Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2018

Mỹ đe dọa trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế

Lữ Giang

Lời giới thiệu : Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế đã được 120 quốc gia tham gia Hội nghị Ngoại giao của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Rome từ 15/6 đến 17/07/1998 chấp thuận, được phê chuẩn ngày 11/04/2002 và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2002. Thẩm quyền của tòa án là điều tra, truy tố và trừng phạt các cá nhân vi phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.

cpi1

Trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế tại Den Haag (La Haye) Hòa Lan

Hiện nay đã có đã có tất cả 114 quốc gia tham gia hiệp ước này. Ngoài ra, còn có 34 quốc gia, trong đó có Nga, đã ký vào hiệp ước nhưng chưa được quốc hội phê chuẩn.

Mỹ là một trong các quốc gia đứng ra vận động mạnh mẽ cho việc thành lập Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế và đã ký tên vào hiệp ước này ngày 31/12/2000. Tuy nhiên, ngày 11/09/2001 quân khủng bố mở cuộc tấn công Tòa Tháp Đôi thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Bin Laden được coi là nghi can đầu tiên trong thảm kịch này và đang ở Afghanistan. Ngày 7/10/2001, sau khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden và nhiều lần thách thức, Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu mở cuộc tấn công vào Afghanistan. Sau đó, ngày 20/03/2003 Mỹ mở cuộc tấn công vào Iraq không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, viện lý do Saddam Hussein tàng trử võ khí giết người hàng loạt. Để tránh bị truy tố về tội ác xâm lược, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, ngày 6/05/2002 Tổng thống Bush đã rút tên ra khỏi hiệp ước Tòa án Hình sự Quốc tế.

cpi2

Cố vấn Tòa Bạch Ốc, Jared Kushner, găp Thủ tướng Do Thái, Benjamin Netanyahu, tại Jerusalem ngày 24/08/20147 - Ảnh minh họa

Nhiều người tin rằng Donald Trump là người được Thượng Đế sai đến để cứu nước Mỹ. Nhưng họ quên rằng Donald Trump còn có một "sứ mạng" quan trọng hơn là cứu Do Thái, vì Jared Kushner con rể của ông, là người Do Thái, tức con Thiên Chúa. Luật sư Michael Cohen, người đã cứu ông ra khỏi 3.500 vụ tranh tụng cũng là người Do Thái. Do Thái lại là nguồn tài chánh tranh cử của Donald Trump. Vì thế, ngày 14/05/2018, Donald Trump đã ra lệnh chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem và coi Jerusalem là thủ dô của Do Thái, mặc dầu hành động này trái với Nghị quyết số 478 ngày 20/08/1980 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đây làm hành động không chính phủ nào của Mỹ trước đó muốn làm.

Trong thực tế, Jerusalem hiện nay là di sản chung của ba tôn giáo : Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.

Trong tập "Le Loup et l'agneau" (Chó sói và cừu non), La Fontaine đã nói : "La raison du plus fort est toujours la meilleure", nghĩa là lý của lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Donald Trump đang áp dụng nguyên tắc đó để cai trị. Hiến pháp, luật pháp và hiệp ước quốc tế được đặt dưới ghế ngồi, vì ông không biết tý gì vế luật pháp.

Dưới đây là bản tin "Mỹ đe dọa trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế" do đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ công bố ngày 10/09/2018. Lý do được Mỹ đưa ra dể trừng phạt là vì Tòa án Hình sự Quốc tế dọa sẽ tiến hành điều tra về tội phạm chiến tranh của người Mỹ ở Afghanistan và các tội phạm của Israel đối với người Palestine.

Lữ Giang

(12/09/2018)

**************

Mỹ đe dọa trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế (VOA, 10/09/2018)

Ngày 10/9, Hoa Kỳ đưa ra lập trường cứng rắn đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC-International Criminal Court), đe dọa sẽ trừng phạt các thẩm phán ICC nếu họ tiến hành điều tra về tội phạm chiến tranh của người Mỹ ở Afghanistan, theo Reuters.

cpi3

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, John Bolton, dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố trong bài phát biểu vào giữa trưa 10/9 ở Federalist Society, một tổ chức bảo thủ ở Washington. Đây sẽ là bài phát biểu lớn đầu tiên của ông kể từ khi gia nhập chính quyền của ông Trump.

"Hoa Kỳ sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ công dân và các đồng minh của chúng tôi khỏi bị tòa án bất hợp pháp này truy tố một cách bất công", Reuters dẫn lại lời ông Bolton sẽ nói dựa theo bài phát biểu mà hãng thông tấn này xem được.

Ông Bolton dự kiến cũng sẽ cho biết việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington vì lo ngại về những nỗ lực của Palestine nhằm thúc đẩy ICC điều tra Israel.

"Hoa Kỳ sẽ luôn luôn đồng hành với người bạn và đồng minh của chúng tôi là Israel", vẫn theo bản thảo bài phát biểu của ông Bolton.

Phía Palestine nói rằng họ không hề nản chí trong vấn đề ICC và Israel. Họ mô tả kế hoạch đóng cửa PLO là chiến thuật gây áp lực mới nhất từ chính quyền của ông Trump. Trước đó, Mỹ cắt giảm tài trợ cho cơ quan của Liên Hiệp Quốc dành cho người tị nạn Palestine và các bệnh viện ở Đông Jerusalem, nơi người Palestine muốn là thủ đô của quốc gia tương lai của mình.

"Chúng tôi lặp lại rằng các quyền của người Palestine không phải là để bán, chúng tôi sẽ không để yên cho những đe dọa và bắt nạt của Hoa Kỳ", Reuters dẫn lời ông Saeb Erekat, một quan chức Palestine, nói trong một tuyên bố.

"Theo đó, chúng tôi tiếp tục kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế mở cuộc điều tra trực tiếp về tội ác của Israel".

Israel chưa có phản ứng gì. Các văn phòng chính phủ nước này hiện đang đóng cửa nhân dịp năm mới của người Do Thái.

cpi4

Tòa nhà của ICC ở La Haye, Hà Lan.

Theo bản thảo bài phát biểu của ông Bolton, chính quyền của ông Trump "sẽ chống lại" nếu ICC tiến hành mở cuộc điều tra về tội phạm chiến tranh do các binh sĩ và chuyên gia tình báo Mỹ thực hiện trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Nếu một cuộc điều tra như vậy xảy ra, chính quyền của ông Trump sẽ xem xét cấm các thẩm phán và công tố viên ICC nhập cảnh vào Hoa Kỳ, đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ khoản tiền nào mà họ có trong hệ thống tài chính của Mỹ và truy tố họ tại các tòa án Mỹ.

"Chúng tôi sẽ không hợp tác với ICC. Chúng tôi sẽ không hỗ trợ cho ICC. Chúng tôi sẽ không tham gia ICC. Chúng tôi sẽ để ICC tự tàn lụi. Thực ra, ICC đã chết đối với chúng tôi", bản thảo của ông Bolton nói.

Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể đàm phán các thỏa thuận song phương ràng buộc hơn để ngăn cấm các quốc gia tố cáo công dân Mỹ ra tòa án có trụ sở tại La Haye, vẫn theo bản văn.

Mục đích của tòa án quốc tế là xét xử các thủ phạm gây tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại và tội diệt chủng.

Hoa Kỳ đã không phê chuẩn hiệp ước Rome thành lập ICC vào năm 2002 và Tổng thống George W. Bush vào thời điểm đó đã phản đối tòa án này. Người kế nhiệm ông Bush, Tổng thống Barack Obama, đã thực hiện một số bước hợp tác với tòa án.

"Chúng tôi sẽ xem xét các bước trong Hội đồng Bảo an LHQ để hạn chế quyền hạn của tòa án, bao gồm đảm bảo rằng ICC không thực thi thẩm quyền đối với người Mỹ và công dân của các đồng minh chúng tôi, những người không phê chuẩn Quy chế Rome".

Trong khi đó, người Palestine phản ứng bất bình đối với việc cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ, cảnh báo rằng việc này có thể dẫn đến đói nghèo và thịnh nộ hơn, vốn là hai trong những yếu tố châm ngòi cho nhiều thập niên xung đột với Israel.

Tuần trước, Tổng thống Trump ra lệnh phân bổ 25 triệu đôla dành cho việc chăm sóc người Palestine ở Đông Jerusalem sang mục đích sử dụng khác.

"Quyết định này sẽ gây ra khó khăn nghiêm trọng về tiền bạc cho các bệnh viện và chắc chắn sẽ gây ra chậm trễ trong việc cứu sống và các điều trị khẩn cấp khác", ông Walid Nammour, người đứng đầu mạng lưới 6 bệnh viện bị ảnh hưởng nói với các phóng viên hôm 10/9. "Nói chung, quyết định này gây ra nguy cơ cho sức khỏe của 5 triệu người Palestine".

Quay lại trang chủ
Read 667 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)