Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ba tháng hè đã trôi qua, nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam đang tất bật chuẩn bị cho con mình bước vào năm học mới. Với số lượng hơn 22 triệu học sinh dự kiến đến lễ tựu trường năm nay, đi kèm đó cũng là vô vàn lo âu của các bậc cha mẹ.

lo1

Nhiều người đau xót ví von tiếng trống tựu trường như tiếng trống bắt đầu một vở tuồng mới - RFA

Loạn cách dạy, cách học

Chia sẻ về nỗi lo của mình, anh Minh, một phụ huynh có con vào lớp 1 chia sẻ :"Về môi trường giáo dục của mình, quy trình giáo dục, sách giáo dục của mình thì biên soạn mới ngày càng mất đi ngôn ngữ của người Việt Nam cũng như tính logic, khoa học. Điều thứ hai mình lo là lo về môi trường, sinh hoạt trong môi trường tập thể, hiện nay từ mầm non đã thấy trường hợp giáo viên bạo hành, bạn bè bạo hành. Lên một chút thì chúng ta thấy bạo hành đó nó gia tăng thêm từ những áp lực về trạng thái xã hội. Những áp lực từ những mỗi quan hệ bạn bè, gia đình, nhà trường, mọi thứ luôn tạo cho trẻ sự căng thẳng".

Không riêng gì anh Minh, nhiều phụ huynh khác cũng có những nối lo tương tự. Hầu hết họ đều cho rằng hiện tại là khoảng thời gian rất áp lực đối với họ. Từ chuyện loay hoay chạy khắp các hiệu sách tìm giáo trình cho con cho đến việc đặt mua đồng phục của các trường, chuyện quy định giờ giấc đón học sinh cũng thay đổi. Nhưng tất cả không là gì so với việc họ cảm giác rằng cả mình và con nhỏ đang bị sốc.

Như trường hợp anh Minh, anh chia sẻ thêm rằng với số lượng mỗi lớp học trên 45 học sinh như hiện tại, anh không tin con mình sẽ nhận được sự quan tâm đúng mực từ giáo viên. Bởi việc giữ trật tự và giữ vững thành tích thi đua thôi cũng đủ để ngốn hết thời gian trên lớp của giáo viên, lấy đâu ra thời gian để họ chỉ cho con anh cách ngồi đúng tư thế, cách đánh vần, viết các chữ cái.

Anh vẫn thắc mắc vì sao người ta từ việc thống nhất sách giáo khoa rồi lại loạn xà ngầu sách giáo khoa, mỗi trường mỗi khác khiến việc tìm mua sách đối với anh đã mất rất nhiều thời gian. Rồi đến chuyện cả nhà anh đang loạn lên vì việc thay nhau dạy cho cháu biết đọc biết viết trước ngày khai giảng, lúc cháu chính thức bước vào lớp 1.

Anh cho rằng có chuyện này một phần cũng do sự quản lý thiếu khoa học của các trường hiện nay. Trước đây anh không muốn bắt ép con mình học chữ trước khi vào lớp 1, bởi lứa tuổi mẫu giáo là tuổi ăn tuổi chơi, các cháu tự do phát triển sáng tạo, và dù muốn hay không đến lúc vào lớp 1 rồi, con anh sẽ buộc phải chạy theo guồng máy giáo dục hiện tại, không còn thời gian để ngủ, nghỉ, chơi mặc dù chẳng biết tương lai sẽ về đâu.

Anh đã từng nghĩ đó là một nỗ lực để con có thời gian trẻ thơ của riêng mình, nhưng giờ đây điều đó lại làm gia đình anh lo lắng bởi khi mà đến lớp, các bạn hầu như đã biết chữ, cô giáo viết lời dặn dò, viết thời khóa biểu lên lớp các bạn có học kèm, học hè trước đó đều viết lại được, nhưng con anh thì chịu thua.

Anh bức xúc cho rằng nếu các trường không chạy theo thành tích, rồi xếp lớp thì con anh đã không phải chịu cảnh học ngày học đêm để thuộc chữ như hiện nay. Chưa kể đến việc bao nhiêu giáo viên trẻ phải chạy đôn chạy đáo xin vào các trường tư để dạy, hoặc ở nhà trồng rau, nuôi gà, làm trái nghề thì việc nhiều trường gia hạn thêm hợp đồng để các giáo viên đã về hưu đứng lớp cũng đã là một thất bại trong quản lý giáo dục hiện nay.

Nỗi lo về nhân cách

Khi mà nỗi lo về giáo trình và sự bỡ ngỡ của con chưa tìm ra lối thoát, thì nhiều bậc cha mẹ lại giật mình bởi một mối lo mới : nỗi lo về nhân cách con trẻ.

Nói về vấn đề này, chị Thương, một người mẹ có con học lớp 9 chia sẻ :"Đi học như việc bạn bè quẹt qua quẹt về là chuyện thường nhưng mà có băng nhóm. Như đứa mạnh, to, khỏe, ốm yếu… do cái môi trường, nó chia phe chia nhóm theo kiểu nhà nghèo, xấu đẹp… có khuyết điểm gì đó thì những đứa khác mang ra để trêu chọc".

Theo chị Thương, mặc dù con của chị là một đứa trẻ ngoan nhưng chị cũng rất lo cho cháu bởi chẳng có gì bất ngờ khi tối lại, sau khi hai mẹ con tâm sự, chị nhận ra sự lo lắng của con gái mình về việc tới trường bởi ở trường cháu có quá nhiều vấn đề để bàn.

Đó là việc một giáo viên đi nhà trọ với một giáo viên khác hoặc hiệu trường, một ông cán bộ nào đó bị lọt ra ngoài và trở thành vấn đề bàn tán của đám học sinh.

Rồi thì một nhóm trong lớp học của con gái chị lập thành băng nhóm, chuyên giật áo của những bạn gái khác mà chúng không vừa ý, rồi thì tán tỉnh cả thầy giáo. Hoặc là chuyện một bạn gái nào đó bỗng dưng được điểm cao đủ để lên lớp bù cho một năm học toàn điểm thấp của mình sau khi quen một thầy giáo nào đó.

Một phụ huynh khác không muốn nêu tên chia sẻ :"Nó thiếu người cầm lái như một chiếc xe người cầm lái không biết lái xe mà người ta lên cầm lái. Triết lý giáo dục hay là phương hướng cũng như là một người cầm lái mà người ta không biết cầm lái mà người ta lên đó người ta xoay vô lăng người ta chơi thôi".

Theo vị này vấn đề méo mó nhân cách của nhiều học sinh hiện nay không phải lỗi của các em mà là lỗi của ngành giáo dục. Một ngành giáo dục không có triết lý và được xây dựng dựa trên những huyễn hoặc về tài nguyên quốc gia, hào khí dân tộc, được lãnh đạo bởi một bộ phận không nhỏ những giáo sư, tiến sĩ giấy, được truyền đạt thông qua một bộ phận giáo viên thiếu nhân cách… thì thử hỏi tương lai của học sinh sẽ về đâu ?

Nhóm phóng viên

Nguồn : RFA, 05/09/2018

Published in Diễn đàn

Vì sao ngày tựu trường mỗi này một nhạt dần ? (VNTB, 05/09/2018)

"Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều...". Hàng năm, những câu văn trong trẻo ấy của Lý Lan nhằm ngày khai giảng lại trào lên trong lòng mỗi học sinh. Do nhiều lý do, niềm hân hoan trong mùa tựu trường dấu yêu ấy mỗi ngày một nhạt dần.

tien1

Vì sao ngày tựu trường mỗi này một nhạt dần ?

Năm nay, từ tháng 8, nghĩa là trước ngày khai giảng (5 tháng 9) cỡ gần 1 tháng, làng học thuật Việt Nam lại xảy ra một câu chuyện ngán ngẩm. Ấy là Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn của nhiều người rồi tổng hợp lại thành một công trình duy nhất của mình đem đi nộp. Công trình ấy thậm chí còn đạo văn của một người trình độ sinh viên. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng (một trí thức lớn, thuộc ban biên tập báo Bauxite) là người đã tố cáo ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn không thể chối cãi. Dù có đau đớn mấy cho những người có học vị giáo sư-phó giáo sư thì cũng phải tỉa một chiếc lá đã hỏng để bảo tồn hàng nghìn chiếc lá xanh còn lại trên cái cây để cho chiếc cây ấy được sống.

Vẫn là chuyện của làng ngôn ngữ học, người ta cho làm sống dậy vụ đạo văn kinh điển của Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Phải nói rằng Trần Ngọc Thêm đạo văn ở trình độ cao hơn Nguyễn Đức Tồn, nhưng cây kim trong bọc thì cũng có ngày lòi ra. Một nhà thơ, đồng thời là nhà văn hóa tầm cỡ, ông Trần Mạnh Hảo chỉ ra những bằng chứng cho thấy Trần Ngọc Thêm đã đạo văn của nguyên lão nước Việt là triết gia-linh mục Lương Kim Định.

Cần lưu ý rằng Trần Ngọc Thêm có chân trong Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, tức là một hội đồng có quyền cho hay không cho một người được chức giáo sư. Thượng bất chính, hạ tắc loạn (cấp trên không công chính thì dưới trở thành bè lũ vô luật pháp). Vậy, nếu người có quyền ban chứng chỉ giáo sư còn là giáo sư rởm với những công trình rởm, thì người tiếp theo đệ đơn còn có chút vinh dự nào không, nếu đơn ấy được nhận ? Hay là , đem tất cả học hàm-học vị mà đốt đi, một giả thuyết không thể. Cho nên, tình trạng của nền học thuật Việt Nam đang tồi tệ hơn cả thời chưa có hệ thống trường đại học, tức là tình trạng thời phong kiến của triều đình Nguyễn. Đạo mất trước, nước mất sau.

Đó là chuyện ở bậc đào tạo đại học và sau đại học. Câu chuyện ở bậc dưới, trong nhà trường phổ thông thì còn tồi tệ hơn thế nữa. Hết chuyện hiệu trưởng hiệu phó trường này thu phí cắt cổ đối với học sinh nghèo( ở rất nhiều địa phương), lại đến chuyện thầy giáo dâm ô học sinh nam (câu chuyện đã xảy ra ở trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên). Trước một đống hổ lốn như thế, phụ huynh thì không biết có nên cho con đi học nữa hay không, rồi cuối cùng cũng phải cho đi học vì chẳng lẽ lại để ở nhà ? Còn học sinh, khi các em biết đọc sớm và đọc được những tệ nạn trong nền giáo dục hiện nay, liệu các em còn sự hồn nhiên trong sáng để đến trường nữa hay không ?

Từ thượng tuần tháng 8 năm nay, hầu hết các trường đã tổ chức dạy và học, để sau đó hai tuần mới tổ chức lễ khai giảng. Chuyện ngược đời này được ví như đưa một đoàn quân ra chiến trường đánh nhau một chặp, sau đó quay lại đại bản doanh để làm lễ ra quân, xong xuôi lại ra chiến trường đánh nhau chặp thứ hai. Thầy hiệu trưởng thì làm ra vẻ hào hứng để đánh trống khai giảng, cô hiệu phó thì làm ra vẻ xúc động đọc diễn văn đầu năm. Học sinh ngồi xếp hàng bên dưới thì cũng giơ là cờ cầm tay vẫy qua vẫy lại để giả vờ hào hứng để cho người lớn vui lòng. Tất cả cứ như là đang diễn để tỏ ra cho những người xung quanh thấy là mình đang bận rộn, trong khi thực ra họ chẳng làm nên một việc gì cho đến nơi đến chốn. Người hiểu chuyện thì lắc đầu ngán ngẩm cho sự học nước nhà đang mỗi ngày một nhạt.

Kiều Phong

*********************

Tiền Trung Quốc được lưu hành trên đất Việt : Ai hưởng lợi ? (Người Việt, 04/08/2018)

Hôm 28 tháng Tám năm 2018, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Cộng sản Việt Nam ban hành thông tư số 19/2018, có nội dung hướng dẫn việc "Quản lý ngoại hối" trong hoạt động thương mại tại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, sẽ có hiệu lực từ ngày 12 tháng Mười, 2018 tới đây.

tien2

Đồng Nguyên (Yuan) hay Nhân Dân Tệ (CNY) sẽ được lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Trong hình là cảnh đếm tiền Trung Quốc tại ngân hàng Thượng Hải. Tờ 100 Nhân Dân Tệ đổi được 14,6 USD. (Hình : Getty Images)

Theo đó, "các thương nhân, cư dân có hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước, sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm đồng bạc Việt Nam hoặc ‘Nhân Dân Tệ’ và ngoại tệ tự do chuyển đổi…"

Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại ban hành thông tư này, chỉ đơn thuần là về tài chánh tiền tệ hay vì mục đích chính trị ? Việt Nam hay Trung Quốc, ai có lợi trong việc này ?

Theo thông tin do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) mới phổ biến, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam vào 2017, thay thế vị trí mà Mỹ chiếm giữ trong suốt 15 năm qua.

Hàng hóa của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc gồm than đá, than cốc, than bánh, trái cây, rau, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, nguyên liệu dệt sợi và vải, dụng cụ truyền thông và âm thanh, máy điện và vật gia dụng trong nhà, quặng kim loại và kim loại phế thải, bàn và gỗ, máy móc văn phòng và điều hành số liệu và giầy dép,…

Trả lời phỏng vấn của Nhật báo Người Việt, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng "Về dài, kinh tế Việt Nam càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc".

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày bối cảnh là các nguyên nhân, rồi mới nói về hậu quả. Với ông, đây chỉ là một quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm bình thường hóa một điều bất thường – và bất lợi cho Việt Nam, ông nhấn mạnh.

Kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nhận định :

"Thuần về kinh doanh, nhiều người Việt giao dịch với Trung Quốc tại biên giới đã dùng đồng Nguyên của Trung Quốc trong trao đổi vì doanh lợi và tiện lợi, chứ không nghĩ xa hơn. Nhưng hiện tượng cục bộ đó thu hẹp và không có ý nghĩa chính trị cho tới khi nhà nước Việt Nam ban thông tư chính thức hóa việc lưu hành tiền Trung Quốc trên đất Việt".

Nói về bối cảnh sâu xa vì là nguyên do của tình trạng ông Nghĩa gọi là bất thường, ông nêu ra nhận định thuộc lãnh vực "vĩ mô" hay chánh sách quốc gia.

"Sách lược công nghiệp hóa Việt Nam của lãnh đạo Hà Nội có hại cho Việt Nam nhưng có lợi cho Trung Quốc. Lý do là qua chiến lược đó, Việt Nam tiếp nhận trang bị lỗi thời đã bị Trung Quốc đào thải vì hủy hoại môi sinh, Việt Nam lại còn nhận đầu tư của Trung Quốc vào các khu vực địa dư chiến lược cho an ninh quốc gia, và các dự án xây dựng hay năng lượng thiếu phẩm chất mà thừa tai họa".

tien3

Hàng hóa từ Trung Quốc chờ xuất cảng qua cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam. (Hình : Getty Images)

Theo ông Nghĩa, giới lãnh đạo Hà Nội không thể không biết tình trạng bất cập đó từ nhiều năm qua để sửa sai nhưng vẫn tiếp tục vì mối quan hệ giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Nay Bắc Kinh thúc giục Hà Nội hợp thức hóa việc sử dụng đồng Nguyên tại Việt Nam vì một số tỉnh tiếp giáp Việt Nam cần hoàn tất việc xây dựng bảy "khu vực mậu biên" – là mậu dịch tại biên giới. Lý do nằm trong trận thương chiến vừa bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

"Bắc Kinh muốn tuồn hàng cho Việt Nam dán nhãn ‘Made in Vietnam’ để bán ra ngoài khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia thấy ra chính sách thương mại bất chính của Trung Quốc. Việc sử dụng tiền Tàu trên đất Việt sẽ giúp cho mục tiêu gian trá đó".

Được hỏi về hậu quả của quyết định này, ông Nghĩa nêu ra nhiều nhận xét.

"Thứ nhất, Việt Nam bị đẩy sâu hơn vào tình trạng lệ thuộc Trung Quốc đã quá nặng.

Thứ hai, Bắc Kinh thành công khi tạo ra hình ảnh Việt Nam là một đồng chí và bạn hàng số một trong Hiệp Hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á và cho thấy đồng Nguyên của họ trở thành một "ngoại tệ phổ biến" trong ngoặc kép.

Thứ ba, Trung Quốc có thể lũng đoạn hệ thống hối đoái hay ngoại hối của Việt Nam với khí cụ mới là đồng Nguyên do Bắc Kinh chứ không do thị trường tự do quyết định về trị giá. Thứ tư, thế giới bên ngoài không thể không biết chuyện đó vì báo chí quốc tế đã nói từ lâu, cho nên Việt Nam dễ bị các nước trừng phạt về mậu dịch khi bán hàng Tầu dưới nhãn Việt".

Khi được hỏi đánh giá thế nào về phản ứng của người dân Việt Nam về việc này, ông Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ vẻ bi quan. Ông không nghĩ người dân Việt Nam sẽ phản ứng dữ dội, bởi nhiều người không biết chuyện đồng nhân dân tệ được lưu hành ở Việt Nam. Nếu biết, cũng không nhiều người dân dự đoán được việc này sẽ ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam, trừ khi báo chí phân tích rõ ràng sự lợi hại.

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa kết luận rằng Hà Nội đã cân nhắc từ lâu và quyết định trôi sâu hơn vào vòng lệ thuộc Trung Quốc vì chính trị mới thực sự chi phối chính sách kinh tế. 

Trúc Linh

Published in Việt Nam