Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/09/2018

Ngày tựu trường và nỗi lo của phụ huynh

Nhóm phóng viên

Ba tháng hè đã trôi qua, nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam đang tất bật chuẩn bị cho con mình bước vào năm học mới. Với số lượng hơn 22 triệu học sinh dự kiến đến lễ tựu trường năm nay, đi kèm đó cũng là vô vàn lo âu của các bậc cha mẹ.

lo1

Nhiều người đau xót ví von tiếng trống tựu trường như tiếng trống bắt đầu một vở tuồng mới - RFA

Loạn cách dạy, cách học

Chia sẻ về nỗi lo của mình, anh Minh, một phụ huynh có con vào lớp 1 chia sẻ :"Về môi trường giáo dục của mình, quy trình giáo dục, sách giáo dục của mình thì biên soạn mới ngày càng mất đi ngôn ngữ của người Việt Nam cũng như tính logic, khoa học. Điều thứ hai mình lo là lo về môi trường, sinh hoạt trong môi trường tập thể, hiện nay từ mầm non đã thấy trường hợp giáo viên bạo hành, bạn bè bạo hành. Lên một chút thì chúng ta thấy bạo hành đó nó gia tăng thêm từ những áp lực về trạng thái xã hội. Những áp lực từ những mỗi quan hệ bạn bè, gia đình, nhà trường, mọi thứ luôn tạo cho trẻ sự căng thẳng".

Không riêng gì anh Minh, nhiều phụ huynh khác cũng có những nối lo tương tự. Hầu hết họ đều cho rằng hiện tại là khoảng thời gian rất áp lực đối với họ. Từ chuyện loay hoay chạy khắp các hiệu sách tìm giáo trình cho con cho đến việc đặt mua đồng phục của các trường, chuyện quy định giờ giấc đón học sinh cũng thay đổi. Nhưng tất cả không là gì so với việc họ cảm giác rằng cả mình và con nhỏ đang bị sốc.

Như trường hợp anh Minh, anh chia sẻ thêm rằng với số lượng mỗi lớp học trên 45 học sinh như hiện tại, anh không tin con mình sẽ nhận được sự quan tâm đúng mực từ giáo viên. Bởi việc giữ trật tự và giữ vững thành tích thi đua thôi cũng đủ để ngốn hết thời gian trên lớp của giáo viên, lấy đâu ra thời gian để họ chỉ cho con anh cách ngồi đúng tư thế, cách đánh vần, viết các chữ cái.

Anh vẫn thắc mắc vì sao người ta từ việc thống nhất sách giáo khoa rồi lại loạn xà ngầu sách giáo khoa, mỗi trường mỗi khác khiến việc tìm mua sách đối với anh đã mất rất nhiều thời gian. Rồi đến chuyện cả nhà anh đang loạn lên vì việc thay nhau dạy cho cháu biết đọc biết viết trước ngày khai giảng, lúc cháu chính thức bước vào lớp 1.

Anh cho rằng có chuyện này một phần cũng do sự quản lý thiếu khoa học của các trường hiện nay. Trước đây anh không muốn bắt ép con mình học chữ trước khi vào lớp 1, bởi lứa tuổi mẫu giáo là tuổi ăn tuổi chơi, các cháu tự do phát triển sáng tạo, và dù muốn hay không đến lúc vào lớp 1 rồi, con anh sẽ buộc phải chạy theo guồng máy giáo dục hiện tại, không còn thời gian để ngủ, nghỉ, chơi mặc dù chẳng biết tương lai sẽ về đâu.

Anh đã từng nghĩ đó là một nỗ lực để con có thời gian trẻ thơ của riêng mình, nhưng giờ đây điều đó lại làm gia đình anh lo lắng bởi khi mà đến lớp, các bạn hầu như đã biết chữ, cô giáo viết lời dặn dò, viết thời khóa biểu lên lớp các bạn có học kèm, học hè trước đó đều viết lại được, nhưng con anh thì chịu thua.

Anh bức xúc cho rằng nếu các trường không chạy theo thành tích, rồi xếp lớp thì con anh đã không phải chịu cảnh học ngày học đêm để thuộc chữ như hiện nay. Chưa kể đến việc bao nhiêu giáo viên trẻ phải chạy đôn chạy đáo xin vào các trường tư để dạy, hoặc ở nhà trồng rau, nuôi gà, làm trái nghề thì việc nhiều trường gia hạn thêm hợp đồng để các giáo viên đã về hưu đứng lớp cũng đã là một thất bại trong quản lý giáo dục hiện nay.

Nỗi lo về nhân cách

Khi mà nỗi lo về giáo trình và sự bỡ ngỡ của con chưa tìm ra lối thoát, thì nhiều bậc cha mẹ lại giật mình bởi một mối lo mới : nỗi lo về nhân cách con trẻ.

Nói về vấn đề này, chị Thương, một người mẹ có con học lớp 9 chia sẻ :"Đi học như việc bạn bè quẹt qua quẹt về là chuyện thường nhưng mà có băng nhóm. Như đứa mạnh, to, khỏe, ốm yếu… do cái môi trường, nó chia phe chia nhóm theo kiểu nhà nghèo, xấu đẹp… có khuyết điểm gì đó thì những đứa khác mang ra để trêu chọc".

Theo chị Thương, mặc dù con của chị là một đứa trẻ ngoan nhưng chị cũng rất lo cho cháu bởi chẳng có gì bất ngờ khi tối lại, sau khi hai mẹ con tâm sự, chị nhận ra sự lo lắng của con gái mình về việc tới trường bởi ở trường cháu có quá nhiều vấn đề để bàn.

Đó là việc một giáo viên đi nhà trọ với một giáo viên khác hoặc hiệu trường, một ông cán bộ nào đó bị lọt ra ngoài và trở thành vấn đề bàn tán của đám học sinh.

Rồi thì một nhóm trong lớp học của con gái chị lập thành băng nhóm, chuyên giật áo của những bạn gái khác mà chúng không vừa ý, rồi thì tán tỉnh cả thầy giáo. Hoặc là chuyện một bạn gái nào đó bỗng dưng được điểm cao đủ để lên lớp bù cho một năm học toàn điểm thấp của mình sau khi quen một thầy giáo nào đó.

Một phụ huynh khác không muốn nêu tên chia sẻ :"Nó thiếu người cầm lái như một chiếc xe người cầm lái không biết lái xe mà người ta lên cầm lái. Triết lý giáo dục hay là phương hướng cũng như là một người cầm lái mà người ta không biết cầm lái mà người ta lên đó người ta xoay vô lăng người ta chơi thôi".

Theo vị này vấn đề méo mó nhân cách của nhiều học sinh hiện nay không phải lỗi của các em mà là lỗi của ngành giáo dục. Một ngành giáo dục không có triết lý và được xây dựng dựa trên những huyễn hoặc về tài nguyên quốc gia, hào khí dân tộc, được lãnh đạo bởi một bộ phận không nhỏ những giáo sư, tiến sĩ giấy, được truyền đạt thông qua một bộ phận giáo viên thiếu nhân cách… thì thử hỏi tương lai của học sinh sẽ về đâu ?

Nhóm phóng viên

Nguồn : RFA, 05/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)