Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/09/2018

Phan Châu Trinh và con đường cứu nước

Nguyễn Trang Nhung

Bài viết nhân ngày sinh của Phan Châu Trinh, 9/9/1872 – 9/9/2018

Phan Châu Trinh (1872 – 1926) là một trong những nhân vật lịch sử điển hình của thế kỷ 19, 20. Ông là một nhà văn hóa, một nhà tư tưởng, và một nhà cách mạng. Sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh đất nước bị đô hộ bởi thực dân Pháp, với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã trăn trở về con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Không giống như con đường của bao chí sĩ khác, con đường của ông rất đỗi khác biệt, thể hiện tầm nhìn lớn lao và chứa đựng nhiều thách thức.

pct1

Phan Châu Trinh (9/9/1872 – 24/3/1926)

Con đường ấy có thể được gọi tên bằng phương châm của phong trào Duy Tân mà ông đề xướng và thúc đẩy, đó là Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh hay "tự lực khai hóa". Khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, theo học chữ quốc ngữ, khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục. Chấn dân khí là hun đúc nơi mỗi cá nhân tinh thần tự lực tự cường, sự hiểu biết về quyền lợi của mình, cùng lòng can đảm để lên án cái xấu, cái ác. Hậu dân sinh là khuyến khích người dân học nghề, khai hoang, làm vườn, sản xuất và giao thương [1].

Tầm nhìn của ông hay cái đích của con đường ấy rất rõ ràng, đó là một nền độc lập, tự do của dân tộc với nền tảng là độc lập, tự do của cá nhân, mà nền tảng độc lập, tự do của cá nhân lại cốt ở sự học hành và mở mang về trí tuệ. Ông là chí sĩ hiếm hoi (nếu không phải là duy nhất ?) chủ trương con đường hòa bình ấy. Cùng thời với ông, nhiều chí sĩ chủ trương bạo lực, điển hình là Phan Bội Châu. Đối với chủ trương này, ông đã thể hiện lập trường của mình, rằng "Không bạo động, bạo động ắt chết. Không hướng ngoại, hướng ngoại là ngu" [2].

Phan Châu Trinh nhìn ra nguyên nhân của sự mất nước chính là ở sự yếu kém về tri thức lẫn về khí chất của dân tộc. Theo ông, Việt Nam đã đi sau thế giới cả một thời đại văn minh. Nếu dùng bạo lực cách mạng, đất nước có độc lập, tự do đi nữa thì chưa chắc người dân đã có độc lập, tự do về mặt cá nhân. Vì vậy, con đường đúng đắn phải là tiếp thu văn minh phương Tây, trong đó có văn minh của nước Pháp. Do đó, Việt Nam có thể tạm thời dựa vào Pháp mà cầu tiến bộ, rồi từ đó phục hồi nền độc lập, tự do của quốc gia. 

Có thể thấy, đây là con đường đòi hỏi thay đổi tận gốc rễ về văn hóa và con người Việt Nam. Sự thay đổi này không hề dễ dàng, thậm chí vô cùng khó khăn. Trong tác phẩm ‘Tinh hồn Quốc ca I’, ông đã chỉ ra những điều bi ai của dân tộc Việt Nam, gắn với các tính cách lười biếng, bê tha, mê tín, đố kỵ, tham sống sợ chết, cục bộ địa phương, chỉ biết đến bản thân, gia đình mà không biết đến quốc gia, v.v. Trong diễn văn ‘Đạo đức và luân lý Đông Tây’, ông đã cho thấy nền đạo đức và luân lý của đất nước đổ nát hết cả…

Đi con đường của mình, ông đã kết giao với nhiều chí sĩ, tìm kiếm những người cùng chí hướng khi chủ trương của mình yếu thế hơn nhiều so với chủ trương bạo lực. Năm 1906, ông cùng Lương Văn Can và một số chí sĩ Bắc Hà khác thành lập cơ sở Duy Tân ở miền Bắc. Cũng năm ấy, ông cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng tạo thành "bộ ba Quảng Nam" nổi tiếng, đi khắp tỉnh này và các tỉnh lân cận để vận động phong trào Duy Tân nhằm cải cách giáo dục. Trong khi đó, đối với các chí sĩ chủ trương bạo lực, ông chỉ phối hợp với họ ở việc viết sách, đề xướng dân quyền mà thôi.

Để thức tỉnh dân chúng, ông đã làm các bài thơ, văn yêu nước, kêu gọi sự đoàn kết, truyền bá tư tưởng mới, vận động cải cách. Ông đã diễn thuyết nhiều nơi nhằm thuyết phục dân chúng đi theo các giá trị mới, trong đó có dân quyền, dân chủ, tự do. Ông đã khuyến khích đồng bào mở trường dạy học, lập các hội buôn. Ông đã hô hào thanh niên vận Âu phục, cắt tóc ngắn. Ông cũng kêu gọi mọi người dùng hàng hóa nội địa để giúp kinh tế trong nước phát triển [3]. Ông còn vận động dân chúng khôi phục nền đạo đức và luân lý. 

Phong trào Duy Tân đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều tầng lớp nhân dân. Nhiều nông hội, buôn hội, xưởng dệt, trường học theo lối mới đã ra đời. Người dân đua nhau cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, bỏ rượu chè, bài hủ tục, v.v. [4]. Bên cạnh những thành quả của cá nhân nói riêng và phong trào nói chung, Phan Châu Trinh cũng có những thất bại. Một trong những thất bại ấy là việc gửi thư cho toàn quyền Paul Beau vào năm 1906 yêu cầu chính phủ Pháp cải cách chính trị và thành thực khai hóa cho người dân Việt Nam. Yêu cầu này, tiếc thay, đã không được đáp ứng. 

Khi cuộc vận động cải cách dâng cao và dẫn đến các cuộc biểu tình rộng lớn chống sưu cao thuế nặng với quy mô hàng vạn người vào năm 1908, Pháp đã nhận thấy cần phải dập tắt phong trào và tiêu diệt những người đứng đầu của nó. Một số lãnh đạo của phong trào đã bị xử tử, trong đó có Trần Quý Cáp. Phan Châu Trinh cũng bị kết án tử hình, nhưng may mắn hơn, được ân xá và sau đó, bị đày ra Côn Đảo. Phong trào từ chỗ ôn hòa đã chuyển dần sang bạo động, đối đầu, và kết quả bị đàn áp dường như là tất yếu. 

Cho đến cuối đời, qua bao trở ngại, kể cả bệnh tật và tù đày, Phan Châu Trinh vẫn tiếp tục đi con đường của mình, có khi là đơn độc, có khi là cùng với những người khác, dù không còn đạt được những thành quả như vào thời của phong trào Duy Tân. Chính bởi sức ảnh hưởng và khả năng truyền cảm hứng của ông mà khi ông mất, 100.000 người, tức gần 29% dân số Sài Gòn, Chợ Lớn hồi đó đưa tiễn linh cữu của ông trong sự thành kính và thương tiếc [5]. Di sản mà ông để lại là tinh thần, là tư tưởng, cũng như là con đường cho thế hệ hậu sinh.

Hơn một thế kỷ qua, con đường của Phan Châu Trinh từng bị xem là cải lương, song theo thời gian, đã dần được chân nhận là đi trước thời đại. 

Ngày nay, dù bối cảnh của quốc gia đã đổi thay song những nan đề về văn hóa và con người vẫn còn như trước. Đó là chưa kể những nan đề về kinh tế, chính trị, v.v. Theo cách nào đi nữa, những nan đề luôn dẫn chúng ta trở lại con đường của Phan Châu Trinh, và vì vậy Khai Dân trí, Chấn Dân khí, Hậu dân sinh vẫn là sứ mệnh cấp thiết. Để đi tiếp con đường này, mỗi cá nhân cần ý thức rõ bổn phận của mình là mở mang tri thức, trở nên tự cường, độc lập, tự do, từ đó góp phần làm cho đất nước thực sự tự cường, độc lập, tự do. 

Khép lại, người viết xin dẫn một lời bình của nhà sử học người Pháp Daniel Hémery về Phan Châu Trinh, rằng : "Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh (…) là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hoá và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải – và mãi mãi còn phải – đảm nhận" [6].

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 08/09/2018

(NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Phan Châu Trinh - http://www.chungta.com/tg/tac-gia/phan-chau-trinh.html

[2] "Bất bạo động, bạo động tắc tử. Bái vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu." Phan Châu Trinh đã nói như vậy với Phan Bội Châu khi hai người gạp nhau tại Nhật Bản vào năm 1906

[3] như [1]

[4] Đinh Xuân Lâm (2006), Phan Châu Trinh – Cuộc đời và sự nghiệp - http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phan_chau_trinh-cuoc_doi_va_su...

[5] Nguyên Ngọc (2006), Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa  - http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Phan_Chau_Tr...

[6] như [1]

Quay lại trang chủ
Read 770 times

1 comment

  • Comment Link Trần Ngọc Báu lundi, 10 septembre 2018 16:43 posted by Trần Ngọc Báu

    Hơn một thế kỹ sau cụ Phan Châu Trinh, có mấy người Việt Nam ngày nay nhìn nhận con đường của Cụ đã "đi trước thời đại", và "những nan đề về văn hóa và con người vẫn còn như trước". Nhất là các chính khách trong ngoài nước ngày nay có nhìn nhận rằng "nguyên nhân của sự mất nước chính là ở sự yếu kém về tri thức lẫn về khí chất của dân tộc" và không thể cứu nước bằng "bạo lực cách nạng" vì nếu đất nước có độc lập tự do bằng con đường bạo lực, "thì chưa chắc người dân đã có độc lập, tự do về mặt cá nhân". Theo Phan Châu Trinh lúc bấy giờ "Việt Nam đã đi sau thế giới cả một thời đại văn minh". Còn bây giờ, mấy ai nghĩ rằng VN đã đánh mất đi bao nhiêu "thời đại văn minh" rồi?! Mấy ai dám vạch trần những cái tồi tệ nơi người Việt Nam như Nguyễn Gia Kiểng trong cuốn *Tổ Quốc Ăn Năn".
    Cám ơn tác giả đã nhớ đến Cụ Phan Châu Trinh nhân ngày sinh nhật thứ 146 của cụ.
    Trần Ngọc Báu

    Trích dẫn từ tác giả:
    "Hơn một thế kỷ qua, con đường của Phan Châu Trinh từng bị xem là cải lương, song theo thời gian, đã dần được chân nhận là đi trước thời đại."

    Ngày nay, dù bối cảnh của quốc gia đã đổi thay song những nan đề về văn hóa và con người vẫn còn như trước."

    "Phan Châu Trinh nhìn ra nguyên nhân của sự mất nước chính là ở sự yếu kém về tri thức lẫn về khí chất của dân tộc. Theo ông, Việt Nam đã đi sau thế giới cả một thời đại văn minh. Nếu dùng bạo lực cách mạng, đất nước có độc lập, tự do đi nữa thì chưa chắc người dân đã có độc lập, tự do về mặt cá nhân."

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)