Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/08/2018

Lực lượng tàu ngầm trong cuộc xung đột ở Biển Nam Trung Hoa

Tyler Headley

Năm tuần trước, người ta đã thông báo rằng Úc đã hoàn tất một đơn đặt hàng trị giá 25 tỷ đô la nhằm mua các tàu khu trục chống tàu ngầm từ Hệ thống BAE của Vương quốc Anh. Vụ mua sắm này là vụ mua sắm vũ khí hạng nặng mới nhất đe dọa sẽ khuấy động cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Nam Trung Hoa.

taungam1

Lễ thượng cờ trên Tàu ngầm Kilo mang số hiệu 187 của Việt Nam. Ảnh : Mer et Marine

Ngay từ năm 1991, 5 trong số 7 quốc gia có yêu sách đối với các hòn đảo hoặc lãnh hải tại Biển Nam Trung Hoa đã mua ít nhất một chiếc tàu ngầm tấn công, và tất cả 5 quốc gia này – những quốc gia mà đã bắt đầu hoặc tuyên bố các sứ mệnh tự do hàng hải tại Biển Nam Trung Hoa Đông – đều đã có sở hữu những chiếc tàu ngầm. Từ nguy cơ của những chiếc tàu ngầm ở Biển Nam Trung Hoa đã ngày càng gia tăng, cho nên các quốc gia khác như Úc đã phản ứng bằng cách đầu tư hơn nữa vào hạm đội tàu ngầm hoặc các thiết bị chống ngầm.

Lịch sử của việc sử dụng tàu ngầm trong chiến tranh được bắt đầu từ cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mỹ khi một thiết bị lặn có tên là Turtle ("Con rùa") cố gắng để gắn một quả bom (nguyên văn : "to plant a bomb") vào một soái hạm của Anh quốc. Kể từ đó, tàu ngầm tấn công được sử dụng để cắt đứt các tuyến đường giao thương trên biển, để bí mật triển khai quân đội, và để né tránh hỏa lực của đối phương nhằm giành được yếu tố bất ngờ. Là một công cụ cần thiết trong chiến tranh giữa các quốc gia, hạm đội tàu ngầm được sử dụng để đạt được hiệu quả lớn, chẳng hạn như khi các tàu ngầm U-Boat của nước Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã đánh chìm khoảng 5.000 tàu các loại của đối phương.

Biển Nam Trung Hoa nổi bật với dòng thương mại toàn cầu hàng năm trị giá gần 5 nghìn tỷ đô la đi qua vùng biển này, hàng tỷ tấn dầu thô, và một vị trí chiến lược, có tiềm năng phục vụ như một chốt điểm dễ dàng cho các tàu ngầm Trung Quốc tiếp cận Thái Bình Dương. Trong khi các cuộc xung đột lãnh thổ có quy mô nhỏ hơn ở Biển Nam Trung Hoa đã tồn tại từ những năm 1970, cuộc xung đột này đã cho thấy sự chuyển động và sự chú ý ngày càng tăng kể từ khoảng năm 2010, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo với tốc độ nhanh bất thường.

Một phần của nỗ lực xây dựng này bao gồm việc xây dựng căn cứ tàu ngầm Du Lâm – Đông (nguyên văn : "Yulin-East") của Trung Quốc. Duy trì sự hiện diện của tàu ngầm trong khu vực là điều quan trọng đối với Trung Quốc ; ngay trong cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, tàu ngầm đã được sử dụng để thu thập tin tức tình báo, triển khai hỏa lực và ngăn chặn sự can thiệp quân sự bột phát. Nếu một khi chiến tranh xảy ra, các tàu ngầm hoạt động trong khu vực sẽ chứng minh sự khác biệt trong kết quả của cuộc xung đột. Vì thế cho nên, điều quan trọng là phải hiểu quy mô và phạm vi của sự phổ biến của vũ khí tàu ngầm, đặc biệt là những quốc gia sở hữu vũ khí tàu ngầm với những tuyên bố về yêu sách đối với các đảo hoặc các khu vực trong Biển Nam Trung Hoa.

Có một vấn đề khó khăn khi phân tích sự phổ biến của vũ khí tàu ngầm trong cuộc xung đột Biển Nam Trung Hoa là không có một sự đăng ký mã nguồn mở tập trung và hoàn chỉnh về các việc mua sắm tàu ngầm. Để giảm thiểu tác hại của sự bất định này, tôi (tác giả bài báo – người dịch) phối hợp các dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Chủ động đối với Nguy cơ Hạt nhân, và các nguồn mở khác để biên soạn một tập dữ liệu của hầu hết các giao dịch mua bán tàu ngầm trực tiếp giữa các quốc gia có liên quan.

Khi phác họa biểu đồ các mạng lưới mua sắm tàu ngầm của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền từ năm 1991, đã xuất hiện ba mạng lưới mua sắm tàu ngầm riêng biệt.

Đáng chú ý nhất, Nga đã cung cấp nhiều tàu ngầm cho cả Trung Quốc và Việt Nam, là 2 quốc gia đều có những tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Khoảng năm 2014, Việt Nam đã đặt hàng khoảng sáu tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, vốn có cùng một tính năng, đặc điểm với tám tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel-điện mà Trung Quốc đã đặt hàng của Nga vào năm 2002. Theo báo cáo của tạp chí The Diplomat, Philippines, một quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, gần đây đã có tin tức về khả năng tìm cách mua tàu ngầm từ Nga. Trong khi Trung Quốc, vốn đã có khả năng sản xuất nội địa, khoe khoang về những tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (nguyên văn : "Jin-class")trong kho vũ khí hải quân của mình, các quốc gia khác cũng sở hữu những tàu ngầm phi hạt nhân tương tự bằng cách mua từ cùng một nhà sản xuất (từ Nga).

Kể từ Thế chiến II, Trung Quốc đã trở thành quốc gia mua sắm tàu ngầm lớn nhất, đã đặt mua hơn 35 chiếc. Tuy nhiên, tổng số này không bao gồm số tàu ngầm do Trung + tự sản xuất tại nội địa. Một số tàu ngầm đã được cho nghỉ hưu theo thời gian, nhưng có vẻ như hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc bao gồm 48 chiếc tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu diesel và từ 10 đến 13 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Indonesia cũng khoe rằng có một hạm đội tàu ngầm lớn - trong khi Indonesia vận hành các tầu ngầm ít hơn so với những gì đã vận hành trong những năm 1960 và 1970, hiện tại nó vẫn duy trì một hạm đội tàu ngầm gồm 5 chiếc và đã công bố kế hoạch sẽ tăng hạm đội này lên đến 8 chiếc vào năm 2024.

Tham gia vào các hoạt động ở biển Nam Trung Hoa không chỉ có các tàu ngầm của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền, thêm vào đó các tầu ngầm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Vương quốc Anh và Pháp đều đã bắt đầu hoặc tuyên bố tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Những cuộc tuần tra này nhằm mục đích ngăn chặn việc Trung Quốc vươn ra biển lớn và củng cố sự hỗ trợ cho các đồng minh trong khu vực. Tuy nhiên, một số lượng lớn các quốc gia can dự đã làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố / tai nạn hoặc khiêu khích. Những cuộc đột nhập vào khu vực kinh tế đặc quyền đã tuyên bố của Trung Quốc đã gây ra sự tức giận của các quan chức quân sự và nhà nước Trung Quốc. Và nhiều sự cố / tai nạn đã xảy ra, chẳng hạn như sự va chạm giữa một tàu ngầm Trung Quốc với một dàn sonar định vị dưới nước của Mỹ vào năm 2009.

Tiềm năng hủy diệt của sự phổ biến vũ khí tàu ngầm ở Biển Nam Trung Hoa là rõ ràng đối với các nhà quan sát quân sự, và các quốc gia đã bắt đầu một sự chuẩn bị thích đáng. Vào hồi vào tháng Ba, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm, và điều đáng chú ý là Trung Quốc đã thiết đặt các thiết bị định vị nghe nhìn dưới nước với hy vọng theo dõi các tàu ngầm của các nước khác.

Tuy nhiên, ngay cả với những biện pháp phòng ngừa này, việc tăng cường các loại vũ khí hạng nặng, bao gồm cả các tàu khu trục chống ngầm gần đây của Úc, có khả năng sẽ vẫn tiếp tục. Nếu căng thẳng gia tăng, có khả năng rằng chúng ta sẽ chứng kiến các hoạt động mua sắm tàu ngầm vẫn tiếp tục bởi các quốc gia cùng có tuyên bố chủ quyền : Brunei, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Tyler Headley

Nguyên tác, Submarines in the South China Sea Conflict, The Diplomat, 10/08/2018

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 24/08/2018

Tác giả bài báo là Tyler Headley, trợ lý nghiên cứu tại Đại học New York. Các nghiên cứu của ông trước đây đã được xuất bản trên các tạp chí như Ngoại giao quốc tế (Foreign Affairs ) và Nhà ngoại giao (The Diplomat).

Quay lại trang chủ
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)