thức giải quyết các vụ khủng hoảng môi trường của cơ quan chức năng vẫn dường như không có gì thay đổi. Trong cuộc khủng hoảng Vũng Áng Formosa, người ta thấy một số quan chức đi tắm biển và ăn cá để chứng minh rằng nước biển đã sạch. Tuy nhiên điều đó vẫn không đánh tan đi sự ngờ vực trong lòng người dân, mà nói như nhà báo Trương Duy Nhất, đó là một sự nhiễu loạn.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nguyên nhân của vấn đề đó nằm ở định chế nhà nước hiện nay của Việt Nam :

"Xét cho đến cùng thì nó vẫn là vấn đề của một thể chế đơn nguyên không có tam quyền phân lập. Cho nên không có khả năng kiểm soát, không có khả năng chống tham nhũng. Vấn đề tham nhũng trong môi trường liên quan đến khía cạnh minh bạch. Tức là không có ai giám sát các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp luôn có xu hướng mua chuộc lẫn nhau. Doanh nghiệp luôn có xu hướng mua chuộc các cơ quan công quyền, kiếm lời từ việc xử lý thải không đạt chuẩn. Đại diện cho người dân là các hội đồng nhân dân các cấp thì chỉ là những diễn viên đang diễn cái vở kịch chính trị thôi. Họ không thực sự đại diện cho người dân. Một lực lượng nữa là xã hội dân sự thì còn tương đối yếu, lại còn bị đàn áp nặng nề. Đây là một thực trạng rất khó khăn".

Trong một vụ ô nhiễm gần đây xảy ra do một nhà máy dệt tại tỉnh Hải Dương, những người dân mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng cơ quan chức năng đã bao che cho việc làm phạm pháp của doanh nghiệp, trong khi các viên chức nhà nước thì lại cho rằng họ đã xử lý việc phạm pháp đó.

Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói rằng anh chẳng phải là một nhà hoạt động, hay đang hoạt động chính trị gì cả, mà những việc làm của anh là nhằm bảo vệ cuộc sống cho những người dân thường Việt Nam, trong tư cách là một công dân Việt Nam.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 21/02/2017

**********************

Môi trường ô nhiễm, dân kêu cứu (RFA, 21/02/2017)

Theo những thông tin loan tải trên báo chí, truyền hình, chúng tôi tìm hiểu, liên lạc với bà con xã Lai Vu, huyện Kim Thảnh, tỉnh Hải Dương nơi đã mấy năm nay người dân phải chịu đựng thảm cảnh nguồn nước ô nhiễm và mùi hôi thối bốc lên hàng ngày do nước thải công ty TNHH Pacific Crystal xả vào sông Rạng – nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho bà con thuộc 3 xã Cộng Hòa, Lai Vu và Ái Quốc.

moitruong1

Công ty TNHH Pacific Crystal ở tỉnh Hải Dương. Photo courtesy of inres.vn

Xả thải gây ô nhiễm

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pacific Crystal là một thành viên của Tập đoàn Crystal Hồng Kông, với nhà máy đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dệt vải, và phụ liệu ngành dệt.

Tuy nhiên, người dân địa phương tố cáo từ khi được đưa vào hoạt động năm 2014, công ty này liên tục xả nước thải ra hồ điều hòa Khu công nghiệp Lai Vu và ra con sông Rạng khiến người dân vô cùng bức xúc. RFA trao đổi với ông Bùi Duy Tôn, một người dân xã Lai Vu thì được cho biết :

Từ khi Pacific mà dân bọn tôi gọi là bọn nhuộm đó, thời kỳ mới về thì không có nhà xử lý nước thải. Bây giờ bắt đầu mới đang làm chứ thời mới về cách đây chừng 2, 3 năm xả thải lung tung ra các đường rãnh thoát nước của khu công nghiệp đó, và đổ ra hồ. Hồ cách đây 2,3 năm về trước người ta cho thả cá, vừa rồi có hiện tượng cá chết thì họ mới đuổi không cho xả ra đó nữa.

Một người dân khác, bà Tăng Thị Tân, cũng là người con xã Lai Vu, lên tiếng bất bình khi thấy môi trường nơi bà sinh ra và lớn lên bị ô nhiễm nghiêm trọng :

Họ biết là nhiều lần rồi nhưng hôm đó họ bắt được quả tang họ mới gọi phóng viên VTC14 về. Nó cứ xả ra là dòng sông đen ngòm. Từ hôm kia đến nay thì nó lại xả ra cống ngầm chìm hôi thối lắm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hải Dương về kết quả phân tích mẫu nước xả thải của Công ty Pacific có 5/10 thông số của các hóa chất pH, TSS, COD đều vượt chuẩn nhiều lần với lưu lượng xả thải từ 1.500 cho tới 2000m3/ngày

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả, theo tìm hiểu của chúng tôi bà con nơi đây không những phải chịu đựng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, mà giấc ngủ hàng ngày cũng không được trọn vẹn vì công ty hoạt động ban đêm gây ra tiếng ồn lớn. Ngay cả bầu không khí họ hít thở cũng nặng mùi khét :

Công ty đó hiện giờ vẫn hoạt động, nó xả ra không những nước thải mà còn cả ô nhiễm không khí. Có thời kỳ 4 rưỡi, 5 giờ có mùi hắt vào trong dân như đốt ny-lông. Có những hôm cảm tưởng như có màn sương mù.

Tai họa ập đến vùng quê vốn yên bình bao năm nay, người dân lên tiếng cầu cứu với chính quyền nhưng xã nhưng xã cho biết họ không đủ thẩm quyền giải quyết. Con giun xéo lắm cũng quằn, người dân tiếp tục báo cáo lên chính quyền huyện và tỉnh nhưng anh Tôn cho biết vấn đề đâu vẫn hoàn đó. Anh chia sẻ thêm với chúng tôi :

Chúng tôi cũng lên chính quyền xã nhiều lần rồi nhưng xã người ta cũng không để ý đến việc này. Bên cạnh đó thì kể cả là tỉnh, huyện, rồi trên trung ương chúng tôi cũng có đề xuất nhưng thực chất ra người ta vẫn cho là dân chúng tôi chưa lấy được tiền ruộng nên muốn gây khó khăn cho người ta. Bây giờ các cơ quan pháp luật ngươì ta không giải quyết, chúng tôi chả biết kêu vào đâu.

Chính quyền nói gì ?

moitruong2

Đường ống xả thải của Công ty Pacific Crystal đang được xử lý khắc phục. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn

Cũng trong cuộc trao đổi với anh Tôn, chúng tôi được biết mấy năm về trước có đội ngũ công an từ trên huyện, tỉnh về làm việc nhưng kết quả ra sao người dân không hề hay biết, thậm chí lãnh đạo của thôn, xã có đi giám sát cùng với nhóm công an đó nhưng cũng không lên tiếng báo cáo cho dân. Trước tình hình đó chúng tôi có liên lạc với ông Bùi Duy Hường - Chủ tịch UBND xã Lai Vu thì chỉ được cho biết ngắn gọn như sau :

Có một chút vụ việc xảy ra, địa phương phản ảnh báo cáo với huyện với tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh đã xử lý xong rồi, xử phạt rồi. Bây giờ tỉnh chỉ đạo cho công ty phải khắc phục ngay.

Liên hệ tiếp với Phó Chủ tịch Huyện Kim Thành, ông Nguyễn Văn Hán, chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời chóng vánh :

Cái đấy huyện và tỉnh đã phối hợp xử lý rồi, bây giờ nó đang khắc phục rồi, khắc phục ngay rồi !

Theo nguồn tin chúng tôi ghi nhận được, Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã xử phạt gần 700 triệu đồng với hành vi vi phạm của Công ty này và yêu cầu Công ty phải dừng ngay việc xả thải vào nguồn nước của bà con người dân. Tuy nhiên theo bà Tân hiện tại Công ty này vẫn đang tiếp tục xả xuống sông Rạng. Bà cho biết suy nghĩ của mình về cách hành xử của Chính quyền như sau :

Xã bây giờ vào hùa với bọn đấy ăn hối lộ, đút lót, không làm việc đâu. Vừa rồi tỉnh có phạt 700 triệu nhưng nó vẫn xả. Bây giờ nó không có chỗ xả thì nó biết làm cách nào. Vẫn xả ra cống ngầm, xong rồi ra sông cái gọi là sông Rạng hay sông Kinh Thầy gì đó, nhưng mà nước vào nó lại chảy vào dân. Nguồn nước sinh hoạt bây giờ lấy từ sông đó vào mà. Chỗ mà nó xả ra là bây giờ có cá chết.

Đáp lại email của RFA hỏi về nguyên nhân vì sao sau khi thảm họa Formosa xảy ra, dấy lên một lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp về vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng hiện tượng này vẫn chưa dừng lại, tiến sĩ Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi cho biết vấn đề nằm ở hệ thống pháp luật - hành lang chưa đáp ứng thực tế. Đội ngũ thực thi pháp luật chưa nghiêm do nhiều lý do, song lý do lớn nhất vẫn là đồng tiền :

Còn nguyên nhân tại sao đồng tiền nó lại chi phối được nhiều thế thì nhiều người đã biết rõ và đã phản ánh trên công luận.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều nơi trong cả nước vẫn ưu tiên FDI để phát triển kinh tế nên việc chưa nghiêm khắc trong các giải pháp phòng ngừa bảo vệ môi trường, thường là phạt cho tồn tại. Các nhà máy thép, dệt, giấy, nhiệt điện vv…là các nguồn ô nhiễm hóa chất không gian rộng. Việc đánh giá tác động môi trường tới xã hội, con người (sinh nở và bệnh tật - thường hậu họa dài hạn) chưa được coi trọng đúng mức.

Vấn đề thực tế hiện nay là "lực bất tòng tâm" vì nhân lực và nguồn lực yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, yếu tố bất khả kháng này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến "nhiều công ty vẫn xả thải vào nguồn nước của người dân", mà là do cơ quan quản lý không làm tròn trách nhiệm đã quy định trong luật pháp (nói mạnh là không có "tâm" để mà tòng).

Nguyên nhân thứ 3 không kém quan trọng là bình diện kinh tế, văn hóa và xã hội ở ta mới chỉ ở mức đó, không thể có một thể chế văn minh vượt lên trên nó được trong hoàn cảnh hiện nay.

Ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của con người mà có thể chưa thể hiện ra một sớm một chiều. Hôm 16/2 vừa qua, một nhóm nhà khoa học ở Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi năm có đến hàng triệu ca sinh non ở các nước Đông Nam Á liên quan đến ô nhiễm không khí.

Những công ty như Pacific Crystal quả thực mang lại nguồn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, nhưng nếu người dân phải đánh đổi cả sức khỏe, sinh mạng của mình thì liệu có xứng đáng hay không ?

Lan Hương, phóng viên RFA

*********************

Ô nhiễm môi trường 'đe dọa ổn định ở Việt Nam' (BBC, 21/02/2017)

Bas du formulaire

onhiem3

Thảm họa môi trường này đã gây ra biểu tình ở nhiều nơi

Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt ngày càng nhiều với những vấn đề về môi trường, một bài báo với tựa đề "Xanh và đỏ ở Việt Nam" của tạp chí hàng tuần The Economist viết hôm 16/2.

Theo bài này, thảm họa môi trường biển do việc xả thải của Formosa đứng đầu danh sách và những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngư dân. Nhiều người dân địa phương giờ đây không muốn mua hải sản họ đánh bắt, vì sợ vẫn còn bị nhiễm độc. Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với rất nhiều đoàn khách du lịch đã hủy các kỳ nghỉ của họ vì không muốn tắm biển ở những bãi cát ô nhiễm.

Bài báo này còn kể đến các tình trạng ô nhiễm khác đang phá vỡ phong cảnh tuyệt vời của Việt Nam. Chẳng hạn, việc xây đập, đào giếng khơi và canh tác chuyên sâu đang làm hủy hoại vùng đồng bằng sông Mekong, khói bụi làm ô nhiễm bầu trời Hà Nội, các nguồn nước thải công nghiệp của Việt Nam chảy xuống sông hồ hay một số làng mạc có tỷ lệ ung thư cao bất thường, mà nguyên nhân có thể là do nguồn nước bị nhiễm chì.

Biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề môi trường khác mà Việt Nam phải đương đầu. Một số ý kiến cho rằng 1/5 địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ bị chìm vào cuối thế kỷ này. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt và ngập lụt có thể sẽ đánh vào các khu dân cư ven biển.

onhiem4

Hà Nội bị cảnh báo vì ô nhiễm không khí

Môi trường và chính trị

Những vấn đề môi trường kể trên đặt ra nhiều thử thách cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều người dân miền Trung đã tham gia các cuộc biểu tình đòi được Formosa và chính phủ bồi thường quyền lợi thích đáng. Kể cả nhiều người không bị ảnh hưởng vì thảm họa này cũng bày tỏ sự bất bình.

"Hầu hết người Việt Nam nghĩ các vị lãnh đạo của mình nương nhẹ Trung Quốc, và bất bình với việc Đảng Cộng sản đã cho phép một công ty gần như là Trung Quốc xả độc ra biển", tờ The Economist viết tiếp.

Điều này là đáng sợ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đã thấy phong trào về môi trường ở Đông Âu làm vùi dập những người cộng sản ở đó, và họ đã mạnh tay xử lý những người lãnh đạo các cuộc biểu tình.

Đảng Cộng sản muốn người nước ngoài coi Việt Nam là đối tác đáng tin cậy về những vấn đề toàn cầu như thay đổi khí hậu, không phải là một nước lạc hậu.

Các quan chức ở các tỉnh phớt lờ luật lệ do Hà Nội đưa ra, và các doanh nghiệp nhà nước lớn thường không thể chạm tới được. Hệ thống pháp lý xử lý những kẻ đối đầu một cách nhanh chóng và tàn nhẫn nhưng lại thất bại thảm hại trong việc thực thi các quy định thường ngày.

Trong khi Bắc Kinh đã bắt đầu đóng cửa nhà máy và hạn chế việc sử dụng xe hơi để làm giảm khói bụi, các quan chức ở Việt Nam vẫn lúng túng tìm cách ngăn chặn xe máy đỗ trên vỉa hè.

The Economist là tờ báo nổi tiếng thế giới. Số lượng bản in trung bình của họ toàn thế giới là hơn 1 triệu bản mỗi tuần, và hơn 10 triệu người đọc trang web mỗi tháng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kính Hòa
Read 855 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)