Trong bộ máy điều hành của Chính phủ, không có Bộ Chính trị. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cũng không có điều luật nào đề cập đến thẩm quyền của Bộ Chính trị. Thế nhưng vào cuối giờ chiều ngày 15/8, nhiều báo điện tử có cùng bản tin với tít tựa "Bộ Chính trị hướng dẫn thí điểm hợp nhất cơ quan Đảng, chính quyền ở tỉnh, huyện".
Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh hoạ.
Tương tự, Luật Mặt trận tổ quốc cũng không có điều luật nào về thẩm quyền của Bộ Chính trị trong việc can thiệp vào hiệp thương chọn lựa những chức danh quản lý của tổ chức này.
Hiến pháp 2013, tại Điều 4.3 đã ghi rất rõ rằng : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Phải chăng Đảng cho mình cái quyền nghiễm nhiên đứng trên Hiến pháp và pháp luật ?
Tại sao lại là chiều ngày 15-8 ?
Ngày 7/8/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Câu hỏi đặt ra là vì sao ngày ký ban hành là 7/8, nhưng hơn tuần lễ sau thì tin tức mới đồng loạt đăng trên các báo ? Liệu có liên quan gì đến vụ việc hôm 14/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ‘phát biểu chỉ đạo, khai giảng’ Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII (lớp thứ I, năm 2018) ?. Phải chăng ông Trọng muốn đả thông tư tưởng trước khi những nội dung "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" được công khai ?
"Tôi được biết, theo chương trình, chúng ta sẽ nghe 9 chuyên đề. Đó là những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội ; xây dựng Chính phủ liêm chính và hành động ; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ ; công tác tư tưởng, lý luận ; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ; chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Với tinh thần chủ yếu là bổ túc, cập nhật những nhận thức mới, có tính chất gợi mở, định hướng để các đồng chí tự nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho công tác". Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi khai giảng Lớp bồi dưỡng.
Từ phát biểu đó, sở dĩ đặt nghi vấn về ‘đả thông tư tưởng’, vì nếu căn cứ theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, thì những nội dung của "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", mà ông cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ký ban hành trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, là việc Đảng Cộng sản Việt Nam tái khẳng định việc họ đang công khai đứng trên Hiến pháp và pháp luật.
Chính quyền của dân hay của Đảng ?
"Người được phân công kiêm nhiệm là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp ; là ủy viên ban thường vụ cấp ủy (hoặc cấp ủy viên) và là ủy viên UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc kiện toàn chức danh người đứng đầu theo trình tự : Ban thường vụ cấp ủy phân công đối với chức danh về đảng ; giới thiệu để Hội đồng nhân dân (HÐND) bầu ủy viên UBND và UBND quyết định bổ nhiệm chức vụ thủ trưởng cơ quan chuyên môn của UBND. Người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn thuộc UBND thuộc biên chế cơ quan đảng".
Đó là quy định của thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện mà Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu.
Câu hỏi đặt ra : phải chăng ông Trần Quốc Vượng đang nắm quyền điều hành bộ máy hành chính quốc gia chứ không phải ông Nguyễn Xuân Phúc ? Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy, vì việc "tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện" là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Điều 9. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND, quy định :
1. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cấp trên.
3. Việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương ; bảo đảm tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực từ trung ương đến cơ sở ; không trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên đặt tại địa bàn.
4. Chính phủ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền hay của Đảng ?
Câu trả lời : nếu theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân ; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân ; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội ; giám sát, phản biện xã hội" (trích Điều 1).
Còn hiện nay, theo "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" mà ông Trần Quốc Vượng ký ban hành, thì mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước tiên là cơ sở chính trị của Đảng Cộng sản.
"Về thí điểm trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện, Bộ Chính trị giao ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương chủ động lựa chọn thực hiện thí điểm ở cấp huyện ; Ban Tổ chức trung ương chủ trì, phối hợp Ban Dân vận trung ương, Ðảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc và thống nhất với ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy nơi có điều kiện để thí điểm mô hình này.
Kiện toàn chức danh kiêm nhiệm thực hiện theo trình tự phân công ủy viên ban thường vụ, trưởng ban dân vận cấp ủy trước, sau đó giới thiệu để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hiệp thương chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc theo quy định của Ðiều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hướng dẫn của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam". (trích "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả").
Như vậy, việc "giám sát, phản biện xã hội" sẽ phải theo răm rắp ý Đảng, vì tổ chức Mặt trận Tổ quốc giờ đây chỉ còn giữ lại tên gọi, còn về nhân sự điều hành thì đã đồng nhất với tổ chức dân vận của Đảng.
Người tài ở Việt Nam đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Tính đến cuối giờ chiều ngày 16-8, văn bản có tên Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" vẫn chưa được phát hành công khai trên hệ thống văn bản pháp luật để các bên liên quan và người dân quan tâm tìm hiểu cặn kẽ.
Từ những gì mà báo chí đã đăng, có thể thấy rằng tất cả các chức danh quản lý trong bộ máy quản trị hành chính từ cấp quận, huyện trở đi đều thuộc về nhân sự là đảng viên Đảng Cộng sản. Người tài, nếu chưa là đảng viên thì không có cơ hội nào để được bầu chọn, vì nơi bầu chọn nhân sự thuộc về cơ quan Đảng, chứ không phải từ sự cạnh tranh công bằng trong ứng tuyển.
Dường như Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng muốn bạch hóa rằng "Đảng là một tổ chức để làm quan phát tài".
Trúc Giang
VNTB, 17/08/2018