Cựu Bộ trưởng nội vụ Slovakia Robert Kaliňák - một ‘nghi can’ và cũng là một dấu hỏi rất lớn dính líu vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ và vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’, đã rất nhanh chuyển từ tư thế ‘không biết gì’ sang những dấu hiệu đặc biệt của hành vi ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’- nói theo từ ngữ pháp lý ở trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh được dẫn đến tòa án tại Hà Nội.
Bằng chứng ngày càng rõ
Thoibao.de - trang tin của cộng đồng người Việt ở Đức - dẫn từ nhật báo Dennik N của Slovakia cho biết Tòa án Đức vừa phát ra tin tức mới và nóng bỏng : Slovakia ngỏ ý cấp một chuyên cơ bay thẳng đến Hà Nội, nhưng phía Việt Nam không muốn.
Theo một báo cáo của cảnh sát Đức vào đầu năm 2018, Bộ trưởng Tô Lâm đã từ chối đề nghị của Slovakia vì "cách thức này cũng bao gồm việc vận chuyển về Việt Nam, nhưng nó sẽ phải được chuẩn bị nhiều hơn, cần khoảng 2 ngày để có được tất cả hộ chiếu giấy tờ cho việc quá cảnh một nước thứ ba".
"Theo thông tin từ các thẩm phán Đức, Bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp cho một phái đoàn Việt Nam chiếc chuyên cơ mà được dùng để chở phái đoàn cùng với nạn nhân bị bắt cóc đến Moscow. Slovakia cũng ngỏ ý cung cấp một chiếc chuyên cơ bay thẳng đến Hà Nội, nhưng phía Việt Nam không muốn", bà Lisa Jani - phát ngôn viên của tòa án Berlin - cho biết.
Như vậy, hệ thống bằng chứng về việc Chính phủ Slovakia đã cho đoàn quan chức của Bộ trưởng công an Tô Lâm mượn một chiếc chuyên cơ để từ sân bay Bratislava bay qua không phận Ba Lan và đáp xuống Moscow của Nga đang trở nên sáng hẳn, nếu so sánh với cái lắc đầu mù mịt của Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và lời khẳng định của ông ta ‘Slovakia không liên quan gì đến vụ bắt cóc’ trước báo giới quốc tế, trong bối cảnh sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào đầu tháng Năm năm 2018.
Điều an ủi nhỏ nhoi cho chính phủ Slovakia và có thể cho cả Robert Kaliňák là theo tòa án Đức, có thể chính phủ Slovakia đã không biết gì về mục đích thật sự của chuyến bay là phục vụ cho vụ bắt cóc.
Hai tháng quyết định số phận Kaliňák
Đến lúc này, đã chắc chắn rằng cựu bộ trưởng nội vụ Kaliňák không còn giữ được tư thế bất khả xâm phạm, mà ông ta ít nhất sẽ bị cảnh sát Slovakia điều tra thẩm vấn về mối quan hệ cá nhân của Kaliňák với giới quan chức mật vụ Việt Nam ‘đặc biệt’ đến thế nào mà khiến ông ta lại nhiệt tình đến độ sẵn sàng cho nhóm Bộ trưởng công an Tô Lâm mượn chuyên cơ để bay thẳng từ Bratislava đến Hà Nội.
Tháng Tám năm 2018 vẫn chưa trôi hết. tháng Tám năm ngoái, ngay sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị phát hiện ở Đức, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí phản ứng mạnh mẽ Việt Nam về vụ ‘luật rừng’ này, và trong hai tháng sau đó cảnh sát Đức đã khép kín toàn bộ quy trình điều tra vụ bắt cóc, để đến tháng Mười, Chính phủ Đức đột ngột tuyên bố tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - một đòn ngoại giao nặng nề và vượt khỏi trí tưởng tượng của giới chóp bu Hà Nội mà có thể đã làm cho những tác giả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh phải liên tục uống thuốc ngủ.
Giờ đây, những thước phim của tháng Tám năm ngoái dường như đang được chiếu lại, nhưng trong khung cảnh đất nước Slovakia xinh đẹp. Chỉ chưa đầy 3 tuần sau loạt bài viết điều tra trên tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia về ‘Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’, chỉ sau 2 tuần từ thời điểm cả Tổng thống Andrej Kiska lẫn Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia phải đồng loạt chỉ thị cảnh sát nước này gấp rút mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc, chính trường Slovakia đã rơi vào khoảng im lặng đáng sợ trong bối cảnh cảnh sát âm thầm điều tra, còn Quốc hội Slovakia thì yêu cầu thời gian của cuộc điều tra này không được kéo dài quá 1 - 2 tháng để có thể chấm dứt những mầm mống khủng hoảng trong nội các chính phủ nước này.
Nghĩa là chậm nhất đến tháng Mười năm 2018, kết quả cuộc cuộc điều tra sẽ phải rõ trắng đen, hành vi và động cơ của cựu Bộ trưởng nội vụ Slovakia Robert Kaliňák sẽ phải được lôi ra ánh sáng, số phận của Kaliňák sẽ phải được quyết định.
Vào đầu tháng Tám năm 2018, Robert Kaliňák đã phản ứng lập tức và quyết liệt, cho rằng những bài viết điều tra trên tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia là ‘bịa đặt’. Tuy nhiên khi đó Kaliňák lại chẳng thể tự bảo vệ mình khi không chứng minh được báo chí bịa đặt về ông ta ra sao.
Trong khi đó, những tờ báo trên lại mô tả một cách chi tiết :
"Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…" (1).
Còn tới nay và sau khi cuộc điều ta của cảnh sát Slovakia đã chính thức vào guồng, người ta nhận ra Robert Kaliňák im bặt.
Những dấu hỏi mới
Giờ đây, có lẽ Kaliňák chỉ còn biết cầu nguyện là các cơ quan tư pháp và báo chí sẽ chỉ nhìn thấy ở ông ta hành vi ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ chứ không phải ‘cố ý làm trái’, rằng ông ta quả thực chẳng biết biết gì về hình ảnh ‘Trịnh Xuân Thanh lảo đảo được hai mật vụ Việt Nam ‘dìu’ lên máy bay ở sân bay Bratislava’ vào cái ngày oan nghiệt 26 tháng Bảy năm 2017 ấy, và giữa ông ta với giới mật vụ Việt Nam thực ra không có mối quan hệ ‘đặc biệt’ nào.
Nhưng có lẽ không phải và không thể ngẫu nhiên, vào thời gian đầu tháng Tám năm 2018 khi Kaliňák bắt đầu bị báo chí đưa lên ‘bàn mổ’, trong giới facebook ở Việt Nam bỗng dưng xuất hiện thông tin, từ một nhà báo mà từ lâu được xem là nhạy tin nội bộ - về việc khi còn là bộ trưởng nội vụ Slovakia, Kaliňák đã được những quan chức Việt Nam nào đó mời sang nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc ở Việt Nam, và Kaliňák đã ‘vui lòng nhận lời’.
Nếu sắp tới kết quả điều tra của cảnh sát Slovakia làm rõ về trách nhiệm dính líu của Kaliňák với những kẻ bắt cóc, ông ta thậm chí có thể bị bắt giữ về hành vi ‘tiếp tay cho bắt cóc’.
Nhưng lại đang phát sinh những dấu hỏi mới : vì sao theo tiết lộ của Tòa án Đức, đoàn mật vụ của Bộ trưởng công an Tô Lâm đã từ chối đề nghị nhiệt tình của Kaliňák cung cấp một chuyên cơ bay thẳng về Hà Nội, mà lại phải bay vòng qua Moscow rồi từ đó mới về Hà Nội ? Liệu lý do ‘phải mất hai ngày làm hộ chiếu’ của phái đoàn Tô Lâm nếu bay thẳng từ Bratislava về Hà Nội có phải là một giả thiết đứng vững ?
Trong thực tế, chuyến ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ từ Moscow về Hà Nội đã hoàn toàn trót lọt mà không hề bị báo chí Nga phát hiện dù chỉ một kẽ tóc, để đúng vào ngày đầu của tháng Tám năm 2017, Trịnh Xuân Thanh bất ngờ hiện ra trước cửa trực ban của Bộ Công an để ‘tự nguyện về nước đầu thú’ (nhưng vẫn phải lãnh đến hai cái án chung thân sau đó).
Phải chăng ở Nga, Bộ Công an Việt Nam có mạng lưới tình báo dày đặc hơn và hiệu quả hơn, để cùng với những bóng đen lẩn khuất trong tòa đại sứ Việt Nam ở Moscow, đã chẳng có gì khó khăn và ‘không gì là không thể’ trong việc đạo diễn để Trịnh Xuân Thanh ‘hồi hương’ trong trạng thái tâm thần giống hệt hôn mê ?
Chẳng lẽ cảnh sát và an ninh Nga lại không biết được câu chuyện giống hệt những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh ấy ? Hoặc nếu biết, thái độ và trách nhiệm của người Nga sẽ như thế nào trước đòi hỏi minh bạch hóa vụ bắt cóc của người Đức và Liên minh châu Âu ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 24/08/2018
(1) Thoibao.de dịch từhttp://bit.ly/2Kk7jh3)
*****************
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Slovakia muốn cho Việt Nam mượn chuyên cơ bay thẳng về Việt Nam (RFA, 24/08/2018)
Liên quan đến vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh, Slovakia đã ngỏ ý cho phái đoàn Việt Nam mượn một chiếc máy bay để bay thẳng về Hà Nội thay vì bay đến Moscow như lời đề nghị nhưng phía Việt Nam không muốn.
Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018 - AFP
Mạng báo Dennik N vào ngày 23 tháng 8 loan tin dẫn trả lời của Phát ngôn viên tòa thượng thẩm Đức, bà Lisa Jani, rằng theo kết quả điều tra của cảnh sát Đức thì có thể đoàn Việt Nam không muốn mượn chuyên cơ bay thẳng về Hà Nội là vì cách này sẽ tốn công chuẩn bị hơn, mất ít nhất 2 ngày để làm hộ chiếu giấy tờ cho việc quá cảnh ở một nước thứ 3.
Phát ngôn viên tòa án Đức cũng khẳng định bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp cho phái đoàn Việt Nam một chiếc máy bay đến Moscow và chiếc máy bay đó có chở ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng cũng theo tòa án Đức, có thể chính phủ Slovakia đã không biết mục đích thực sự của chuyến bay là để phục vụ cho một vụ bắt cóc.
Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ thông tin ngỏ ý cung cấp cho Việt Nam một chiếc máy bay đến Hà Nội, trong khi cựu bộ trưởng Nội vụ Slovakia ông Robert Kalinak, người được nói có dính líu đến vụ việc, đã từ chối trả lời về thông tin này.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.