Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/08/2018

Sao gọi 'nghiên cứu, thực nghiệm' Quốc ngữ là Việt gian ?

Ánh Liên

Trong tuần vừa qua, dễ dàng nhận ra một cuộc đấu tố không nhỏ đối với nghiên cứu 'cách tân Tiếng Việt' của Phó Giáo sư Bùi Hiền và 'công nghệ giáo dục' của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

vietgian1

'Đấu tố' người nghiên cứu, cải tiến Quốc ngữ bằng chủ nghĩa dân tộc thái quá vẫn đang diễn ra ?

Bằng những cụm từ miệt thị, sỉ nhục nhân cách, một nhóm đám đông đã sử dụng Facebook để tấn công cả hai cá nhân nêu trên bằng ngôn từ : Hán gian, Việt gian, tên phản quốc,...

Nhiều người quan ngại về lối phát âm được cho là 'nghiên cứu/ cách tân', thậm chí còn nhấn mạnh yếu tố 'giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt' để phản ứng lại với cách ký tự, phát âm mà họ cho là... lạ đời và có phần hao giống cách ký tự, phát âm tiếng Hán. 

Bài viết này không dành để diễn giải kiến thức chuyên môn về công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư Bùi Hiền hay công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Bài viết này muốn đặt vấn đề về thực tính 'bể dâu' trong sáng tạo và cách tân ngôn ngữ Việt nam, và cho thấy rằng, những phản ứng hiện tại (loại trừ yếu tố phản biện khoa học và ôn hòa ra) thiếu vắng tính văn hóa trong đó, thể hiện một mặt bằng nhận thức tính đa dạng rất thấp, từ những người có học vị luật sư, giáo viên cho đến những người lao động chân tay trong xã hội khi đối diện với sự... thay đổi tính truyền thống trong ngôn ngữ.

Trước hết, tiếng Việt (Quốc ngữ - La tinh) mà chúng ta sử dụng hoàn chỉnh hiện nay là kết quả của một quá trình 'bầm dập' về nhiều mặt, trong đó có cả sự phản kháng, cưỡng chế, ép buộc sử dụng. Nói cách khác, tiếng Việt có một quá trình 'bể dâu' từ khi khởi thảo đến nay.

Sau hơn 1.000 năm sử dụng chữ Hán trong thi cử, tiếng Hán trong giao tiếp ; với sự xuất hiện của những tín đồ truyền giáo phương Tây, đã buộc phải phát minh ra một loại chữ mới dành cho dân Annam, nhằm mục đích : truyền đạo.

Sự ra đời của chữ viết và tiếng nói mới được những người giáo sĩ đánh giá là tiện dụng, nhưng với những sĩ phu - nhà Nho, không ít trong số đó phản kháng vì ngôn ngữ mới gắn liền với nhóm người 'ngoại xâm'. Trong đó có cả những nhà Nho yêu nước như Đồ Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt,... 

Vào năm 1885, những Nho sĩ đã gửi thư thỉnh nguyện đến Hội đồng quản hạt Nam kỳ để 'đề nghị bãi bỏ chữ quốc ngữ', và nhấn mạnh, họ chỉ muốn học tiếng Pháp và tiếng Annam (tiếng Nôm), những thứ tiếng mà 'chúng tôi đều biết viết'. Còn trong những khoa thi cuối cùng của thời phong kiến diễn ra tại Hà Nam và Nam Định, thì sự bãi bỏ chữ Hán và sự thay thế của chữ Quốc ngữ bị không ít những sĩ tử bây giờ xem là 'vọng ngoại, vô sỉ, đánh mất dân tộc', thậm chí là 'thổ ngữ mường mán'.

Và Pháp đã làm gì ? Pháp tiến hành một biện pháp gọi là cưỡng bức, theo đó bắt trẻ con đi học chữ quốc ngữ như bắt lính hay như một 'thứ thuế đánh thêm vào dân', lại tiến hành thành lập trường dạy tiếng quốc ngữ ; biết Quốc ngữ trở thành điều kiện cần và đủ để trở thành viên chức xứ thuộc địa ; chữ Nho bị bãi bỏ. Đó là chưa kể tác động của phong trào 'Đông Kinh nghĩa thục' của những chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX nhằm mục đích chính là 'Canh Tân quốc gia', góp phần không nhỏ trong phổ biến chữ Quốc ngữ.

Nếu tính từ thời điểm từ điển Việt-Bồ-La được xuất bản tại Rome (1651) đến khi Ðông Kinh nghĩa thục được thành lập (1906) thì Quốc ngữ mất 255 năm để thực sự định hình trên mảnh đất hình chữ S này, với công đầu thuộc về những giáo sĩ dòng Tên và nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền thực dân Pháp.

vietgian2

Bản kinh Lạy Cha được viết năm 1632 được bởi các nhà truyền đạo (viền xanh) và bản được viết lại bởi Alexandre de Rhodes năm 1651 (viền đỏ) cho thấy sự cải tiến liên tục về ký âm lẫn phát âm.

Những lực cản từ lề lối cũ (truyền thống ngôn ngữ cũ), với cách viết và phát âm tiếng Hán (sau là tiếng Nôm) từng bước bị bẻ gãy bởi công cụ hành chính lẫn mục đích chính trị, tôn giáo (nhất là Nghị định 82 - ra đời ngày 06.04.1878 của Chính quyền Nam kỳ thuộc địa). Không hề có sự tự nguyện nào ở đây, mà chu trình phần lớn là sự cưỡng bức. Đúng hơn, theo Giáo sư Nguyễn Phú Phong trong một tranh luận về áp dụng chữ Quốc ngữ cũng đã nhấn mạnh rằng : sáng chế một thứ chữ viết đòi hỏi đến một tư duy khoa học. Nhưng khi đã có chữ viết rồi mà muốn đem ra áp dụng nó thì phải có một quyết định chính trị. 

Sự duy trì chữ Hán, Nôm trong một thời gian dài, cho đến khi xuất hiện Quốc ngữ rõ ràng là một sự thể bất ngờ, gây hoang mang và phản kháng không ít người. Bởi ngay cả những người ở trời Âu như Linh mục Joseph Tissanier, người có mặt ở Đàng Ngoài (1658 – 1663), cũng phải thừa nhận, 'tiếng Việt làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác với các ngôn ngữ Âu châu quá'. Người nước ngoài còn vậy, huống hồ gì những nhà Nho đắm mình trong ngôn ngữ tượng Hình từ thuở lọt lòng ?

Tiếp đến, hãy xem, Quốc ngữ ban đầu, vào thời kỳ đầu, Quốc ngữ còn tồn tại tổ hợp âm đầu như bl (blời - tức trời), tl (tlâu - trâu), ml (mlời - lời),... thậm chí, dấu ^ được ký khi sử dụng âm hơi tối (âm hẹp, trầm) ; còn dấu râu (') thì sử dụng ghi âm hơi sáng. Đầy những sự rắc rối trong ký âm lẫn phát âm, đến mức, nếu cho những người sống ở hiện tại nghe lại phát âm Quốc ngữ hay đọc ký âm Quốc ngữ thời kỳ đầu, thì mức thâu lượm cao nhất là 20-30% thông tin.

Bài viết buộc phải dẫn giải dài dòng như vậy để cho thấy rằng, dân tộc Việt nam không dễ dàng đón nhận cái mới. Và có một thực tế rằng, tư duy đám đông và tinh thần dân tộc thái quá đã trở thành một mũi giáo kích, đấu tố với bất kỳ cá nhân tổ chức nào có xu hướng cải tiến ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh rằng, sáng chế hay cải tiến tiếng Việt gặp sự phản đối là bình thường, nhưng nếu đó là một 'công trình khoa học' đáp ứng đầy đủ các tiêu chí liên quan thì thay vì bêu rếu, nhục mạ, xỉ vả,... theo tư duy 'đám đông', dựa trên tinh thần 'dân tộc thái quá', thìcó một điều làm tốt hơn là phản biện trên cơ sở khoa học và luận cứ. Vì sự cải tiến sẽ bị đào thải nếu nó không hợp quy luật, nhưng một ngôn ngữ sẽ bị thui chột nếu dựa trên sự bảo vệ cổ hủ và thiếu tính nhân văn. Và trong khi Facebook là một công cụ, nó rất dễ dàng truyền tải các giá trị phản biện, nhưng nếu dùng nó tấn công sự cải tiến hay thực nghiệm Quốc ngữ, thì vô hình chung, nó biểu hiện cho một nền dân trí thấp, một đám đông đầy bảo thủ.

Sẽ thật buồn cười, nếu đăng tải Bản kinh Lạy Cha được viết năm 1632 hoặc bản được viết lại bởi Alexandre de Rhodes năm 1651 mà không chú thích, thì sẽ lập tức gặp một đám đông tấn công bằng mũi giáo 'Hán gian ; Việt gian ; đánh mất truyền thống dân tộc ;...'. Nhưng đó lại là sự thật !

Rõ ràng, chúng ta có lẽ cần học cách tôn trọng giá trị cởi mở, và sự sáng tạo, đừng nhân danh cái gọi là 'tự do ngôn luận' để mạt sát và xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân hay tổ chức, dựa trên nền tảng thiếu hiểu biết của mình. 

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 31/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 985 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)