Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/08/2018

Tổng bí thư nói một đằng, Ngoại giao làm một nẻo

Phạm Trần

Đã xuất hiện những khác biệt nghiêm trọng giữa người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Bộ Ngoại giao Việt Nam về thái độ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

ngoaigiao1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh : Nguyễn Hồng (baoquocte.vn)

Bằng chứng này đã diễn ra trước mặt các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trên 500 đại biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 từ ngày 13 đến 17/8/2018 tại Hà Nội.

Trong số những người chứng kiến sự "bắng mặt mà không bằng lòng" giữa hai bên có cả cựu lãnh đạo đảng, nhà nước, bộ ngoại giao và gần 100 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao và cán bộ làm công tác ngoại vụ của 63 tỉnh thành trong cả nước.

Vậy những khác biệt nằm ở đâu trong diễn văn chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và trong phát biểu khai mạc của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh ?

Ngoài phát biểu khác với ông Nguyễn Phú Trọng, hai ông Phạm Bình Minh Minh và Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia còn viết bài lên án các hoạt động của Trung Quốc, dù không nêu tên, trong dịp tổ chức Hội nghị với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam : Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII".

Lời Nguyễn Phú Trọng

Trước hết, ông Trọng không dám nói chữ "Biển Đông" mỗi khi đề cập đến tình hình "khu vực" hay "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Ông nói khơi khơi và khoe khoang rằng :

"Công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước những biến động nhiều mặt rất phức tạp trên thế giới và khu vực, những diễn biến không thuận của môi trường an ninh xung quanh, những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta đã tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, bước đi phù hợp để phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.Ta đã chủ động, tích cực vận động, thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những bất đồng và vấn đề tồn tại liên quan đến việc phân định ranh giới biển, vừa bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta, đồng thời cùng các nước khác tiến hành công tác cắm mốc giới, mở các cửa khẩu mới quản lý đường biên giới và các hoạt động hợp tác xuyên biên giới, làm cho các đường biên giới trên bộ vừa là đường biên giới hòa bình, hữu nghị vừa là đường biên giới phát triển".

Nói như nước chảy, nhưng ông Trọng không dám chỉ ra "biến động nhiều mặt" ở khu vực do nước nào gây ra ? Liệu Trung Quốc, nước duy nhất đã và đang có những hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và trực tiếp đe dọa mạng sống và đánh cướp tài sản của ngư dân Việt Nam có phải là thủ phạm gây ra "những diễn biến không thuận của môi trường an ninh xung quanh" hay không ?

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không chứng minh được Việt Nam "đã chủ động, tích cực vận động, thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những bất đồng và vấn đề tồn tại liên quan đến việc phân định ranh giới biển, vừa bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta" gì. Bởi vì, sau 9 vòng đàm phán phân chia vùng ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, hai nước Việt-Trung vẫn bế tắc tại phiên họp hai ngày 15-16/03/2018 tại Đà Nẵng. Tại kỳ họp này, vòng 6 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng không có tiến triển.

Theo tin phổ biến trên báo Dân Trí ngày 18/03/2018 thì :

"Hai bên nhất trí sớm tổ chức đàm phán vòng 10 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng 7 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Trung Quốc".

Tuy phía Việt Nam không nói ra, nhưng tại các cuộc thảo luận trước, lý do bế tắc chính ở chỗ phía Trung Quốc nhất quyết đòi phần hơn tại những khu vực có thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước.

Tài liệu của Việt Nam cho biết :

"Vịnh Bắc Bộ là vùng biển nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vịnh có diện tích mặt nước khoảng 126.250 km2 với 2 cửa biển.

Cửa chính của Vịnh Bắc Bộ được xác định từ đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị, Việt Nam đến mũi Oanh Ca, đảo Hải Nam (Trung Quốc) với chiều rộng khoảng 200 km. Cửa thứ hai là eo biển Quỳnh Châu rộng khoảng 32,5 km nằm giữa bán đảo Lôi Châu đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của hai nước trên Vịnh Bắc Bộ".

Tài liệu của Việt Nam cũng xác nhận :

"Đến nay, Việt Nam đã ký một số Thỏa thuận và Hiệp định về phân định và hợp tác trên biển với các nước láng giềng, cụ thể là : Hiệp định về vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia năm 1982 ; Hiệp định phân định ranh giới biển với Thái Lan năm 1997 ; Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Hiệp định hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ năm 2000 ; Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xia năm 2003 ; Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xia năm 1992".

(Infonet, 05/12/2014)

Tuy không trưng ra bằng cớ, nhưng ông Trọng vẫn cảnh giác cán bộ ngoại giao :

"Môi trường đối ngoại trong những năm tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Các đối tác lớn của ta đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực. Việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định do đó sẽ gặp nhiều thách thức".

Nhưng nước nào, trong số 3 đối tác lớn của Việt Nam gồm Trung Quốc, Nga và Mỹ sẽ đem điều gọi là "chính trị cường quyền" trở lại mạnh hơn trong khu vực với mục đích gì ?

Không cần phải đợi ông Trọng nói trắng ra, vì có bao giờ ông dám nói thẳng cái nước mà ông vẫn ca tụng "vừa là đồng chí vừa là anh em" 16 vàng, 4 tốt ("láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"), mang tên Trung Quốc, đã và đang chủ trương "chính trị cường quyền" đối với Việt Nam và các nước có tranh chấp với họ ở Biển Đông.

Vì vậy, dù cứ ú ớ mãi trong họng không phát ra thành chữ mà ai cũng hiểu ông Trọng muốn ám chỉ nước nào khi rào đón rằng :

"Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển sẽ đứng trước một số thách thức mới. Đó là do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả ; các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi". 

Tất nhiên ở trong khu vục Châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có nhà nước cường quyền Trung Quốc mới tôn sùng và mê muội "chủ nghĩa đơn phương" và không "tôn trọng luật pháp quốc tế" để đánh chiếm quần đào Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa tháng 1/1974. Sau đó, đến năm 1979 lại đem 600 ngàn lính vượt biên giới đánh phá 6 tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu. Có từ 40.000 đến 45.000 bộ đội và thường dân Việt Nam đã bị thiệt mạng hay mất tích trong cuộc chiền 2 giai đoạn kéo dài từ 1979 đến 1984 và từ 1985 đến 1990.

Biết nhưng vẫn cúi đầu

Từ chiến tranh biên giới Việt-Trung, quân Trung Quốc đánh chiếm 7 bãi đá chiến lược của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa ngày 14/03/1988 gồm : Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma,Châu Viên,Tư Nghĩa (còn có tên là Huy Cơ) và Vành Khăn.

Tất cả những vị trí này đã được Trung Quốc cải tạo và xây dựng thành đảo kiên cố để đồn trú quân, thiết lập căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng và đài viễn thông để kiểm soát Biển Đông.

Ông Trọng biết hết, kể cả chuyện :

"Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong gần 6 tháng qua có 20 tàu cá với 138 ngư dân ở các địa phương trong tỉnh bị tàu Trung Quốc ngăn cản, khống chế lấy tài sản khi đang khai thác thủy sản tại ngư trường truyền thống vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trong đó có tàu của ngư dân Lê Hơn (52 tuổi, ở huyện đảo Lý Sơn) bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 31102 tông chìm khi đang khai thác rong biển ở khu vực đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa) hôm 25/05/2018".

(Thanh Niên, 14/06/2018)

Hay chuyện :

"Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 tại Singapore, hôm 4/8 vừa qua đã phát biểu rằng, Trung Quốc buộc phải quân sự hóa Biển Đông nhằm tự vệ trước sức ép an ninh từ Mỹ và các nước khác ngoài khu vực". 

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai xác nhận đã "quân sự hóa Biển Đông", nhưng trong quá khứ đã có nhiều viên chức Trung Quốc, kể cả Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nhà nước, bô bô cái miệng ở Tân Gia Ba ngày 07/11/2015 rằng :

"Xin hãy để tôi nói rõ : những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa. Chính quyền Trung Quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung Quốc".

(Thông tấn Pháp, AFP)

Có 64 người lính công binh của Hải quân cộng sản Việt Nam đã hy sinh oan uổng tại Gạc Ma vì họ được Lê Đức Anh, khi ấy là Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng, ra lệnh không được nổ súng.

Chuyện bí mật lịch sử này được facebooker Phan Trí Đỉnh tiết lộ trên trang báo cá nhân của ông ngày 30/07/2018.

Ông Đỉnh viết :

"Sáng 28/7 (2018) tôi được mời tham gia một cuộc gặp mặt, gồm một số lão làng như anh Thang văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ. Anh Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế trung ương, anh Vũ Quốc Tuấn nguyên trợ lý của cụ Kiệt, anh Nguyễn Vi Khải, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương… và nhiều vị tiền bối khác.

Thảo luận nhiều vấn đề nhưng tôi chỉ muốn kể một chút về chuyện Gạc Ma 1988 và cuốn sách đang gây bão dư luận (cuốn Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử, do Thiếu tướng Lê Mã Lương làm Chủ biên).

Vấn đề không làm rõ được là mệnh lệnh "Không bắn" hay là "Không bắn trước" – Có lệnh không ? Có thì ai ra lệnh ?

Đó là khúc mắc của nhiều người, nhiều năm, và khi tôi hỏi thì Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nói rằng : "Bắn trước hay bắn sau không quan trọng mà là tinh thần giữ đảo của chiến sỹ ta là tuyệt vời"… Chuyện tiếp ở cuộc họp, khi đến đoạn này thì một ông dân sự nói to : "Tôi biết người ra lệnh Không bắn" làm cả hội trường sững sờ. Nhìn lại thì đó là ông Lê Đăng Doanh.

Tôi may ngồi gần nên tôi quay sang nói : "Bác kể xem nào".

Ông Doanh kể :

"Hôm ấy tôi với vai trò là người giúp việc Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – ngồi ngay sau Tổng bí thư nên tôi theo dõi hết.

Ông Nguyễn Cơ Thạch đập bàn, như là gầm lên rung cả cửa kính : Ai ra lệnh không bắn thì ông Lê Đức Anh trả lời "Tôi". Ông Thạch quay sang ông Linh thì ông Linh ngồi im – không có ý kiến gì.

Có một ai đó chen vào : Họ đã chuẩn bị cho Thành đô 1990 từ lúc này".

Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên bên Tầu được chọn làm nơi họp mật của Hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung  trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990.

Bách khoa Toàn thư mở viết :

"Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố, tuy nhiên trên trang thông tin chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho đăng hình ảnh chụp trong hội nghị, trong những cột mốc ngoại giao quan trọng.

Thành phần tham dự :

- Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương đảng Phạm Văn Đồng,

- Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Kết quả của hội nghị là một loạt các thay đổi trong đối nội và đối ngoại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà còn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước ASEAN".

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh là một trong số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Ông không những có uy tín cao ở Việt Nam mà còn được trọng nể ở nhiều nước về những kiến thức kinh tế và chính trị của ông. Ông Doanh đã không cải chính những gì do ông Phan Trí Đỉnh công bố về chuyện nổ súng ở Gạc Ma.

Vậy chẳng nhẽ ông Trọng, người nằm trong hệ thống lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong nhiều năm không biết những chuyện vừa kể, hay biết mà vẫn cúi đầu trước Bắc Kinh ?

Phạm Bình Minh đến Lê Hoài Trung

Thái độ và hành động của ông Trọng tại Hội nghị Ngoại giao ngày 13/08/2018, lạ thay, lại không đồng hành cùng nhân viên dưới quyền, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh về Biển Đông.

ngoaigiao2

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh : Tuấn Anh

Ông Minh phát biểu :

"Nhìn lại từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động hết sức nhanh chóng, phức tạp, có nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt.

Tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang có nhiều biến động. Sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao khiến cục diện an ninh ngày càng bấp bênh hơn. Sự vận động, đấu tranh giữa các trào lưu, xu thế cũ và mới diễn ra hết sức gay gắt. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam".

Thêm vào đó, trong bài viết phổ biến trên tờ báo đảng Nhân Dân, ông Phạm Bình Minh (con trai cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương) nhận định :

"Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là việc tôn tạo quy mô lớn và quân sự hóa trên các cấu trúc đang đe dọa hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam…

Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì và triển khai nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982".

(Nhân Dân, 13/08/2018)

Tiếp theo, người dưới quyền ông Minh là Thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cũng viết :

"Tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã kiên trì đấu tranh trên mọi mặt trận, bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa được xác lập bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)".

(Quân đội Nhân dân, 14/08/2018)

Mặc dù những lời nói và bài viết về Biển Đông của hai ông Minh và Trung không có gì mới hơn là lập lại lập trường và quan điểm của Việt Nam về giải quyết xung đột với Trung Quốc và các nước cùng tranh chấp chủ quyền, nhưng ít ra ông Minh đã dám công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc ("tôn tạo quy mô lớn và quân sự hóa trên các cấu trúc đang đe dọa hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam").

Trong trường hợp Thứ trưởng Lê Hoài Trung thì ông cũng đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đáng chú ý là những lời phát biêu về Biển Đông của ông Phạm Bình Minh đã diễn ra trước mặt ông Trọng và trên 500 viên chức cao cấp của đảng, quốc hội, chính phủ và cán bộ ngoại giao.

Sự khác biệt giữa ông Trọng, một lãnh tụ đảng bảo thủ nổi tiếng thân Bắc Kinh với ông Minh, một nhà ngoại giao chỉ nằm gọn ở chữ "Biển Đông" mà thôi.

Phạm Trần

(16/08/2018)

****************

Đọc thêm :

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 : Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 13-17/8/2018. Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có bài viết: "Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ".

ngoaigiao3

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ảnh : TTXVN

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài gần 5.000 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào ở phía Tây và Campuchia ở phía Tây Nam, đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam và 21 tỉnh của các nước láng giềng. Nước ta có 28 tỉnh, thành ven biển với bờ biển dài khoảng 3260 km, hơn 3000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Biên giới được coi là "phên dậu", là "hàng rào" ngoại vi phân định chủ quyền giữa các quốc gia liên quan. Phên dậu, hàng rào vững chắc góp phần quan trọng vào việc bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, an ninh đất nước. Biên giới lãnh thổ vừa là điều kiện, cơ sở quan trọng hàng đầu cho hợp tác giữa các quốc gia những cũng lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu của xung đột, chiến tranh. Các vấn đề về chủ quyền biên giới, lãnh thổ cũng nhạy cảm đối với người dân mỗi nước.

Công tác biên giới, lãnh thổ rất đa dạng, từ việc đi khảo sát, đo đạc thực tế (thường là ở những nơi xa xôi, địa hình hiểm trở, khó tiếp cận), việc xây dựng bản đồ, cắm mốc giới đến các cuộc đàm phán, thảo luận dài ngày, phần lớn là thầm lặng nhưng đòi hỏi ý chí, quyết tâm cao độ cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhiệm vụ chính của những người làm công tác biên giới, lãnh thổ là góp phần xây dựng, bảo vệ các đường biên giới, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, các quyền và lợi ích của quốc gia gắn với các đường biên giới, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời qua đó góp phần giữ vững hòa bình và ổn định, tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trên bộ, trên biển, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.

Góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, xác định đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến việc triển khai công tác về biên giới, lãnh thổ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao và quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, về cơ bản chúng ta đã hoàn tất việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền với các nước láng giềng; cùng các bên liên quan phối hợp quản lý đường biên giới, mốc quốc giới một cách hiệu quả, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Những kết quả nổi bật chúng ta đã đạt được trong công tác biên giới trên đất liền kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016 có thể kể đến là :

(i) công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ Việt - Trung, đường biên giới và hệ thống mốc giới được bảo vệ vững chắc; tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở khu vực biên giới được bảo đảm, công tác phối hợp mở và nâng cấp cửa khẩu từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm nguyên tắc thiết thực, hiệu quả ;

(ii) Việt Nam và Lào đã hoàn thành thắng lợi công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước, ký kết và triển khai thực hiện hai văn kiện pháp lý mới về biên giới, công tác phối hợp mở, nâng cấp cửa khẩu tiến triển tích cực ;

(iii) công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia có nhiều chuyển biến tích cực với việc Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất hai bên sẽ ký kết 2 văn kiện pháp lý nhằm ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước. Những kết quả này đã tạo cho Việt Nam và các nước láng giềng một đường biên giới có giá trị pháp lý quốc tế cao, là tiền đề quan trọng cho công tác quản lý biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng thực sự là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Từ năm 2016 đến nay, tình hình Biển Đông tuy không xảy ra những sự việc nghiêm trọng song có những diễn biến phức tạp mới đáng chú ý, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên mọi mặt trận, bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa được xác lập bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Với việc giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiên trì phấn đấu nhằm đạt được giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, chúng ta đã duy trì và thúc đẩy nhiều cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển với các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Malaysia.Việt Nam đã đồng hành cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy việc triển khai hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và hiện đang trao đổi, xây dựng nội dung của COC.

Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hình thức tuyên truyền về các vấn đề biên giới, biển đảo, đến nay đông đảo nhân dân trong và ngoài nước đã hiểu rõ về chủ quyền, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về biên giới, lãnh thổ. Chúng ta đã tranh thủ được ngày càng nhiều sự ủng hộ, đồng tình không chỉ của các tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài mà của cả cộng đồng quốc tế, cũng như nâng cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Phát triển kinh tế biên giới, tăng cường hợp tác quốc tế

Với đặc điểm trên 2/3 số địa phương trong cả nước là các tỉnh, thành biên giới và ven biển, thương mại biên giới và kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta. Chính vì vậy, phát huy tinh thần "nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" được đề ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, bên cạnh việc nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới, ngành Ngoại giao cũng tích cực phối hợp với các cơ quan trong nước và các đối tác nước ngoài đề ra các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới, biển đảo.

Việt Nam đã và đang cùng các nước láng giềng tích cực triển khai các Hiệp định, Đề án về quy hoạch, phát triển cửa khẩu, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch qua biên giới và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương biên giới nói riêng, cả nước nói chung. Các hoạt động này đã tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa các địa phương, thúc đẩy giao lưu hợp tác, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập giữa nhân dân các địa phương hai bên đường biên giới; qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biển. Không chỉ khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân các địa phương vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống, chúng ta đã tích cực, chủ động trao đổi và mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ... trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đánh bắt cá, tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển... Các hoạt động này không chỉ giúp Việt Nam và các đối tác trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn đạt được tiếng nói chung trong các vấn đề trên biển, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, tăng cường xây dựng lòng tin, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Củng cố bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác biên giới, lãnh thổ

Để đáp ứng nhu cầu công tác biên giới, lãnh thổ, thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực củng cố các cơ quan chuyên trách cấp Chính phủ, cấp Bộ, ngành và địa phương theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm, lực lượng tham gia giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ. Đồng thời, ta cũng không ngừng củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan ở Trung ương, giữa Trung ương và địa phương nhằm đạt được hiệu quả cao trong công tác này. Bên cạnh đó, ta cũng xây dựng nhiều cơ chế hợp tác với các nước liên quan trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện phát triển đất nước.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới, lãnh thổ luôn phấn đấu không ngừng nhằm hoàn thiện, nâng cao năng lực, chất lượng, tăng cường tính nhạy bén và khả năng đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước xử lý thỏa đáng các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, bảo đảm vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam. Với những nỗ lực đó, nhiều cá nhân, tập thể tham gia làm công tác biên giới, lãnh thổ đã được các cấp Lãnh đạo ghi nhận thông qua nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng. Đây cũng là động lực để các cán bộ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phương hướng thời gian tới

Tình hình biên giới, lãnh thổ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực quản lý và bảo vệ tốt đường biên, mốc giới; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, phát triển đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng cần nỗ lực cùng các nước liên quan giải quyết các vấn đề biên giới còn tồn đọng cũng như mới nảy sinh. Trên biển, chúng ta tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta như đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982; phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, nỗ lực cùng các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982. Ta cần tích cực, chủ động, sáng tạo nhằm xây dựng và thúc đẩy hợp tác trên biển với các nước liên quan, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, từ đó có thể phát huy hơn nữa sức mạnh dân tộc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp nhịp nhàng hơn để giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

TTXVN/Báo Tin tức

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)